Truyền thông đã hủy hoại cuộc sống của Britney Spears như thế nào

Picture of Nhà Nhiều Cột

Nhà Nhiều Cột

Chiến dịch #NhàNhiềuCột nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của người trẻ đối với các định kiến giới và thay đổi các sản phẩm quảng cáo nhằm hướng tới mục tiêu bình đẳng giới.

CHUYỆN GÌ ĐANG XẢY RA

Ngày 23/6, Britney Spears dự phiên điều trần từ xa, ra mặt nói về quyền giám hộ, nỗi đau tinh thần vì bị cha ruột kiểm soát, chi phối cuộc sống suốt 13 năm qua.

cqph2GKO Cbj
Người hâm mộ biểu tình trước phiên điều trần của Britney Spears (Ảnh: Milled)

Khi đối mặt với Tòa Thượng thẩm Los Angeles, nữ ca sĩ khẳng định bản thân bị đối xử như nô lệ. Cô thậm chí bị ép mang vòng tránh thai, không có quyền làm mẹ, bị chẩn đoán tâm thần và phải thường xuyên dùng thuốc. Britney muốn được tòa lắng nghe và hiểu mức độ tổn thương nghiêm trọng của cô như thế nào cho đến thời điểm hiện tại.

Sau thông tin gây chấn động được chính Britney Spears chia sẻ, làn sóng ủng hộ #FreeBritney (Trả tự do cho Britney) một lần nữa trở nên rầm rộ khắp các diễn đàn, mạng xã hội. Theo ghi nhận, hashtag #FreeBritney đã lọt vào top thịnh hành ở vị trí số 1 trên Twitter toàn cầu và đạt hơn 640.000 lượt tweet. Trên Instagram là hơn 347.000 bài chia sẻ và con số đối với Facebook là 350.000 lượt sử dụng hashtag. Con số vẫn đang tiếp tục tăng với tốc độ chóng mặt.

Bắt đầu từ năm 2009, phong trào #FreeBritney ra đời, khi người hâm mộ của Britney tin rằng cô đang bị “giam lỏng” bởi chính cha của mình – ông Jamie Spears. Toàn bộ phong trào xoay quanh việc đòi lại những quyền cơ bản cho Britney, thứ bị ràng buộc bởi hợp đồng giám hộ của cha cô.

Tuy nhiên, phong trào vẫn luôn nhận về những chỉ trích cho rằng fan của Britney đang suy diễn và làm quá vấn đề. Cho tới tháng 2/2021, bộ phim tài liệu “Framing Britney Spears” do New York Times sản xuất tường thuật sự nghiệp và đời tư của Britney đã khẳng định những nghi ngờ và một lần nữa làm phong trào dậy sóng trở lại.

Bộ phim đưa ra góc nhìn toàn cảnh về việc Britney Spears bị truyền thông xuyên tạc với những ngôn ngữ phân biệt giới tính và vật hóa. Truyền thông đã sử dụng quyền lực của mình dựng lên hình ảnh Britney là một cô ca sĩ nổi loạn, người mẹ vô trách nhiệm, rồi lên án và chất vấn về tình trạng tâm thần của cô.

TRUYỀN THÔNG ĐÃ HỦY HOẠI CUỘC SỐNG CỦA BRITNEY SPEARS NHƯ THẾ NÀO

❗ Ngôn ngữ thù ghét phụ nữ: sex sells, skin sells, slut-shaming

Suốt những năm 2000, Britney thường xuất hiện trên các trang blog gossip và các tờ báo lá cải lớn như TMZ, People, Us Weekly, Ok! Weekly đi liền các cụm từ như “quả bom sex Hollywood”, “hở bạo”, “khoe thân”, “tiết lộ bí mật con gái” hoặc là “gợi cảm quá sớm” với những hình ảnh mang tính khêu gợi.

Tạp chí People Magazine hứa hẹn sẽ cho người đọc cái nhìn cận cảnh về “Cơn khủng hoảng của Britney”, các chi tiết độc quyền về những buổi tiệc cuồng loạn, say xỉn nơi công cộng, và động thái cạo trọc đầu gây sốc của nữ ca sĩ. Tờ OK! Weekly tung ra những tiêu đề đầy cám dỗ, hứa hẹn rằng độc giả mua báo sẽ trở thành những người đầu tiên được tiếp cận “những trận khóc cầu cứu đầy cảm xúc” của Britney Spears.

britney spears tabloids embed
Britney thường xuất hiện trên các trang blog gossip và các tờ báo lá cải lớn (Ảnh: Vanity Fair)

Chuyện tình cảm của Britney cũng bị đem ra mổ xẻ, bàn tán không ngớt. Ví dụ như khi bạn trai cũ Justin Timberlake ngầm đồng ý với câu hỏi của một radio host rằng anh đã từng quan hệ với Britney hay chưa. Hay tờ Details năm 2002 đã trắng trợn để tiêu đề rằng “Chúng ta có thể tha thứ cho Justin về thứ âm nhạc uỷ mị của anh ta được không? Ít nhất thì anh ấy đã ngủ được với Britney Spears mà.”

Trong một tập của gameshow Family Feud năm 2008, người dẫn chương trình John O’Hurley đã đưa ra câu hỏi: “Hãy kể tên những thứ mà Britney Spears đánh mất trong năm vừa qua” (giai đoạn 2007-2008 là thời điểm mà Britney suy sụp nghiêm trọng). Đáp án cho câu hỏi này lần lượt là: tóc – trinh tiết – (mất) trí – chồng/hôn nhân – con cái – cân nặng – người hâm mộ.

“Những câu chuyện của Britney trở nên nóng sốt ở thời điểm tạp chí và báo giấy được săn đuổi hàng tuần,” – Jen Peros, cựu Biên tập viên của Us Weekly nói. “Và dù tôi không muốn phải thừa nhận nhưng khi bạn tìm thấy một người nổi tiếng trở nên điên loạn hoặc hành động bất thường, nó đủ để là một câu chuyện rồi. Chúng tôi biết nó sẽ giúp bán được tạp chí.”

Britney đã bị truyền thông bó buộc vào hình tượng cô gái nước Mĩ nổi loạn và khao khát tình dục. Cô ăn mặc quyến rũ nhưng vẫn phải còn trinh nguyên, khơi gợi ham muốn tình dục nhưng không bao giờ được thực sự làm điều đó. Truyền thông không ngừng vật hóa và tình dục hóa Britney nhưng sẽ ngay lập tức lên án nếu cô chủ động không còn trinh nguyên, ngây thơ và ngoan ngoãn như sự mong đợi của họ.

❗ Góc nhìn tiêu chuẩn kép

Ngay từ những ngày đầu tiên trong sự nghiệp ca nhạc, Britney đã phải đối mặt với những lời chỉ trích từ giới truyền thông về cách cô thể hiện bản thân như trang phục và một số động tác vũ đạo gợi cảm. Nhiều người thậm chí lấy hình ảnh khiêu gợi của nữ ca sĩ làm mục tiêu săn tin, đồng thời một số người dẫn chương trình và phóng viên đã chỉ trích Britney vì đã là “tấm gương xấu” cho những người hâm mộ nhỏ tuổi.

Trong buổi phỏng vấn với Live Nation Entertainment năm 1999, chính cô đã thừa nhận rằng mình đang phải chịu tiêu chuẩn cao hơn một số ngôi sao trẻ cùng thời. Đồng thời, Britney cũng đặt câu hỏi về tiêu chuẩn kép trong ngành công nghiệp âm nhạc – khi những nam đồng nghiệp không phải đối mặt những lời chỉ trích về hành vi của họ.

Britney chia sẻ: “Tôi yêu mến Backstreet Boys và NSYNC, nhưng khi họ thực hiện những động tác khiêu gợi trên sân khấu, hay trình diễn, ‘uốn éo’ cùng chiếc micro, không một ai nói gì về điều đó. Trong khi đó, khi tôi chỉ để lộ một chút eo, mọi người đều thốt lên ‘Oooh!’. Phải chăng các chàng trai có thể làm bất cứ điều gì mà họ muốn, còn các cô gái phải thật cẩn thận?”

Chuyện tình dục được coi là “chiến lợi phẩm”, “phần thưởng” cho đàn ông, trong khi phụ nữ “đánh mất trinh tiết” là đồ lẳng lơ, là nỗi xấu hổ, nhục nhã. Điều này một lần nữa có thể thấy rõ khi Britney và Justin Timberlake chia tay. Không lâu sau sự kiện này, Justin ám chỉ Britney lừa dối mình thông qua MV “Cry Me A River” (được đề cập trong bộ phim tài liệu Framing Britney Spears), thậm chí không ít lần khoe khoang về việc “ngủ” với nữ ca sĩ trên các buổi phỏng vấn và chương trình truyền hình.

Britney Spears Justin Timberlake Cheating Cry Me A River Video Hurt
Justin ám chỉ Britney lừa dối mình thông qua MV “Cry Me A River” (được đề cập trong bộ phim tài liệu Framing Britney Spears) (Ảnh: Perez Hilton)

Thực tế, không có bằng chứng nào chứng minh Britney ngoại tình, thế nhưng báo chí vẫn không ngừng chì chiết, coi cô là tội phạm. Đỉnh điểm là câu hỏi của Diane Sawyer trong cuộc phỏng vấn năm 2003, chất vấn Britney ngay trên sóng truyền hình những điều cô đã làm khiến Justin đau đớn và chịu đựng. Nhưng không một ai quan tâm đến cảm xúc của Britney, lắng nghe và nhìn nhận vấn đề từ góc nhìn của cô.

Cùng phải trải qua chứng lỗi loạn lưỡng cực, thế nhưng cách các phương tiện truyền thông miêu tả về Britney Spears và Kanye West khác nhau hoàn toàn. Khi Britney phải đối mặt với khủng hoảng và vấn đề sức khỏe tâm thần, cô bị cưỡng ép mất quyền nuôi con và chịu quyền bảo hộ hơn 10 năm. Trong khi đó, Kanye West lại nhận được hợp đồng với hãng thời trang GAP và sự ủng hộ tranh cử tổng thống.

Khi Kanye công khai mắc chứng rối loạn lưỡng cực, gia đình của nam nghệ sĩ đã khẳng định sẽ không can thiệp vào mọi hoạt động, đồng thời nhấn mạnh sự thông minh và sáng tạo của anh. Không một tờ báo nào đặt ra câu hỏi nếu Kanye có thể tự kiểm soát cuộc sống riêng, thì Britney cũng có thể làm điều tương tự thay vì bị tước bỏ quyền tự chủ thân thể, bị chính cha ruột toàn quyền chi phối cuộc sống.

❗ Đeo bám, săn đuổi, xâm phạm đời tư nghiêm trọng

Năm 2006, Britney gây xôn xao với hình ảnh đầu cạo trọc và trong tay là chiếc ô màu xanh, đang không ngừng tấn công chiếc ô tô của tay săn ảnh thường xuyên đeo bám cô Daniel Ramos.

Năm 2007, Andrew Deetz – nhiếp ảnh gia của Flynet tuyên bố Britney đã ném chai sữa của trẻ em vào Kyle Henderson – nhà quay phim đang theo đuổi những sự kiện của Spears ở Wynn Hotel & Casino và đe dọa sẽ giết anh ta trong buổi biểu diễn tại Sin City. Để phản hồi lại, Britney Spears đã tuyên bố cô chỉ tự vệ và cậu con trai 22 tháng tuổi Sean Preston thậm chí còn bị đánh bằng máy quay của Henderson trước đó.

Nhưng ám ảnh nhất, chúng ta hẳn sẽ không thể quên hình ảnh năm 2007, trong khi đang mang thai người con thứ hai, Britney Spears đã bị 321 tay săn ảnh đuổi theo. Cô chạy vào nhà hàng cầu sự trợ giúp nhưng ông chủ lại mở cửa cho phóng viên vào chụp. Britney đã ôm cậu con trai cả khóc trong sự bất lực.

main qimg 2153a929921f4284ed57afee224f02b4
Hình ảnh Britney đã ôm cậu con trai cả khóc trong sự bất lực (Ảnh: Quora)

Song phải thú thực rằng, truyền thông “được nước làm tới” đều nhờ có sự tò mò và nhạo báng của công chúng. Các tay săn ảnh truy lùng Britney ráo riết vì những bức ảnh có thể bán ra với giá hàng nghìn đô, những tít báo chính thống và tạp chí nô nức xây dựng hình ảnh nổi loạn của Britney vì đó là thông tin công chúng muốn đọc. Tất cả tạo thành một vòng xoáy cô lập Britney, không lối thoát.

LÀN SÓNG “SORRY, BRITNEY” KHÔNG THỂ TRẢ LẠI CHO BRITNEY MỘT CUỘC SỐNG TRỌN VẸN

Khi bộ phim tài liệu “Framing Britney Spears” được ra mắt và làn sóng #FreeBritney dậy sóng trở lại, các cá nhân cũng như các tờ báo lớn lần lượt đưa ra lời xin lỗi muộn màng về những tổn thương, cho dù vô tình hay cố ý, gây ra cho Britney. Tờ Glamour đã đăng lên Instagram với dòng “Chúng tôi xin lỗi vì tất cả những gì làm ra đã gây tổn thương cho Britney”.

Hình ảnh bộ phim tài liệu “Framing Britney Spears” (Ảnh: The New York Times)

Làn sóng yêu cầu một lời xin lỗi trực tiếp từ những người từng nhạo báng “Công chúa nhạc Pop” một thời về cách chi tiêu, cũng như phỏng vấn cô theo cái cách mà truyền thông thời nay sẽ xem là “thiếu công bằng, vô cảm và quá phân biệt giới tính”. Trên mạng xã hội, những lời kêu gọi ấy còn nhắm đến các nhân vật nổi tiếng.

Như trường hợp của Diane Sawyer, người từng có một bài phỏng vấn năm 2003 đả kích Britney về những gì cô làm chỉ để khiến bạn trai cũ là Justin Timberlake buồn lòng. Hay Matt Lauer, người từng đặt nghi vấn Britney có phải là một bà mẹ tồi. Hoặc diễn viên hài Sarah Silverman, người từng lôi Britney vào một trò đùa trong lễ trao giải MTV Video Music Awards năm 2007.

Silverman – người từng gọi những đứa con của Britney là “lỗi lầm đáng yêu nhất” đã nói về câu chuyện này trên một podcast của mình, cho biết ở thời điểm đó, cô đã không hiểu rằng câu nói ấy có thể khiến nữ ca sĩ chịu tổn thương. Justin Timberlake hồi tháng 2/2021 cũng đã đăng đàn xin lỗi Britney trên Instagram: “Anh chân thành xin lỗi vì khoảng thời gian hành động của anh gây ra rắc rối, về những lời nói không đúng lúc hoặc không lên tiếng cho lẽ phải.” Ông hoàng gossip Perez Hilton cũng công khai xin lỗi Britney trên show Good Morning Britain về những gì ông đã bình luận về Britney trước kia.

TẠM KẾT

Hầu hết cuộc thảo luận về “Framing Britney Spears” đều xoay quanh quyền giám hộ gây tranh cãi và sự phát triển của phong trào #FreeBritney. Nhưng có một điểm quan trọng trong câu nói của Britney “The people who did that to me” (những người đã gây ra việc này) và “all that kinda stuff” (tất cả những thứ đó) cũng đang thu hút sự chú ý không kém – một bản cáo trạng về tất cả chúng ta – truyền thông, công chúng, một xã hội vẫn duy trì sự cay nghiệt đối với phụ nữ, không chút thay đổi.

Ngay lập tức, chúng ta cũng có thể kể ra hàng loạt cái tên: Whitney Houston, Britney Spears, Paris Hilton, Amy Winehouse, Janet Jackson, Christina Aguilera, Miley Cyrus, Hayley Williams (và nhiều hơn thế nữa) là nạn nhân của văn hóa thù ghét phụ nữ (misogyny).

200811 think misogyny women march se 355p
Vô số ngôi sao là nạn nhân của văn hóa thù ghét phụ nữ (misogyny) (Ảnh: NBC News)

Cuối cùng thì, việc nhìn lại văn hóa đại chúng của quá khứ có thể biến thành một cơ hội để độc giả hiện tại có thể vỗ ngực tự mãn về sự vượt trội của nhận thức, đạo đức của mình so với những người trong quá khứ, để thoáng hân hoan ý niệm rằng bản thân dường như không có thái độ phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc và nhiều sự cố chấp khó chịu khác.

Nhưng có thực như vậy không, khi xã hội vẫn tự đặt ra tiêu chuẩn thế nào là một cô gái “đáng bị hiếp dâm”, nữ diễn viên vẫn bị cho là “nỗi nhục” của một đài truyền hình vì bị bạn trai cũ lan truyền video nhạy cảm, và vô vàn những thực hành phân biệt giới khác?

Samantha Stark – Đạo diễn phim tài liệu “Framing Britney Spears” cho rằng mạng xã hội cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chúng ta nhìn lại quá khứ. “Vào những năm 90 và đầu những năm 2000, bất cứ khi nào ai đó trên TV hỏi Britney rằng cô ấy còn trinh hay không hoặc tò mò về bộ ngực của cô ấy dù Britney vẫn đang là một thiếu niên, nó chỉ xuất hiện trên TV và chúng ta cứ thế tiêu thụ. Sau đó, nó biến mất.” Stark nói.

“Không có cách nào để bình luận ngay lập tức về những thông tin đó như ngày nay. Hiện giờ, nếu điều đó xảy ra, chỉ trong vòng năm phút thôi, những kiểu thông tin như vậy sẽ xuất hiện trên mạng xã hội.” Nhưng việc sử dụng mạng xã hội như thế nào đều phụ thuộc vào thái độ, nhận thức của chính mỗi người trong chúng ta.

Nói cho cùng, hy vọng đều nằm ở việc chúng ta có chịu mở lòng để hiểu rằng những quan điểm độc hại về tính dục (bao gồm việc một người phụ nữ nên ăn mặc, cư xử hay mơ ước như thế nào vì cô ấy là phụ nữ) ảnh hướng tới tất cả chúng ta và bắt đầu hành động thay đổi nó hay vẫn tiếp tục duy trì những sai lầm nghiêm trọng trong quá khứ.

Tham khảo thêm:

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận

Các bài khác cùng chủ đề

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.