Khi sự thúc đẩy không bao hàm các cá nhân/nhóm người không có đặc quyền

Picture of Nhà Nhiều Cột

Nhà Nhiều Cột

Chiến dịch #NhàNhiềuCột nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của người trẻ đối với các định kiến giới và thay đổi các sản phẩm quảng cáo nhằm hướng tới mục tiêu bình đẳng giới.

“Con vua thì lại làm vua

Con sãi ở chùa thì quét lá đa”

Dân gian ta nói về đặc quyền như vậy, còn khoa học gọi tên hiện tượng này là hiệu ứng Matthew: trong nhiều lĩnh vực đời sống, thành công có thể tạo ra thành công, và bất bình đẳng sinh ra nhiều bất bình đẳng hơn. Kẻ có nhiều có nhiều hơn, người không có tiếp tục không có.

Trong “Ơn giời, de Beauvoir trả lời”, Freya Rose và Tabi Jackson Gee đã lý luận: số lượng quyền mà bạn có, và việc thực thi chúng (hay không) bởi các tổ chức, từ các tập đoàn toàn cầu đến lực lượng cảnh sát, phụ thuộc vào nơi bạn đang sống, lượng tài sản của bạn, màu da của bạn, sức khỏe của cơ thể bạn và niềm tin tôn giáo ngự trị trong môi trường sống của bạn. Kể cả trong lĩnh vực bình đẳng giới, những tiến bộ vẫn chỉ chạm đến một nhóm được hưởng đặc quyền…

“SAO MẸ CỔ HỦ THẾ”

May be a cartoon of one or more people and text

Sự mặc định về tư tưởng “lạc hậu”, “cổ hủ” hay “không cấp tiến” khi nhắc tới những người bà, người mẹ đã bỏ lại một vấn đề cốt yếu: bối cảnh mà họ sinh trưởng. Bị gò bó, ràng buộc trong bốn chữ “tam tòng, tứ đức” dưới sự ảnh hưởng nặng nề từ xã hội nam quyền, người phụ nữ có xu hướng nội tâm hóa những áp bức: nhìn nhận sự phụ thuộc và thỏa hiệp với đàn ông, vai trò “giữ lửa” trong gia đình là điều tất lẽ dĩ ngẫu. Sinh nở bị quy chụp thành chức năng hiển nhiên, trách nhiệm bắt buộc. Những khuôn mẫu và định kiến giới quy định “giữ lửa” mái ấm là nhiệm vụ của người phụ nữ, biến “hy sinh” trở thành lẽ đương nhiên và buộc phải làm, thay vì là một lựa chọn.[1]

Ra đời với mục đích kêu gọi phụ nữ đảm đương vai trò làm hậu phương trong những ngày kháng chiến, câu khẩu hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã trở thành một khuôn mẫu cho hình ảnh “người phụ nữ Việt” với ba gánh nặng trên vai: năng suất, sinh con và đóng góp cho cộng đồng [2]. Trải qua những ngày vất vả trong công cuộc đẩy lùi suy thoái và trì trệ kinh tế – hệ lụy sót lại từ thời bao cấp [3], người phụ nữ hiểu rõ nỗi cơ cực của đói nghèo, vất vả khi gồng gánh bởi không thể chia sẻ công việc với người chồng của mình. Cùng với những phức cảm khôn dứt từ quá khứ, khó tránh khỏi việc họ đặt nhiều kì vọng vào thế hệ trẻ hiện nay – thế hệ sinh ra với nhiều đặc quyền hơn. Nỗi ám ảnh từ quá khứ khắc sâu trong họ những gì cần làm và nên làm. Họ chọn dự phóng tương lai của ta bằng chất liệu của ngày đã qua.

Nhìn vào bối cảnh và những yếu tố đã tác động lên thế hệ những người bà, người mẹ, chúng ta có thể hiểu rõ và thấu cảm hơn, thay vì tiếp tục chì chiết họ “cổ hủ”, “lạc hậu”. Bao dung không phải là đồng thuận với những diễn ngôn lãng mạn như “đức hy sinh” hay “thiên chức” làm bà, làm mẹ. Mà hơn hết, nó là để san sẻ cuộc sống này với nhau và có một cái nhìn bao quát hơn. Chọn chôn vùi quá khứ dưới nhiều tấc đất, ca ngợi cuộc sống khai phóng và cấp tiến ở tương lai, ta vô tình lờ đi điều tất yếu của sự phát triển là luôn có người bị bỏ lại phía sau. Cần lưu ý rằng, một tương lai văn minh và khai phóng hơn không hiện ra từ trong không khí và mỗi người đều đi trên vận tốc của riêng mình. [4]

Và nếu ta chỉ dừng lại ở việc nói thế hệ trước lỗi thời và cổ hủ, và cố tình lược đi thay vì ghi nhận mọi chằng néo của họ với hoàn cảnh đã làm nên họ, thì tôi đoán rằng ta không hề cấp tiến chút nào.” (Vũ Hoàng Long, 2022)

👉 TÍNH LỆ THUỘC VÀ BẤT KHẢ CỦA VIỆC “LÀM MẸ”

Đặt mục tiêu đấu tranh là “giải phóng” phụ nữ, đã có lúc các nhà đấu tranh cho nữ quyền vô tình lờ đi tính lệ thuộc lẫn nhau của con người [5]. Theo tiến sĩ Nguyễn Thu Giang, “người mẹ luôn tồn tại trong một mối quan hệ có tính lưỡng nan và luôn trong tâm thế phải sẵn sàng hoặc buộc phải thỏa hiệp giữa một bên là cam kết tự nguyện chăm sóc người khác và một bên là khao khát độc lập tự chủ. Mọi quyết định của một người phụ nữ khi ‘trở thành mẹ’ không chỉ đơn giản dựa trên tiêu chí ‘làm sao để tốt nhất cho bản thân?’ mà đã trở thành ‘làm sao để tốt nhất cho gia đình, cho con cái và cho bản thân?’”. [6]

Thúc đẩy tự do lựa chọn của phụ nữ, các nhà nữ quyền dễ rơi vào cái bẫy nhìn nhận mọi phụ nữ đều ngang bằng nhau về quyền lợi. Thử hỏi rằng, nếu không có đặc quyền về kinh tế và điều kiện học vấn, liệu người phụ nữ có đủ thời gian và tâm trí để hoài nghi hiện thực và nghĩ về quyền tự chủ của mình hay không?

Có thể thấy, “người mẹ” không thể và không nên được nhìn nhận dưới góc độ là chủ thể toàn quyền quyết định tư tưởng, hành động và mối bận tâm của mình. Đặc biệt, khi được coi là người chăm non (caregiver) cho người khác và cho thế giới, người phụ nữ dễ bị ảnh hưởng bởi sự áp bức do nội tâm hóa (internalized oppression) về trách nhiệm tất yếu của mình. Khi nhìn thấy người thân của mình, đặc biệt là con cái có những tư tưởng và hành động khác với những gì họ trải nghiệm và tuân theo, người mẹ có xu hướng bất an, xấu hổ, lo lắng là do mình chưa dạy dỗ đúng mà từ đó tìm cách khuyên nhủ và chấn chỉnh.

Gạt bỏ bối cảnh kinh tế – xã hội, sự lệ thuộc lẫn nhau trong quá trình tái sản xuất thế giới, ta khó có thể nhìn nhận được sự bất khả trong việc “làm mẹ” với những tư tưởng và định kiến còn hằn sâu. Sự giận dữ của người trẻ thực chất vẫn dựa trên tiền giả định rằng người mẹ tất yếu là chủ thể thành công của công việc chăm sóc.

“CÃI NHAU AI RỬA BÁT LÀM GÌ, CỨ MUA MÁY RỬA BÁT LÀ XONG”

May be a cartoon of text that says '#nhà ngot Cေ Cãi nhau ai rửa bát làm gì, CỨ mua máy rửa bát là xong!'

Ha-Joon Chang – nhà kinh tế học nổi tiếng tại Hàn Quốc và giáo sư tại Đại học Cambridge đã từng nói rằng: máy giặt là một phát minh quan trọng hơn internet [1]. Ông cho rằng: “Máy giặt, gas, nước sinh hoạt và tất cả những công nghệ gia dụng tầm thường đã cho phép phụ nữ tham gia thị trường lao động, sinh ít hơn và có con muộn hơn, đầu tư nhiều vào từng đứa con hơn và đặc biệt là trẻ em gái. Điều này đã thay đổi vị trí thương lượng của phụ nữ trong gia đình và ở ngoài xã hội, mang lại cho phụ nữ quyền bầu cử và hàng tá thay đổi khác. Cách chúng ta sống đã khác xưa.”

Thoạt đầu, những diễn ngôn kiểu này nghe rất tiến bộ và chỉ ra những lợi ích mà phụ nữ thừa hưởng từ công nghệ. Logic đằng sau chúng như sau: máy móc giúp phụ nữ làm việc nhà nhanh hơn, nhờ đó phụ nữ có thể tiết kiệm thời gian và đầu tư vào những thứ khác có ích cho bản thân. Tuy nhiên, có thật là công nghệ giải phóng phụ nữ? Có thật là chỉ cần mua cho các bà các mẹ máy giặt, máy rửa bát, máy hút bụi v.v là phụ nữ đã thoát khỏi gánh nặng mang tên “việc nhà”?

🤔 GÓC NHÌN CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU LÝ THUYẾT

Trong cuốn “More Work for Mother” (1983), Ruth Schwartz Cowan – một học giả Mỹ nghiên cứu về lịch sử đồ công nghệ gia dụng – đã chỉ ra rằng: mỗi phát minh ra đời nhằm giúp phụ nữ tiết kiệm thời gian làm việc nhà lại thực ra tăng lượng việc mà phụ nữ phải làm [2]. Cũng theo một nghiên cứu Ruth xuất bản vào năm 1976, việc nhà được chia thành 3 loại chính: (i) Những công việc thường nhật (nấu ăn, dọn dẹp v.v.) (ii) Quản lý tài chính gia đình (mua sắm v.v) (iii) Chăm sóc con cái. Quả thực, những đồ công nghệ gia dụng có thể giúp tiết kiệm thời gian cho phụ nữ trong loại việc nhà (i), tuy nhiên lượng công việc trong 2 loại kia lại tăng lên. Cộng với nhận thức đại chúng tăng cao về vấn đề vệ sinh và sự thiếu vắng của những người giúp việc, toàn bộ nhiệm vụ nội trợ giờ đặt lên người mẹ. [3] Chúng ta thường nghĩ rằng đồ gia dụng sẽ giúp tiết kiệm thời gian, nhưng lại quên rằng tiêu chuẩn của chúng ta với việc nhà lại tăng lên. Chẳng hạn, ta không phải nhóm củi nấu bếp nhưng lại phải nấu nhiều món ăn hơn với sự thịnh soạn và cầu kỳ hơn [4]; ta không phải tự giặt quần áo nhưng mọi món đồ cần phải được vệ sinh kĩ càng hơn bao giờ hết.

Ngoài ra, cách ‘giải phóng’ phụ nữ này dường như chỉ dừng lại ở bề mặt, đặc biệt khi nó chịu ảnh hưởng bởi quá trình thương mại hóa. Khi những món đồ gia dụng bước vào cuộc chơi, quảng cáo đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hình tượng phụ nữ này: những cụm từ như “người mẹ lý tưởng”, “làm sao để giúp gia đình êm ấm”, những hình ảnh người mẹ gắn với căn bếp và các món đồ gia dụng v.v. Quảng cáo đánh vào cảm xúc của người xem, đặc biệt là những người phụ nữ với mặc cảm và sự áy náy rằng mình phải làm mọi thứ có thể để bày tỏ tình cảm và sự tận tụy với gia đình. Theo đó, tiêu chí về một người nội trợ lý tưởng và (dường như) cũng là niềm tự hào của người phụ nữ được gắn liền với độ sạch bóng của căn nhà (và việc sở hữu những món đồ công nghệ gia dụng). Tất cả những điều này không những không giải phóng phụ nữ từ gốc rễ mà còn khiến họ phải đối mặt với một khuôn mẫu phụ nữ mới.

👀 LIÊN HỆ TỚI BỐI CẢNH VIỆT NAM

Mặc dù nghiên cứu của Ruth được thực hiện tại Mỹ vào thế kỉ 19, 20, ta có thể thấy nhiều điểm tương đồng áp dụng tại xã hội Việt Nam hiện nay. Vẫn là những quảng cáo về máy rửa bát, máy giặt, máy hút bụi v.v. gắn với diễn ngôn về một “người phụ nữ hiện đại”, nhưng thực trạng thì phụ nữ vẫn đang phải gánh vác công việc nhà.

Theo báo cáo phân tích dựa trên số liệu Điều tra Lao động – Việc làm của Tổ chức Lao Động quốc tế, phụ nữ trung bình dành số giờ gấp đôi nam giới để làm việc nhà [5]. Cũng trong một báo cáo phát hành năm 2017 của ILO, tại Hà Nội, 30% phụ nữ và nam giới Việt Nam được hỏi cho biết họ muốn người phụ nữ ở nhà nội trợ [6]. Có thể thấy, hình ảnh phụ nữ gắn với tề gia nội trợ dường như đã trở thành mặc định. Chừng nào người chồng vẫn chưa biết chia sẻ công việc nhà với vợ, thì dù có máy rửa bát hay máy giặt đời mới, phụ nữ vẫn chưa được giải phóng hoàn toàn.

Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng nhất đối với diễn ngôn này là tầm nhìn hạn hẹp của nó. Sự “giải phóng” (nếu có) chỉ xảy ra đối với những phụ nữ ở tầng lớp trung lưu trở lên – tức những người có đủ nguồn lực tài chính để chi trả cho những đồ công nghệ gia dụng này. Mỗi chiếc máy giặt hay máy rửa bát có giá trị trung bình ước tính khoảng 10 triệu đồng – vượt quá sức chi trả của phần lớn hộ gia đình tại Việt Nam. Theo Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 (viết gọn là KSMS 2020), thu nhập bình quân (TNBQ) một người/tháng chung cả nước năm 2020 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng, giảm khoảng 1% so với năm 2019. Trong khi đó, nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất – nhóm 5) có TNBQ một người/tháng năm 2020 đạt 9,1 triệu đồng; cao gấp hơn 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất – nhóm 1), với mức thu nhập đạt 1,1 triệu đồng. Mặc dù sự sở hữu đồ gia dụng có xu hướng gia tăng theo từng năm, số lượng đồ dùng lâu bền trên 100 hộ khu vực thành thị cao hơn nông thôn ở hầu hết các loại đồ dùng. [7] Bên cạnh đó, nhóm hộ dân tộc Kinh đầu tư vào đồ gia dụng cao hơn nhóm khác là 5.917 nghìn đồng, tương ứng 42,6% [8].

Vậy tức là, trong khi một nhóm người được cho là “đã được giải phóng” bởi máy rửa bát hay máy giặt, những nhóm yếu thế hơn như phụ nữ thu nhập thấp, phụ nữ nông thôn hay phụ nữ dân tộc thiểu số không được chia phần trong miếng bánh mang tên “giải phóng”. Với hàng tá những sự đầu tư tốn kém khác như giáo dục, nhà ở, lương thực, thực phẩm, v.v., nghĩ đến những chiếc máy rửa bát hay thậm chí máy giặt vẫn là một ước mơ xa xỉ với họ.

Rõ ràng, nếu hạnh phúc gia đình và sự tự do của người phụ nữ được gắn với máy rửa bát, thì những nhóm phụ nữ kể trên vừa không “lý tưởng” vừa không có “tự do”. Cách tiếp cận vấn đề việc nhà không nên dừng lại ở việc kêu gọi “các diễn đàn về nữ quyền luôn nên có một đại diện các nhãn đồ gia dụng”. Nếu ta cứ mãi rao giảng về công dụng của máy rửa bát hay máy giặt và cứ để cho những quảng cáo định nghĩa thế nào mới là người phụ nữ lý tưởng, phụ nữ không những không được giải phóng mà còn phải gồng mình gánh vác những trách nghiệm mới, phải o ép cho vừa những khuôn mẫu mới. Các diễn ngôn đấu tranh cho bình đẳng giới nên nhìn nhận rõ mối liên hệ giữa những định kiến thâm căn cố đế về vai trò của người phụ nữ cũng như những hạn chế hiển hiện về kinh tế giữa các nhóm người. Đấu tranh thực sự là đấu tranh không bỏ một ai phía sau. 

XEM THÊM:

Bài đăng quảng cáo:

  1. Có nên mua robot hút bụi, máy giặt sấy, máy rửa bát, nồi chiên không dầu? (vnexpress.net)
  2. HÃY GIẢI PHÓNG SỨC LAO ĐỘNG CHO PHỤ NỮ VỚI MÁY RỬA BÁT BOSCH – CHUYÊN ĐỀ “VÀO BẾP KHÓ GÌ?” (hmh.com.vn)
  3. Phụ nữ hiện đại trong bếp phải luôn có máy rửa bát | Công Nghệ Nhật | congnghenhat.com)

Tờ rơi quảng cáo đồ gia dụng tại Mỹ:

  1. l7yswxufkewith08d4ma.jpg (1280×720) (gizmodo.com.au)
  2. 18884c81-ca12-46c2-9561-241610c70cdc (764×944) (hoover.co.uk)
  3. b462fb2eda64f63c7bb29590f9c6f224.jpg (420×567) (pinimg.com)

“CHỦ NGHĨA NỮ QUYỀN ĐANG CƯỚP ĐI QUYỀN VÀO BẾP CỦA PHỤ NỮ”

May be a cartoon of one or more people and text that says '1 #nhà cát Co "Chủ nghĩa nữ quyền đang cướp đi quyền vào bếp của phụ nữ"'

Chủ nghĩa nữ quyền đấu tranh để xác định, xây dựng và bảo vệ quyền lợi chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội bình đẳng cho phụ nữ. Thế nhưng, vì sao vẫn có người cho rằng “đàn bà không làm bếp thì làm gì”, nội trợ là “thiên chức” của phụ nữ và chủ nghĩa nữ quyền đang “cướp” quyền vào bếp của họ?

❓Làm nội trợ toàn thời gian nghĩa là sao

Theo lập luận của Freya Rose và Tabi Jackson trong “Ơn giời, de Beauvoir trả lời”, chủ nghĩa nữ quyền trao cho phụ nữ nhiều lựa chọn hơn, nhiều quyền kiểm soát cuộc sống riêng hơn, và không cho rằng việc lựa chọn trở thành nội trợ toàn thời gian là sai. [1]

Nếu bạn nghĩ “làm gì có ai chỉ là nội trợ”, thì bạn thuộc tầng lớp đang chiếm đa số hiện tại: những người cáng đáng cả việc nhà và việc kiếm tiền. Theo Ban chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Trung ương năm 2019, tỷ lệ phụ nữ và đàn ông Việt Nam tham gia lao động cao gần bằng nhau: Lao động nữ chiếm 47,3%; nam chiếm 52,7% tổng số lao động có việc làm năm 2019. Ở những quốc gia phát triển, nhiều người vợ trong các gia đình khá giả chọn lao động. Khảo sát năm 2007 ở Nhật cho thấy, thu nhập của người chồng thực ra ít tác động đến việc hạn chế đi làm ở người vợ, và số gia đình mà vợ và chồng đều có thu nhập cao ngày càng tăng. Trong những hộ gia đình trẻ ở Nhật, người vợ có xu hướng chọn đi làm bất kể thu nhập của chồng là bao nhiêu. [2]

❓ Vậy còn những người vợ không có lựa chọn nào ngoài làm “thiên thần trong gia đình”

“Thiên thần gia đình” là cụm từ bắt nguồn từ bài thơ của Coventry Patmore, trong đó ông ca ngợi những người vợ miền quê. Nàng “cố nhiên” là người vị tha, dịu dàng, không nghi ngờ hay chất vấn, duyên dáng, biết cảm thông, biết hy sinh, ngoan đạo và trên hết là trinh bạch – những phẩm chất này sẽ khiến chồng nàng trở thành “người đàn ông tốt nhất mà anh ta có thể trở thành”. Theo đó, vị trí của một phụ nữ là ở trong nhà, chăm sóc nhà cửa và gia đình, còn không gian công cộng là của chồng cô ấy, nơi anh ta kiếm tiền và bảo vệ gia đình. Trong bài tiểu luận “Những khu vườn của Nữ hoàng”, John Ruskin giải thích: “Quyền lực của nữ hoàng là để trị vì, không phải để tranh đấu – và trí tuệ của cô không dùng để sáng chế hay phát mình, mà dành cho những mệnh lệnh ngọt ngào”. Việc làm nội trợ toàn thời gian đồng nghĩa với việc bạn không có công việc ngoài xã hội, không được trả lương và do đó không thể tự tạo ra thu nhập. [3]

Ở Việt Nam, đối tượng không có lựa chọn nào ngoài làm các “thiên thần trong gia đình” là phụ nữ dân tộc thiểu số, những người ít có cơ hội tiếp cận với giáo dục và phải kết hôn từ rất sớm. Phụ nữ H’mông dành trung bình 7 giờ mỗi ngày cho lao động không công, nhiều hơn 2 giờ so với nam giới và gần 3 giờ so với phụ nữ dân tộc Kinh. Phần lớn thời gian được dành cho việc nhà, chăm sóc gia đình và thu thập nhiên liệu đốt và nước, những công việc sẽ đỡ vất vả hơn nếu họ được tiếp cận với cơ sở hạ tầng và dịch vụ công. Theo ông Nông Văn Đông – Phó phòng Hỗ trợ phát triển tỉnh Cao Bằng – nhận định: “Ở Cao Bằng, đàn ông không bao giờ làm việc nhà. Họ rời nhà đi làm xa nhiều ngày, để lại việc nhà cho vợ và mẹ.” Cả đàn ông và phụ nữ đều coi sự phân công lao động này là đương nhiên, và không hề biết đến khái niệm “lao động không công”. [4]

Trước khi cho rằng chủ nghĩa nữ quyền đang “cướp đi quyền vào bếp của phụ nữ”, hãy đảm bảo rằng phụ nữ – thuộc mọi thành phần xã hội – vào bếp vì họ thực sự muốn vậy.

ĐỪNG ĐỂ ĐẶC QUYỀN CHIA CÁCH CHÚNG TA

May be a cartoon of text that says '#nhà nhiều Co Đừng để đặc quyền chia cách chúng ta'

Trong bài báo năm 1994 “Phụ nữ, Dân tộc và Trao quyền” (“Women, Ethnicity and Empowerment), Nira Yuval Davis đã dẫn lời của giáo sư Elsa Barkley Brown rằng, “Mọi người đều có thể học cách sống xoay quanh tâm điểm trải nghiệm của người khác, xác nhận nó, và đánh giá theo những tiêu chuẩn của riêng tâm điểm ấy mà không cần so sánh hay áp dụng khuôn khổ đó cho mình.”

Gặp gỡ trong lý luận, Bettina Aptheker trong “Tấm thảm của cuộc sống: công việc của phụ nữ, ý thức của phụ nữ, và ý nghĩa của trải nghiệm hàng ngày” (Tapestries of life: women’s work, women’s consciousness, and the meaning of daily experience) cho rằng, ta cần nỗ lực để tập trung vào trải nghiệm của người khác (của nhóm khác) như điểm nhìn chính yếu, đồng thời giữ vững nhận thức về vị trí của riêng bạn, để cả hai người, hoặc hai nhóm được đặt vào một điểm giá trị và cố gắng thấu hiểu những quan điểm khác nhau.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận

Các bài khác cùng chủ đề

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.