TẠI SAO CÓ NHỮNG PHỤ NỮ CHỌN KHÔNG RỜI KHỎI TÌNH YÊU BẠO HÀNH?

Picture of Nhà Nhiều Cột

Nhà Nhiều Cột

Chiến dịch #NhàNhiềuCột nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của người trẻ đối với các định kiến giới và thay đổi các sản phẩm quảng cáo nhằm hướng tới mục tiêu bình đẳng giới.

“Tăng tương tác”, ép quan hệ tình dục, xúc phạm, lăng mạ, cấm đoán, cô lập, kiểm soát tài chính… Năm 2019, cứ 3 phụ nữ Việt Nam thì có gần 2 người bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần, kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời. [1]

Chịu nhiều tổn thương về cả thể chất, tinh thần, tài chính…, lý do tại sao nhiều người phụ nữ vẫn lựa chọn không rời khỏi cuộc hôn nhân “ác mộng” của mình?

448142602 869572038543190 1665656617258640553 n.jpg?stp=dst jpg p526x395& nc cat=107&ccb=1 7& nc sid=833d8c& nc ohc=QiigBg6mQJkQ7kNvgHw i9& nc zt=23& nc ht=scontent.fhan18 1

LÝ DO #1: ĐỊNH KIẾN GIỚI KHIẾN PHỤ NỮ PHỤ THUỘC KINH TẾ VÀO ĐÀN ÔNG

Trên toàn thế giới, mức lương trung bình của phụ nữ thấp hơn đàn ông. Tại Việt Nam, thu nhập trung bình của lao động nam cao gấp 1,37 lần lao động nữ (gần 3 triệu đồng). Ngoài sự chênh lệch trong trình độ học vấn, đào tạo, phụ nữ còn chịu gánh nặng là người thực hiện các công việc chăm sóc không lương, dẫn đến thực tế dù số giờ làm nhiều hơn, mức lương của phụ nữ vẫn thấp hơn nam giới.

Ngoài ra, phụ nữ cũng bị trói buộc trong những loại hình công việc được cho là không có giá trị cao. Nhiều phụ nữ lựa chọn hoặc bị buộc phải lựa chọn làm việc trong các ngành có thu nhập thấp, công việc bán thời gian, công việc trong khu vực phi chính thức (những người làm những công việc lao động tự do trong xã hội như làm nông nghiệp, bán hàng rong, thu gom phế liệu…) bởi họ cần “cân bằng” trách nhiệm cho gia đình và công việc. Cũng vì trách nhiệm với gia đình, nhiều phụ nữ chọn từ bỏ mức lương cao hơn để làm việc trong các ngành nghề có các phúc lợi phi tiền tệ tốt hơn như nghỉ phép có lương, số giờ làm việc trong tuần ít hơn, bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội. [2]

Những thiệt hại về kinh tế và cơ hội này thường không thể được tính toán rõ ràng và chỉ được nhắc đến một cách “lãng mạn hoá” như “tổn thất thanh xuân” của người phụ nữ, phi lý hoá khả năng đo đếm được, đồng thời bình thường hoá những tổn thất này.

Sự phụ thuộc sẽ tăng lên khi những đứa con xuất hiện. Trong những giai đoạn nhạy cảm mà khả năng lao động sụt giảm như sinh con, có tới 65% phụ nữ Việt Nam không nhận được bất kỳ khoản trợ cấp tài chính nào từ bảo hiểm xã hội vì làm việc trong khu vực phi chính thức, không có hợp đồng lao động hoặc có nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội. [3] Họ có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói nếu như không nhận được sự hỗ trợ từ những người xung quanh.

Không chỉ lo cho bản thân, người phụ nữ không rời đi phần nhiều vì lo lắng cho con cái của họ. Chi phí để nuôi dưỡng con cái ngày càng đắt đỏ cũng đòi hỏi sự “chung tay” của nhiều hơn một người. Nhiều phụ nữ lo sợ việc ly hôn sẽ ảnh hưởng đến khả năng con cái của họ được nuôi dưỡng một cách đầy đủ về mặt vật chất, đặc biệt là nếu người chồng có gia đình mới, họ lo sợ con cái phải chia sẻ nguồn lực tài chính của người cha với những không phải “gia đình” của họ. Những người phụ nữ có khả năng tài chính hạn chế hơn cũng không dễ để giành được quyền nuôi con nếu ra tòa ly hôn.

LÝ DO #2: ĐỊNH KIẾN GIỚI VỚI NHỮNG GIA ĐÌNH “ĐỔ VỠ”

Kinh tế là một vấn đề lớn, nhưng không phải là toàn bộ nguyên do. Rất nhiều những người phụ nữ có sự nghiệp rực rỡ, sở hữu nhiều tài sản, hoàn toàn tự tin vào khả năng tài chính của mình và không có bất kỳ lo lắng nào về rủi ro tài chính có thể xảy ra nếu từ bỏ người bạn đời hiện tại, nhưng tại sao họ vẫn không thể rời khỏi cuộc hôn nhân bạo hành?

Định kiến xã hội cho rằng mọi gia đình “đổ vỡ” đều được tạo thành bởi (hoặc sẽ tạo nên) những con người “bất thường” và “không hạnh phúc”, bao gồm cả cha mẹ và những đứa con. Nhiều phụ nữ không thể ly hôn vì lo ngại về cách mà xã hội sẽ nhìn nhận bản thân và con cái của mình.

Khuôn mẫu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” quy trách nhiệm “vun vén” hạnh phúc gia đình cho phụ nữ, và vì thế, phụ nữ ly hôn trở thành người thất bại. Phụ nữ bị cho là phải “có vấn đề” thì mới dẫn đến ly hôn. Phụ nữ sau ly hôn bị nhiều người gọi là “đã qua một đời chồng”, bị đánh giá là không có nhiều “giá trị” để hướng đến một cuộc hôn nhân tiếp theo tốt đẹp hơn. Những lời chê trách thậm chí đến từ chính cha mẹ, người thân của người phụ nữ, khiến họ có cảm giác bất lực. Họ cũng sợ hãi việc con cái của mình có thể bị xã hội đánh giá vì cuộc hôn nhân của cha mẹ mình.

Nguy hiểm hơn, phụ nữ thậm chí có khả năng không nhận ra mình đang là nạn nhân của bạo lực gia đình để nảy sinh ý định rời đi. Định kiến khiến bản thân phụ nữ chấp nhận chịu đựng, thậm chí bình thường hoá bạo lực và coi đó chỉ là một tình huống bình thường trong đời sống vợ chồng. Đây là mức độ cao nhất của kỳ thị nữ giới chủ quan, chính là sự tự áp bức do những tiêu chuẩn và định kiến đã được nội tại hóa (internalized opression). Một nửa phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. Trong khi đó, 90,4% phụ nữ bị bạo lực thể xác hoặc/và tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền. [4]

LÝ DO #3: TÂM LÝ GẮN KẾT VỚI TỔN THƯƠNG

Ngoài những lý do xã hội, hiện tượng “trauma bond” nảy sinh trong tâm lý người phụ nữ cũng là một lý do khiến họ không thể rời đi. Với những trường hợp này, sự lạm dụng, tổn thương lại trở thành sợi dây kết nối, ràng buộc người phụ nữ với mối quan hệ bạo hành của họ.

Trong một mối quan hệ có gắn kết đau thương, những khoảnh khắc bị lạm dụng, thao túng thường xen kẽ với sự yêu thương hoặc thân mật không liên tục, khiến nạn nhân vì khao khát những giai đoạn yêu thương mà bỏ qua giai đoạn còn lại. Nạn nhân thường sẽ cố gắng hợp lý hóa hoặc biện minh cho sự lạm dụng mà họ đang trải qua, do đó hình thành tình cảm gắn bó với kẻ lạm dụng.

Khi một người phụ nữ có tâm lý gắn kết với tổn thương bị bạo hành bởi chồng mình, cô ấy sẽ ghét hoàn cảnh của mình nhưng sẽ chọn ở lại và chịu đựng thay vì rời đi. Người phụ nữ dần tự ép mình không trách móc, tự giải thích rằng chồng/người yêu của mình bị đặt trong tình thế khó xử nên mới làm như vậy.

Ngoài ra, trong một mối quan hệ, người đàn ông cũng có thể thực hiện các hành động thao túng tâm lý, “gaslight”, đổ lỗi cho nạn nhân khiến phụ nữ dần thực sự tin vào việc khi cô ấy bị bạo hành, lỗi là do cô ấy. Cô ấy “học được sự bất lực” (learned helplessness), từ bỏ ý định thoát khỏi nỗi đau và chấp nhận số phận của mình, không tin vào khả năng tự chủ sau khi thoát ra, núp dưới “nỗi sợ cô đơn”.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận

Các bài khác cùng chủ đề