Diễn ngôn trao quyền hay thêm gánh nặng cho phụ nữ?

Picture of Nhà Nhiều Cột

Nhà Nhiều Cột

Chiến dịch #NhàNhiềuCột nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của người trẻ đối với các định kiến giới và thay đổi các sản phẩm quảng cáo nhằm hướng tới mục tiêu bình đẳng giới.

Bức tranh bình đẳng giới tại Việt Nam gần đây đang có những chuyển biến tích cực. Những cuộc thảo luận về giới được đón nhận tích cực hơn, chạm tới mọi khía cạnh trong cuộc sống. Những diễn ngôn trao quyền cho phụ nữ cũng vì thế xuất hiện nhiều hơn.

Song, ta cũng dễ dàng bắt gặp những diễn ngôn một mặt giúp truyền cảm hứng nhưng đồng thời có những hạn chế như chưa bao quát, đơn giản hóa vấn đề. Hoặc, những người có đặc quyền đã tách bản thân ra khỏi bức tranh toàn cảnh – nơi phụ nữ vẫn là nhóm yếu thế trong xã hội – và có những diễn ngôn quy chụp, không bao hàm tới đối tượng nữ giới ở khu vực nông thôn, dân tộc thiểu số, có thu nhập thấp, chưa được trao quyền và vẫn bị ràng buộc bởi sự bất bình đẳng.

Hãy cùng Nhà Nhiều Cột điểm qua một vài diễn ngôn và phân tích xem những diễn ngôn ấy chưa phù hợp ở điểm nào nhé!

DISCLAIMER: Bài viết dưới đây chỉ bàn về quan điểm và diễn ngôn. Nhà Nhiều Cột không ủng hộ bất kỳ hành động công kích cá nhân nào. Chúng mình sẽ lập tức ẩn các bình luận hoặc báo cáo các hành động công kích nhắm vào chủ nhân của các diễn ngôn. Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng một không gian thảo luận thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau nhé 👌❤

Diễn ngôn 1: “Phụ nữ ngày càng tiến xa hơn trong lĩnh vực công nghệ và vũ trụ, sẽ không còn rào cản nào về giới tính và nghề nghiệp trong tương lai.”

240475764 342821540917705 605186108012281779 n.png? nc cat=102&ccb=1 5& nc sid=730e14& nc ohc=J9afJiQ8io8AX9DzD o& nc ht=scontent.fhan2 2
Nguồn: Nhà Nhiều Cột

So với quá khứ, phụ nữ giờ đây đã có nhiều cơ hội hơn trong việc tham gia vào thị trường lao động. Đối với ngành công nghệ, nghiên cứu năm 2020 của Viện AnitaB.org (Tổ chức toàn cầu dành cho các nhà công nghệ nữ) cho thấy phụ nữ chiếm 28,8% lực lượng lao động công nghệ, tăng ổn định so với những năm vừa qua – 25,8% vào năm 2018 và 26,2% vào năm 2019 [1]. Dù có sự tiến triển, phụ nữ vẫn chiếm tỷ lệ thiểu số trong lĩnh vực công nghệ nói chung, vai trò quản lý và lãnh đạo nói riêng. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, với tốc độ này, có thể mất hơn 10 năm nữa phụ nữ mới đạt được được quyền đại diện bình đẳng trong lĩnh vực công nghệ.

Ta cũng dễ nhận thấy, các bộ luật và chính sách lao động mới chỉ tập trung vào việc đẩy phụ nữ lên cho bằng đàn ông trong không gian công sở – như cân bằng tuổi hưu giữa nam và nữ, thắt chặt các điều khoản về quấy rối tình dục và bạo lực giới, thúc đẩy chính sách trả lương công bằng đối với những công việc tạo ra giá trị bằng nhau, xóa bỏ định kiến thể chất phụ nữ yếu hơn đàn ông,… – song giải pháp cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống bằng cách thúc đẩy chia sẻ chăm sóc gia đình lại chưa được tập trung chú trọng.

Bình đẳng giới nơi công sở sẽ không thể đạt được nếu phụ nữ vẫn phải gánh trách nhiệm việc nhà – nơi họ đang phải lao động ca hai mà không được trả lương và không được nhìn nhận giá trị đã đóng góp để tái tạo xã hội. Theo nghiên cứu “Giới và thị trường lao động ở Việt Nam: Phân tích dựa trên số liệu Điều tra Lao động – Việc làm” thực hiện bởi Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, phụ nữ trung bình dành 20,2 giờ mỗi tuần làm việc nhà (tương đương với 2,5 ngày làm việc); trong khi nam giới là 10,7 giờ.

Nếu chỉ tập trung sự can thiệp ở không gian công sở và không đoái hoài đến những rào cản ngay từ gia đình, phụ nữ với áp lực kép “giỏi việc nước, đảm việc nhà” sẽ không thể đạt được bình đẳng so với đồng nghiệp nam được đầu tư toàn thời gian cho sự nghiệp. Khi việc nhà chưa được phi giới tính hóa, chưa được xã hội nhìn nhận nghiêm túc và đầu tư sự can thiệp thì sẽ rất khó khăn cho những người phụ nữ không thể đạt được/dấn thân vào những lĩnh vực được cho là lãnh địa của nam giới, ví dụ như công nghệ và vũ trụ, và họ sẽ rơi vào trạng thái chất vấn đó là thất bại của cá nhân. Nhưng thực tế, đó là thất bại có tính đan chéo giữa văn hóa và kinh tế ở tính cấu trúc.

Diễn ngôn 2: “…đàn bà nhiều khi lại ‘sướng’ khi được lăn vào bếp… đừng ai đấu tranh giải phóng tôi khỏi căn bếp của mình, đó là đặc ân của mình, của riêng đàn bà.”

May be an image of text that says '#nhà nhiều cột DIỄN NGÔN "...đ‘àn bà nhiều khi lại 'sướng' khi được lăn vào bếp... đừng ai đấu tranh giải phóng tôi khỏi gian bếp của mình, đó là đặc ân của mình, của riêng đàn bà." THỰC TẾ "Sướng" khi được lăn vào bếp là trải nghiệm của một con người có quyền chứ không phải là đặc ân của phụ nữ.'
Nguồn: Nhà Nhiều Cột

Những diễn ngôn như trên hay suy nghĩ rằng chăm sóc là “bản năng” của phụ nữ đã củng cố quan niệm nội trợ là một kỹ năng có giới tính. Nó tước bỏ quyền được lựa chọn của cả nam và nữ: nữ giới phải quán xuyến việc nhà bất kể mọi giá, trong khi nam giới lại không được can dự vào. Khi nội trợ bị gán nhãn là công việc “tính nữ”, xã hội sẽ luôn có những cơ chế để trừng phạt những cá thể “lệch chuẩn”: một mặt, phụ nữ phải chịu định kiến không chu toàn, ích kỷ…; mặt khác, nam giới bị coi thường, chế nhạo.

Đối với những người có tiềm lực tài chính và thời gian, không phải vật lộn để cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình, hoặc thậm chí là bị buộc phải lựa chọn giữa sự nghiệp và gia đình, việc “lăn vào bếp” trở nên thật dễ dàng. Song, việc tách bản thân khỏi bức tranh chung, đó là phụ nữ vẫn là nhóm yếu thế và công việc nhà bị gán cho là trách nhiệm của nữ giới, khiến cho những phụ nữ có đặc quyền này dễ có những diễn ngôn quy chụp hoặc đơn giản hóa vấn đề.

Thực tế là, số liệu Điều tra Lao động – Việc làm năm 2018 cho thấy, gần 50% số phụ nữ lựa chọn không hoạt động kinh tế vì “lý do cá nhân hoặc liên quan đến gia đình”, trong khi chỉ có 18,9% nam giới không tham gia hoạt động kinh tế viện dẫn lý do này. Như vậy, nhiều phụ nữ “lăn vào bếp” không phải vì họ “sướng” hay cảm thấy đó là một “đặc ân” mà bởi vì họ không có quyền lựa chọn.

TS. Nguyễn Phương Mai đã có một bài phân tích chi tiết về khía cạnh này, các bạn tham khảo nhé: https://www.facebook.com/CultureMove/posts/567345540852700/ 

Diễn ngôn 3: “Việc nhà lo gì, cần thì thuê người giúp việc!”

May be an image of text that says '品网 #nhà nhiều cột DIỄN NGÔN "Việc nhà lo gì, cần thì thuê người giúp việc!" THỰC TẾ Không phải ai cũng có điều kiện thuê người giúp việc.'
Nguồn: Nhà Nhiều Cột

Đối với nhiều gia đình, khi cả vợ và chồng đều ra ngoài đi làm, việc sắp xếp thời gian để thực hiện các công việc nhà trở nên khó khăn và giải pháp được ưu tiên đó là thuê người giúp việc. Thế nhưng, thuê người giúp việc chỉ khả thi đối với những gia đình có điều kiện kiện kinh tế khá. Nó không lập tức giải quyết được thực trạng công việc nhà bị gán cho là trách nhiệm của nữ giới mà chỉ chuyển đối tượng đảm nhiệm từ những người phụ nữ có đặc quyền sang những người phụ nữ ít quyền lợi kinh tế hơn.

Đó là chưa bàn tới, dù người giúp việc gia đình có làm tốt công việc của mình đến bao nhiêu thì họ cũng chỉ giữ vai trò là người hỗ trợ, không thể là người thay thế vai trò của người bố, người mẹ. Người giúp việc có thể thực hiện các công việc chăm sóc, nội trợ, nhưng họ không thể thực hiện các công việc mang tính lao động cảm xúc (emotional labour) như: âu yếm, dỗ dành, chăm bẵm những ngày con bị ốm, theo chân con trên con đường trưởng thành…

Diễn ngôn 4: “2021 rồi vẫn cãi nhau ‘ai là người rửa bát’? Mua máy rửa bát là xong”

240468346 342821657584360 4602148859004054963 n.jpg? nc cat=100&ccb=1 5& nc sid=730e14& nc ohc=YaJL61ja3XMAX9 Ewd1& nc ht=scontent.fhan2 4
Nguồn: Nhà Nhiều Cột

Giải quyết vấn đề việc nhà bằng phương án mua sắm các thiết bị gia dụng thông minh là lựa chọn của những cá nhân/gia đình có điều kiện kinh tế khá. Họ có thể “giao phó” việc nhà cho máy móc, tách bản thân khỏi các cuộc thảo luận về giới, song không giúp thay đổi tình hình chung và giải quyết cốt lõi vấn đề: khuôn mẫu “việc nhà là của phụ nữ”.

Nghiên cứu “Nam giới và Nam tính trong một Việt Nam hội nhập” do Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) thực hiện với hơn 2.500 nam giới trong độ tuổi lao động, công bố vào tháng 11/2020 cho thấy, hơn 92% số nam giới đồng ý với quan niệm cho rằng “thiên chức của người phụ nữ là chăm sóc gia đình và là hậu phương vững chắc cho chồng phát triển sự nghiệp”. Tương ứng, hơn 82% nam giới cho rằng “phụ nữ nên ưu tiên gia đình hơn là phấn đấu cho sự nghiệp”, “phụ nữ nên chịu đựng và hy sinh để giữ gìn hạnh phúc gia đình”.

Mặt khác, việc sở hữu máy móc gia dụng chủ yếu giải quyết được việc nhà mang tính chất lặp lại hàng ngày – lao động thể chất (rửa bát, lau quét nhà, giặt đồ,…). Nó không giúp làm các việc nhà mang tính mua sắm-đi lại hay lao động tinh thần-cảm xúc như chăm sóc con cái. Thậm chí, những món đồ công nghệ, trong nhiều trường hợp, còn nâng tiêu chuẩn sạch sẽ, khiến người phụ nữ phải chịu kỳ vọng quản lý việc nhà hiệu quả hơn. Họ cũng chịu áp lực phải chăm sóc con cái “tốt hơn”, nếu không sẽ bị đánh giá là sống sung sướng hơn, tiện nghi hơn nhưng/nên không “chu toàn” được như các bà, các mẹ.

Như vậy, vấn đề không nằm ở máy móc mà nằm ở việc ai thực hiện các công việc và những kỳ vọng đằng sau đó. Chừng nào việc nhà chưa được phi giới tính hóa thì cuộc tranh cãi “Ai là người rửa bát” sẽ không dừng lại. Bởi áp lực việc nhà và những định kiến liên quan hướng vào nữ giới là thực tế chưa được thay đổi.

Đọc cái này không phí tiền mạng 👇
https://www.facebook.com/NhaNhieuCot/posts/337489378117588

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận

Các bài khác cùng chủ đề

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.