Mới đây, V.N.L, một giáo viên dạy Hóa, đã bị nhiều người dùng mạng xã hội tấn công sau khi mặc váy và xưng “cô” trong buổi livestream dạy học trên nền tảng TikTok. L. sau đó đã giải thích vì là buổi cuối cùng dạy học sinh lớp 12 nên cậu quyết định ăn mặc “lồng lộn” hơn một chút để tạo kỷ niệm với học trò. L. thừa nhận bộ váy đã mặc trong livestream có phần “lố”, nhưng chắc chắn không phản cảm.
Dù vấp phải sự chỉ trích từ một bộ phận công chúng, L. cũng đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ những người đấu tranh vì bình đẳng giới và quyền tự do cá nhân.
Nghề giáo vốn được coi là hiện thân của sự mực thước và đứng đắn. Song quan điểm này có thể được thảo luận từ nhiều góc độ khác nhau, bao gồm cả sự thay đổi trong nhận thức về vai trò của giáo viên trong xã hội hiện đại. Những luận điểm này có gì đáng chú ý để “review”?
“Không phù hợp với thuần phong mỹ tục”
Đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu hay tài liệu nào định nghĩa một cách đầy đủ về khái niệm thuần phong mỹ tục [1]. Người Việt mặc định hiểu rằng thuần phong mỹ tục gồm các phong tục, tập quán, lối sống văn minh, những điều tốt đẹp ăn sâu vào đời sống xã hội, được mọi người công nhận và làm theo. Đây là khái niệm tổng quát để chỉ cả về ăn, mặc, ở, giao tiếp hằng ngày.
Giống như văn hóa, các phong tục không phải là bất biến, chúng thay đổi và phát triển phù hợp theo sự tiến bộ của xã hội. Do đó, cái nhìn về thuần phong mỹ tục có thể khác nhau ở mỗi thời điểm lịch sử. Trong bối cảnh cởi mở, bao hàm và đa dạng về giới trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, nam giới có thể mặc váy và sử dụng đại từ (pronouns) khác với giới tính sinh học của mình. Hơn nữa, bộ trang phục mà L. mặc khi dạy học là trang phục theo phong cách L o l i t a – loại phong cách lấy cảm hứng từ thời kỳ Victoria ở châu u nên thường nhấn mạnh vào sự kín đáo, lịch sự, hoàn toàn không hề hở hang.
“Đầu độc thế hệ trẻ”
Trước hết, điều gì đang được coi là “độc” ở đây? Xã hội ngay lập tức cho rằng thầy giáo thuộc cộng đồng L G B T I Q + chỉ thông qua cách L. ăn mặc, trong khi xu hướng tính dục hay bản dạng giới là điều phức tạp hơn như vậy rất nhiều. Hơn nữa,từ năm 2022, Bộ Y tế cũng đã có công văn số 4132/BYT-PC nhằm khẳng định đồng tính, song tính, chuyển giới không phải là bệnh [2].
Thứ hai, không muốn cộng đồng L G B T I Q + tiếp xúc với trẻ nhỏ vì sợ “lây” là một “nỗi sợ” thiếu căn cứ khoa học, xuất phát từ tư tưởng bảo thủ và kỳ thị. Thực chất, xu hướng tính dục và bản dạng giới của một người không thể tác động đến xu hướng tính dục và bản dạng giới của người khác.
Chối bỏ đóng góp của một người vì thể hiện giới của họ
Một người nên được đánh giá dựa trên năng lực, phẩm chất và những đóng góp thực tế của họ, chứ không phải dựa trên thể hiện giới. Việc chối bỏ những đóng góp của người thầy chỉ vì họ mặc váy là một hành động phân biệt và thiếu công bằng.
Thay vì chỉ tập trung chỉ trích bộ trang phục, điều mọi người nên quan tâm nhiều hơn là chất lượng bài học và những giá trị mà giáo viên truyền tải. Ngoài kiến thức chuyên môn đơn thuần, một giáo viên còn nuôi dưỡng tâm hồn học trò với những giá trị bền vững về lối sống và ý thức về bản thân.
Việc một thầy giáo chọn mặc váy khi giảng dạy cần được nhìn nhận như một hành động can đảm, giúp phá vỡ các khuôn mẫu giới tính cứng nhắc, khuyến khích tôn trọng và chấp nhận sự tự do và đa dạng trong việc thể hiện bản thân. Đàn ông mặc váy không làm giảm đi giá trị hay khả năng của họ, và điều này cũng áp dụng ngược lại cho phụ nữ khi họ chọn mặc trang phục thường được coi là “dành cho nam giới”.
“Không kỳ thị đâu nhưng mà… ”
Đây chính là kỳ thị – thể hiện một cách không trực diện. Sự kỳ thị cần được nhận diện và đối diện một cách trực tiếp, từ phía cả người phê phán và người bênh vực. Viện cớ biện minh cho sự không chấp nhận hay phân biệt đối xử chỉ càng làm trầm trọng thêm vấn đề và cản trở sự tiến bộ về bình đẳng giới.
Tạm kết
Đàn ông mặc váy – một câu chuyện đã nói hoài – vẫn tiếp tục gây tranh cãi. Nhiều người ủng hộ, đứng về phía L. đã chứng tỏ tinh thần cởi mở và chấp nhận sự đa dạng đang ngày được nâng cao trong xã hội.
Song, việc L. bị tấn công vẫn cho thấy sự cần thiết của việc cần nhiều hơn những ví dụ tích cực về giới dám tự chia sẻ và được chia sẻ, để mọi người, dù ở độ tuổi nào, dù ở ngành nghề nào, cũng cảm thấy đủ an toàn để tự hào sống với chính bản thân mình.