fbpx

Các lý do khiến phụ nữ dễ bị tổn thương hơn trước thiên tai

Thiên tai ập đến không quan tâm đến giới tính. Nhưng trước thiên tai, phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ tử vong cao gấp 14 lần [1]. Ít nhất 60% số ca tử vong trong 20 năm qua do các hiện tượng thời tiết cực đoan là phụ nữ [2].

Tại sao lại như vậy?

📍 Yếu tố trang phục: Ở các cộng đồng văn hóa đòi hỏi trang phục kín đáo, phụ nữ và trẻ em gái có thể thấy khó khăn hơn khi cần phải chạy trốn khỏi nguy hiểm ngay lập tức.

📍 Khả năng bơi và leo trèo: Trẻ em gái thường ít được dạy bơi và cũng ít khi leo trèo hơn so với trẻ em trai, dẫn đến thực trạng tương tự giữa phụ nữ và đàn ông, trong khi đây là các kỹ năng có thể giúp ích cho việc sinh tồn của con người khi xảy ra bão lũ. Không chỉ để thoát khỏi tình huống khẩn cấp đe doạ đến tính mạng, việc không thể bơi và leo trèo còn gây ra khó khăn cho các gia đình trong việc tiếp cận đến các nguồn cứu trợ.

Trận lụt lịch sử tại Đồng bằng sông Cửu Long năm 2000 đã làm 539 người chết, trong đó có hơn 300 trẻ em (chiếm 55,6%) và trong số người lớn, phụ nữ cũng thiệt mạng nhiều hơn. Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ em và phụ nữ không biết bơi.

Trong thiên tai, bảo vệ tính mạng là điều quan trọng nhất. Nhưng ngay cả khi bão lũ chưa đe doạ đến tính mạng hoặc đã được đưa tới nơi trú ẩn, phụ nữ vẫn gặp phải NHỮNG KHÓ KHĂN ĐẶC THÙ:

📍 Phụ nữ mang thai đối mặt với các rủi ro đe doạ tính mạng bản thân và thai nhi khi không thể tiếp cận đến cơ sở y tế kịp thời: Cơn bão Haiyan ở Philippin năm 2013 đã khiến 230.000 phụ nữ mang thai bị ảnh hưởng, trong đó, gần 900 phụ nữ sinh con mỗi ngày, và 130 người trong số đó có khả năng gặp phải các biến chứng đe dọa tính mạng. [3]

📍 Phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt gặp nhiều rủi ro về sức khoẻ khi trầm mình trong nước bẩn, không thể tắm rửa, không thể sử dụng băng vệ sinh vì đây không phải mặt hàng được ưu tiên khi cứu trợ.

PHỤ NỮ ĐỐI MẶT VỚI ĐIỀU GÌ SAU THIÊN TAI?

📍 Bạo lực gia đình: Sau thảm họa, lo lắng về tài chính, chấn thương, các vấn đề sức khỏe tâm thần, gia tăng sử dụng rượu bia… làm trầm trọng hơn tình trạng bạo lực.

📍 Khối lượng công việc tăng đột biến: Thiên tai có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, khiến phụ nữ – những người vốn chịu định kiến giới là người chăm sóc – phải dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc cho các thành viên gia đình, gồm người già, trẻ nhỏ, người ốm, và đồng thời, dọn dẹp nhà cửa [4]

📍 Tăng tỷ lệ tảo hôn: Ở một số cộng đồng, thiệt hại về tài sản có thể đẩy các gia đình khó khăn vào tình thế gả con gái sớm hơn như một cách để đối mặt với những ngày khó khăn và phục hồi lại kinh tế gia đình [5]

Tuy nhiên, đây chỉ là một số thực trạng được rút ra từ các báo cáo trước đây. Khả năng dễ bị tổn thương của từng phụ nữ còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như tuổi tác, thu nhập, thể trạng, tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp… Ngoài phụ nữ, trẻ em, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương còn bao gồm người cao tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo và người nghèo.

Trong khi đó, đàn ông cũng đối mặt với nhiều rủi ro hơn khi thiên tai ập đến do có xu hướng chủ quan hơn trong việc thực hiện các biện pháp an toàn như sử dụng áo phao, mặc đồ bảo hộ… Ngoài ra, do được kỳ vọng nhiều hơn theo vai trò giới truyền thống, đàn ông cũng có xu hướng hành động bảo vệ gia đình, cộng đồng, tài sản hoặc sẵn sàng dũng cảm giúp đỡ, cứu hộ dù không được trang bị đầy đủ các biện pháp an toàn. [6]

Trong khi hiện trạng bão lụt vẫn còn nghiêm trọng, đội ngũ Nhà Nhiều Cột xin chia sẻ những mất mát đối với nạn nhân và các gia đình chịu ảnh hưởng. Hy vọng tình hình sẽ sớm được cải thiện. Hy vọng rằng bất kỳ ai cũng sẽ vượt qua hoặc được giúp đỡ kịp thời để vượt qua thời kỳ khó khăn này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tài liệu tập huấn về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng có lồng ghép giới: https://asiapacific.unwomen.org/…/Tai-lieu-tap-huan-ve…

[1], [2]: https://blogs.iadb.org/…/international-womens-day-the…/

[3] https://disasterphilanthropy.org/…/women-and-girls…/….

[4] https://ebooks.inflibnet.ac.in/…/gender-issues-in…/….

[5] https://unfccc.int/…/new-report-why-climate-change…

[6] https://www.unisdr.org/…/48152…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *