fbpx

Top 10 điều hiểu nhiên nhưng không phải ai cũng biết – Top 1: Bạn không cần phải có âm đạo mới có thể làm việc nhà

Việc nhà là những công việc chăm sóc không tên nhưng rất quan trọng bao gồm những việc như dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, đi chợ, nấu ăn, chăm trẻ con, chăm sóc người già, công việc hai bên nội ngoại (và vô vàn công việc không tên khác). Nhưng việc nhà không đơn giản dừng lại ở đó, thực tế nó là một công việc đòi hỏi khả năng tổng hợp và sắp xếp khối lượng công việc, thời gian, năng lượng và sức chịu đựng tâm lý của người thực hiện. Ai nói làm việc nhà dễ ợt… có lẽ chưa bao giờ phải làm việc nhà 😅.

Vậy nhưng “Việc nhà là của ai?”. Việc nhà có phải là “nhiệm vụ” của người phụ nữ, hay nên được san sẻ công bằng giữa các trụ cột gia đình?

Hãy cùng Nhà Nhiều Cột thảo luận thêm về câu hỏi “Việc nhà là của ai?” thông qua bài viết dưới đây nhé!

TẠI SAO VIỆC NHÀ THƯỜNG ĐƯỢC GÁN CHO LÀ TRÁCH NHIỆM CỦA PHỤ NỮ

“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” là quan niệm cố hữu khi phân chia vai trò giới từ thời xa xưa. Đàn ông được phân công đi làm kiếm tiền, còn phận sự của người phụ nữ là ở nhà chăm lo gia đình. Hình dung về người tề gia nội trợ thường gắn liền với hình ảnh người phụ nữ bởi quan niệm phụ nữ là người lệ thuộc về kinh tế, là bề dưới trong mối quan hệ giới với đàn ông. Nhiều phụ nữ vẫn phải chấp nhận làm việc nhà bởi vì họ không có quyền lựa chọn.

Stack womenswork
Nhiều phụ nữ vẫn phải chấp nhận làm việc nhà bởi vì họ không có quyền lựa chọn (Ảnh: The New Yorker)

Trong lịch sử, những nguyên tắc phụ quyền đã tác động sâu sắc và lâu dài tới quan niệm về tôn ti trật tự trong gia đình – gia tộc, về vị trí của người phụ nữ trong thang bậc địa vị xã hội. Ở văn hoá phương Đông nói chung và văn hoá Việt Nam, những quan niệm này chủ yếu có nguồn gốc từ các tín điều Nho giáo.

Mỗi phụ nữ Việt Nam từ khi sinh ra, gần như đã được đặt sẵn trong một “khuôn phép” gia đình (rộng hơn nữa là gia tộc). Quan niệm phong kiến Á Đông đeo lên vai người phụ nữ những “tam tòng” (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử) và “tứ đức” (công, dung, ngôn, hạnh). Hàng nghìn năm qua phụ nữ được gán cho “trọng trách cao cả” này, một lòng phục vụ chồng con, làm tất cả mọi thứ trừ việc bước chân ra khỏi nhà.

Trong cuốn “Bí ẩn nữ tính”, Betty Friedan đã sử dụng tâm lý học đại chúng đương thời để tìm cách hiểu được phụ nữ và tính dục nữ giới. Friedan đã phanh phui vị thế của phụ nữ trong xã hội Hoa Kỳ sau Đại chiến II để chỉ ra rằng, đằng sau cái đam mê kiêu hãnh được đóng vai trò “nội trợ” phục vụ chồng con của phụ nữ Mĩ đương thời là một thực trạng “Phụ nữ bị bán đi trí tuệ và tham vọng của mình bằng cái giá nhỏ mọn của một chiếc máy giặt mới”.

Thân phận thụ động này được xã hội Mĩ lúc bấy giờ coi là có căn nguyên từ “bí ẩn nữ tính”, một cách nói khái quát về một “mật lệnh” sâu thẳm của giới tính dẫn đến tình trạng những công việc và quyền lợi của phụ nữ khác hoàn toàn với nam giới.

Theo Friedan, khái niệm “bí ẩn nữ tính” đã được người Mĩ tạo ra và duy trì bằng sách, báo, tivi và các chuẩn mực giá trị thời thượng liên quan đến “tổ ấm gia đình”, để bóp nặn cuộc đời người phụ nữ, tạo ra niềm tin rằng những “trọng trách” mà họ đang mang là gắn liền với ý đồ sáng tạo đầy bí ẩn của Thượng đế chứ không phải do tiến trình lịch sử xã hội tạo ra. Dễ thấy hình tượng bà nội trợ Mĩ hoàn hảo ở vùng ngoại ô Mỹ những năm 50 và 60 trong các quảng cáo đồ bếp, đồ gia dụng, điển hình là hình tượng Betty Draper trong Mad Men.

Vì những giá trị “truyền thống” này, phụ nữ mặc nhiên thừa nhận và sẵn sàng hy sinh cả sự tiến bộ, hạnh phúc của mình để làm tròn vai trò chăm sóc gia đình. Những quan niệm và hình tượng này đã và còn bám rễ trong tâm thức, ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi của cả nam giới và nữ giới trong mọi tầng lớp của xã hội.

Bởi chăm sóc được cho là “thiên tính” của phụ nữ, nên việc họ làm việc nhà – công việc chăm sóc trở thành một điều tất nhiên. Và bất cứ người nữ nào đi ngược lại “điều tất nhiên” này sẽ bị chỉ trích là “vụng”, không biết quán xuyến, tham vọng (nếu dám theo đuổi sự nghiệp riêng thay vì ở yên trong nhà) hay thậm chí bị đổ lỗi là nguyên nhân khiến gia đình không êm ấm.

Cùng với đó, việc nhà thường được cho là công việc đơn giản, nhẹ nhàng, nhanh chóng, không tốn nhiều công sức và trí óc để thực hiện. Mặc dù công việc chăm sóc không lương có vai trò đặc biệt quan trọng để duy trì cuộc sống của các cá nhân và xã hội, nhưng nó lại trở nên vô hình bởi không trực tiếp tạo ra tiền bạc, của cải.

Ở nhiều nước, công việc chăm sóc không lương được xem là vấn đề riêng của mỗi gia đình với trách nhiệm chủ yếu là của phụ nữ và trẻ em gái thay vì công việc cần phải tái phân bổ giữa các chủ thể khác nhau của xã hội.

ÁP LỰC KÉP “GIỎI VIỆC NƯỚC, ĐẢM VIỆC NHÀ”

Ra đời vào năm 1989 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động dựa theo đường hướng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đoạn viết bổ sung vào Di chúc năm 1965, phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đặt ra yêu cầu cho các nữ công nhân viên lao động trong thời kỳ đổi mới đất nước phải thay đổi để đáp ứng những yêu cầu khắt khe của lịch sử: vừa làm hậu phương ưu tú vững chắc, vừa đủ sức gánh vác những nhiệm vụ mới của cách mạng Việt Nam.

Tuy nhiên, sự phân công nhiệm vụ này chỉ phù hợp với bối cảnh thời chiến và những năm đổi mới, khi nam giới vẫn là lực lượng tham chiến chính. Khi chiến tranh đã kết thúc, nam giới không còn phải ra chiến trường, sự phân công nhiệm vụ giới này đã không còn phù hợp khi lộ ra nhược điểm bất bình đẳng: hướng phát triển chưa đồng đều, tập trung chủ yếu trong đội ngũ nữ lao động khối hành chính sự nghiệp, khối giáo dục.

Áp lực “giỏi việc nước, đảm việc nhà” khiến phụ nữ thời hiện đại có nhiều trách nhiệm hơn trước. Hiện nay, phần lớn phụ nữ vẫn làm việc ca một ở văn phòng, và “ca hai” ở nhà. Theo báo cáo phân tích dựa trên số liệu Điều tra Lao động – Việc làm của Tổ chức Lao Động quốc tế, phụ nữ trung bình dành 20,2 giờ mỗi tuần làm việc nhà (tương đương với 2,5 ngày làm việc); trong khi nam giới là 10,7 giờ.

gettyimages 503536842 7161358359a3b5a694fa7f25419342bbaa1c28bd
Áp lực “giỏi việc nước, đảm việc nhà” khiến phụ nữ thời hiện đại có nhiều trách nhiệm hơn trước (Ảnh: NPR)

Cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng nhận được câu hỏi từ một phóng viên: “Làm sao bà cân bằng giữa công việc với chăm sóc gia đình?” nhưng hẳn sẽ không có ai hỏi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam rằng: “Làm sao ông cân bằng giữa việc chống dịch với chăm sóc vợ con?”. Người phụ nữ có sự nghiệp riêng vẫn luôn được kỳ vọng phải cáng đáng chu tất việc nhà, nếu không họ chỉ được coi là thành công một nửa.

Những chuẩn mực giới cứng nhắc không chỉ giới hạn cơ hội và lựa chọn của nữ giới mà còn là áp lực đè nén, rập khuôn hình ảnh người đàn ông.

Nam giới phải chịu áp lực hình mẫu trụ cột kinh tế lý tưởng, sự “nam tính” của họ được đo đạc bằng số tiền họ có thể kiếm và địa vị họ có thể leo tới. Xã hội vẫn luôn có những cơ chế để trừng phạt bất cứ người đàn ông nào dám yêu bếp, đảm việc nhà (hèn, thằng đàn bà, không có năng lực, bám váy vợ…). Dường như “điều bình thường” là chúng ta cần phải có âm đạo và khả năng sinh đẻ để làm việc nhà?

Việc đàn ông ở nhà bị coi là “bám váy vợ” càng cho thấy rõ một định kiến rằng việc nhà không được coi trọng như việc kiếm tiền và người làm việc nhà phải chịu sự coi thường, mà đối với nam giới còn là định kiến kép khi danh tính của họ được xác định (1) là người nội trợ và (2) là người đàn ông mà không đủ khả năng làm trụ cột kinh tế như xã hội “quy định”.

Đọc cái này không phí tiền mạng 👇
https://www.facebook.com/CultureMove/posts/568168320770422

NAM GIỚI LÀM VIỆC NHÀ CÓ ẢNH HƯỞNG NHƯ THẾ NÀO ĐẾN QUAN HỆ GIA ĐÌNH

Đại học British Columbia, Canada từng tiến hành một nghiên cứu: Quan sát 326 trẻ em từ 7 đến 10 tuổi và cha mẹ của chúng để xem cách lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Kết quả, những cô con gái có cha không bao giờ làm việc nhà sẽ có khái niệm bất bình đẳng giữa nam và nữ khi chọn nghề. Chúng chỉ dám chọn những nghề truyền thống dành cho phái nữ như y tá hay nội trợ.

Còn những đứa trẻ có cha mẹ chia sẻ công việc nhà và chăm sóc con cái, con gái sẽ không bị ràng buộc bởi suy nghĩ giới tính khi chọn nghề. Chúng dám “dấn thân” vào các nghề nghiệp truyền thống của nam giới như sĩ quan quân đội hay CEO. Nghiên cứu đưa ra kết luận, “Người cha làm việc nhà càng nhiều, sự lựa chọn nghề nghiệp của con gái càng táo bạo và đa dạng hơn”. Nói cách khác, nếu người cha không chỉ đặt bình đẳng giới làm khẩu hiệu mà thực hiện nó mỗi ngày thì trẻ sẽ dễ dàng được truyền cảm hứng.

Have liked any help 1 scaled
Nếu người cha không chỉ đặt bình đẳng giới làm khẩu hiệu mà thực hiện nó mỗi ngày thì trẻ sẽ dễ dàng được truyền cảm hứng (Ảnh: The New Yorker)

Nữ Thủ tướng Jacinda Ardern hạ sinh con gái đầu lòng chỉ sau hơn 1 năm nhậm chức. Đây là lần đầu tiên tại New Zealand và lần thứ hai trên thế giới có một nữ nguyên thủ sinh con trong thời gian đương nhiệm. Bà Jacinda Ardern lập tức trở thành một biểu tượng nữ quyền đặc sắc, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho phụ nữ toàn thế giới. Vừa điều hành đất nước ở cương vị cao nhất, vừa thực hiện công việc làm mẹ là điều mà không phải ai cũng có đủ sức lực và dám đương đầu.

Bạn trai của nữ Thủ tướng New Zealand – ông Clarke Gayford – tiết lộ, hằng ngày bà Jacinda Ardern dậy vào lúc 5h30 sáng và làm việc cho đến đêm khuya. Sáu tuần sau sinh, bà đã quay trở lại với công việc. Nhưng để làm được “điều phi thường” như bà Jacinda Ardern phải nói đến người “đối tác tuyệt vời” đó là ông Clarke.

Kể từ khi có con, ông Clarke Gayford đã chủ động gác lại sự nghiệp truyền hình của mình để ở nhà làm một bảo mẫu toàn thời gian, chăm sóc và nuôi dạy con gái, nấu ăn, làm việc nhà. Ông cũng tranh thủ đến văn phòng Thủ tướng để ăn trưa và nhắc bà uống thuốc bổ đúng giờ, ngủ đủ giấc. Đây không phải là một điều bất thường bởi mỗi gia đình sẽ có một cách phân công riêng. Nhưng nó trở nên thật khác biệt và đáng ngưỡng mộ vì trong bài toán “cả vợ và chồng đều đi làm, ai nên ở nhà chăm con?” thì câu trả lời thường là “người phụ nữ”.

Bên cạnh đó, gần đây đang dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi ý kiến nam giới “giúp” vợ làm việc nhà. Quả thực, nghe tưởng như là một bước tiến lớn trong công cuộc tiến tới bình đẳng giới nhưng thực chất, điều này vẫn đang củng cố quan niệm việc nhà là của phụ nữ, đàn ông có làm thì cũng chỉ giúp một tay.

Nói “đàn ông GIÚP VỢ làm việc nhà” thay vì “đàn ông làm việc nhà” đã gạt bỏ hình ảnh đàn ông là chủ thể, thái độ chủ động, sự tự ý thức của nam giới rằng việc nhà là việc chung, là trách nhiệm của mọi thành viên trong gia đình hoặc là sự thống nhất phân công dựa trên thảo luận tôn trọng giữa các trụ cột. Theo nhiều nghiên cứu khoa học, khi nam giới làm việc nhà, gia đình có xu hướng giảm cãi vã, giảm nguy cơ ly hôn và họ có thể tăng khả năng thấu cảm cũng như kéo dài tuổi thọ.

SỰ PHÂN BIỆT VAI TRÒ NAM-NỮ THỰC CHẤT LÀ SẢN PHẨM CỦA VĂN HÓA VÀ XÃ HỘI

Những quốc gia có tư tưởng cởi mở hơn về vai trò của đàn ông giúp gia tăng tỷ lệ đàn ông tham gia làm việc nhà. Điển hình là các nước Bắc Âu như Thuỵ Điển và Thuỵ Sĩ, chính phủ quy định giờ làm việc khá linh hoạt với 37,5 giờ một tuần (so với mô hình làm việc 40-50 tiếng một tuần đang chiếm ưu thế ở các nước châu Âu).

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), do thời lượng làm việc trong tuần đã được hợp pháp giới hạn, văn hoá Bắc Âu cho phép cả cha và mẹ đều có thể phân bổ thời gian làm việc và chăm sóc gia đình mà không phải phụ thuộc vào vai trò giới truyền thống để phân chia công việc nhà. Không bất ngờ khi đây cũng chính là những nước đang tiến rất gần đến mục tiêu bình đẳng giới hoàn toàn.

Trong khi đó, Nhật Bản là một trong những quốc gia châu Á chứng kiến bất bình đẳng giới trong phân công việc nhà lớn nhất. Đàn ông và phụ nữ Nhật Bản dù đều phải đi làm với thời gian ngang nhau, nhưng phụ nữ Nhật Bản vẫn phải dành ra thêm thời gian để chăm lo việc nhà. Nam giới nước này chỉ dành ít hơn 1 tiếng để làm việc nhà.

Kết quả nghiên cứu bởi Macromill năm 2019 cho biết, đàn ông Nhật chỉ làm 20% hoặc ít hơn cả thế. Phụ nữ phải gánh vác khối lượng công việc nhà khổng lồ đến vô lý. Và cho dù rất nỗ lực trong công cuộc thay đổi cục diện bất bình đẳng trong gia đình bằng nhiều chính sách việc làm ưu đãi cho phụ nữ, nhưng quan niệm về giới, tầng lớp xã hội và vai trò làm việc nhà ăn sâu trong văn hoá Nhật khiến phụ nữ khó lòng có được tiếng nói bình đẳng.

Tại Việt Nam, phụ nữ đang đối mặt với sự bất bình đẳng kéo dài trên thị trường lao động, và phải mang trên vai gánh nặng kép vừa đi làm vừa cáng đáng trách nhiệm “xây tổ ấm” nặng nề hơn nhiều so với nam giới. Số liệu Điều tra Lao động – Việc làm năm 2018 cho thấy, gần 50% số phụ nữ lựa chọn không hoạt động kinh tế vì “lý do cá nhân hoặc liên quan đến gia đình”, trong khi chỉ có 18,9% nam giới không tham gia hoạt động kinh tế viện dẫn lý do này.

Bên cạnh đó, nghiên cứu “Nam giới và Nam tính trong một Việt Nam hội nhập” do Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) thực hiện với hơn 2.500 nam giới trong độ tuổi lao động, công bố vào tháng 11/2020 cho thấy, hơn 92% số nam giới đồng ý với quan niệm cho rằng “thiên chức của người phụ nữ là chăm sóc gia đình và là hậu phương vững chắc cho chồng phát triển sự nghiệp”. Tương ứng, hơn 82% nam giới cho rằng “phụ nữ nên ưu tiên gia đình hơn là phấn đấu cho sự nghiệp”, “phụ nữ nên chịu đựng và hy sinh để giữ gìn hạnh phúc gia đình”.

a27d24 6baf19eed907479cbaf32a404a771f1b mv2 auto x2 auto x2
Hơn 82% nam giới tham gia khảo sát cho rằng “phụ nữ nên ưu tiên gia đình hơn là phấn đấu cho sự nghiệp”, “phụ nữ nên chịu đựng và hy sinh để giữ gìn hạnh phúc gia đình” (Ảnh: Feminis India)

Hơn 84% nam giới đồng ý với ý kiến cho rằng phụ nữ nên làm những công việc nhẹ nhàng và đơn giản. Những kết quả này cho thấy, nam giới tin rằng phụ nữ có năng lực làm việc kém hơn đàn ông và phụ nữ nên hy sinh sự nghiệp của mình để chăm lo gia đình, hỗ trợ cho sự thành công của người chồng.

Có thể nói, cùng là vấn đề làm việc nhà nhưng việc gán vai trò giới cho nó phụ thuộc rất lớn vào nền văn hoá, bối cảnh xã hội, các chính sách của chính phủ. Thực chất, khả năng làm việc nhà không được quy định bởi bộ gen, nhưng những quan niệm cổ hủ truyền thống ở hầu hết các nền văn hoá vẫn đang gán trách nhiệm này cho nữ giới.

DỊCH BỆNH COVID-19 NÓI TA BIẾT NHIỀU HƠN VỀ BẤT BÌNH ĐẲNG GIỚI

Dịch bệnh COVID-19 đã phần nào giúp nam giới có nhận thức và ý thức trong vai trò chăm sóc gia đình và con cái hơn khi họ buộc phải ở nhà. Theo một nghiên cứu ở Mĩ, khi dịch bệnh COVID-19 mới xuất hiện, phần lớn lực lượng các y bác sĩ và nhân viên y tế là phụ nữ phải làm việc nhiều hơn, dẫn đến việc chồng cần ở nhà để chăm lo cho gia đình và con cái.

Các nghiên cứu ở Canada, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức cũng cho thấy, cho dù việc nam giới làm việc nhà vẫn chưa thể cân bằng với phụ nữ nhưng số lượng nam giới làm việc nhà đã tăng lên nhiều hơn trước đại dịch. Một nghiên cứu bởi nhà xã hội học Dan Carlson thuộc đại học Utah (Mĩ) cho biết, tỷ lệ nam giới làm việc nhà đã tăng từ 26% trước đại dịch lên 41% trong đợt dịch, tỷ lệ chia sẻ việc chăm sóc con tăng từ 41% lên 52%.

Tuy nhiên, đại dịch này thực sự đã nhấn mạnh vai trò của người chăm sóc trong gia đình và làm trầm trọng hóa vấn đề bất bình đẳng giới trong việc làm và gia đình. Khi đại dịch bùng nổ, phụ nữ thường là những đối tượng đầu tiên bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc thôi việc trong lực lượng lao động, mất đi nguồn thu nhập khiến họ rơi vào áp lực tài chính hạn hẹp.

4082 auto x2
Đại dịch thực sự đã nhấn mạnh vai trò của người chăm sóc trong gia đình và làm trầm trọng hóa vấn đề bất bình đẳng giới trong việc làm và gia đình (Ảnh: Sarah Mazzetti @The Guardian)

Bà Valentina Barcucci, chuyên gia kinh tế lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO Việt Nam, tác giả chính của nghiên cứu “Giới và thị trường lao động ở Việt Nam: Phân tích dựa trên số liệu Điều tra Lao động – Việc làm”, cho hay: “Trước đại dịch Covid-19, cả phụ nữ và nam giới đều tiếp cận việc làm khá dễ dàng, nhưng nhìn chung, chất lượng việc làm của phụ nữ thấp hơn của nam giới.”

Tuy nhiên khi đại dịch diễn ra, tổng số giờ làm hàng tuần của phụ nữ trong quý 2 năm 2020 chỉ bằng 88,8% tổng số giờ làm của họ trong quý 4 năm 2019, trong khi con số này ở nam giới là 91,2%. Trong 3 tháng cuối năm 2020, phụ nữ đã làm việc nhiều hơn 0,8% số giờ so với cùng kỳ năm 2019, trong khi nam giới chỉ làm nhiều hơn 0,6%.

Bà Barcucci nhận định rằng: “Những phụ nữ làm việc nhiều giờ hơn bình thường trong nửa cuối năm 2020 có lẽ là để bù đắp cho các khoản thu nhập bị mất trong quý 2. Những giờ làm tăng thêm này khiến gánh nặng kép họ vốn phải gánh vác càng nặng nề hơn, do họ vẫn phải dành quá nhiều thời gian làm việc nhà so với nam giới”.

Bên cạnh về áp lực kinh tế, nhu cầu chăm sóc gia đình và làm việc nhà cao hơn khi cả gia đình cần ở nhà cách ly xã hội khiến phụ nữ phải chịu thêm áp lực nặng nề về tinh thần. Ngoài các công việc dọn dẹp thường ngày, giờ họ cần lo thêm về sinh hoạt của chồng con, lịch học của bọn trẻ trong khi cố gắng làm việc tại nhà.

Nghiên cứu về tác động của đại dịch lên các gia đình Nhật Bản bởi Junko Nishiruma năm 2020 cho biết, nam giới không hề để ý rằng phụ nữ đang phải cáng đáng nhiều đầu việc nhà hơn trong đợt giãn cách. Giọt nước thực sự tràn ly khi phụ nữ Nhật Bản muốn ly hôn vì chồng không chịu làm việc nhà, hashtag “#Coronarikon” (ly hôn vì corona) xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang mạng xã hội ở Nhật Bản, để bày tỏ sự thất vọng về bạn đời không có ý thức giúp đỡ việc nhà.

VIỆC NHÀ CHƯA BAO GIỜ LÀ MỘT CÔNG VIỆC ĐƠN GIẢN

Ang Lee 01
Đạo diễn người Trung Quốc Lý An nổi tiếng 3 lần đoạt giải Oscar

Đạo diễn người Trung Quốc Lý An nổi tiếng 3 lần đoạt giải Oscar từng nói: “Trong gia đình tôi vừa làm chồng vừa làm cha. Điều đó không có nghĩa tôi tự nhiên nhận được sự tôn trọng của người thân. Để có được điều này, tôi phải đáp ứng được một tiêu chuẩn: Đó là tôn trọng và quan tâm tới họ”. Việc nhà chưa bao giờ là một công việc đơn giản, nhàn hạ và nó cần được trân trọng, san sẻ giữa các trụ cột gia đình.

Suy cho cùng, vai trò của mỗi giới là sản phẩm được nhào nặn từ các nền văn hoá và xã hội khác nhau. Chính vì vậy, việc nhà không nên được ấn định là công việc cho bất kỳ giới nào. Bất bình đẳng đối với phụ nữ về chất lượng việc làm và phát triển nghề nghiệp cũng bắt nguồn từ trách nhiệm kép mà họ phải gánh vác.

Tuy đã có sự chuyển biến nhất định trong vấn đề chia sẻ việc nhà giữa các thành viên gia đình từ cha mẹ cho đến con cái, nhưng để đạt được bình đẳng trong gia đình vẫn còn là một chặng đường dài, đòi hỏi sự quan tâm chân thành, thấu hiểu sâu sắc và sự chủ động của nam giới trong việc san sẻ gánh nặng với bạn đời. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *