Giáo dục giới tính trở nên thiết yếu vì nó cung cấp cho trẻ những kiến thức nền tảng để định nghĩa chính mình và thấu hiểu người khác. Song, chương trình/quá trình này vẫn chưa được quan tâm chú trọng, thậm chí là bị né tránh nhắc tới trong xã hội Việt Nam vì giới tính, tình dục luôn được hiểu là “chuyện người lớn”. Tuy nhiên, yếu tố giới tính, tình dục lại được đan cài ở khắp nơi và mọi thời điểm trong cuộc sống nên việc cấm con trẻ tò mò là điều vừa vô ích vừa vô lý.
Bạn còn nhớ trải nghiệm lần đầu tiên mình được tiếp cận với kiến thức giới tính, tình dục không? Đó là một ký ức tuyệt vời hay tồi tệ?
GIÁO DỤC GIỚI TÍNH LÀ GÌ?
Giáo dục giới tính đề cập đến “cách tiếp cận phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với văn hóa để giảng dạy về tình dục và các mối quan hệ bằng cách cung cấp thông tin chính xác, thực tế, không mang tính phán xét về mặt khoa học”.
Định nghĩa này thừa nhận rằng mục đích của giáo dục giới tính vượt ra ngoài việc chuyển giao kiến thức về sinh lý con người, hệ sinh dục hoặc phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Thay vào đó, giáo dục giới tính là một chương trình giáo dục hỗ trợ trẻ em và trẻ vị thành niên phát triển kiến thức, kỹ năng, giá trị đạo đức và thái độ cần thiết để họ đưa ra những lựa chọn có ý thức, lành mạnh và tôn trọng về các mối quan hệ, tình dục và sinh sản.
Điều này phù hợp với định nghĩa của WHO về sức khỏe tình dục là “trạng thái khỏe mạnh về thể chất, tình cảm, tinh thần và an toàn xã hội liên quan đến tình dục; nó không đơn thuần là sự biến mất của bệnh tật, tình trạng rối loạn chức năng hay ốm yếu.
Sức khỏe tình dục đòi hỏi một cách tiếp cận tích cực và tôn trọng đối với tình dục và các mối quan hệ tình dục, cũng như khả năng có những trải nghiệm tình dục thú vị và an toàn, không bị ép buộc, phân biệt đối xử và bạo lực. Để đạt được và duy trì sức khỏe tình dục, các quyền tình dục của tất cả mọi người phải được tôn trọng, bảo vệ và thực hiện.”
Các chương trình giáo dục giới tính có thể ở trường học do giáo viên, nhân viên xã hội, chuyên gia y tế hoặc bạn bè hướng dẫn; thông qua các hoạt động xã hội; hoặc thông qua gia đình.
Ngoài ra, có nhiều cách tiếp cận khác nhau để giáo dục giới tính bao gồm chỉ kiêng khem (abstinence-only: hình thức giáo dục giới tính dạy không quan hệ tình dục ngoài hôn nhân), kiêng khem chỉ cho đến khi kết hôn (abstinence-only-until-marriage), tiết chế (abstinence) và giáo dục giới tính toàn diện (comprehensive: sử dụng biện pháp phòng tránh thai và tiết chế tình dục).
“TRẺ CÒN QUÁ NHỎ ĐỂ CÓ THỂ HIỂU VỀ VẤN ĐỀ GIỚI TÍNH”
Các cuộc tranh luận công khai về giáo dục giới tính thường tập trung vào thời điểm, rằng khi nào thì nên bắt đầu và những gì trẻ học về tình dục ở trường học nên được đưa vào chương trình giảng dạy như thế nào. Lý do ngăn cản việc đưa giáo dục giới tính vào chương trình học chủ yếu là sự lo ngại các nội dung “nhạy cảm” sẽ “hủy hoại” sự trong sáng của trẻ và kích thích những tò mò không-lành-mạnh. Song, sự thật là:
- Trẻ từ 3-4 tháng tuổi đã có khuynh hướng khác nhau đối với một người mà trẻ nhìn thấy dựa trên giới và giới tính cụ thể
- Trẻ 10 tháng tuổi đã bắt đầu liên kết các vật thể theo giới tính
- Ở giai đoạn từ đủ 21 tháng tuổi, 68% trẻ đã sử dụng nhãn dán (con gái, con trai và các đại từ nhân xưng khác) đối với người hoặc vật thể cụ thể
- Ở giai đoạn từ đủ 3 tuổi, một đứa trẻ có thể nhận thức được bản dạng giới của mình
- Ở giai đoạn từ đủ 4 tuổi, trẻ có sự kiên định đối với bản dạng giới của mình và có các giả định hoặc niềm tin về những gì một người có thể hoặc không thể làm dựa trên giới tính sinh học (ví dụ: búp bê dành cho con gái, ô tô dành cho con trai).
Các câu hỏi như “Con được sinh ra từ đâu?” “Làm thế nào mà một em bé có thể ở trong bụng mẹ?”… cho dù có khiến bạn ngượng ngùng hay khó chịu thế nào thì ở một giai đoạn nào đó, tất cả trẻ em đều sẽ học về giới tính.
Việc người lớn né tránh hoặc thể hiện thái độ không thoải mái khi trẻ thắc mắc về vấn đề giới tính, tình dục sẽ khiến trẻ hiểu rằng đây là điều cấm kỵ và đáng xấu hổ, song cũng không làm “dập tắt” sự tò mò khi cơ thể và tâm lý của trẻ luôn có sự thay đổi.
Trong khi người lớn đang bận rộn tranh luận về cách tốt nhất để tiếp cận vấn đề, nghiên cứu cho thấy trẻ em và thanh thiếu niên đang tự tìm hiểu từ nhiều nguồn khác khi không thể học từ phía gia đình và nhà trường, bao gồm internet, tạp chí, bạn bè hoặc truyền hình. Nhưng, việc thiếu kiến thức và có cách tiếp cận sai lệch có thể dẫn tới những ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài.
Rất có thể, trẻ sẽ tìm hiểu bằng cách truy cập vào các trang web khiêu dâm. Khi một đứa trẻ tiếp xúc với nội dung khiêu dâm trong tình trạng tâm sinh lý bất ổn thì khả năng cao sẽ bị nghiện và phụ thuộc vào loại nội dung này. Nhưng, khiêu dâm rất khác với quan hệ tình dục bình thường. Trước hết, các diễn viên khiêu dâm trong video thường phẫu thuật bộ phận sinh dục, ngực, bụng… Hầu hết các diễn viên khiêu dâm đều có tác động tới bộ phận sinh dục của họ để không có lông mu và âm hộ trông gọn gàng theo một cách nào đó.
Sự thật là, nữ giới có những hình dạng âm hộ khác nhau; môi âm đạo này có thể lớn hơn môi âm đạo kia; âm vật có thể nằm khuất bên trong hoặc nhô ra ngoài môi âm đạo; chưa kể cực khoái ở nữ giới khó đạt được hơn so với nam giới… Bên cạnh đó, không phải tất cả nam giới đều cần đến 30 phút hay thậm chí vài tiếng đồng hồ mới có thể đạt cực khoái và xuất tinh…
Vì vậy, nếu ai đó mắc chứng nghiện phim khiêu dâm, họ rất có thể có những cái nhìn không thực tế về một người phụ nữ/đàn ông phải trông như thế nào và phải thể hiện ra sao, hình thành thói quen “vật hóa” (objectify) đối tác tình dục.
Nhất là khi quan hệ tình dục thực sự, người đó có thể không đạt được khoái cảm và mọi chuyện có thể khác xa so với mong đợi. Điều này cũng có thể dẫn đến các fetish* như thích quan hệ với người đang mang thai (maiesiophilia), với động vật (zoophilia), với xác chết (necrophilia) và thôi thúc các hành vi ấu dâm, hiếp dâm và nhiều hơn thế nữa.
Hầu hết các nhà mạng ở Việt Nam đến nay đã chặn người dùng truy cập vào những trang web khiêu dâm theo yêu cầu của Bộ Thông tin – Truyền thông nhằm đảm bảo một môi trường internet trong sạch hơn, nhất là đối với giới học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, các nhà tâm lý học đã giải thích rằng việc kiểm duyệt đơn thuần là vô ích.
Thay vào đó, chỉ cần vài thủ thuật thì việc tiếp cận các nội dung khiêu dâm lại diễn ra hết sức bình thường. Vì vậy, không phải sự gỡ gạc tạm bợ bề mặt vấn đề, điều quan trọng hơn là việc giáo dục trẻ về quan hệ tình dục trong thực tế và cách hiểu những thông tin đó một cách cởi mở, lành mạnh nhất.
Mặt khác, trẻ “còn nhỏ” không có nghĩa là chúng không thể bị lạm dụng. Trẻ phải hiểu khi nào và làm thế nào để nói “không” với sự đụng chạm không mong muốn và không đúng cách. Giáo dục giới tính cần thiết để lấp đầy khoảng trống thông tin này liên quan đến sự đồng ý, quyền cơ thể và an toàn.
Có một định kiến rằng nam giới/trẻ em trai không thể bị quấy rối tình dục và vì vậy họ không cần tiếp cận giáo dục giới tính để tìm hiểu về quyền và an toàn thân thể. Tuy nhiên, sự gia tăng các vụ hiếp dâm và quấy rối tình dục trẻ em trai hiện nay cho thấy tầm quan trọng của việc cung cấp chương trình giáo dục giới tính toàn diện cho tất cả mọi người không phân biệt giới tính.
“GIÁO DỤC GIỚI TÍNH KHUYẾN KHÍCH QUAN HỆ TÌNH DỤC KHI CHƯA ĐỦ TUỔI”
Giáo dục giới tính không phải nói với các em rằng “Tình dục là chuyện rất bình thường nên các em cứ quan hệ thoải mái đi”. Giáo dục giới tính không khuyến khích hay ngăn cản các hoạt động tình dục mà nó giáo dục chúng ta về các thực hành tình dục an toàn và hợp pháp.
UNESCO đã ủy quyền hai cuộc đánh giá dựa trên bằng chứng về giáo dục tình dục toàn diện, vào năm 2008 và 2016, và sự thật hiện đã rõ ràng. Các chương trình giáo dục giới tính dựa trên chương trình giảng dạy không làm tăng hoạt động tình dục, các hành vi có nguy cơ tình dục hoặc tỷ lệ lây nhiễm STI/HIV.
Thay vào đó, giáo dục giới tính toàn diện sẽ nâng cao kiến thức và hiểu biết của giới trẻ về sức khỏe sinh sản và tình dục, có thể làm giảm tỷ lệ quan hệ tình dục khi chưa đủ tuổi và dẫn đến hành vi tình dục an toàn hơn.
Kinh nghiệm của một số quốc gia cung cấp bằng chứng trực tiếp cho những thay đổi hành vi tích cực đã xảy ra song song với việc áp dụng giáo dục giới tính.
Tăng độ tuổi trải nghiệm quan hệ tình dục lần đầu
Từ năm 2005 đến năm 2010, tại châu Âu, sau khi triển khai các chương trình giáo dục giới tính quốc gia dài hạn, ít nhất bốn quốc gia (Phần Lan, Đức, Kazakhstan và Hà Lan) đã quan sát thấy tỷ lệ trẻ ở độ tuổi 15 tuổi có quan hệ tình dục giảm.
Gia tăng việc sử dụng các biện pháp tránh thai trong lần quan hệ đầu tiên
Năm 2011, tại Hà Lan, 9 trong số 10 thanh thiếu niên đã sử dụng các biện pháp tránh thai trong lần giao hợp đầu tiên. Điều này không chỉ nhờ vào giáo dục giới tính mà còn nhờ các chiến dịch quốc gia về tình dục an toàn, khả năng tiếp cận tốt với các biện pháp tránh thai đáng tin cậy, giá cả phải chăng và thích hợp để sử dụng, các dịch vụ thân thiện với thanh niên và bảo vệ môi trường.
Việc nâng cao nhận thức về HIV, các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác (STIs) và vi rút u nhú ở người (human papillomavirus-HPV) đã gia tăng số lượng sử dụng bao cao su tại Hà Lan.
Giảm tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên
Ở Phần Lan, giáo dục giới tính tại trường học cũng như các dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục cho trẻ vị thành niên được giới thiệu vào năm 1990, dẫn đến việc giảm tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên ngay lập tức.
Tuy nhiên, do hạn chế về ngân sách, cả hai chương trình đã bị cắt giảm đáng kể trong giai đoạn 1998–2006. Điều này có tác động ngay lập tức đến tỷ lệ nạo phá thai và sinh ở trẻ em gái 15-19 tuổi. Tỷ lệ này giảm trở lại sau khi giới thiệu trở lại các dịch vụ giáo dục giới tính và y tế dành riêng cho thanh niên vào năm 2006.
Giảm tỷ lệ các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục
Tại Estonia, việc nâng cao kiến thức về các biện pháp tránh thai và bao cao su, khả năng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục thân thiện với thanh niên và môi trường chính sách hỗ trợ được cho là nguyên nhân khiến tỷ lệ STI ở thanh niên 15-24 tuổi giảm mạnh.
Giáo dục giới tính có chất lượng tốt có tác động tích cực đến thái độ và hệ giá trị của một người, thậm chí có thể loại bỏ các động lực quyền lực trong các mối quan hệ thân thiết, do đó góp phần loại bỏ sự lạm dụng, thúc đẩy quan hệ đối tác tôn trọng và đồng thuận.
“GIÁO DỤC GIỚI TÍNH LÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NHÀ TRƯỜNG”
Không chỉ là một chương trình hay môn học, giáo dục giới tính nên là một quá trình xuyên suốt, được xây dựng dần dần, phù hợp với độ tuổi và giai đoạn phát triển của trẻ ngay từ trong gia đình. Trường hợp của Casey Brown dưới đây có thể là nguồn cảm hứng dành cho bạn!
Casey Brown công khai bản thân là người phi nhị nguyên giới (non-binary) khi con gái Riley của Brown lên sáu. Brown kể rằng, khi đó con gái mình không thực sự hiểu về giới và bản sắc, đồng thời thừa nhận rằng việc giải thích khái niệm phi nhị nguyên với con gái quả thực là một điều rất khó khăn, song không phải là không thể.
Brown sử dụng một mảnh giấy lớn rồi cùng Riley viết ra những từ hàm chứa yếu tố giới và những từ trung tính. Riley cảm thấy rất thoải mái khi sử dụng từ “cô gái” để mô tả về mình và điều đó giúp cô bé hiểu được Brown cảm thấy tuyệt nhất khi được mô tả bằng các từ ở cột trung tính.
Đến giờ khi đã 10 tuổi, Riley nói rằng nếu mọi người nhầm lẫn (misgender) về Brown đó là do mọi người không hề hiểu thế nào là người chuyển giới. Cô bé cho biết bản thân cũng thường xuyên “chỉnh lại” người xung quanh vì muốn tôn vinh Brown.
“Nếu ai đó hỏi cháu ‘Đó là bố của bạn à?’ cháu nói ‘Đúng vậy! Đó là người đã sinh ra tôi!’ hoặc ai đó hỏi ‘Ủa đó là mẹ bạn hả?’ cháu cũng trả lời y như vậy luôn. Cháu đang sửa lại vấn đề mà không có tí gì gọi là kỳ lạ cả”, Riley nói.
“Cháu thấy rất vui khi bạn bè và thầy cô của cháu có thể hiểu đúng vấn đề bởi vì cháu thậm chí còn không nghĩ về Brown như là một người chuyển giới, họ* chỉ đơn giản là người đã sinh ra cháu và đó là cách mà gia đình cháu vận hành. Chúng cháu chỉ là một gia đình bình thường như bao gia đình khác.”
* Ở đây, Riley nhắc tới Brown bằng cách dùng đại từ trung tính “they” và “my parent”. Đại từ they/them (họ) được sử dụng để chỉ một người cảm nhận bản thân không thuộc nhị nguyên giới thay vì là he/him (anh ấy) hay she/her (cô ấy). “Parent” nhấn mạnh vào vai trò sinh thành và nuôi dạy một đứa trẻ của ai đó thay vì hàm chứa yếu tố giới rạch ròi như cách gọi mother/mom (mẹ) hay father/dad (bố).
Để thấy rằng, quá trình giáo dục giới tính cho con nhỏ không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là khi mỗi bé sẽ có một tính cách khác biệt và môi trường xung quanh có thể đang vận hành theo cách hoàn toàn trái ngược với những gì bạn nói với con.
Tuy nhiên, giáo dục giới tính sẽ giúp con định nghĩa chính mình, để từ đó hiểu về mọi thứ xung quanh cũng như có thái độ sống lành mạnh, thích hợp để đối xử với mọi người và vạn vật. Đó là nền tảng vững chắc nhất cho con đường trưởng thành an toàn và trọn vẹn của trẻ.
Đặc biệt trong văn hóa Việt Nam, khi những hành động “vuốt ve âu yếm” “yêu mới sờ” của người lớn vẫn được bình thường hóa và xem nhẹ lại có thể chính là dấu hiệu của sự ấu dâm. Những năm gần đây, tội phạm hiếp dâm trẻ em ngày tại Việt Nam càng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Nhưng có một sự thật không thay đổi, đó là đối tượng hiếp dâm trẻ em chủ yếu là người quen, thân với nạn nhân. Giáo dục giới tính sẽ cho trẻ biết rằng điều gì là phù hợp và không phù hợp để có thể nhận ra những hành vi lạm dụng và có phản ứng kịp thời.
Tìm hiểu thêm những chia sẻ của Casey Brown: I Was Riley’s Mom — Until the Day She Called Me “Handsome” (goodhousekeeping.com)
MỘT CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC GIỚI TÍNH LÝ TƯỞNG NÊN BAO GỒM NHỮNG GÌ?
Nhiều bậc cha mẹ vẫn cảm thấy quá xấu hổ khi nói về giới tính với con cái họ và tin rằng đó là trách nhiệm của nhà trường. Tuy nhiên, một số giáo viên cũng có vấn đề tương tự. Một số giáo viên không muốn nói về tình dục và một số thì có kiến thức hạn chế hoặc nhầm lẫn tai hại.
Nó cho chúng ta thấy rằng một trong những rào cản chính đối với giáo dục tình dục là thái độ tiêu cực và thông tin sai lệch của công chúng. Đây có thể là những lo ngại rằng kiểu giáo dục này trái ngược với niềm tin văn hóa hoặc tôn giáo của địa phương xung quanh vấn đề tình dục, hoặc nó không phù hợp với trẻ nhỏ.
Ngoài ra còn có các ràng buộc về hoạt động. Ngay cả ở những quốc gia có môi trường chính sách thuận lợi, việc thực hiện có thể bị cản trở do thiếu sự chuẩn bị và hỗ trợ của giáo viên, thiếu tài liệu học tập thích hợp và thiếu kế hoạch, tài chính và giám sát.
Trong nhiều năm, khía cạnh duy nhất của giáo dục giới tính mà các chính phủ chú trọng là kiểm soát dân số. Điều này thậm chí không bao hàm tới một phần nhỏ của giáo dục giới tính.
Giáo dục giới tính không chỉ là về sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và các hành vi tình dục an toàn. Nó cần bao gồm các khía cạnh tích cực của tính dục, chẳng hạn như tình yêu và các mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng và bình đẳng lẫn nhau.
Nó dạy chúng ta về sự biến đổi trong cơ thể con người, cách cơ thể chúng ta hoạt động và các quyền mà chúng ta có đối với cơ thể của mình. Nó bao gồm các cuộc thảo luận về giá trị; quyền; văn hóa và giới; về động lực quyền lực dựa trên chủng tộc, giới tính; xu hướng tình cảm hoặc tình dục và cách nhận biết; bản sắc và sự thể hiện bản thân; thách thức và sự cần thiết thay đổi các chuẩn mực giới có hại.
Hơn nữa, nó cung cấp cho trẻ em và thanh thiếu niên cơ hội thực hành các kỹ năng chính như ra quyết định, đàm phán, tư duy phản biện, kỹ năng lãnh đạo và giao tiếp.
Dựa trên các bằng chứng, chúng ta biết rằng giáo dục giới tính là một phần thiết yếu của một nền giáo dục tốt giúp chuẩn bị cho những người trẻ tuổi có thể đưa ra các quyết định sáng suốt trong một thế giới mà HIV/AIDS, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STI), mang thai ngoài ý muốn và bạo lực trên cơ sở giới vẫn tiềm ẩn những nguy cơ nghiêm trọng đối với hạnh phúc của mỗi người.
Một chương trình giáo dục tình dục lý tưởng nên bao gồm một loạt các chủ đề liên quan đến:
- Phát triển con người (bao gồm bộ phận sinh dục, sinh sản, dậy thì, giới và giới tính, xu hướng tính dục và bản dạng giới)
- Các mối quan hệ (bao gồm gia đình, tình bạn, tình cảm và hẹn hò, sự đồng thuận, quyền tự do tình dục và sinh sản, các trách nhiệm liên quan đến tránh thai)
- Kỹ năng cá nhân (bao gồm giao tiếp, đàm phán và ra quyết định)
- Hành vi tình dục (bao gồm kiêng khem và tình dục trong suốt cuộc đời)
- Sức khỏe tình dục (bao gồm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, biện pháp tránh thai và sức khỏe sinh sản)
- Xã hội và Văn hóa (bao gồm vai trò giới, sự đa dạng và tình dục trên các phương tiện truyền thông)