fbpx

Rửa bát là việc của ai?

Sáng ngày 4/5 theo giờ Việt Nam, việc ly hôn của vợ chồng tỷ phú Bill Gates trở thành tin nổi bật trên khắp các trang báo điện tử và mạng xã hội. Rất nhanh sau đó, “tỷ phú rửa bát” và “ly hôn” trở thành cặp từ khóa hot, thu hút sự quan tâm, chia sẻ và bàn luận sôi nổi từ cộng đồng mạng Việt Nam.

Không dừng lại ở những thông tin xung quanh việc chia tài sản, tương lai của quỹ Gates Foundation hay tìm hiểu lý do đằng sau vụ ly hôn như báo chí nước ngoài, dường như báo chí và các trang mạng xã hội trong nước đang thích thú hơn với việc liên kết chủ đề “rửa bát” và “ly hôn” khi dành không ít bài báo khai thác chủ đề này.

BillGates Divorce
Vụ việc ly hôn của vợ chồng tỷ phú Bill và Melinda Gates là tâm điểm của sự chú ý (Ảnh: Vanity Fair)

Sự liên kết này xuất phát từ chia sẻ của Bill Gates trên trang Reddit năm 2014 khi ông trả lời câu hỏi của phóng viên về một việc mà ông thích làm nhưng cho rằng mọi người sẽ không ngờ tới: “Tôi rửa bát mỗi tối, có người khác tình nguyện làm thay tôi nhưng tôi tận hưởng công việc đó theo cách của mình.”

Trong thực tế, khi những người trong cuộc, Bill và Melinda, cho tới thời điểm này, chưa hề có bất cứ phát ngôn nào liên quan đến việc rửa bát là nguyên nhân đổ vỡ cho cuộc hôn nhân của họ nhưng trên mạng xã hội, những đồn đoán và bình luận gần như chỉ xoay quanh chủ đề này.

Người ám chỉ “thế nên tốt nhất là đừng bắt đàn ông rửa bát để gìn giữ hạnh phúc gia đình”, kẻ cảm thông “đàn ông tốt đến vậy mà vẫn bị vợ bỏ”. Phải chăng cuộc thảo luận sôi nổi những ngày qua về câu chuyện “rửa bát – ly hôn” cho chúng ta thấy một nỗi “ám ảnh” đang đeo bám nhiều phụ nữ cũng như nam giới Việt? Liệu nỗi ám ảnh đó có đơn thuần là chuyện phân công “hôm nay ai rửa bát” hay nó còn phản ánh những khuôn mẫu giới vẫn đang tồn tại và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống thường nhật của các gia đình Việt?

“ĐÀN ÔNG THÍCH RỬA BÁT LÀ MỘT ĐIỀU KHÓ TIN”

Không chỉ ở Việt Nam, tại nhiều nước được coi là “tiến bộ hơn” trên thế giới, vai trò giới thể hiện trong những quan điểm phân chia lao động, quy định về trách nhiệm hoặc biểu hiện giới vẫn đang được thực hành theo cách mang đến nhiều bất công trong xã hội. Nam giới thường được cho là phù hợp với những công việc nặng, làm trụ cột kinh tế, mang những đặc điểm tính cách như mạnh mẽ, quyết đoán, có tư duy chiến lược nên phù hợp để đảm nhiệm vai trò lãnh đạo.

Ngược lại, nữ giới được cho là phù hợp với những công việc nhẹ, làm nội trợ, chăm sóc gia đình, mang những nét tính cách như nhẹ nhàng, tỉ mỉ, linh hoạt, vì vậy giỏi xoay sở và phù hợp với những tình huống cần sự mềm mỏng, phù hợp là người hỗ trợ. Nếu ai đó đi ngược lại những chuẩn mực xã hội này, họ phải nhận những phán xét, quy chụp như kẻ “lệch lạc”, “nổi loạn”, không phù hợp với xã hội.

16938215458947821 15968100245611529387767
Nữ giới được cho là phù hợp với những công việc nội trợ, nếu ai đó đi ngược lại những chuẩn mực xã hội, họ phải nhận phán xét như kẻ “lệch lạc”.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng đây là những quan điểm do con người tạo ra, được xã hội chấp nhận, do đó được coi là “chuẩn mực”. Chính vì là một sản phẩm của con người và xã hội, những quan điểm này hoàn toàn có thể thay đổi theo thời gian và tuyệt đối không phải là chân lý.

Quay trở lại với câu chuyện của Bill Gates, có ý kiến cho rằng ông dành 16 tiếng để làm việc một ngày nên không thể nào có chuyện ông có thể yêu thích, thậm chí tận hưởng việc rửa bát như ông từng nói được. Phải chăng có một sự “ép buộc” khiến Bill Gates phải thừa nhận mình thích rửa bát? Một điều có thể bạn chưa biết, việc rửa bát cũng được coi là một cách thiền hành theo quan điểm của nhà sư Thích Nhất Hạnh, thiền là khi tinh thần tinh khiết, tâm an tịnh và giữ sự chú ý một cách thoải mái vào khoảnh khắc hiện tại.

Cách đặt vấn đề trên cho thấy rõ định kiến trong vai trò của người chồng và người vợ trong gia đình. Nếu coi rửa bát là một công việc không có giới, tức đó không phải là công việc nghiễm nhiên mà người vợ phải đảm đương chỉ vì được sinh ra dưới cơ thể nữ, thì việc ai thích thú và thực hành nó liệu có phải là một câu hỏi cần được đặt ra? “Không đàn ông nào thích rửa bát” (?) Vậy phụ nữ rửa bát bởi vì họ thích ư?

NẾU RỬA BÁT ĐƯỢC TRẢ LƯƠNG, CHUYỆN GÌ SẼ XẢY RA?

Trong “Tài liệu tham khảo chính sách: Công việc chăm sóc không lương: Những vấn đề đặt ra và gợi ý chính sách cho Việt Nam”, công việc chăm sóc không lương là những công việc được thực hiện trong gia đình bởi các thành viên của gia đình để duy trì cuộc sống mà không được trả lương.

Những công việc này bao gồm: các công việc nội trợ như nấu nướng, chuẩn bị thức ăn, lau chùi, giặt giũ quần áo, lấy nước, nhiên liệu…; các công việc chăm sóc trực tiếp như chăm sóc trẻ em, người già, người khuyết tật, người ốm và người lớn. Theo ước tính, phụ nữ làm 75% khối lượng công việc chăm sóc không lương trên toàn thế giới, ước tính khoảng 13% GDP toàn cầu. Thống kê này càng cho thấy rõ, khuôn mẫu giới về vai trò nếu tiếp tục được duy trì sẽ càng khắc sâu thêm bất bình đẳng giữa nam và nữ trong xã hội.

Mặc dù công việc chăm sóc không lương có vai trò quan trọng trong việc duy trì cuộc sống của các cá nhân và xã hội, nó lại thường trở nên vô hình. Quay trở lại với câu chuyện 16 tiếng “làm việc” của Bill Gates, ai sẽ tính công và trả tiền cho 1 tiếng rửa bát mỗi ngày của ông? Để một người có thể ra ngoài làm việc kiếm tiền, chúng ta thường quên mất rằng cần hàng tiếng đồng hồ đi chợ, nấu nướng, rửa chén, giặt quần áo, lau dọn nhà cửa… mà một người khác phải bỏ ra để lo toan, chăm sóc và duy trì cuộc sống cho người đi làm.

Công việc chăm sóc không lương dẫu vậy vẫn thường bị xem nhẹ, được coi là những việc vặt vãnh, vì không trực tiếp sinh ra lợi nhuận. Thử tưởng tượng nếu một ngày rửa bát hay những công việc chăm sóc gia đình khác được tính công và trả lương như các hình thức lao động khác, tiếng nói và vai trò của người chăm sóc hẳn sẽ có sự thay đổi và sự phân công trong gia đình xem ai làm việc gì sẽ không được mặc định như một lẽ đương nhiên và dễ dàng như trước nay vốn là.

5a15d6704a7949f627d9a584a001c880 1800w 1200h
Công việc chăm sóc không lương dẫu vậy vẫn thường bị xem nhẹ

NỖI SỢ MẤT QUYỀN LỢI: CÓ BÌNH ĐẲNG GIỚI RỒI THÌ AI SẼ RỬA BÁT?

Nếu theo dõi các cuộc thảo luận vừa qua, hẳn có người trả lời: máy rửa bát. Đó hoàn toàn có thể là một phương án khả thi nếu bạn có đủ khả năng chi trả. Nhưng, bình đẳng giới sinh ra không phải là một khái niệm xa xỉ chỉ dành riêng cho một nhóm đặc quyền trong xã hội. Đấy là một trong những lý do phong trào bình đẳng giới là một trong những phong trào xã hội lâu đời nhất trong lịch sử và cho đến nay, là một vấn đề trọng yếu ở mọi quốc gia trên thế giới.

Liệu bình đẳng giới có tước đi quyền lợi của ai không? Có phải bình đẳng giới là đưa những người phụ nữ ra khỏi nhà và đẩy những người đàn ông quay trở lại căn bếp? Với Nhà Nhiều Cột, đó chưa bao giờ là con đường hay mục tiêu mà chúng tôi hướng đến. Bình đẳng giới với chúng tôi là hướng đến một xã hội nơi mọi cá nhân được tôn trọng, được tự do phát triển, được đối xử bình đẳng bất kể họ thuộc giới tính nào.

Vì thế, để trả lời cho câu hỏi “ai rửa bát”, với chúng tôi, có muôn vàn cách trả lời tương ứng với muôn vàn các hình thái gia đình khác nhau. Mỗi gia đình có một sự sắp xếp riêng, và sự sắp xếp ấy không nhất thiết phải tuân theo bất kỳ khuôn mẫu, quy chuẩn xã hội nào hết.

For a Happier Marriage Divide and Conquer Household Chores ty scaled
Mỗi gia đình có một sự sắp xếp riêng, và sự sắp xếp ấy không nhất thiết phải tuân theo bất kỳ khuôn mẫu, quy chuẩn xã hội nào

Một khi hiểu rõ vai trò và tầm quan trọng của mỗi công việc, dù được trả lương hay không được trả lương, chúng tôi tin mỗi người đàn ông, mỗi người phụ nữ sẽ có cái nhìn, cách đánh giá khác để hiểu cho chính mình cũng như người bạn đồng hành của mình, từ đó có thể cùng nhau sẻ chia và vun đắp một gia đình hạnh phúc theo “chuẩn” của riêng họ.

Một trong những cách để ngừng củng cố việc phân chia công việc theo giới tính này là giảm thiểu những bài đăng, tiêu đề khắc sâu thêm sự phân biệt này. Thật dễ để có những tiêu đề “giật gân”, thu hút sự chú ý của độc giả, nhất là những nội dung khái quát cả một mối quan hệ của một tỷ phú như thế này. Vậy nhưng làm sao chúng ta có thể đánh giá cả một cuộc hôn nhân 27 năm chỉ qua chuyện ai là người rửa bát trong gia đình?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *