Xuyên suốt chiều dài lịch sử, các cấu trúc xã hội khác nhau đã cản trở khả năng tiếp cận quyền của các nhóm người có địa vị xã hội khác nhau. Chẳng hạn, chế độ phụ quyền (Patriarchy) đã ngăn cản phụ nữ sở hữu những quyền cơ bản trong một thời gian dài, mãi cho đến khi những phong trào đấu tranh giành quyền lợi cho phụ nữ ra đời. Trong bài viết này, hãy cùng Nhà Nhiều Cột tìm hiểu một số ví dụ tiêu biểu nhé!
QUYỀN BẦU CỬ
Quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân. Nó thể hiện sự tham gia của công dân vào quá trình xây dựng đất nước. Tuy nhiên, trong quá khứ, chính trị là lĩnh vực được tin rằng dành cho đàn ông, còn phụ nữ thì bị giới hạn trong khu vực tư.
Trước năm 1848, tại Mĩ – một trong những nơi phong trào nữ quyền diễn ra mạnh mẽ nhất – quyền bầu cử được giới hạn cho những chủ sở hữu đất đai (thường là đàn ông da trắng trên 21 tuổi) và được quy định bởi từng bang. Bấy giờ, chỉ có đàn ông da trắng mới được coi là một công dân đầy đủ quyền hạn để bỏ phiếu còn phụ nữ cũng như người dân thuộc sắc tộc khác bị loại trừ khỏi quá trình này. [1]
Việc phụ nữ không được tham gia bầu cử tái củng cố sự hạn chế cơ hội và quyền lợi của họ. Những người ủng hộ phụ nữ tham gia bầu cử cho rằng phụ nữ đang bị tước đi một quyền hiển nhiên trong khi họ là một bộ phận cấu thành xã hội. Theo góc nhìn khế ước xã hội, việc ngăn phụ nữ không tham gia bầu cử chính là lề hóa họ. Thực tế cho thấy, phụ nữ phải chịu đựng mọi ảnh hưởng của các chính sách dù tốt dù xấu tương tự như nam giới (nếu không muốn nói là nhiều hơn vì bản chất của các chế độ phụ quyền). Trong khi đó, họ lại không được đại diện trong quá trình đưa ra chính sách bằng cách bầu cử. Họ không được đóng góp tiếng nói quyết định việc ai sẽ lãnh đạo đất nước, hay nói cách khác tác động đến vận mệnh của họ. Điều này tạo ra một vòng lặp của những chính sách bất công với phụ nữ. Do đó, phụ nữ vốn đã thuộc nhóm yếu thế hơn trong một xã hội nam giới làm chủ, lại càng bị tước đi cơ hội thay đổi thực trạng.
Cho đến năm 1848 tại sự kiện Thác Seneca, Elizabeth Cady Stanton đã soạn thảo “The Declaration of Sentiments” (tạm dịch: Tuyên ngôn về tình cảm), đánh dấu sự bắt đầu của Làn sóng nữ quyền thứ nhất. Từ ngày 19 đến 20/7, 300 người dân địa phương, cả đàn ông và đàn bà, đã tham gia hội nghị thác Seneca và thông qua 12 giải pháp đấu tranh cho các quyền về xã hội, dân sự và tôn giáo cho phụ nữ, đặc biệt là quyền bầu cử [2]. Tại thời điểm này, làn sóng nữ quyền thứ nhất vẫn chỉ tập trung quanh quyền lợi của phụ nữ da trắng, không cân nhắc các yếu tố phân biệt chủng tộc tuy đã đạt được những thành tựu nhất định. Chỉ đến khi Tu Chính Án thứ 19 được thông qua, phụ nữ mới được trao quyền bầu cử bất kể màu da và sắc tộc [3].
Mặc dù những phong trào đấu tranh cho quyền bầu cử đã đạt được những thành tựu đáng tuyên dương, song trên thực tế, phụ nữ da màu tại Mĩ vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi bầu cử. Ở nhiều nơi trên thế giới, pháp luật thậm chí vẫn chưa cho phép phụ nữ được bầu cử. Sự tiếp cận thực chất của phụ nữ với quyền bầu cử còn bị ngăn cản bởi áp lực và định kiến từ xã hội, chẳng hạn như bị phân biệt tại nơi bỏ phiếu, bị cấm đoán bởi gia đình, v.v. Một số quốc gia nơi quyền bầu cử của phụ nữ vẫn bị hạn chế nặng nề bao gồm Pakistan, Uganda, Kenya, Oman, Qatar, Egypt, Nigeria, Saudi Arabia [4].