fbpx

Những điều ít được “cứu trợ”: làm sao để phụ nữ phục hồi tốt hơn sau thiên tai?

459223856 928734112626982 7909980865174478545 n

Thiên tai không phân biệt giới tính, nhưng phụ nữ và trẻ em gái lại có nguy cơ tử vong cao gấp 14 lần so với nam giới. Không chỉ phải đối diện với những tác động trực tiếp từ bão lũ hay động đất, phụ nữ và trẻ em gái còn phải chịu đựng những hậu quả kéo dài sau thảm họa như mất kế sinh nhai, khối lượng công việc gia tăng, sự gia tăng của bạo lực giới, suy giảm sức khỏe tình dục và sinh sản, và đặc biệt là nguy cơ trẻ em gái mất quyền tiếp cận giáo dục. [1]

Tuy nhiên, các biện pháp phục hồi sau thiên tai thường “mù giới” (gender-blind), tức là chỉ tập trung vào việc hỗ trợ toàn dân mà không chú trọng đến những nhu cầu đặc thù của phụ nữ và các nhóm yếu thế.

📍 Bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực gia đình

Bất kỳ ai cũng đều có khả năng chịu ảnh hưởng về sức khoẻ tinh thần sau thiên tai, thậm chí đối diện với nguy cơ mắc trầm cảm hoặc rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Phụ nữ không nằm ngoài nguy cơ đó.

Hơn thế, sau thiên tai, những yếu tố như áp lực tài chính, chấn thương tâm lý, các vấn đề về sức khỏe tinh thần, và sự gia tăng sử dụng rượu bia thường làm gia tăng nguy cơ bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực thể chất và tình dục. Điều này đòi hỏi các hoạt động bảo vệ họ khỏi bạo lực gia đình không bị lu mờ đi vì thiên tai.

📍 Phụ nữ làm gì để kiếm tiền sau những mất mát bởi thiên tai?

Thiên tai phá huỷ mùa màng, nông dân bắt đầu lại từ con số không. Sẽ rất khó khăn để gây dựng lại nếu họ không được hỗ trợ tài chính, và sẽ còn rất lâu cho đến khi mùa màng mang lại doanh thu. Trong khi đó, ở nông thôn, tỷ lệ phụ nữ làm việc trong nông nghiệp là 63,4%. [2]

Bên cạnh đó, trong quá trình phục hồi kinh tế sau thảm họa, các quỹ cứu trợ thường tập trung vào những dự án xây dựng nhà cửa, tái thiết cơ sở hạ tầng. Đây là các lĩnh vực có đa số lực lượng lao động là nam giới. Phụ nữ lao động trong khu vực phi chính thức có ít cơ hội việc làm mới hơn, trong khi các việc làm cũ của họ chưa chắc đã kịp phục hồi sau thiên tai.

Tình cảnh trở nên khó khăn hơn với những gia đình đã mất đi trụ cột nam giới, toàn bộ gánh nặng tài chính đổ dồn lên vai phụ nữ, trong khi cơ hội tìm kiếm thu nhập cho họ sau thiên tai lại hạn chế hơn.

📍 Đừng để gánh nặng chăm sóc gia đình vẫn thuộc về phụ nữ

Gánh nặng về chăm sóc đặt lên tay phụ nữ vì các thành viên trong gia đình chịu tổn thương trong thiên tai sẽ cần được chăm sóc nhiều hơn. Dọn dẹp nhà cửa sau thiên tai là tất yếu nhưng lại dồn áp lực lên phụ nữ. Nhiều người cho rằng điều này là công bằng khi nam giới đã tham gia vào các hoạt động dọn dẹp nguy hiểm, nặng nhọc, xây dựng, sửa chữa, tái thiết cơ sở hạ tầng sau thiên tai. Không bàn đến các lực lượng tình nguyện, mấu chốt là ở chỗ, công việc “được cho là của phụ nữ” nằm trong khuôn khổ gia đình, và họ không được trả lương.

Cũng vì trách nhiệm này, phụ nữ có công việc trong khu vực chính thức vẫn có thể phải trì hoãn việc đi làm trở lại hoặc giảm giờ làm việc để cân bằng giữa công việc với nhu cầu cấp thiết sau thiên tai, như đi nhận cứu trợ, cải tạo nhà cửa, nơi làm việc.

Phục hồi kinh tế là một yếu tố quan trọng trong phục hồi sau thảm họa. Cân nhắc đến các tác động khác nhau của thảm họa và các bất bình đẳng về kinh tế giữa các giới sẽ cải thiện hiệu quả phục hồi. [3]

📍 Tái định cư và nơi trú ẩn cần quan tâm đến phụ nữ

Với những người có nhà đã bị đổ sập hoặc hư hỏng nặng sau thiên tai, việc cung cấp một nơi trú ẩn hoặc nhà ở tạm thời cho họ là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, các công trình này cần quan tâm đến các tiêu chuẩn an toàn cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.

Việc thiết lập và vị trí của các nhà vệ sinh cần được đảm bảo có thể di chuyển an toàn, nhà vệ sinh nên được chiếu sáng tốt, có thể khoá từ bên trong và đảm bảo riêng tư để tránh nguy cơ phụ nữ bị quấy rối tình dục.

📍 Người yếu thế biết họ cần gì, hãy tăng cường sự tham gia của họ

Việc tham vấn và đảm bảo sự tham gia của các nhóm yếu thế trong việc phục hồi sau thiên tai là yếu tố then chốt để tạo ra những kế hoạch phục hồi toàn diện và hiệu quả hơn. Ngoài phụ nữ, những nhóm thiểu số và dễ bị tổn thương như người khuyết tật, dân tộc thiểu số và cộng đồng LGBTQI+… cần được lắng nghe và tham gia vào quá trình này để đảm bảo rằng nhu cầu của họ được đáp ứng.

Thiên tai mang lại nhiều mất mát, nhưng cơn bão đã qua đi, việc phục hồi phải bao trùm và quan tâm đến tất cả mọi người để đảm bảo an toàn và cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả.

Picture of Nhà Nhiều Cột

Nhà Nhiều Cột

Chiến dịch #NhàNhiềuCột nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của người trẻ đối với các định kiến giới và thay đổi các sản phẩm quảng cáo nhằm hướng tới mục tiêu bình đẳng giới.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *