Tháo gỡ lầm tưởng “Phụ nữ chiếm thiểu số trong ngành STEM vì về mặt sinh học họ yếu kém hơn nam giới”

Nhà Nhiều Cột

Nhà Nhiều Cột

Chiến dịch #NhàNhiềuCột nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của người trẻ đối với các định kiến giới và thay đổi các sản phẩm quảng cáo nhằm hướng tới mục tiêu bình đẳng giới.

Nhiều năm nay, tranh luận về sự khác biệt giới tính, sinh học trong khả năng hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, toán học và kỹ thuật (STEM) vẫn luôn là chủ đề được quan tâm, tranh luận, cả trong giới nghiên cứu lẫn trong cuộc sống đời thường.

Nhưng liệu sự khác biệt giới tính, sinh học có là yếu tố chủ chốt để quyết định nghề nghiệp của một người? Những rào cản tiềm tàng mà phụ nữ thực sự phải đối mặt khi theo đuổi ngành STEM – vốn luôn được cho là “thế giới” của đàn ông là gì? Cùng Nhà Nhiều Cột tìm hiểu thêm về vấn đề này trong bài viết sau nhé.

THỰC TẾ

Nghiên cứu khoa học được thực hiện phục vụ thiên kiến nữ giới yếu kém hơn đàn ông

file 20200803 16 1hey06q.jpg?ixlib=rb 1.1
Ảnh: Dmitry Natashin/Shutterstock

Trước kia, nữ giới được cho là “không có bộ não” và “khả năng ưu tú” bằng nam giới và những định kiến gốc rễ này đã tồn tại hàng trăm năm. Năm 1886, William Withers Moore – chủ tịch Hiệp hội Y khoa Anh Quốc, đã cảnh báo về “sự nguy hiểm” của việc giáo dục phụ nữ quá nhiều có thể khiến họ mắc chứng “rối loạn ăn uống vì học tập”, khiến họ trở nên “điên rồ, phóng đãng và vô tính”.

Cho đến tận thế kỷ 20, các nhà khoa học tập trung giải thích về sự thiếu sót trong các phẩm chất và kỹ năng cần thiết của phụ nữ để làm khoa học, ví dụ như tư duy không gian, còn bộ não đàn ông với hormone testosterone thì được coi là yếu tố sinh học tiên quyết để theo đuổi ngành khoa học. 

Theo báo cáo “The Gender-Equality Paradox in Science” (tạm dịch: Nghịch lý bình đẳng giới trong khoa học) được công bố trên tạp chí Psychological Science năm 2018, sau khi xem xét điểm bài kiểm tra ở 67 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai nhà tâm lý học Gijsbert Stoet và David Geary đã nhận thấy nữ sinh học ngang bằng hoặc thậm chí giỏi hơn nam sinh ở môn khoa học, toán học tại phần lớn các quốc gia.

Nhà nghiên cứu Matthijs Oosterveen thuộc Đại học Erasmus Rotterdam (Hà Lan) cho biết: “Nhiều người cho rằng phụ nữ có thiên phú về nghiên cứu xã hội hơn. Các phát hiện cho thấy đó là định kiến giới. Thực tế, nam và nữ đều có khả năng giỏi như nhau.” Đồng quan điểm, tiến sĩ khoa Tâm lý học, Đại học Chicago Alyssa Kersey chỉ ra: “Không chỉ ở môn toán học mà ở tất cả các lĩnh vực khác, cả bé trai và bé gái đều có sự tương đồng về hoạt động của não bộ”.

Lập trình được cho là “kỹ năng của phụ nữ” và bị xem nhẹ cho đến khi ngành được chấp nhận rộng rãi, mức lương tăng thì các cơ chế lại tạo lợi thế cho đàn ông tiếp quản

sss
Ảnh: The Computer Girls, Cosmopolitan, tháng 4/1967, chụp bởi Nathan Ensmenger

Trước kia, khi ngành lập trình máy tính vẫn còn là một ngành lao động nhàm chán, chưa có chỗ đứng trong xã hội, tốn công sức và cần nhiều sự tỉ mẩn, “chỉ cần ngồi đánh máy và không đòi hỏi kỹ thuật cao” thì phụ nữ là những nhân lực chủ chốt của ngành và thực hiện hầu hết các công việc lập trình và giải mã trong thế chiến thứ 2 và cho đến tận những năm 70. 

Người xuất hiện trên bức ảnh là bà Grace Murray Hopper, một trong những lập trình viên nữ đầu tiên được ghi nhận với sự phát triển của ngôn ngữ máy tính COBOL. Chính bà đã đưa ra phát ngôn “It’s just like planning a dinner… You have to plan ahead and schedule everything so that it’s ready when you need it… Women are ‘naturals’ at computer programming.” (Tạm dịch: [Việc lập trình] Nó giống như chuẩn bị bữa tối… Bạn chỉ cần chuẩn bị trước và sắp đặt mọi thứ để nó sẵn sàng khi bạn cần tới… Phụ nữ có khả năng ‘thiên bẩm’ trong việc lập trình máy tính).

Tuy nhiên, ảnh hưởng của phụ nữ với công nghệ thậm chí còn xa hơn cả thời của Grace. Ada Lovelace, một nhà toán học người Anh được cho là người đã viết chương trình máy tính đầu tiên trên thế giới vào giữa thế kỷ 19. 

Đến những năm 80 và 90, khi các công việc trong lĩnh vực STEM bùng nổ, xã hội nhận thức rộng rãi được tầm quan trọng của ngành công nghệ máy tính và khoa học thì nam giới được tuyển dụng nhiều hơn, các tổ chức chuyên biệt tạo ra những cơ chế tuyển dụng cản trở sự gia nhập của nữ giới. Cho tới đầu những năm 90, hình dung về ngành lập trình luôn gắn liền với nam giới; trong khi nữ giới bị gắn với các lĩnh vực liên quan đến xã hội, nhân văn, nghệ thuật cần sự tỉ mỉ, khéo léo. 

Những cơ chế tuyển dụng cản trở lao động nữ  

shutterstock 1302600061 scaled
Ảnh: Shutterstock

Các cơ chế tuyển dụng trong ngành khoa học tự nhiên cho thấy sự thiên vị giới tính đáng kể. Trước hết là những định kiến ngầm có sẵn ở chính các nhà tuyển dụng.

Nghiên cứu năm 2012 thực hiện bởi nhóm nghiên cứu liên ngành thuộc Đại học Yale cho thấy: 172 giáo sư khoa học nam lẫn nữ đều thể hiện sự thiên vị giới đối với nam ứng viên chưa tốt nghiệp cho vị trí quản lý phòng thí nghiệm. Ứng viên nữ bị đánh giá kém năng lực hơn, và nhận được mức lương đề xuất thấp hơn hẳn so với nam ứng viên – mặc dù họ cùng sử dụng một bản CV. Mức lương của nam ứng viên là 29,333 đô; trong khi nữ ứng viên chỉ được đề xuất 25,000 đô.

Một nghiên cứu khác thực hiện năm 2020 về định kiến giới và chủng tộc trong việc tuyển dụng trong ngành khoa học cũng cho thấy: các ứng cử viên mang tên của phụ nữ được đánh giá là dễ mến hơn, thế nhưng họ không được công nhận là có thực lực và đáng tuyển dụng hơn nam giới. Nghiên cứu này cũng chỉ ra những phụ nữ da màu và Latin được đánh giá thấp hơn đáng kể so với các nữ ứng viên khác.  

Bên cạnh đó, các nhà tuyển dụng thường ưu tiên tuyển những nam giới trẻ, có hình tượng phù hợp với “văn hoá” ngành công nghệ, khoa học – những người mọt sách tách biệt xã hội, thay vì khả năng làm việc của họ. Ngoài ra, giáo sư Nathan Ensmenger (đại học Indiana, Mỹ) cho biết các công ty cũng bắt đầu sử dụng bài test tính cách được thiết kế đặc biệt để tìm ra những nhân tố có tính cách “đơn độc”, trong khi những ứng viên nam có ngoại hình nhếch nhác được chấp nhận, thì các ứng viên nữ mang ngoại hình tương tự không được chấp thuận. 

Năng lực bị phủ nhận “vì là phụ nữ”

Geniale Göttin – Die Geschichte von Hedy Lamarr | Film-Rezensionen.de
Ảnh: Bombshell: The Hedy Lamarr Story

Giờ đây khi nhìn lại lịch sử và các biểu tượng khoa học, chúng ta biết tới vô số những nhà khoa học nữ bị phủ nhận năng lực, bị đánh cắp ý tưởng trong thời đại của họ và bị lãng quên cho tới nay vì các định kiến đối với giới nữ khiến cho họ gần như “mất tích” trong bức tranh lịch sử khoa học kỹ thuật. Chúng ta có thể kể ngay ra một số cái tên như Rosalind Franklin, Lise Meitner, Hedy Lamarr, Margaret Knight, Elizabeth Magie, Ada Lovelace, Margaret Keane, Trotula of Salerno, Candace Pert,…

Trong đó, nhà phát minh, nhà khoa học, diễn viên Hedy Lamarr được biết đến với sắc đẹp và các vai diễn trong các bộ phim Hollywood bom tấn cuối những năm 30 – đầu những năm 50. Bà chính là người phát minh ra hệ thống trải phổ nhảy tần (Frequency Hopping Spread Spectrum) để điều khiển đạn tự hành bí mật, có thể khống chế hoạt động của tàu ngầm Đức lúc bấy giờ, và hệ thống này chính là nền tảng công nghệ tạo nên sóng điện thoại, Wifi, GPS và bluetooth thời nay.

Hedy cũng là người đã đóng góp rất nhiều phát minh công nghệ trong công cuộc đánh bại Hitler của nước Mỹ và khối Đồng Minh. Tuy nhiên, những phát kiến quan trọng của bà không được thể hiện trên phim ảnh cũng như được khuyến khích rộng rãi, bởi “ phụ nữ đẹp không thể làm nhà khoa học”. Thậm chí, khi bà cùng cộng sự Athiel đem phát minh của mình đến trình bày tại Hội nghị các nhà sáng chế quốc gia, hội đồng gợi ý rằng tiếng nói của “người phụ nữ đẹp nhất Hollywood” sẽ có trọng lượng hơn khi tận dụng vẻ đẹp của mình để làm người phát ngôn cho chương trình trái phiếu chiến tranh (war bonds).

Một nghiên cứu khác vào năm 2018 về sự khác biệt giới tính trong các bài nghiên cứu khoa học chất lượng cao cho biết, các nghiên cứu sẽ ít được sử dụng hơn nếu tác giả chính là nữ, và phụ nữ không được nêu tên trong mục tác giả của các bài nghiên cứu trên các tạp chí khoa học danh giá. Cho dù phần trăm các tác giả nữ được liệt kê tên đã tăng lên từ 27% (1994) lên 37% (2014) nhưng đang báo hiệu sự chững lại và còn có xu hướng đi xuống tại một số tạp chí (ví dụ như New England Journal of Medicine). 

Trẻ em lớn lên cùng những định kiến giới và khuôn mẫu lựa chọn nghề nghiệp (trong gia đình, trường học, truyền thông, sự khích lệ của xã hội)

2017 commonsense watchinggender infographic vertical 02
Ảnh: Common Sense Media

Báo cáo nghiên cứu năm 2017 “Watching Gender: How Stereotypes in Movies and on TV Impacts Kid’s Development” của Tổ chức Common Sense Media phân tích hơn 150 bài báo, phỏng vấn, sách và các nghiên cứu khoa học xã hội khác đã phát hiện ra rằng vai trò giới trong phim ảnh và các chương trình truyền hình có độ phổ biến và ảnh hưởng đang dạy trẻ em những gì nền văn hóa mong đợi ở trẻ em trai và trẻ em gái.

Theo báo cáo, việc xem TV và tiếp nhận các khuôn mẫu đã trở nên ăn sâu đến mức cuối cùng có thể ảnh hưởng đến lựa chọn nghề nghiệp, cách nhìn nhận giá trị bản thân và các mối quan hệ, khả năng đạt được tiềm năng đầy đủ và sự nghiệp tương lai của trẻ.

Những bé gái tiêu thụ các chương trình TV truyền thống thể hiện nhiều sự hứng thú hơn đối với các xu hướng nghề nghiệp truyền thống nhất định cho phụ nữ (Wroblewski & Huston, 1987). Bên cạnh đó, truyền thông vẫn là nguồn tiếp cận thông tin chính của trẻ em về việc “thế nào mới là khoa học” (Steinke, Lapinski, Crocker, Zietsman-Thomas, Williams, Evergreen, & Kuchibhotla, 2007).

Các bé gái được xem các chương trình truyền hình có định kiến về hành vi của phụ nữ (ví dụ, nói về trang phục của họ hay sự đấu đá lẫn nhau để tranh giành đàn ông, làm hài lòng đàn ông) bày tỏ ít sự hứng thú hơn với các ngành nghề STEM (như khoa học, kiến trúc) so với các bé gái không xem những nội dung này hoặc được xem các chương trình có sự xuất hiện của các nhà khoa học nữ (Bond, 2016). 

Hollywood cũng đóng vai trò lớn trong việc định hướng và củng cố thông điệp: Máy tính là địa hạt của nam giới. Trong các bộ phim bom tấn như  “Revenge of the Nerds,” “Weird Science,” “Tron”, “WarGames”,… những thần đồng máy tính thường là nam giới trẻ và da trắng. Một nghiên cứu bởi Sara Kiesler vào năm 1985 đã chỉ ra rằng, trò chơi điện tử – một trong những yếu tố chính dẫn đến sự hứng thú với máy tính cũng thường được thiết kế chủ yếu dành cho các bé trai. 

Nghiên cứu bởi Gender Bias Without Borders cho thấy chưa đến 1/3 tổng số vai diễn trên màn ảnh lớn do phụ nữ đảm nhận. Trên phim ảnh, các kỹ sư, nhà khoa học và nhà toán học chủ yếu do nam giới đảm nhận, với số lượng vai nam trong phim hoạt động trong lĩnh vực STEM nhiều hơn gấp 07 lần so với vai nữ. Trên thực tế, chỉ có 12% vai diễn do nữ giới đảm nhận có công việc liên quan tới STEM xuất hiện trên phim ảnh, phần lớn phụ nữ trên màn ảnh xuất hiện với các vai diễn nữ tính như làm mẹ hoặc làm vợ, càng góp phần định hướng và ảnh hưởng đến nhận thức của đại chúng, đặc biệt là trẻ em, với nữ giới làm khoa học. 

Bị quấy rối nơi công sở

lead art 1.1528908999
Ảnh: Christina Animashaun/Vox

Môi trường làm việc không đa dạng giới và thân thiện với phụ nữ cũng là một rào cản lớn. Quấy rối tình dục là một trong những dạng quấy rối phổ biến nhất trong ngành STEM và nữ giới đối diện với nguy cơ cao bị quấy rối tại những nơi làm việc thiếu tính đa dạng và do phần lớn nam giới quản lý. Một cuộc thăm dò năm 2017 trong báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy, khi được hỏi liệu giới tính của họ có khiến họ khó thành công hơn trong công việc hay không, 20% phụ nữ trả lời có và 36% cho biết quấy rối tình dục là một vấn đề ở nơi làm việc của họ. 

Năm 2016, AJ Vandermeyden – chuyên viên sản phẩm – đã kiện Tesla vì phân biệt giới tính, cố ý đuổi việc và trả thù cô khi cô yêu cầu được thăng chức, các đồng nghiệp nữ tại Tesla cũng chia sẻ về trải nghiệm bị catcall, công ty không có phương án giải quyết các khiếu nại về quấy rối tình dục công sở. Tháng 2 năm 2017, kỹ sư Susan Flower làm việc tại Uber công khai khiếu nại về việc bị đề nghị quan hệ với một quản lý, và những gì cô nhận lại là chỉ là đe dọa sa thải, lời gợi ý chuyển sang vị trí khác vẫn ở Uber, hoặc tiếp tục làm việc cho người sếp đó.

Đây chỉ là hai trong số hàng loạt các vụ bê bối quấy rối tình dục mà phụ nữ dũng cảm lên tiếng ở các công ty công nghệ, nhưng từ đó ta cũng có thể thấy rõ môi trường làm việc độc hại và phân biệt giới tính nặng nề đang kìm hãm sự tiến thân và phát triển của nữ giới trong ngành STEM.

Không được tạo điều kiện tiếp tục làm việc hoặc phát huy năng lực sau khi có con

parenting preg discrim
Ảnh: Luci Gutierrez

Cuối cùng, phụ nữ thường bị nghi ngờ về năng lực làm việc, độ tập trung và khả năng quay lại làm việc sau khi có con và họ không còn nhận được nhiều cơ hội làm việc nữa. Một nghiên cứu trên 57 nghiên cứu sinh nam và nữ, chưa có con trong khoa khoa học tự nhiên và kỹ sư tại một đại học nghiên cứu danh giá tại Mỹ đã chỉ ra, khi học theo bằng tiến sĩ, cả hai giới đều có ý định trở thành giáo sư sau khi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, phụ nữ phải từ chối cơ hội trở thành giáo sư bởi nơi làm việc có định kiến rằng việc “làm mẹ” (motherhood) không phù hợp với sự nghiệp học thuật – nhưng không phải việc “làm cha” (fatherhood). Một số người chia sẻ rằng các sinh viên nữ phải chọn lựa giữa sự nghiệp học thuật và việc có con, dẫn đến việc nhiều nghiên cứu sinh nữ phải giấu bệnh án sẩy thai, hoặc cố tình tuyên bố họ không có ý định có con.

Dịch bệnh COVID-19 đã đặt thêm gánh nặng cho phụ nữ khi giờ đây họ cần phải vừa cố gắng giữ lấy công việc, và chăm sóc gia đình con cái khi làm việc tại nhà. Báo cáo từ TrustRadius cho thấy, 57% phụ nữ được khảo sát cho biết họ cảm thấy kiệt sức hơn bình thường trong thời kỳ đại dịch, so với 36% nam giới cũng nói như vậy.

Số lượng lớn phụ nữ (33%) cho biết họ đảm nhận nhiều trách nhiệm chăm sóc con cái hơn nam giới (19%) ở nhà, 46% phụ nữ khu vực Đông Nam Á làm việc trong lĩnh vực công nghệ đã phải “vật lộn” để sắp xếp công việc và cuộc sống gia đình kể từ khi dịch bùng phát hồi tháng 3/2020. Đặc biệt, phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ cũng có nguy cơ mất việc làm hoặc bị sa thải trong đại dịch cao gần gấp đôi so với nam giới (14% so với 8%). 

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận

Các bài khác cùng chủ đề

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.