Không sinh con trai là có lỗi với nhà chồng?

Picture of Nhà Nhiều Cột

Nhà Nhiều Cột

Chiến dịch #NhàNhiềuCột nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của người trẻ đối với các định kiến giới và thay đổi các sản phẩm quảng cáo nhằm hướng tới mục tiêu bình đẳng giới.

Nếu như tra Google cụm từ “cách sinh con trai”, chúng ta sẽ thu được 161 triệu kết quả trong vòng nửa giây với các tiêu đề như “Khám phá 5 cách sinh con trai theo ý muốn”, “Phụ nữ thế nào thì dễ sinh con trai”, “Cách để tăng khả năng sinh con trai”…

Ở Việt Nam, việc sinh cho-bằng-được con trai dường như trở thành nỗi ám ảnh với nhiều gia đình. Họ quan niệm rằng con trai là người có khả năng nối dõi tông đường và duy trì nòi giống của dòng họ, còn con gái sau khi trưởng thành sẽ thành “con người ta”. Tư tưởng này đã và đang không chỉ gây ra rất nhiều áp lực cho các gia đình, mà còn dấy lên các vấn đề xã hội tiêu cực khác.

NHỮNG VAI TRÒ ĐƯỢC QUYẾT ĐỊNH TỪ TRONG TRỨNG

Quan niệm “trọng nam khinh nữ” có nguồn gốc từ tư tưởng hệ trong Nho giáo, theo đó nhấn mạnh các mối quan hệ họ hàng theo mối quan hệ phụ hệ (con trai nối dõi tông đường và thừa kế tài sản của gia đình), mô hình định cư bên nội (các cặp vợ chồng sống cùng hoặc gần với gia đình chồng) và quan hệ gia trưởng (quyền quyết định nằm trong tay các thành viên nam trong gia đình). Trong mô hình hệ này, người con trai luôn được đặt ở vị thế cao hơn so với người con gái, trở thành trụ cột về mặt tinh thần lẫn kinh tế trong gia đình.

Bên cạnh những ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, người Việt còn rất trọng việc gìn giữ và phát huy văn hóa, truyền thống của tổ tiên. Tín ngưỡng thờ cúng đã tồn tại rất lâu trong văn hoá của người Việt trùng khớp với quan điểm “Đạo làm người phải thân thiết với những người thân thích. Thân thiết với người thân nên phải tôn trọng tổ tiên” của Nho giáo, vì vậy nhiều gia đình luôn quan niệm rằng phải có con trai để tiếp tục duy trì nòi giống.

Việc thiên vị giới tính của thai nhi không chỉ diễn ra ở các nước Châu Á, nơi đặc biệt coi trọng việc có người nối dõi. Trong nghiên cứu “Liệu ‘thất vọng về giới tính’ có phải là một căn bệnh có thật” (tên gốc: Is “gender disappointment” a unique mental illness?), các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiều gia đình tại các nước phương Tây cũng có những mong muốn về giới tính của con mình.

2f07e1bf989015d4a89425b3a7ae9819
Việc thiên vị giới tính của thai nhi diễn ra ở các nước Châu Á lẫn các nước phương Tây

Nhiều người cho rằng, việc có con trai và con gái sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của họ. Những người có ưu tiên giới cho thai nhi mong muốn tái tạo lại mối quan hệ mà mình đã có với cha mẹ của mình, hoặc tránh những mối quan hệ này nếu chúng không mấy tốt đẹp. Ví dụ, một người mẹ chia sẻ với tổ nghiên cứu rằng cô mong muốn có con gái vì cảm thấy con gái tình cảm hơn, và cô thích được làm những việc “nữ tính” với con mình như làm đẹp hay chơi nấu ăn.

Như vậy, có thể thấy rằng trong cả văn hoá phương Đông và phương Tây, giới tính của thai nhi đều là mối quan tâm của các vị phụ huynh, dù động lực đằng sau sự quan tâm này là khác nhau. Sự thiên vị này dựa trên một nền tảng chung, đó là những đặc điểm tính cách, trách nhiệm của một người thường được quy định dựa trên đặc điểm sinh học của họ.

Con trai được cho rằng sẽ mạnh mẽ, độc lập, quyết đoán, có khả năng nối dõi tông đường, còn con gái sẽ dịu dàng, tình cảm, chu đáo, quan tâm và biết chăm lo cho gia đình. Những đặc điểm tính cách và vai trò này được xác định thuần tuý dựa trên đặc điểm sinh học của những đứa trẻ, và được định hướng từ rất sớm, trong khi trong thực tế đó đều là những định kiến được hình thành bởi xã hội.

Ngay từ khi biết giới tính của con khi còn là một bào thai, hầu hết các bố mẹ đã quyết định sẽ trang trí phòng cho con như thế nào, chọn quần áo cho con ra sao, sẽ mua những món đồ chơi gì cho con. Cũng chính vì những khuôn mẫu giới được đặt ra này, khi giới tính của những bào thai không phù hợp với nguyện vọng của bố mẹ, họ sẵn sàng can thiệp y tế để đạt được mong muốn đó, hoặc lựa chọn các biện pháp y tế để có thể lựa chọn giới tính theo mong muốn của mình.

VÒNG LẶP CỦA NHỮNG KHUÔN MẪU GIỚI VÀ ÁP LỰC

Việc lựa chọn giới tính của con trước nhất ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành nhân cách cũng như thế giới quan của trẻ. Các bé trai khi được sinh ra, nhất là nếu gia đình đã tìm nhiều cách để có con trai, sẽ có xu hướng được chiều chuộng, nhường nhịn hơn trong gia đình. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy trẻ có xu hướng quan sát các trật tự trong gia đình và hiểu rằng đó là cách xã hội vận hành.

Vì vậy, khi các bé trai được ưu tiên hơn và các bé gái được dạy là phải dịu dàng, phải chịu thua thiệt hơn so với anh trai hoặc em trai của mình, các bé sẽ hiểu rằng nam giới có vị thế cao hơn nữ giới, cả trong môi trường gia đình lẫn ngoài xã hội. Điều này tái củng cố các khuôn mẫu giới khi chúng được coi như một cách thiết lập trật tự xã hội.

Áp lực sinh con trai cũng gây ra nhiều vấn đề tại Việt Nam, đặc biệt là đối với phụ nữ. Phụ nữ được cho là “biết đẻ” nếu họ sinh được một bé trai để gia đình chồng có người lo hương khói sau này, và bị chỉ trích là “vô dụng”, “không biết đẻ” nếu sinh toàn con gái. Không ít những câu chuyện thương tâm về những người vợ, người mẹ không được gia đình chồng chăm sóc khi biết con, cháu của họ là con gái.

00 JHER auto x2
Áp lực sinh con trai cũng gây ra nhiều vấn đề tại Việt Nam, đặc biệt là đối với phụ nữ

Trên diễn đàn VN Express, nhiều chị em phụ nữ chia sẻ rằng họ sợ sinh con gái, không phải vì giới tính quan trọng với họ, mà bởi vì áp lực từ những định kiến xã hội khi không thể làm tròn “bổn phận của một người con dâu”, đồng thời lo lắng rằng nếu sinh con gái thì con mình sau này cũng phải chịu đựng những vất vả mà hiện tại họ phải trải qua. Với nhiều phụ nữ, việc sinh con trai hay gái sẽ quyết định toàn bộ tương lai của họ, bởi bản thân họ phải phụ thuộc vào gia đình về mặt tài chính hoặc các quyền lợi khác.

Nhiều người cho rằng đây là lỗi của nam giới khi gây nên những áp lực này cho vợ mình, nhưng trên thực tế, họ cũng phải chịu những áp lực về mặt tâm lý. Họ có thể bị chỉ trích là bất hiếu với cha mẹ, không suy nghĩ cho dòng tộc nếu không thể có một người con trai nối dõi. Với nhiều gia đình, nếu như có nhiều người con trai, những tài sản quan trọng có thể sẽ được để lại cho gia đình nào có con trai, bởi đó là gia đình có khả năng tiếp nối truyền thống của dòng họ.

Ở một vài nơi, nếu không có con trai, người đàn ông sẽ phải ngồi “mâm dưới”, cùng với những người phụ nữ khác trong gia đình trong bữa cơm như một cách thể hiện việc họ “yếu kém” hơn so với những người nam khác trong gia đình. Những áp lực này khiến nam giới có suy nghĩ họ bắt buộc phải có con trai để duy trì vị thế xã hội của mình, từ đó tiếp tục gây áp lực lên người bạn đời của họ.

LIỆU CÓ CÁCH NÀO ĐỂ CHẤM DỨT VÒNG LẶP?

img 1188
Có con trai để nối dõi tông đường là một nét văn hoá lâu đời của người Việt Nam

Nhiều người cho rằng, việc có con trai để nối dõi tông đường là một nét văn hoá lâu đời của người Việt Nam, và rất khó để thay đổi được quan điểm này. Tuy nhiên, trong báo cáo “Các yếu tố xã hội ảnh hưởng đến bình đẳng giới” được thực hiện bởi ISDS từ năm 2012 đến 2015 đã chỉ ra rằng, yếu tố vùng miền ảnh hưởng rõ rệt đến mối quan tâm về giới tính của con cái trong việc thờ cúng tổ tiên.

Cụ thể, khi được đưa ra câu hỏi “Gia đình có nhất thiết phải có con gái hay không?”, không gia đình nào ở miền Bắc đồng ý với hai lý do đưa ra là “nối dõi tông đường” và “thờ cúng tổ tiên”, trong khi những người tham gia cuộc khảo sát ở miền Nam cho rằng con gái hoàn toàn có thể đảm nhiệm những trách nhiệm này dù đã kết hôn hay chưa.

Điều này cho thấy, việc cần con trai để lo hương khói sau này là một quan niệm xã hội hoàn toàn có thể thay đổi khi những vai trò giới của người nam và người nữ được mở rộng ra khỏi những khuôn khổ ở hiện tại.

TẠM KẾT

2f8723d5 1
Việc thay đổi một tư tưởng đã tồn tại lâu đời và góp phần cấu thành cấu trúc xã hội cần sự thay đổi toàn diện (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Việc thay đổi một tư tưởng đã tồn tại lâu đời và góp phần cấu thành cấu trúc xã hội là một vấn đề nan giải và cần sự thay đổi toàn diện, bắt đầu từ ý thức của mỗi người về vai trò và trách nhiệm của nam giới và nữ giới.

Con cái không bao giờ nên là thành tích để đem ra so sánh và đánh giá khả năng của một người phụ nữ hay vị thế của một người đàn ông. Quan trong hơn cả, mỗi đứa trẻ khi sinh ra đều mang trong mình những đặc điểm và khả năng riêng; chúng có quyền được sống, được phát triển mà không bị bó buộc vào bất kỳ một khuôn mẫu giới nào.

Còn bạn, bạn suy nghĩ thế nào về chủ đề này, cùng chia sẻ với Nhà Nhiều Cột nhé!

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận

Các bài khác cùng chủ đề