Trong thế giới điện ảnh, hình tượng luật sư đã trở thành một khuôn mẫu quen thuộc, thường gắn liền với quyền lực, trí tuệ và sự sắc sảo. Tuy nhiên, cách các bộ phim xây dựng hình ảnh luật sư nam và nữ lại thể hiện rõ những định kiến giới vẫn còn tồn tại trong xã hội. Hai bộ phim nổi bật là Legally Blonde (2001) và Suits (2011-2019) đã vẽ nên những bức tranh tương phản về luật sư nam và nữ, phản ánh cách mà ngành luật, đặt ra những rào cản khác nhau cho mỗi giới, đồng thời tái khẳng định những cấu trúc quyền lực giới trong môi trường chuyên nghiệp.
LUẬT SƯ NAM: HIỆN THÂN CỦA “NAM TÍNH BÁ QUYỀN”
Trong Suits, nhân vật Harvey Specter là một hình mẫu luật sư nam điển hình: mạnh mẽ, lạnh lùng và cực kỳ tự tin. Harvey không chỉ giỏi trong nghề mà còn luôn kiểm soát được tình huống, thể hiện sự thống lĩnh trong môi trường luật pháp. Đây là ví dụ điển hình của “nam tính bá quyền” (hegemonic masculinity), một dạng nam tính lý tưởng thống trị, gắn liền với sự thành công, quyền lực và sự miễn nhiễm với tổn thương cảm xúc. Nhân vật này không bao giờ bị nghi ngờ về năng lực hay quyền lãnh đạo của mình, bởi vì trong một hệ thống mà nam giới có quyền thống trị, đàn ông như Harvey nghiễm nhiên có chỗ đứng.
Mike Ross, nhân vật nam chính thứ hai, cũng được mô tả theo cách tương tự. Mike Ross dù không có bằng luật vẫn có thể làm luật sư nhờ trí nhớ siêu phàm và tài năng thiên bẩm. Ngay cả khi danh tính của anh bị phát hiện, nhiều nhân vật vẫn xem đó là một lỗi nhỏ có thể bỏ qua vì anh đã thể hiện được năng lực xuất sắc.
LUẬT SƯ NỮ: CHỨNG MINH GIÁ TRỊ VÀ CHỐNG LẠI HỆ THỐNG
Ngược lại, Legally Blonde kể về Elle Woods – một cô gái tóc vàng bị đánh giá là “không phù hợp” với ngành luật chỉ vì vẻ ngoài và sở thích thời trang. Bộ phim theo chân hành trình của Elle, khi cô phải liên tục chứng minh rằng mình không chỉ có nhan sắc mà còn có trí tuệ và tài năng. Đây là một minh chứng cho hiện tượng “nữ tính bị xem nhẹ” (subordinated femininity), khi phụ nữ bị áp đặt những tiêu chuẩn nhất định về vẻ ngoài và phong cách sống để được coi trọng trong lĩnh vực chuyên môn.
Nhân vật nữ trong Suits cũng phải đối mặt với những trở ngại tương tự. Jessica Pearson, nữ lãnh đạo da màu của công ty luật, dù một người phụ nữ đầy quyền lực, nhưng để đạt được vị trí đó, cô đã phải đấu tranh gấp nhiều lần so với đồng nghiệp nam. Điều này phản ánh “trần kính” (glass ceiling), những rào cản vô hình gây áp lực lên phụ nữ phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ thuộc nhóm thiểu số, vươn tới các vị trí lãnh đạo cao nhất. Trong khi Harvey Specter có thể khẳng định quyền lực chỉ bằng phong thái của mình, Jessica phải liên tục khẳng định quyền lãnh đạo bằng hành động, chứng tỏ rằng cô “xứng đáng” có mặt trong phòng họp. Điều này cho thấy niềm tin phổ biến rằng đàn ông, nếu có tài năng, xứng đáng được trao cơ hội bất chấp những quy chuẩn chính thức. Điều này liên quan đến “định kiến thiên vị bất lợi” (performance bias), trong đó đàn ông được đánh giá dựa trên tiềm năng, trong khi phụ nữ phải dựa vào thành tích thực tế.
Donna Paulsen, một nữ thư ký tài giỏi, lại bị giới hạn trong vai trò hỗ trợ thay vì được công nhận như một luật sư thực thụ, dù cô có đủ khả năng để làm điều đó. Trường hợp của Donna minh họa cho “công việc bị định giới” (gendered labor), khi phụ nữ bị đẩy vào những vai trò hậu phương và bị đánh giá thấp hơn dù họ có năng lực ngang bằng hoặc hơn nam giới.
SỰ KHÁC BIỆT TRONG CÁCH XÂY DỰNG HÌNH TƯỢNG
Một điểm đáng chú ý là cách mà các bộ phim này khắc họa luật sư nam và nữ không chỉ dừng lại ở tính cách mà còn ở phương pháp làm việc. Harvey Specter và Mike Ross giải quyết vấn đề bằng sự tự tin, mưu mô và chiến lược cứng rắn, trong khi Elle Woods hay Jessica Pearson phải sử dụng trí tuệ cảm xúc và sự kiên trì để vượt qua định kiến. Điều này phản ánh một dạng phân biệt giới tinh vi: dù phụ nữ có đạt được thành công, họ vẫn bị gắn với những phẩm chất như sự duyên dáng, sự khéo léo, thay vì được công nhận đơn thuần vì năng lực như đàn ông.
Bên cạnh đó, ta có thể nhìn nhận sự khác biệt này qua lăng kính của “nữ quyền tự do” (liberal feminism) – một hướng tiếp cận cho rằng phụ nữ có thể đạt được bình đẳng nếu họ chứng minh được rằng họ có năng lực tương đương với đàn ông. Tuy nhiên, thực tế mà Legally Blonde và Suits phản ánh là ngay cả khi phụ nữ chứng minh năng lực, họ vẫn bị đánh giá dựa trên những tiêu chí bị định giới, điều mà nhân vật nam không hề gặp phải.
Cả Legally Blonde và Suits đều phản ánh cách ngành luật đặt ra những tiêu chuẩn khác nhau cho luật sư nam và nữ. Trong khi đàn ông như Harvey Specter hay Mike Ross được hưởng lợi từ định kiến, nơi tài năng của họ được thừa nhận một cách mặc định, thì phụ nữ như Elle Woods, Jessica Pearson hay Donna Paulsen phải liên tục chứng minh năng lực để được công nhận. Những rào cản vô hình như “trần kính” hay “định kiến thiên vị bất lợi” khiến phụ nữ dù có tài giỏi đến đâu cũng khó có được sự công nhận tương đương với nam giới.
Điều này đặt ra câu hỏi lớn hơn: Liệu sự tiến bộ của phụ nữ trong ngành luật và các lĩnh vực chuyên môn khác có đồng nghĩa với bình đẳng thực sự? Sự hiện diện của nhiều nhân vật nữ mạnh mẽ trên màn ảnh không chỉ giúp tái hiện những thách thức mà phụ nữ phải đối mặt, mà còn mở ra cơ hội để ta suy nghĩ về việc tái cấu trúc những chuẩn mực vốn dĩ mang tính bất bình đẳng. Bình đẳng giới không chỉ là việc phụ nữ có thể “đạt được như đàn ông,” mà là việc đặt lại câu hỏi về chính hệ thống đánh giá năng lực và giá trị con người.
Tài liệu tham khảo: