fbpx

Tlinh và câu chuyện “khai thác” nữ quyền?

Việt Nam đã chứng kiến sự xuất hiện và phát triển của nhiều phong trào cấp tiến trong những năm gần đây, đặc biệt là phong trào nữ quyền. Phong trào này nhằm chấm dứt sự phân biệt giới tính, bóc lột và áp bức dựa trên giới tính, hướng đến đạt được sự bình đẳng giới hoàn toàn trong luật pháp và trong thực tiễn(1).

Tuy xuất phát từ việc hướng tới các giá trị tốt đẹp cho xã hội, các phong trào này cũng có thể bị lợi dụng để trục lợi cho cá nhân hoặc tổ chức. Đây là một vấn đề nghiêm trọng và gây tổn hại không chỉ cho phong trào mà còn cho những người thực sự cần sự hỗ trợ và thay đổi từ phong trào đó.

Một trường hợp gây nhiều tranh cãi khi liên tục được gắn với “nữ quyền”, chính là chuyện ca sĩ/ rapper tlinh xây dựng hình ảnh. Khi tìm kiếm tên nữ ca sĩ cùng cụm từ “nữ quyền” trên Google, có tới hơn 130.000 kết quả xuất hiện trong chưa đến ⅓ giây. Những kết quả gần nhất chia làm hai luồng quan điểm, một là ca ngợi hình tượng nữ quyền của nữ ca sĩ. Hai là cho rằng nữ ca sĩ đang “đạp đổ” và không hề đi đúng với hình tượng nữ quyền mà cô theo đuổi. Điều quan trọng là, cả hai luồng quan điểm đều thừa nhận sự liên quan giữa tlinh và nữ quyền.

Tuy nhiên, trái ngược những gì công chúng nhìn nhận, tlinh lại chưa từng lên tiếng khẳng định mình là một phần của phong trào này, trong một bài phỏng vấn, tlinh còn thẳng thắn thừa nhận “không quan tâm lắm đến vấn đề giới tính”.

Vậy điều gì đã khiến một người không liên quan đến nữ quyền trở thành một biểu tượng nữ quyền trong mắt rất nhiều người? Đâu là ranh giới mong manh giữa hoạt động nữ quyền “thực thụ” và các hoạt động nữ quyền “đột lốt”? Câu trả lời đôi khi còn phụ thuộc vào lăng kính chủ quan của từng người. Hãy cùng Nhà Nhiều Cột đặt mình vào nhiều góc nhìn để khách quan nhìn nhận vấn đề này nhé.

449446666 880628534104207 285445074014922937 n

CÔNG CHÚNG NGỘ NHẬN HAY NGHỆ SĨ KHÔNG CHỊU NHẬN?

Trước tiên, từ góc nhìn của công chúng, thật khó để nói những kỳ vọng của công chúng liên quan đến nữ quyền được đặt lên tlinh là vô căn cứ. Bởi dù cố tình hay vô ý thì hình ảnh của tlinh cũng đã được dựng lên gắn với một số thực hành của phong trào nữ quyền.

Cô nhiều lần có những phát ngôn và thể hiện liên quan đến quyền tự do thân thể (Body autonomy) và tự do biểu hiện tình dục (Sexual expression) – những vấn đề được cho là thuộc phạm trù đấu tranh của phong trào nữ quyền. Âm nhạc của cô cũng được cho là gắn chặt với tính nữ, hướng đến phụ nữ, thậm chí ca khúc Gái Độc Thân của nữ ca sĩ còn được liệt kê vào danh sách EQUAL Global Playlist – một chiến dịch toàn cầu của Spotify nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự bình đẳng dành cho phái nữ trong môi trường âm nhạc. 

Nhưng liệu những điều trên đã đủ để tlinh được gọi là một nhà nữ quyền? 

Từ góc nhìn của xã hội học, thì chủ nghĩa nữ quyền hướng tới một điều rất ngắn gọn: sự bình đẳng. Không chỉ cho phụ nữ, mà cho tất cả mọi người, bất kể giới tính, xu hướng tính dục, chủng tộc, văn hóa, tôn giáo, khả năng, tầng lớp, quốc tịch hay tuổi tác (2). 

Vậy với trường hợp của tlinh, với những gì cô đã và đang làm, thay vì được nhìn nhận như các hoạt động của một nhà nữ quyền tiên phong, tlinh gần hơn với một cô gái được hưởng lợi từ những thành quả của phong trào này mang lại. 

Nói một cách dễ hiểu, nữ ca sĩ cũng giống như rất nhiều người phụ nữ ngoài kia, tự do sáng tạo nghệ thuật và đang trong quá trình thấu hiểu bản thân. Cô không thể đại diện cho phong trào này. Bởi vậy mà “nhất cử nhất động” của nữ ca sĩ dù sai hay đúng cũng không nên và không thể được ngợi ca hoặc chỉ trích dưới “tán ô” nữ quyền. 

449364433 880628520770875 1508793110644819228 n

TLINH CÓ TRỤC LỢI TỪ NỮ QUYỀN?

Thật khó để khẳng định nữ ca sĩ cùng ekip có cố tình trục lợi từ phong trào nữ quyền hay không. Điều dễ thấy hơn là, tlinh thực sự đã có hưởng lợi từ phong trào nữ quyền trong việc thể hiện bản thân và nhìn nhận bản thân, thậm chí phần nào có khả năng làm nên sự nổi tiếng của nữ ca sĩ. Nữ ca sĩ thừa nhận từng chối bỏ tính nữ, luôn phải “gồng” mình để đối chọi với mọi thứ và đang trong quá trình chuyển mình chấp nhận tính nữ, cách cô thể hiện tính nữ của mình trong các sản phẩm âm nhạc cũng rất đặc biệt, không tuân thủ theo các motip truyền thống. Điều này có lẽ đã “chạm” đến nhiều người, họ nghe nhạc của tlinh vì sự thấu cảm, vì những giá trị về phụ nữ mà cô chia sẻ. 

Hưởng lợi từ phong trào nữ quyền, tuy nhiên, tlinh cũng đồng thời có những một số hành động gây tranh cãi, thậm chí còn khiến một số người cho rằng đang đi ngược lại với các giá trị cốt lõi của phong trào nữ quyền và không hề hướng tới cộng đồng. Có lẽ, đây cũng chính là lý do khiến nhiều khán giả chĩa mũi nhọn vào ca sĩ trẻ trong những lùm xùm gần đây dù cô đã làm rõ việc bản thân không liên quan đến phong trào.

Nhìn nhận từ góc độ này, nguyên nhân của tranh cãi có thể không chỉ đến từ phía nữ nghệ sĩ mà còn đến từ những kỳ vọng quá lớn của khán giả đối với cô , đặc biệt là những nhận thức chưa đầy đủ của nhiều người về nữ quyền.

449707346 880628507437543 7665518004277146689 n

VẬY THẾ NÀO LÀ “KHAI THÁC”, TRỤC LỢI TỪ NỮ QUYỀN?

Trước tiên, việc “khai thác” nữ quyền có thể được tiến hành bằng việc thương mại hóa phong trào này (commodity feminism) sử dụng các thông điệp và hình ảnh của phong trào nữ quyền để thu hút khách hàng và tăng doanh số. Điều này thường thấy qua việc in các khẩu hiệu nữ quyền lên sản phẩm hoặc sử dụng phong trào này để quảng cáo. 
Rất khó để phân định điều này là tốt hay xấu? Tuy nhiên điều đáng quan tâm hơn là liệu có bao nhiêu doanh nghiệp sử dụng nữ quyền để kinh doanh thực sự quan tâm đến phong trào này? Hay cái họ hướng đến chỉ là doanh thu, lợi ích cho doanh nghiệp. Có bao nhiêu phần trăm trong số vô vàn các chiến dịch “nữ quyền giả mạo” (faux-feminism) thực sự giải quyết được các vấn đề của phụ nữ hay chỉ được nêu lên trong một thời gian ngắn để bán hàng rồi bỏ ngỏ?

Vấn đề không phải là ta bài xích họ tiếp cận các phong trào cấp tiến, mà là ta chú tâm tới cách họ khai thác và mục tiêu hướng tới của họ từ phong trào này. Đã là một phong trào xã hội thì tư lợi không thể và không nên là thứ được đặt lên cao nhất hoặc duy nhất.

Việc trục lợi này đôi khi không chỉ diễn ra theo hướng “thương mại” trực tiếp nhắm đến tiền bạc, lợi nhuận mà còn có thể mang đến những cái “lợi” không dễ thấy. Một số người có thể tự nhận mình là người ủng hộ phong trào nữ quyền hoặc xây dựng hình ảnh hướng tới phong trào này để nâng cao hình ảnh cá nhân hoặc thu hút sự chú ý, nhưng thực chất họ không thực hiện các hành động nào để thực sự ủng hộ phong trào. 

Có nhiều thảo luận cho rằng, việc này không thực sự xấu và không có hại đến phong trào, bởi dù gì phong trào cũng sẽ được lan toả và phổ cập hơn đến cộng đồng, đặc biệt là khi người đó là một người nổi tiếng. 
Tuy nhiên, ngược lại, việc “lan tỏa và phổ cập” phong trào này một cách lệch lạc và không thực sự có hiểu biết về phong trào còn gây ra nhiều làn sóng trái chiều cho phong trào nữ quyền và cho chính họ. 

Kết lại, để bắt bài những hoạt động nữ quyền giả mạo, ta cần nhìn nhận vào những tác động mà phong trào mang lại đối với phụ nữ nói riêng và đối với vấn đề bình đẳng giới nói chúng. Song song với đó, để ủng hộ phong trào đúng cách, ta cũng cần tỉnh táo thấu hiểu phong trào và đặt kỳ vọng đúng đắn lên các nhà hoạt động, Nhà Nhiều Cột mong rằng các độc giả sẽ có thêm các góc nhìn mới về Nữ quyền và các vấn đề xoay quanh phong trào này. Các bạn có ý kiến gì về topic ngày hôm nay? 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *