Met Gala – Buổi yến tiệc thời trang lớn nhất hành tinh luôn là tâm điểm thu hút sự chú ý của những người yêu thời trang và mến mộ cái đẹp. Mỗi năm với một chủ đề trang phục khác nhau như American Independence (Nước Mỹ Độc Lập) năm 2021, Camp: Notes on Fashion (Camp: Điểm nhấn trong thời trang) năm 2019, hay Heavenly Bodies: Fashion and the Catholic Imagination” (Thánh thể: Thời trang và những hình dung Thiên Chúa giáo) năm 2018, sự kiện Met Gala luôn khiến công chúng tò mò về cách các khách mời “giải đề” thông qua các bộ trang phục độc đáo, phá cách và không kém phần ý nghĩa.
Vượt ra khỏi khuôn khổ là một sự kiện thời trang tầm cỡ quốc tế, Met Gala còn là nơi những ngôi sao lớn tận dụng sức ảnh hưởng sâu rộng của sự kiện tới nhiều đối tượng để truyền tải những thông điệp văn hoá xã hội tích cực, một trong số đó chính là về giới và thể hiện giới thông qua thời trang phi giới tính (queer fashion/gender fluid fashion). Những năm vừa qua, các bộ trang phục vượt qua khuôn mẫu giới đã xuất hiện nhiều hơn trên thảm đỏ Met Gala. Chưa bàn đến việc mặc đúng chủ đề hay không, việc các nghệ sĩ thể hiện sự ủng hộ thời trang phi giới tính nói riêng, và cộng đồng LGBTQ+ nói chung đã khẳng định tinh thần: Giới tính không phải giới hạn trong thời trang.
Mời các Cột cùng Nhà tìm hiểu thêm về Met Gala và những bộ trang phục phi giới tính độc đáo qua từng năm nhé 🥰 🤗
1. MET GALA LÀ SỰ KIỆN GÌ?
Sự kiện The Costume Institute Gala/ The Costume Institute Benefit, hay còn gọi là Met Gala, được tổ chức thường niên vào thứ 2 đầu tiên của tháng 5 mỗi năm. Mục đích của sự kiện nhằm gây quỹ cho Viện bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, nơi bảo tồn 33.000 bộ trang phục trong bảy thế kỷ, bao gồm váy đầm và phụ kiện của nam, nữ và trẻ em, từ thế kỷ mười ba cho đến ngày nay.
Mỗi năm Met Gala sẽ có một chủ đề trang phục khác và các khách mời tham dự cần chọn trang phục không bị giới hạn trong bất cứ khuôn khổ nào, miễn sao thể hiện đúng tinh thần chủ đề của năm đó. Người đứng đầu giám tuyển là Andrew Bolton cùng với 32 thành viên trong đội ngũ của ông nghiên cứu đề tài trước nhiều năm về những gì phản ánh sự nhạy cảm văn hóa của thời đại. Sau khi đã chọn được đề tài thích hợp, họ sẽ trình bày đề xuất cho Giám đốc của bảo tàng và chủ tịch Anna Wintour để phê duyệt. Bà Wintour đã là chủ trì và là co-host sự kiện này từ năm 1995.
2. LỊCH SỬ RA ĐỜI MET GALA
Năm 1948, nhà báo thời trang Eleanor Lambert thành lập Met Gala như một cách để gây quỹ cho Viện Trang phục mới được thành lập lúc bấy giờ. Trong vài thập kỷ đầu, dạ tiệc được tổ chức đơn giản cho các tổ chức từ thiện ở New York và giá vé chỉ có 50 đô la. Những người tham dự buổi dạ tiệc đầu tiên hầu như là tầng lớp thượng lưu New York và ngành công nghiệp thời trang của thành phố. Từ năm 1948 đến 1971, sự kiện không chỉ được tổ chức tại Viện bảng tàng Met như ngày nay mà còn tại nhiều địa điểm khác nhau như Waldorf-Astoria, Central Park và Rainbow Room.
Năm 1973, cựu Trưởng ban biên tập của Vogue Diana Vreeland tham gia Met với tư cách Cố vấn Đặc biệt cho Viện Trang phục. Vreeland đã biến buổi Gala thành một sự kiện hấp dẫn và đồng thời vẫn giữ nguyên mục đích ban đầu: gây quỹ từ thiện. Dưới nhiệm kỳ của bà, sự kiện hướng đến những người nổi tiếng nhiều hơn với những vị khách mời như Elizabeth Taylor, Andy Warhol, Bianca Jagger, Diana Ross, Elton John, Liza Minnelli… cùng giới thượng lưu của thành phố. Các chủ đề trang phục cho sự kiện được ra đời dưới nhiệm kỳ của Vreeland bắt đầu bằng buổi triển lãm có chủ đề “The World of Balenciaga” (1973). Vreeland làm việc với Met không ngừng nghỉ cho đến khi bà mất năm 1989. Các bộ sưu tập của Viện trang phục tràn ngập quà tặng của các nhà tài trợ, 14 show diễn thành công trong nhiệm kỳ rực rỡ của Vreeland và di sản quý giá nhất bà để lại chính là sự quan tâm lâu dài của công chúng đối với trang phục cũng như lượng lớn khán giả hiện đang được thu hút bởi lĩnh vực này.
Năm 1995, tổng biên tập Vogue Anna Wintour được bổ nhiệm làm chủ tọa sự kiện Gala (không bao gồm năm 1996 và 1998). Dưới sự chủ trì của bà Wintour, sự kiện gây quỹ này đã trở thành một trong những sự kiện thành công nhất trên thế giới, thu hút được nhiều người nổi tiếng trong các lĩnh vực khác nhau từ thể thao, phim ảnh, âm nhạc cho đến kinh doanh. Theo The New York Times, vé tham dự sự kiện vào năm 2019 đã có con số lên tới 35.000 đô la và các bàn tiệc từ 200.000 đến 300.000 đô la.
3. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THỜI TRANG PHÁ VỠ ĐỊNH KIẾN GIỚI VÀ NHỮNG THAY ĐỔI TẠI MET GALA
Những năm 1700, đồng tính vẫn chịu sự cấm kỵ rộng rãi tại Châu Âu. Do đó, trang phục là phương tiện duy nhất để những người đồng tính nhận biết cộng đồng của mình và kết nối với nhau. Cho đến những năm 1920, phụ nữ bắt đầu khám phá những bộ đồ nam tính hơn. Những buổi dạ hội drag bắt nguồn từ New York là “không gian an toàn”, nơi mọi người có thể ăn mặc đồ của giới kia mà không phải cảm thấy xấu hổ về điều đó. Trong những năm 1950-60, phụ nữ bắt đầu mặc quần nhiều hơn, và nam giới cũng thể hiện sự hứng thú với sự đa dạng trong thời trang, từ đó dẫn đến sự phát triển của thời trang lưỡng tính (androgyny).
Tóm lại, thời trang hoạt giới đã ra đời với mục đích phá vỡ những áp đặt của số đông về phong cách ăn mặc và các item thời trang chỉ nên phục vụ một giới tính cố định. Trong khi đó, thời trang trung tính (gender neutral fashion) là cụm từ dùng để chỉ những cố gắng của các nhà thiết kế như Yohji Yamamoto, Rick Owens, JW Anderson and Charles Jeffrey trong việc tạo ra những món đồ xoá nhoà lằn ranh giới tính.
Trước kia tại Met Gala, trong khi các sao nữ có thể thử nghiệm nhiều phong cách thời trang khác nhau cả nữ tính và nam tính, thì các sao nam tại chỉ thể hiện phong cách trong vùng trang phục “an toàn” và “truyền thống” như vest, tuxedo màu đen hoặc có một số thay đổi về màu sắc và phụ kiện nhưng không đáng kể. Từ những năm 2010 trở lại đây, Met Gala xuất hiện nhiều trang phục hoạt giới hơn, các sao nam bắt đầu tự tin thỏa sức sáng tạo về trang phục, không còn là những bộ vest đen truyền thống mà thay vào đó là những bộ cánh thể hiện đa dạng khía cạnh trong con người mình nhiều hơn.
Đặc biệt, năm 2019 với chủ đề Camp: Notes on Fashion (Camp: Những điểm nhấn trong thời trang), đánh dấu sự hiện diện nổi bật hơn của thời trang phi nhị nguyên. Chủ đề Met Gala 2019 được lấy cảm hứng từ tiểu luận “Những điểm nhấn về Camp” vào năm 1964. “Camp” có thể hiểu là những giá trị thẩm mỹ đi ngược lại quy chuẩn bình thường, là xu hướng cường điệu và “làm lố” trong thời trang. Camp còn được hiểu là “giả lộ”, chỉ những người đàn ông ăn vận và trang điểm cầu kỳ như phụ nữ. Các sao nam thay phong cách ăn mặc an toàn bằng cách mặc đồ bó sát, các chất liệu trong suốt, trang điểm, đeo phụ kiện trong khi nhiều sao nữ xuất hiện trong các trang phục “truyền thống” của nam giới với nhiều cách điệu.
Bước ngoặt lớn trong chủ đề năm 2019 đã cho thấy rằng mọi chuẩn mực về giới tính trong thời trang đều có thể bị phá vỡ, mọi người hãy thoải mái biểu đạt cả những phần nam tính và nữ tính trong mình qua ngôn ngữ thời trang.
Hãy cùng chiêm ngưỡng các bộ trang phục vượt qua các chuẩn mực và khuôn mẫu giới xuất sắc nhất trong những năm gần đây với Nhà haa 🤗
Đọc thêm về thời trang tại đây, không hể phí tiền mạng 🤗
4. Harry Styles (Met Gala 2019)
Harry Styles là một trong những sao nam tiên phong cho phong cách thời trang phi giới tính. Tại Met Gala 2019, Harry Styles mặc bộ áo liền quần Gucci màu đen với phần tay xuyên thấu, sơn móng tay, kèm phụ kiện là chiếc bông tai ngọc trai hình giọt nước. Harry chia sẻ với tạp chí Vogue: “Thời trang nên là một thứ gì đó vui vẻ và thể hiện được bản thân mình”. Harry còn nổi tiếng với hình ảnh mặc đầm dạ hội trên trang bìa tạp chí US Vogue 2020 và trở thành gương mặt trẻ có sức ảnh hưởng lớn thời trang năm 2020.
Xem thêm phần trả lời phỏng vấn của Harry Styles với tạp chí Vogue 👇
5. Billy Porter (Met Gala 2019)
Một trong những khoảnh khắc lịch sử trên thảm đỏ Met Gala, diễn viên Billy Porter tung cánh trên thảm hồng trong bộ trang phục “Thần Mặt Trời”, lấy cảm hứng từ Ra – thần Mặt trời Ai Cập của The Blonds, dát vàng từ đầu đến chân. Billy Porter cũng là nam diễn viên luôn thể hiện phong cách thời trang của mình thông qua các bộ đồ “dành cho phái nữ”. Anh từng chia sẻ: “Phụ nữ mặc quần được coi là mạnh mẽ, quyền lực. Trong khi đàn ông mặc váy lại không được chấp nhận. Chúng ta cần vượt qua định kiến đó. Tôi thấy mình nam tính nhất khi đi giày cao gót.”
6. Michael Urie (Met Gala 2019)
Bộ trang phục chia đôi giới (split-gender) một nửa là đầm dạ hội màu hồng, một nửa là tuxedo màu đen cùng cùng với layout trang điểm tương ứng. “Tới bến đi cho dù bạn là ai” (You can be your own prom date no matter who you are!). Đây được đánh giá là một trong những bộ trang phục không chỉ thể hiện sâu sắc chủ đề Camp mà còn mang đậm tinh thần phi nhị nguyên tại Met 2019.
Các bạn có thể đọc thêm về bộ trang phục này và tại sao nó lại thể hiện đúng chủ đề Met Gala 2019 tại đây.
7. Danai Gurira (Met Gala 2019)
Danai Gurira mặc bộ tuxedo cách điệu cùng với mũ, cô cho biết bộ trang phục này được từ nhà thơ và biên kịch người Ireland Oscar Wilde.
8. Janelle Monáe (Met Gala 2019)
Bộ trang phục bắt mắt của Janelle Monáe lấy cảm hứng từ các tác phẩm của Picasso những năm 1900, cùng ý tưởng với Michael chia đôi trang phục thể hiện hai phong cách, hai mặt của bản thân. Một nửa là áo cao cổ đen và nửa váy trắng với điểm nhấn là đôi môi đỏ phong cách Dietrich, nửa còn lại là áo hình con mắt với mi giả và nửa váy màu hồng phong cách Barbie. Monáe vẫn luôn nổi tiếng với phong cách thời trang hoạt giới và không bó buộc vào quy chuẩn nào.
Bạn còn muốn biết thêm về bản sketch và những câu chuyện bên lề về bộ cánh này? Đọc thêm tại đây.
9. Zazie Beetz (Met Gala 2019)
Lần đầu xuất hiện tại Met Gala 2019, Zazie Beetz đã để lại dấu ấn sâu sắc về phong cách thời trang phi giới tính của mình bằng trang phục thời Victoria kết hợp giữa tuxedo (mặt trước) và váy cưới (mặt sau). Theo nhà mốt Thom Browne, ông muốn bộ trang phục này xoá nhoà ranh giới định nghĩa sự nữ tính và nam tính, cảm hứng của ông tới từ việc trang phục này đơn giản là vẻ đẹp của việc một người đàn ông khám phá nét nữ tính trong mình, và một người phụ nữ thể hiện sự mạnh mẽ trong phong cách cá nhân, dám can đảm thể hiện cái tôi.
Đọc thêm về quá trình tạo nên bộ đồ độc đáo này tại đây nhé 🥰
10. Drag Queens Violet Chachki và Aquarina (Met Gala 2019)
Hai người thắng cuộc trong cuộc thi RuPaul’s Drag Race đã có màn “debut” ấn tượng trên thảm đỏ Met Gala 2019 với những bộ trang phục thể hiện đúng tinh thần chủ đề Camp năm đó. Violet Chachki diện bộ đầm bó sát màu đen giống như găng tay lụa khổng lồ từ nhà Moschino cùng với make up tương phản mắt xanh và son môi đỏ nổi bật. Còn Aquaria mặc đầm từ John Galliano với bộ tóc giả trắng, găng tay đính pha lê gắn móng tay giả, bodysuit lưới bên trong và đầm đen từ những sợi dây nơ to bản. Bộ trang phục được lấy cảm hứng từ bộ phim Victor/Victoria bởi Julie Andrews.
Đọc thêm bài viết của chúng mình về Những khoảnh khắc ấn tượng của Queer Fashion.
11. Nikkie de Jager/Nikkie Tutorials (Met Gala 2021)
Nghệ sĩ trang điểm – Youtuber Nikkie Tutorials công khai là người chuyển giới năm ngoái. Năm nay, cô đem tới Met Gala 2021 bộ trang phục vinh danh biểu tượng LGBTQ+ Mỹ Marsha P. Johnson – nhà hoạt động người Mỹ chuyển giới da màu tiên phong tại cuộc biểu tình Stonewall năm 1969 tại New York. Vòng hoa và váy dạ hội là dấu ấn đặc trưng của Johnson, chữ “P” trong tên của Johnson được giải nghĩa là “Pay it no mind” (tạm dịch: Không rảnh quan tâm tới ý kiến người đời) cũng được in lên vạt trước của chiếc đầm.