Hiếp dâm trừng phạt: Liệu pháp cho “bệnh” đồng tính?

Nhà Nhiều Cột

Nhà Nhiều Cột

Chiến dịch #NhàNhiềuCột nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của người trẻ đối với các định kiến giới và thay đổi các sản phẩm quảng cáo nhằm hướng tới mục tiêu bình đẳng giới.

Vào ngày 28 tháng 04 năm 2008, thi thể đẫm máu, không còn sự sống của một người phụ nữ đã được tìm thấy dưới một con mương nhỏ trong tình trạng bán khỏa thân. Cô bị cưỡng hiếp tập thể, đánh đập dã man trước khi bị đâm 25 nhát vào mặt, ngực và chân. Người phụ nữ này tên Eudy Simelane – cầu thủ nổi tiếng của đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Nam Phi, một nhà hoạt động vì quyền bình đẳng cũng như một trong những phụ nữ đầu tiên sống công khai là người đồng tính tại KwaThema.

eyJlZGl0cyI6eyJyb3RhdGUiOm51bGwsInJlc2l6ZSI6eyJ3aWR0aCI6MTYwMCwiZml0IjoiY292ZXIifX0sImJ1Y2tldCI6InYyLXBtaC1jb21tdW5pdHkiLCJrZXkiOiJ1c2Vyc1wvMzcyN1wvc3Rvcmllc1wvNjYyM1wvbnlycXV2OTZiZDUzOTA5OS5qcGVnIn0=
Con mương nhỏ giữa cánh đồng nơi Eudy Simelane bị sát hại (Ảnh: Clare Carter @Contact Press Images)

Khi những kẻ giết Eudy được đưa ra xét xử, chỉ có hai trong số bốn người đàn ông bị buộc tội chịu sự kết án. Phiên tòa không hề đề cập đến tội ác vì thù ghét (ở đây là sự thù ghét nhắm vào xu hướng tính dục của nạn nhân) mà chỉ coi đây là hiếp dâm thông thường. Chính thẩm phán Ratha Mokgoatlheng không muốn sử dụng từ “đồng tính nữ”, thay vào đó hỏi công tố viên liệu có từ khác để sử dụng thay thế không.

Trong lúc tuyên án, những kẻ sát hại đã cười lớn. Thậm chí, thủ phạm chính đã ngẩng cao đầu khẳng định việc mình làm, tự hào bao biện rằng hắn chỉ làm những điều đúng với đạo lý, rằng đấy là liệu pháp “chữa bệnh” từ bao đời nay của đất nước này nhằm đối phó với “dịch bệnh” đồng tính. Gần 30 vết chém trên người Eudy, theo lời kẻ giết người, vừa là cái giá phải trả cho việc công khai tuyên bố bản thân là người đồng tính của cô, vừa là “lời răn đe” mạnh mẽ cho những “con bệnh” như Eudy ở Nam Phi.

Vụ việc của Eudy Simelane đã làm rúng động cả Nam Phi, đồng thời bắt nguồn thuật ngữ “hiếp dâm trừng phạt/sửa chữa” (Corrective Rape) – hành vi cưỡng bức nhằm “nắn thẳng” những nạn nhân được cho là mang xu hướng tính dục “không bình thường”. Hãy cùng Nhà Nhiều Cột tìm hiểu vấn đề này qua những thông tin dưới đây nhé!

HIẾP DÂM TRỪNG PHẠT/SỬA CHỮA LÀ GÌ?

Hiếp dâm trừng phạt/sửa chữa (corrective rape), hay hiếp dâm kỳ thị đồng tính (homophobic rape) được coi là hình phạt dành cho những người đồng tính hoặc những người có biểu hiện giới khác với “truyền thống” (phần lớn là phụ nữ). Những kẻ phạm tội cho rằng hành vi này sẽ là liệu pháp chữa trị cho xu hướng tính dục đồng tính luyến ái.

Thuật ngữ hiếp dâm trừng phạt/sửa chữa xuất phát tại Nam Phi ngay sau khi những vụ cưỡng hiếp và giết hại người đồng tính nữ nổi tiếng như Zoliswa Nkonyana (2006), Eudy Simelane (2008) và Noxolo Nogwaza (2011) trở nên công khai. Giờ đây, thuật ngữ này đã được sử dụng rộng rãi hơn để chỉ hành vi hiếp dâm bất kỳ cá nhân nào được cho là không phù hợp với các “chuẩn mực” về xu hướng tính dục hay vai trò giới.

Theo đề xuất trong Hướng dẫn Thuật ngữ năm 2015 do Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) xuất bản, thuật ngữ ‘hiếp dâm sửa chữa’ không nên được sử dụng nữa. Nguyên nhân là vì thuật ngữ này mang ngụ ý cần phải điều chỉnh hoặc sửa đổi một hành vi hoặc khuynh hướng tình dục “lệch lạc”. Thay vào đó nên sử dụng thuật ngữ ‘hiếp dâm kỳ thị đồng tính’ (homophobic rape), ghi nhận sự kỳ thị đồng tính sâu sắc và thúc đẩy tội ác vì thù ghét.

PHẠM VI CỦA NẠN HIẾP DÂM ĐỂ “NẮN THẲNG”

Nạn hiếp dâm trừng phạt hiện đang tồn tại phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm: Ecuador, Haiti, Ấn Độ, Jamaica, Kenya, Kyrgyzstan, Hà Lan, Nigeria, Peru, Nam Phi, Thái Lan, Uganda, Ukraine, Vương quốc Anh, Mỹ và Zimbabwe.

02
Nạn hiếp dâm trừng phạt hiện đang tồn tại phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới (Ảnh: Nhà Nhiều Cột)
  • Tại Nam Phi, nhiều người dân có quan niệm rằng hiếp dâm là cách thức hiệu quả nhất để khơi dậy “thiên chức nữ tính”, biến một phụ nữ đồng tính trở lại thành một “cô gái đích thực”.
  • Tại Ấn Độ, một chàng trai tuổi vị thành niên bị chính mẹ mình cưỡng bức nhằm chữa “bệnh đồng tính”. Và cũng tại nơi đây, các vị phụ huynh rất tuyệt vọng trong việc “bẻ thẳng” con cái, đến mức họ khuyến khích anh chị em ruột, họ hàng và thậm chí cả bố và mẹ của đứa trẻ hiếp dâm chúng.
  • Tại Anh, một ông bố 54 tuổi đã hiếp dâm con gái ruột 16 tuổi là người đồng tính để chứng minh cho cô ấy rằng tình dục với đàn ông tốt hơn với phụ nữ.
  • Tại Việt Nam, nhiều gia đình đã thuê thầy cúng hoặc cho đánh thuốc mê rồi mời người ngoài vào hiếp dâm chính con đẻ của mình để “cai” đồng tính.

NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG VÀ ĐỘNG CƠ DẪN ĐẾN HÀNH VI HIẾP DÂM TRỪNG PHẠT

Nghiên cứu năm 2000 “Lesbians And Hate Crimes” (tạm dịch: Đồng tính nữ và Những tội ác vì thù ghét) chỉ ra rằng việc ủng hộ những tội ác mang tính căm thù đối với người đồng tính, sự phản ứng của cộng đồng trước vấn đề này và sự phản hồi, can thiệp của hệ thống tư pháp đều có những tác động đáng kể/góp phần củng cố các hành vi hiếp dâm trừng phạt.

Động cơ của những người phạm tội thường được thể hiện rõ ràng qua việc chửi rủa, đánh đập trước và trong khi cưỡng hiếp, trong đó nhấn mạnh vào việc dạy cho nạn nhân “‘một bài học” hay trao ân huệ cho nạn nhân trở thành “một người phụ nữ/đàn ông thực thụ”.

03
Hiếp dâm trừng phạt nhấn mạnh vào việc dạy cho nạn nhân “‘một bài học” hay trao ân huệ cho nạn nhân trở thành “một người phụ nữ/đàn ông thực thụ” (Ảnh: Nhà Nhiều Cột)

Trải nghiệm cá nhân bao gồm, các nạn nhân nữ “được dạy những gì mà mình còn thiếu” trong khi các nạn nhân nam thường bị cưỡng hiếp tập thể – khiến những trải nghiệm tình dục trở nên kinh hoàng và bạo lực đến mức họ ghê sợ phải quan hệ tình dục đồng giới sau này.

Mô hình bạo lực, tấn công tình dục như trên là hậu quả của sự căm ghét, kỳ thị (misogyny & misandry) kết hợp với ghê sợ đồng tính (homophobia) và định chuẩn hóa dị tính (heteronormativity) – cho rằng xu hướng dị tính là chuẩn mực, được hưởng đặc quyền và ưu tiên. Một số nguồn khác cho rằng nhiều trường hợp hiếp dâm trừng phạt là do kết luận từ cuộc tranh luận giữa bản chất và môi trường.

Dù cộng đồng khoa học kết luận rằng xu hướng tính dục là kết quả của cả sinh học lẫn môi trường, nhiều người chỉ tin rằng những xu hướng khác với dị tính là vì ảnh hưởng từ môi trường, chứ không phụ thuộc vào cơ sở di truyền. Do đó, bộ phận này tin rằng xu hướng tính dục có thể thay đổi, hay như họ tin, là “chữa trị” được.

NHỮNG CỘNG ĐỒNG CHỦ YẾU ĐỐI MẶT VỚI VIỆC BỊ HIẾP DÂM TRỪNG PHẠT

04

🚨 Người đồng tính nữ (Lesbians)

Đồng tính nữ là một trong những cộng đồng phải chịu hành vi này nhiều nhất. Họ bị hãm hiếp nhằm mục đích trừng phạt hoặc “chữa bệnh” vì “dám” làm suy yếu các quan niệm về nam tính và dị tính, đồng thời từ chối các đề xuất và sự “tiến bộ” của nam giới.

Như đã đề cập ở trên, hiếp dâm trừng phạt được coi là món vũ khí được một bộ phận nam giới sử dụng để “dạy” những người đồng tính nữ trở thành “người đàn bà đích thực”. Đây như một lời nhắc nhở rằng, nếu lựa chọn không tuân theo các hành vi gia trưởng và dị tính “chuẩn mực”, họ sẽ phải trải qua hình phạt này.

Đặc biệt, những người đồng tính nữ mang đặc điểm nam tính (butch lesbian) thông qua kiểu tóc, trang phục… nói riêng là nạn nhân thường thấy trong các cuộc tấn công bạo lực hay hiếp dâm.

Sự thể hiện bên ngoài của họ là điều dễ thấy, truyền tải sức mạnh thông qua việc thể hiện xu hướng tính dục của họ đã biến những cá nhân này trở thành những đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi đe dọa 03 bên:

  • Đối với chủ nghĩa dị tính luyến ái (ở đây thể hiện qua mối quan hệ với người phụ nữ khác)
  • Đối với “chuẩn mực” về giới tính (thông qua việc thể hiện các đặc điểm nam tính)
  • Đối với giới tính (thông qua việc thách thức những kỳ vọng xung quanh cơ thể phụ nữ về mặt hình thức).

Bởi vì “cơ thể của người phụ nữ đồng tính là một cơ thể mất kiểm soát dưới góc độ di truyền”, hiếp dâm trừng phạt được coi là nỗ lực đưa những cơ thể này trở lại dưới sự kiểm soát của chế độ phụ quyền dị tính (heteropatriarchy, hệ thống xã hội – chính trị nơi nam giới và người dị tính có quyền lực hơn cả).

Chính vì suy nghĩ “cơ thể của những người đồng tính nữ ‘mất kiểm soát’”, thủ phạm của hành vi hiếp dâm trừng phạt ngụy biện rằng nạn nhân là người có lỗi, trong khi họ chỉ đang giúp đỡ bằng cách chứng minh rằng, làm tình với đàn ông tốt hơn với phụ nữ. Ngoài ra, những người phụ nữ đồng tính có xu hướng ít sử dụng các biện pháp phòng tránh thai hơn phụ nữ dị tính, các nạn nhân có nguy cơ mang thai rất cao khi bị hiếp dâm.

Do đó, nhiều người đồng tính nữ phải đối mặt với sự sang chấn vì mang thai do hậu quả của việc cưỡng hiếp, bên cạnh những tổn thương khi là nạn nhân của hiếp dâm và của tội ác vì thù hận. Những nạn nhân đồng thời chịu sự đả kích nặng nề hơn trong quá trình tìm bản sắc của chính mình.

🚨 Người vô tính (Asexual)

Một cộng đồng khác có khả năng cao trở thành nạn nhân của hiếp dâm trừng phạt là người vô tính. Người vô tính là những người ít quan tâm hoặc không có cảm nhận thu hút về mặt tình dục với người khác, bất kể họ thuộc giới tính nào. Thái độ xung quanh các xu hướng tính dục đã trở nên cởi mở hơn trong vài thập kỷ gần đây, tuy nhiên những cuộc thảo luận hay nghiên cứu về vô tính luyến ái thường xuyên bị bỏ qua, vô tình lu mờ bởi những khuynh hướng phổ biến và nổi bật hơn như dị tính, đồng tính và song tính.

Một hệ quả đáng tiếc của sự thiếu chú ý có thể kể đến là đánh giá thấp những mối đe dọa hay định kiến mà một người vô tính phải đối mặt. Một nghiên cứu năm 2012 đã tiết lộ rằng những người vô tính chịu thành kiến rõ rệt. Như có thể dự đoán, thái độ đối xử với người đồng tính, song tính và vô tính tiêu cực hơn so với người dị tính.

Trong đó, người vô tính bị đánh giá tiêu cực hơn cả, thấp hơn hẳn người đồng tính và song tính. Họ bị nhìn nhận là có “tính người nhất” thấp nhất khi có ít đặc điểm bản chất con người và trải qua ít cảm xúc hơn với người “bình thường”.

Những người vô tính thậm chí còn bị miêu tả vừa giống người máy, vừa giống động vật. Bởi suy nghĩ tình dục là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của những cá nhân không phải người vô tính, và cũng bởi một xã hội bị tình dục xâm nhập tràn lan, những người từ chối quan hệ tình dục đã bị đánh giá không phải là “con người”.

Sự chú ý ngày một gia tăng, thái độ thù địch đối với người vô tính cũng lớn lên tương ứng. Bên cạnh sự phân biệt đối xử, bạo lực tình dục cũng được thiết kế để “xóa bỏ” cộng đồng người này. Tương tự với người đồng tính nữ, những kẻ thực hiện hành vi hiếp dâm trừng phạt tin rằng mình đang thức tỉnh và giải phóng những người vô tính trở về trạng thái “bình thường”.

🚨 Người chuyển giới nam (Transgender Men)

Cộng đồng thứ ba phải đối mặt với nguy cơ hiếp dâm trừng phạt cao là người chuyển giới nam. Họ sinh ra với cơ thể nữ, nhưng nhận thức bản thân là nam. Những người chuyển giới nói chung là một trong những thành viên bị xã hội phân biệt đối xử nặng nề nhất, bao gồm sự kỳ thị, định kiến hay thiếu sự bảo vệ quyền con người và thừa nhận của luật pháp. Hệ quả, họ bị bạo lực tình dục, thậm chí những cá nhân này không được thừa nhận là người sống sót sau khi bị cưỡng hiếp (rape survivors).

Chính xu hướng bỏ qua những nạn nhân là người chuyển giới đã góp phần gia tăng khả năng bạo lực tình dục và biện hộ cho một hệ thống pháp luật thất bại trong việc phản ứng. Đồng thời, những nhầm lẫn giữa đâu là thủ phạm, đâu là nạn nhân, cũng như không nhận thức được những người chuyển giới cũng là nạn nhân của hiếp dâm ngày một gia tăng.

Xét trên góc độ giới tính nhị phân, cơ thể của người chuyển giới được ví như “giống loài khác, không đáng được tôn trọng, biện minh hay bảo vệ trước các hành vi quấy rối, xâm phạm”.

Sự phản đối, bài trừ đối với người chuyển giới nam (trans man) và chuyển giới nữ (trans woman) không giống nhau. Ngay cả việc bạo lực tình dục đối với người chuyển giới cũng có sự phân biệt giới. Nguyên nhân thủ phạm tấn công trans woman là để khẳng định lại sự dị tính và nam tính. Như vậy, những người chuyển giới nữ chủ yếu bị hành hung ở nơi công cộng vì hung thủ mong muốn có khán giả.

Trong khi đó, bạo lực tình dục đối những người chuyển giới nam được cho là vì thủ phạm muốn trừng phạt việc đi ngược lại với “chuẩn mực” giới, rồi tấn công các nạn nhân trong không gian riêng tư mặc cho họ vùng vẫy. Đối với những người chuyển giới nam không phẫu thuật bộ phận sinh dục (ở đây là còn âm đạo), hiếp dâm trừng phạt là một phần bạo lực thường xuyên mà họ phải chịu đựng.

Hành vi là một lời nhắc nhở từ kẻ cưỡng hiếp đến người chuyển giới nam, rằng “suy cho cùng họ vẫn là phụ nữ, họ vĩnh viễn sẽ bị đối xử như thế”. Nói cách khác, thủ phạm đang gửi thông điệp “sinh ra thế nào, số phận thế nấy” và những cá nhân này không có quyền hành động như thể “họ là đàn ông”.

🚨 Những cộng đồng khác

Người đồng tính nữ, người vô tính, và người chuyển giới nam không phải các cộng đồng duy nhất đối mặt với nguy cơ hiếp dâm trừng phạt. Bất cứ cá nhân nào được cho là có xu hướng tính dục “không bình thường” theo quan điểm nhị nguyên đều có thể là nạn nhân của hiếp dâm trừng phạt. Họ có thể thuộc các cộng đồng thiểu số khác, bị tấn công vì khuynh hướng tình dục hay sự nhận thức bản dạng giới không giống với số đông.

Để tổng kết, rất khó để xác định chính xác đâu là đối tượng chủ yếu phải đối diện với việc bị hiếp dâm sửa đổi. Dù nạn nhân có thuộc cộng đồng nào, thì hiếp dâm rõ ràng là một tội ác, xâm phạm đến quyền con người và để lại những vết cắt hằn sâu về mặt thể xác lẫn tinh thần. Việc tiếp tục hành hạ, bạo lực tình dục thậm chí việc bình thường hóa nạn hiếp dâm trừng phạt là điều không thể chấp nhận được, phơi bày những tư duy man rợ và khủng khiếp.

HIẾP DÂM TRỪNG PHẠT: “BẺ THẲNG” HAY NGHIỀN NÁT NẠN NHÂN?

05 1
Hành vi hiếp dâm trừng phạt và các hành vi bạo lực kèm theo dẫn đến những hậu quả nặng nề (Ảnh: Shutterstock)

Hành vi hiếp dâm trừng phạt và các hành vi bạo lực kèm theo dẫn đến những hậu quả nặng nề, bao gồm:

❗ Chấn thương thể chất và tinh thần

Về mặt thể chất, hiếp dâm trừng phạt để lại những vết bầm, vết cắt, đã có những nạn nhân bị sát hại ngay sau khi bị cưỡng hiếp. Nhiều nạn nhân sống sót sau lần xâm hại đối mặt với nguy cơ mang thai ngoài ý muốn, tự hủy hoại bản thân và tự tử để chấm dứt nỗi đau. Tại Nam Phi, hiếp dâm trừng phạt là nguyên nhân chính dẫn đến việc lây nhiễm HIV cho các nạn nhân là người đồng tính nữ.

Về mặt tâm lý, các nạn nhân trải qua sự trầm cảm, lo âu hay hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Tại Nam Phi và Ấn Độ nơi nạn hiếp dâm sửa đổi diễn ra phổ biến nhất, nhiều nạn nhân cảm thấy bất an và không có tiếng nói vì sự kỳ thị mạnh mẽ trong cộng đồng mà họ sinh sống. Các vụ việc bạo lực tình dục hiếm khi được báo cáo.

Thậm chí, những người đồng tính nữ Nam Phi sống sót sau lần hiếp dâm sửa đổi còn chịu sự chì chiết nặng nề, lấy việc xâm hại ra làm trò đùa hơn khi “vừa là phụ nữ, người da đen và người đồng tính”.

❗ Bị tước quyền tự chủ thân thể

Những kẻ hiếp dâm trừng phạt vi phạm quyền tự chủ thân thể của nạn nhân khi thực hiện hành vi mà không có sự đồng thuận. Những người này có ý thức khi phạm tội, cố tình làm tổn thương và làm nhục nạn nhân. Ở đây, quyền tự chủ thân thể bao gồm việc được quyền từ chối quan hệ tình dục và quyền được lựa chọn người bạn tình phù hợp, sẵn sàng về tâm lý.

Khi thực hiện hành vi hiếp dâm trừng phạt, thủ phạm đã tước bỏ cả hai quyền trên của nạn nhân và tự cho mình quyền kiểm soát, quyết định. Bất cứ khi nào kẻ hiếp dâm cố ý phạm tội và nhận thức rõ mình đang thực hiện hành vi bạo lực với nạn nhân, họ đã phạm tội ác xuất phát từ sự thù ghét.

❗ Bị hạ thấp danh dự và xâm phạm bản sắc

Đối chiếu với những loại hiếp dâm, hành vi hiếp dâm trừng phạt xảy ra trong bối cảnh định kiến và phân biệt đối xử nặng nề đối với những cá nhân không phải người dị tính, bị coi là không phù hợp với “chuẩn mực”. Đó là sản phẩm của định kiến xã hội và văn hóa nơi một số khuynh hướng tính dục hay bản dạng giới được cho là “không tự nhiên” và cần được “chữa trị”.

Đối với các cá nhân thuộc cộng đồng LGBTQIA+, xu hướng tính dục và bản dạng giới chính là khía cạnh cốt lõi trong bản sắc tổng thể của họ. Tương tự với quyền tự chủ về cơ thể, việc xâm phạm đến bản sắc bằng hành vi hiếp dâm sửa đổi có thể gây tổn thương nghiêm trọng khi nạn nhân vừa phải trải qua nỗi đau thể xác lẫn tâm lý, vừa phải chịu vết sẹo tâm hồn.

NGƯỜI THỰC HIỆN HÀNH VI HIẾP DÂM TRỪNG PHẠT CÓ TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ NHƯ THẾ NÀO?

Theo Nghiên cứu toàn diện về Luật phòng chống tội phạm tình dục của Khối thịnh vượng chung (2020) được thực hiện bởi tổ chức Human Dignity Trust, chỉ có 33 trên 60 khu vực pháp lý có tội phạm tấn công tình dục không phân biệt giới tính. Thêm vào đó, chỉ có 16 trên 60 khu vực pháp lý hình sự hóa tất cả các hành vi xâm hại tình dục mà không có sự đồng thuận, dù có hay không xâm nhập vào bộ phận sinh dục.

Trên thực tế, các định nghĩa về hiếp dâm hay các hình thức bạo lực tình dục khác đối với nhóm cộng đồng LGBTQIA+ chưa được bao quát trong bộ luật của nhiều quốc gia. Để lấy dẫn chứng, trong điều 219, chương 18, Bộ luật Hình sự của Nepal, hiếp dâm được định nghĩa là “quan hệ tình dục với người phụ nữ mà không nhận được sự đồng thuận hoặc với trẻ em dưới 18 tuổi dù có sự đồng thuận”.

Như vậy, luật chỉ thừa nhận tội hiếp dâm khi xảy ra đối với phụ nữ và trẻ em, loại trừ hành vi cưỡng hiếp đối với những người chuyển giới, người phi nhị nguyên giới hay người liên giới tính.

Vẫn tồn tại một số lỗ hổng trong hệ thống pháp lý cần phải được giải quyết, ở đây là đạo luật ngăn chặn tội ác vì thù ghét chưa được sử dụng triệt để nhằm bảo vệ những nạn nhân của hiếp dâm trừng phạt. Hầu hết các nạn nhân của hiếp dâm trừng phạt không bao giờ thấy trường hợp của mình được hệ thống pháp luật xử lý. Thay vào đó, tội phạm khi bị truy tố thường được kết án là tội quấy rối tình dục hoặc tội dâm ô thay vì tội hiếp dâm.

Để tổng kết lại, hiếp dâm trừng phạt củng cố bất bình đẳng xã hội. Vấn nạn này vi phạm các quyền cơ bản của con người bao gồm: quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân (điều 3, Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền UDHR năm 1948); quyền bình đẳng trước pháp luật, không bị pháp luật phân biệt đối xử. Đồng thời, vi phạm quyền tự chủ thân thể, quyền về tình dục và quyền về sinh sản.

06
Hiếp dâm trừng phạt củng cố bất bình đẳng xã hội (Ảnh: Nhà Nhiều Cột)
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận

Các bài khác cùng chủ đề

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.