fbpx

Gender Fluidity: Không chỉ là các biểu tượng da trắng

Khi Harry Styles – cựu thành viên của nhóm nhạc toàn cầu One Direction – chia sẻ trang bìa của tạp chí VOGUE tháng 12/2020 lên mạng xã hội, ngôi sao này nhận cơn mưa tán thưởng vì đã đi ngược lại khuôn mẫu tính nam truyền thống. Những tờ báo có tầm ảnh hưởng lớn như The Guardian đã không tiếc lời ca ngợi: “…bằng việc mặc một chiếc váy, nam ca sĩ đã củng cố địa vị của mình ở hàng ngũ tiên phong của phong trào”.

VO1220 Cover
Trang bìa của tạp chí VOGUE tháng 12 năm 2020

Chuyện những người nổi tiếng như Harry Styles hay Sam Smith xuất hiện trên các tạp chí lớn với Gender Fluid Fashion (tạm dịch: Thời trang hoạt giới) đã không còn quá xa lạ trên truyền thông phương Tây. Theo đó, họ nhận được sự tán dương và tung hô vì đã “tiên phong” trong nỗ lực phá vỡ định kiến giới. 

Tuy nhiên, việc gán mác “tiên phong” hay “đại diện” cho những nam nghệ sĩ da trắng góp phần phổ biến khái niệm Gender Fluidity (Hoạt giới) liệu có hoàn toàn đúng đắn? Bài viết này nhằm chỉ ra những tác hại ngầm ẩn dưới một diễn ngôn tưởng chừng vô hại.

TỔNG QUAN VỀ GENDER FLUIDITY 

Trước tiên, ta cần có cái nhìn tổng quát về khái niệm Gender Fluidity (Hoạt giới). Trong khi “hợp giới” (Cisgender) là khi một người có bản dạng giới (Gender Identity) và giới tính sinh học (Sex) trên giấy khai sinh khớp nhau, thì “hoạt giới” (Gender Fluidity) là những sự thay đổi tùy theo thời gian về thể hiện giới (Gender Expression) hoặc/ và bản dạng giới. [1] Nói cách khác, vào các khoảng thời gian khác nhau trong đời (chứ không phải một giai đoạn nhất định), bạn có thể thay đổi thể hiện giới của mình nhưng giữ nguyên bản dạng giới, hoặc bạn thay đổi bản dạng giới của mình nhưng thể hiện giới không đổi, hoặc bạn thay đổi cả hai cùng lúc. Đối với một số người, hoạt giới là phương tiện để khám phá bản thân trước khi xác định thể hiện giới hay bản dạng giới cố định của họ. Trong khi, với một số người khác, hoạt giới có thể diễn ra vô thời hạn như một trải nghiệm sống. 

Với tư cách là một bản dạng giới, người “Gender Fluid” thường thuộc nhóm người chuyển giới (Transgender) hoặc người phi nhị nguyên giới (Non-binary) – bao gồm tất cả những ai có bản dạng giới khác với giới tính sinh học. Cần lưu ý, không phải ai trải qua những thay đổi về giới đều tự xác định họ là người hoạt giới. Hoạt giới cũng không liên quan đến xu hướng tính dục (Sexual Orientation). Ngoài ra, thuật ngữ “hoạt giới” bao gồm một số thuật ngữ khác như Agender (Phi giới), Bigender (Song giới), Demigender (Bán giới) và các bản dạng giới phi nhị nguyên khác. [2]

VẤN ĐỀ CỦA SỰ TUNG HÔ VÀ DÁN NHÃN

Chính vì sự phức tạp của khái niệm Gender Fluidity hay Hoạt giới, những người góp công phổ biến khái niệm này như Harry Styles đang được tung hô bởi truyền thông và mạng xã hội. Tuy nhiên, sự ca ngợi này thường thiếu tính đa dạng và sự ghi nhận đối với những người phi nhị nguyên giới không có “đặc quyền da trắng”. 

Không thể phủ nhận sự ủng hộ mạnh mẽ của Harry Styles dành cho cộng đồng LGBTQIA+, nhưng những lời tán dương dành cho giọng ca “Watermelon Sugar” vẫn cần phải đặt vào tương quan với các cá nhân khác trong phong trào. Mặc dù Harry Styles không có một lập trường thực sự cứng rắn hay có các hoạt động đấu tranh chính trị [3], anh vẫn được ca ngợi là người “tiên phong” và “đại diện” cho hoạt giới. Styles cũng chưa bao giờ công khai và tuyên bố rõ ràng về xu hướng tính dục hay bản dạng giới của mình (tất nhiên Styles không bắt buộc phải làm vậy). [4] Anh được truyền thông đại chúng nhìn nhận như một người nam dị tính. Chính vì vậy, Styles vướng phải nghi vấn queerbaiting khi không khẳng định rằng mình thuộc về cộng đồng phi nhị nguyên giới [5] (“Queerbaiting” là một mánh khóe nhằm thu hút khán giả LGBTQIA+ bằng cách gợi ý về mối quan hệ đồng giới giữa các nhân vật, mặc dù điều đó không xảy ra). Hầu hết những gì Styles làm dường như chỉ xoay quanh phong cách thời trang và những hoạt động tại buổi diễn dành cho người  hâm mộ. Mặc dù, một người không có nghĩa vụ phải dán nhãn hay gọi tên xu hướng tính dục hoặc/ và bản dạng giới của họ, với tư cách là một người nổi tiếng có ảnh hưởng và quyền lực lớn, việc Styles mập mờ với cộng đồng LGBTQIA+ có thể tạo điều kiện cho lực lượng người hâm mộ hùng hậu của anh chiếm dụng văn hóa.

Đáng chú ý, những hành động tương tự Styles từ các cá nhân thuộc các nhóm yếu thế hơn (người da màu, người chuyển giới v.v) lại không được chào đón bằng. Trong khi những tờ báo lớn như CNN, New York Times và The Guardian đều viết bài ca ngợi Harry Styles vì đã phá vỡ rào cản giới, Alejandro Ghersi hay Arca – một nhà sản xuất âm nhạc người Venezuela đồng thời là một người chuyển giới nữ – đã mặc váy đến dự rất nhiều sự kiện nhưng chưa bao giờ được đưa tin bởi các kênh truyền thông phổ biến nói trên. Một vài ví dụ khác bao gồm RuPaul Andre Charles – một drag queen da màu hay Alok Vaid-Menon – một nhà văn người Mỹ gốc Ấn. [6] Kể cả khi những ca sĩ/ rapper/ diễn viên da màu nổi tiếng hiện nay như Kanye West, Pharrell Williams và Lil Nas X khoác lên mình trang phục hoạt giới, họ cũng không được ca ngợi với những mỹ từ “tiên phong” hoặc “đại diện”.  

Sự tung hô dành cho nam ca sĩ “Sign of the Times” được một số quy về đặc quyền da trắng (White Privilege). Khác biệt lớn nhất giữa những nghệ sĩ kể trên và Harry Styles có lẽ là màu da hoặc/ và xu hướng tính dục. Styles, với một lập trường mập mờ và một tạo hình “dễ chấp nhận”, trở thành một biểu tượng của sự phá vỡ rập khuôn về giới, được đăng ảnh lên trang bìa của Vogue thay vì những cá nhân có lập trường quyết liệt và mạnh mẽ hơn. Tuy Harry Styles không hề có thái độ thù địch mà thậm chí còn là một đồng minh của phong trào, việc gán mác “đại diện” hay “tiên phong” cho anh vô tình phủ nhận công lao và khó khăn mà những người khác trong cộng đồng đã trải qua. 

Cụ thể hơn, trước Harry Styles, rất nhiều cá nhân thuộc cộng đồng phi nhị nguyên giới (David Bowie, Troye Sivan, Jonathan Van Ness, Hari Nef, Asia Kate Dillion v.v) và người da màu (Jaden Smith, Prince, Little Richard, Amandla Stenberg v.v) đã đứng lên thách thức các định kiến giới qua thời trang, nghệ thuật và chính trị. Billy Porter, một diễn viên da màu đồng tính nổi tiếng với thời trang thảm đỏ là những bộ đầm diễm lệ, đã chỉ mặt điểm tên Harry Styles và Vogue: Styles chẳng gặp rủi ro gì khi thể hiện bản thân theo cách đó, không giống như những nghệ sĩ da màu khác trong cộng đồng LGBTQIA+; thậm chí, Styles còn được tán dương. Thực tế phũ phàng hơn nhiều với những người thuộc cộng đồng như Porter, khi mà việc ăn mặc phi nhị nguyên đồng nghĩa với việc đánh cược miếng cơm manh áo hay thậm chí là cả mạng sống. [7] Porter nói thêm: “Tôi đã phải đấu tranh cả đời mình để có thể mặc một chiếc váy đi dự Oscars. Styles chỉ cần là người da trắng và dị tính.” [8]

billy porter awards season red carpet fashion
Thời trang thảm đỏ của Billy Porter

Là một người nam da trắng và dị tính, Harry Styles có thể khoác lên mình những bộ đồ được-cho-là-nữ-tính một cách khá an toàn – theo nghĩa là các quyền cơ bản của anh không bị xâm phạm. Tuy nhiên, đây không phải trải nghiệm phổ quát của những người không thuộc hệ nhị nguyên giới. Với Styles, việc anh tự do theo đuổi sở thích cá nhân và thể hiện bản thân là hoàn toàn chính đáng. Nhưng trong nhiều trường hợp khác, “tự do thể hiện bản thân” là một thứ xa xỉ. Đối với những người tiên phong hoặc/ và thuộc nhóm yếu thế, hoạt giới không chỉ dừng lại ở cách ăn mặc mà là một phần quan trọng trong căn tính. Họ đã phải chịu những phản hồi tiêu cực và bị bạo hành cả thể chất lẫn tinh thần trong quá trình đấu tranh mãnh liệt ở không gian công cộng và chính trị.

The Human Rights Campaign – một tổ chức hoạt động vì quyền của cộng đồng LGBTQIA+ lớn nhất Hoa Kỳ đã báo cáo rằng: chỉ tính riêng năm 2020, 41 người chuyển giới hoặc không tuân theo chuẩn mực giới đã bị giết hại, với phần đa trong số đó là phụ nữ chuyển giới da đen và Latin. [9] Chính những cá nhân này nói riêng và cộng đồng LGBTQIA+ (bao gồm cả người da màu và phụ nữ) nói chung đã tạo tiền đề cho việc bình thường hóa trang phục hoạt giới. Từ đó, những người đi sau (bao gồm Styles) có điều kiện để thể hiện bản thân thoải mái hơn. 

Sự xuất hiện của Harry Styles trên trang bìa Vogue là một lời nhắc nhở về đặc quyền của anh và là minh chứng cho hiện tượng thiên vị người nổi tiếng nam da trắng so với người nổi tiếng da màu hoặc thuộc cộng đồng LGBTQIA+. Với những trào lưu như “Twitter’s white boy of the month”, những người nổi tiếng nam da trắng được tôn vinh thành tượng đài mà không phải nỗ lực nhiều. Mặt khác, không có trào lưu nào trên Twitter tôn vinh người nổi tiếng da màu hay người thuộc cộng đồng LGBTQIA+ ở một mức độ tương đương tuy họ đã làm như thế từ hàng thập kỷ trước. [10] Không thể phủ nhận, độ phủ sóng của Harry Styles và lượng fan hùng hậu của anh đã thúc đẩy quá trình bình thường hóa thể hiện giới phi nhị nguyên. Mặt trái của điều này là những sự tìm hiểu hời hợt, chóng vánh và thiếu đi sự nhìn nhận hoạt giới như một khía cạnh căn tính chứ không đơn thuần là một kiểu ăn mặc phá cách. 

Tuy nhiên, liệu đây có phải lỗi của Harry Styles? Quả thực, Harry Styles không nên bị đổ lỗi hoàn toàn cho thực trạng trên. Việc truyền thông đại chúng minh họa Harry Styles như một biểu tượng mang tính cách mạng thực ra có liên hệ mật thiết với những vấn đề mang tính cấu trúc trong ngành công nghiệp thời trang và văn hóa đại chúng: nạn phân biệt chủng tộc, kì thị người chuyển giới và đồng tính, sự thù ghét phụ nữ. Hơn thế nữa, Harry Styles cũng trả lời trong một cuộc phỏng vấn với The Guardian vào cuối năm 2019 rằng: “Tôi không cố tỏ ra mập mờ trong xu hướng tính dục để trở nên hay ho hơn.” [11] Lần khác, khi phỏng vấn với tờ Rolling Stone, Styles cũng giải thích về hành động vẫy lá cờ Tự hào ở show diễn của mình: “Tôi nhận thức được rằng mình là một người nam da trắng và tôi không trải qua những thứ mà rất nhiều người ở show diễn này đã trải qua. Tôi không thể tuyên bố là tôi hoàn toàn hiểu những thứ đó, bởi vì đúng là tôi không hiểu. Vậy nên, tôi không cố nói rằng: ‘Tôi hiểu mà’. Tôi chỉ muốn mọi người cảm thấy được quan tâm và công nhận.” [12]

1133111
Amandla Stenberg trên tạp chí Kitschmix

👉 TÓM LẠI LÀ

Ta hoàn toàn có thể vừa tôn vinh sự tự do về phong cách và nghệ thuật của Styles, đồng thời thừa nhận rằng đó không phải là đặc quyền dành cho tất cả mọi người trong cộng đồng LGBTQIA+. Bài viết này không nhằm tẩy chay Harry Styles, Sam Smith hay những nam ca sĩ da trắng khác; ngược lại, sự ủng hộ của họ dành cho cộng đồng rất đáng được tuyên dương. Tuy nhiên, cần phải cẩn thận khi gán cho họ những nhãn dán như “tiên phong” hay “đại diện”. Dù Harry Styles có phá cách đến đâu, bản thân hệ nhị nguyên giới vẫn là một công cụ của niềm tin “da trắng thượng đẳng” và bạo lực thuộc địa, trong đó bao gồm sự ưu tiên dành cho người nam, da trắng và dị tính (ví dụ như Styles). 

Ta cần phải nhớ rằng trước Harry Styles, đã có những nhóm thiểu số và yếu thế dũng cảm đấu tranh để mở đường cho những người sau được thoải mái thể hiện bản thân. Thay vì tập trung vào Harry Styles như người “tiên phong” của phong trào, việc ghi nhận công lao của những người này là vô cùng quan trọng. Điều tuyệt đối không nên làm đó là giản lược những cố gắng của họ thành một vài gương mặt nổi bật hay đưa ra những quy chụp vội vã. Bằng cách này, ta có thể cùng nhau tạo ra một môi trường an toàn với tính đại diện cao hơn, bao gồm cả những người thuộc các nhóm yếu thế. Chìa khóa để những sự thay đổi tích cực xảy ra nằm ở hai từ đơn giản nhưng đầy ý nghĩa: TÔN TRỌNG và TRAO QUYỀN.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *