Male Gaze (Nhãn quan nam giới) trong phim ảnh

Picture of Nhà Nhiều Cột

Nhà Nhiều Cột

Chiến dịch #NhàNhiềuCột nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của người trẻ đối với các định kiến giới và thay đổi các sản phẩm quảng cáo nhằm hướng tới mục tiêu bình đẳng giới.
Male Gaze

Ðàn ông hành động, còn đàn bà tỏ ra. Ðàn ông nhìn đàn bà. Ðàn bà quan sát cái bản thân đang bị nhìn đó. Ðiều này không chỉ xác định hầu hết các mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà, mà còn mối quan hệ giữa đàn bà với bản thân họ. Cái bản-ngã-quan-sát bên trong một người đàn bà có giống đực, còn cái bản-ngã-bị-quan-sát có giống cái. Chính vì lẽ đó, cô ta biến bản thân thành một đối tượng – một đối tượng cụ thể nhất của thị năng: một thị cảnh (a sight).” ― John Berger, “Những cách thấy”, Như Huy dịch, 1977.

ĐỊNH NGHĨA “NHÃN QUAN NAM GIỚI”

Khái niệm “nhãn quan nam giới” (male gaze) lần đầu được nêu ra vào năm 1973 bởi Laura Mulvey – một nhà nữ quyền điện ảnh người Anh. Bà là người đã đề xuất lý thuyết về việc “vật hóa”(objectify) phụ nữ trên các phương tiện truyền thông, hay được biết đến với tên gọi “nhãn quan nam giới” trong bài luận mang tên “Visual Pleasure and Narrative Cinema” (tạm dịch: Hoan hình và Điện ảnh tường thuật). Bài luận đã sử dụng thuyết phân tâm học để chỉ ra con đường mà các nhà nữ quyền nghiên cứu điện ảnh nên bước đi, cũng như sử dụng các lý thuyết của Sigmund Freud và Jacques Lacan để lí luận.

aa8
“Nhãn quan nam giới” thể hiện cách nhìn của đàn ông dị tính đối với phụ nữ

Mulvey đã viết trong bài luận: “Trong một thế giới được sắp đặt bằng sự mất cân bằng giới, sự thích thú trong việc nhìn ngắm đã bị phân chia giữa chủ thể/đàn ông và vật thể/phụ nữ.” Nhìn chung, “nhãn quan nam giới” thể hiện cách nhìn của đàn ông dị tính đối với phụ nữ, khiến họ hiện lên như những đối tượng có ngoại hình gợi dục, mang lại khoái cảm thể xác. Chính điều này đã kéo theo những khán giả theo dõi buộc phải xem người phụ nữ từ góc nhìn của một người đàn ông dị tính, ngay cả khi họ là những người phụ nữ dị tính hay những người đồng tính.

Từ đó, theo như khái niệm của “nhãn quan nam giới”, phụ nữ trong phim ảnh nói riêng và nghệ thuật thị giác nói chung là vật thể để nhìn ngắm. Mulvey tin rằng phụ nữ trong trường hợp này là “người chứa đựng ý nghĩa, chứ không phải là người tạo ra ý nghĩa”. Bà cũng cho rằng ý niệm này sinh ra từ một tư tưởng lỗi thời là “đàn ông thì ngắm nhìn, còn phụ nữ là người được ngắm nhìn” (Men do the looking; women are there ‘to be looked at’).

NHÃN QUAN NAM GIỚI TRONG PHIM ẢNH THỰC SỰ HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?

Hai thuật ngữ quan trọng liên quan đến nhãn quan nam giới là “voyeurism” và “scopophilia” – cả hai đều mang nghĩa thị dâm, hay hành vi nhìn trộm những hoạt động riêng tư của người khác để tìm kiếm sự hài lòng và kích thích tình dục (scopophilia có mức độ mạnh mẽ hơn). Đây là hai dạng của nhãn quan nam giới, dựa trên thuyết phân tâm học của Sigmund Freud, cho thấy cách người phụ nữ bị buộc phải thể hiện trên màn ảnh dưới các góc độ của nhãn quan nam giới.

wp 14990243434971
Cảnh quay từ dưới lên trên nhân vật Mikaela Banes (Megan Fox) khoe đường cong trong bộ phim bom tấn Transformer

Đối với điện ảnh, những góc quay, hành động nhân vật… đặc biệt là cách truyền tải nội dung bộ phim bị lệ thuộc vào con mắt của người đàn ông. Trong những thước phim, nhãn quan nam giới được thể hiện dưới ba điểm nhìn tuy khác nhau nhưng có phần kết nối:

  1. của người quay phim/đạo diễn thông qua việc máy quay ghi lại các sự kiện của phim
  2. của khán giả nam
  3. của các nhân vật tương tác với nhau trong phim.

Nói cách khác trong trường hợp này, hầu hết nội dung mà khán giả tiêu thụ được tạo ra bởi một người đàn ông vì những người đàn ông khác. Có thể thấy rằng, nhãn quan nam giới đã đặt phụ nữ ở vị trí bị động và đàn ông ở vị trí chủ động. Như vậy, trong phim ảnh, đàn ông nắm vai trò diễn xuất còn phụ nữ chỉ giữ vai trò xuất hiện trong mỗi bộ phim.

MỘT VÀI MINH CHỨNG CHO NHÃN QUAN NAM GIỚI TRONG PHIM ẢNH

Chắc hẳn ai cũng quen thuộc với nhân vật Harley Quinn trong bộ phim bom tấn Suicide Squad (Biệt đội cảm tử). Đây là một ví dụ điển hình của nhãn quan nam giới trong phim ảnh khi nhân vật này không hơn không kém một vật thể tượng trưng cho sự thèm muốn.

IncompatibleFarGar size restricted
Nhân vật Harley Quinn (Margot Robbie) là một ví dụ điển hình của nhãn quan nam giới trong phim ảnh

Xuyên suốt bộ phim là hình ảnh nhân vật này diện bộ trang phục xanh đỏ hở hang và yêu Joker một cách điên dại, hoàn toàn phụ thuộc vào hắn. Cái cách mà Margot Robbie xuất hiện với vẻ ngoài quyến rũ, bốc lửa mà máy quay chầm chậm lướt trên cơ thể của nữ diễn viên, lột tả từng đường nét chính là cái cách nhân vật nam nhìn cô ấy. Khán giả đã nhìn nhân vật này thông qua lăng kính của nam giới như vậy.

Tất nhiên, phim ảnh đã có nhiều bước tiến và thay đổi cùng với sự phát triển của thời gian. Vấn đề “vật hóa” phụ nữ cũng được chú trọng nhiều hơn, thay vì một nữ nhân vật chỉ “để ngắm nhìn” một cách thuần túy thì các nhà làm phim hiện đại đã sử dụng phương thức xây dựng một nhân vật độc lập, mạnh mẽ. Tuy nhiên, vẫn còn những lỗ hổng, chưa khắc phục được tình trạng nhãn quan nam giới.

Điển hình cho trường hợp này là nhân vật Black Widow – đặc vụ Natasha Romanoff trong chuỗi các phim của Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Được xây dựng với hình tượng mạnh mẽ khi thành thạo nhiều bộ môn võ thuật, là một sát thủ chuyên nghiệp, thiên tài thông thạo nhiều ngôn ngữ…, tuy nhiên việc cho khán giả thấy một hình tượng phụ nữ độc lập không đồng nghĩa với việc không “vật hóa” họ.

wp 1499024562894
Một cảnh quay nhân vật Góa phụ đen Natasha Romanoff (Scarlett Johansson) thông qua lăng kính của nhân vật nam

Sự thật là Black Widow vẫn không thoát khỏi nhãn quan nam giới. Mỗi khi xuất hiện, máy quay luôn phản ánh nhân vật từ đầu tới chân, nhấn mạnh các bộ phận cơ thể như ngực và vòng ba. Thậm chí, bộ đồ siêu anh hùng của Natasha được kéo khóa trễ xuống, để lộ một phần ngực mặc dù đó là phần cơ thể cần được bảo vệ nhất.

TỒN TẠI NHÃN QUAN NAM GIỚI, VẬY NGƯỢC LẠI THÌ SAO?

Nếu nhãn quan nam giới (male gaze) xoay quanh việc đàn ông nhìn ngắm phụ nữ, vậy có tồn tại nhãn quan nữ giới (female gaze) hay không? Phụ nữ sẽ ngắm nhìn như thế nào?

6235c7ab e9d6 4f90 89b4 fda537fcdfa2
Liệu có tồn tại nhãn quan nữ giới hay không?

Câu trả lời là có, tồn tại khái niệm nhãn quan nữ giới. Đây là thuật ngữ lý thuyết cho phim ảnh dưới góc độ nữ quyền, đại diện cho cái nhìn của khán giả là phụ nữ. Đây cũng đồng thời là đề xuất tương đối với thuật ngữ nhãn quan nam giới, trong cách sử dụng hiện đại, nhãn quan nữ giới cũng được dù để chỉ góc nhìn của một nhà làm phim nữ như biên kịch, đạo diễn hay nhà sản xuất, từ đó mang đến cho bộ phim một góc nhìn khác thay vì dưới lăng kính của người đàn ông nhìn vật thể.

Nhận định về “female gaze” trong sự so sánh với “male gaze”, các chuyên gia, người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh cũng có nhiều quan điểm đa dạng. Theo Stefani Forster, chiến lược gia nội dung đa phương tiện người Canada: “Nhãn quan nữ giới không phải là để khẳng định sự thống trị của phụ nữ trên màn ảnh. Và điều này không có nghĩa rằng vì thế mà nhãn quan nữ giới ngược lại ‘vật hóa’ đàn ông.”

Đạo diễn hình ảnh người Mỹ Ashley Connor cho rằng: “Tin vào nhãn quan nữ giới có ý nghĩa rằng, bản thân tôi cũng tin vào nhãn quan nam giới. Và tôi hi vọng rằng chúng ta đang chung tay hướng tới một thế giới không bị ràng buộc bởi sự phân biệt giới tính.”

Đối với Agnès Godard, đạo diễn hình ảnh người Pháp nổi tiếng với các tác phẩm như “35 Shots of Rum”, “Beau Travail”, “The Intruder”, “điện ảnh” là một từ rất đỗi đẹp đẽ, đơn giản, rành mạch và trọn vẹn. Âm thanh của điện ảnh gợi lên ngay lập tức những gì nó xoay quanh, là một ngôn ngữ. Bà coi hàng loạt các biến thể và sắc thái của điện ảnh là sự phong phú về tính nhạy cảm và chủ quan của con người – không nhất thiết phải chia thành hai thế giới là đàn ông và đàn bà. Godard đặt ra câu hỏi: “Cớ sao phải phân chia điện ảnh thành hai ngôn ngữ khác nhau?”

TẠM KẾT

Rõ ràng, việc “vật hóa” phụ nữ mang đến những tác động tiêu cực ngoài đời thực. Nhãn quan nam giới khiến đàn ông nghĩ rằng mình có quyền được ngắm nhìn và nhận xét về cơ thể người phụ nữ, như thể người phụ nữ ấy là một đồ vật có thể bị sở hữu và định đoạn bởi nam giới.

Ngược lại, một người phụ nữ dẫu có tài năng, có học thức hay vô cùng thành đạt, vẫn có thể bị ám ảnh và thiếu tự tin bởi vẻ bề ngoài theo những tiêu chuẩn mà xã hội áp đặt. Đồng thời, những người phụ nữ này bị khắc sâu trong tâm trí rằng cơ thể của họ phải được thèm muốn, hay những người đàn ông được phép soi xét vẻ bề ngoài của họ.

Có thể thấy rằng bên cạnh việc giải trí, phim ảnh tác động hết sức mạnh mẽ lên khán giả, không chỉ ảnh hưởng đến nhận thức, tâm lý mà còn cả hành vi. Nếu được sản xuất chỉnh chu với những thông điệp tích cực, phim ảnh có thể giúp lan tỏa những giá trị tốt đẹp, truyền cảm hứng cho người xem, hay diễn giải những vấn đề xã hội nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của thế giới.

Ngược lại, nếu không cân nhắc kỹ lưỡng yếu tố nội dung cũng như hình ảnh, người xem có thể tiếp nhận những suy nghĩ lệch lạc và mô phỏng hành vi không đúng mực, đi ngược lại với những giá trị tiến bộ của xã hội.

Câu hỏi ở đây được đặt ra, bên cạnh “Phim ảnh giờ đây đã tiến bộ hơn chưa? Những nhà làm phim đã sửa đổi những lỗ hổng, vứt bỏ những tư tưởng lỗi thời hay chưa?”, chúng ta cũng nên tự hỏi bản thân, với tư cách là một khán giả rằng mình đã sẵn sàng chấp nhận những chuẩn mực mới, nơi nam giới và nữ bình giới đẳng với nhau?

3040
Với tư cách là một khán giả, bạn đã sẵn sàng chấp nhận những chuẩn mực mới, nơi nam giới và nữ bình giới đẳng với nhau?

Nguồn tham khảo:

  1. Mulvey, Laura. “Visual Pleasure and Narrative Cinema.” Screen, vol. 16, Issue 3, 1975, p. 6-18, https://doi.org/10.1093/screen/16.3.6.
  2. Berger, John. “Chapter 3.” Ways of Seeing, Penguin Books, 1972, p. 45-47.
  3. Rabinowitz, Nancy Sorkin. “Women as Subject and Object of the Gaze in Tragedy.” Helios, vol. 40, 2013, p. 195-221. Project MUSE, http://doi.org/10.1353/hel.2013.0003.
  4. “female gaze.” A Dictionary of Media and Communication, 1st ed., Oxford University Press, 2011, p. 97.
  5. Telfer, Tori. “How Do We Define the Female Gaze in 2018?” Vulture, 2 Aug. 2018, How Do We Define the Female Gaze in 2018? (vulture.com).
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận

Các bài khác cùng chủ đề

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.