fbpx

Nhìn từ nữ quyền giao thoa

“Tôi vẫn chưa tự do chừng nào bất kì một người phụ nữ nào còn bị cầm tù, kể cả khi xiềng xích của chúng tôi không giống nhau.”- Audre Lorde (The Uses of Anger: Women Responding to Racism)“Nữ quyền” là một lý thuyết, chủ nghĩa đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ trên các phương diện chính trị, kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, cùng với lịch sử phát triển của xã hội và của chính phong trào, có thể nói, cho tới nay, tinh thần của nữ quyền là đấu tranh cho những người yếu thế để họ có được quyền bình đẳng như những người khác. Theo tiến sĩ Bùi Trân Phượng: “Thực chất nữ quyền chính là nhân quyền, nhưng sở dĩ người ta nói nữ quyền là vì phụ nữ thiệt thòi, nên chúng ta đấu tranh để phụ nữ có được nhân quyền” [1]. Tuy nhiên, đó là trên phương diện lý thuyết. Liệu trong thực tế, phong trào nữ quyền có luôn luôn thực hành tinh thần này hay không? Liệu trải nghiệm của mọi phụ nữ có tương đồng và vì vậy ta chỉ cần đấu tranh cho một nhóm phụ nữ đại diện? “Nữ quyền giao thoa” sẽ cho chúng ta câu trả lời.

GIAO THOA LÀ GÌ? VÀ THẾ NÀO LÀ NỮ QUYỀN GIAO THOA?

2 2

“Giao thoa” (Intersectionality) là một từ khóa nổi bật kể từ đầu thế kỉ 21. Học giả Kimberlé Crenshaw là người đầu tiên đưa ra thuật ngữ này vào năm 1989 trong “Demarginalizing the Intersection of Race and Sex”. Theo Crenshaw, “giao thoa” tức là khi nhiều dạng thức của bất bình đẳng và sự áp bức (chẳng hạn như phân biệt chủng tộc, giới tính, giai cấp, năng lực và chủ nghĩa dị tính) chồng chéo lên nhau và tạo ra những trải nghiệm bị phân biệt và những bất lợi rất khác nhau. Mặc dù “giao thoa” là một thuật ngữ tương đối mới, lịch sử đấu tranh cho sự giao thoa này đã có từ rất lâu. Tiêu biểu, những nhà hoạt động nữ quyền da màu đã không ngừng lên tiếng về những khác biệt giữa trải nghiệm của phụ nữ da màu với phụ nữ da trắng và đàn ông da màu. [2]

Nữ quyền giao thoa (Intersectional feminism) tập trung vào tính “giao thoa” trong công cuộc đấu tranh của phong trào. Khi nhìn mọi thứ qua lăng kính giao thoa, ta cần nhận ra bối cảnh lịch sử của một vấn đề nào đó. Mỗi người/ nhóm người có thể chịu sự áp bức không giống nhau – điểm giao nhau của những thiết chế xã hội mang tính hệ thống nơi họ sinh sống. [3] Hiểu đơn giản, trải nghiệm của một người phụ nữ châu Mĩ bản địa sẽ không giống với trải nghiệm của một người phụ nữ da màu, và lại càng không giống trải nghiệm của phụ nữ da trắng trung lưu. Nữ quyền giao thoa yêu cầu ta phải đặt tiếng nói của những người yếu thế trải nghiệm nhiều lớp áp bức làm trung tâm thay vì lấn át hay lề hóa họ. Với cách này, nữ quyền giao thoa không những tập trung vào chiều rộng và chiều sâu của các loại bất bình đẳng mà còn nghiên cứu sự liên quan giữa chúng.

MỘT SỐ VÍ DỤ NỔI BẬT

3 2

Một ví dụ nổi bật là bài phát biểu năm 1851 với tựa đề “Ain’t I a Woman?” của Sojourner Truth – nhà hoạt động nữ quyền và ủng hộ chủ nghĩa bãi nô nổi tiếng người Mĩ. Trong bài phát biểu, bà chỉ ra rằng những trải nghiệm sống của bà với tư cách là một người phụ nữ da màu từng là nô lệ không giống như diễn ngôn về phụ nữ xoay quanh tầng lớp phụ nữ da trắng trung lưu và thượng lưu. Trong khi xã hội Mĩ lúc bấy giờ coi phụ nữ da trắng là phái yếu, phụ nữ da màu và đàn ông da màu được đối xử gần như không có gì khác biệt dưới tư cách nô lệ. [4]

Vào những năm 1970, “Combahee River Collective” – một tổ chức gồm những nhà hoạt động nữ quyền da màu đồng tính ủng hộ xã hội chủ nghĩa đã có những hoạt động đáng chú ý tại Mĩ. Họ đặt ra những nguyên tắc cho phong trào nữ quyền da màu, bao gồm niềm tin rằng phụ nữ da màu có những quyền và giá trị tự thân cần được giải phóng. Bên cạnh đó, họ nhấn mạnh việc phá hủy hệ thống kinh tế chính trị đầy áp bức của chủ nghĩa tư bản, cũng như đề cao sự đoàn kết với những nhà hoạt động nữ quyền tại các quốc gia hậu thuộc địa – những người đang đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc (trong đó có Việt Nam). Combahee River Collective đã đấu tranh chống lại sự áp bức mang tính chủng tộc, giới, xu hướng tính dục và giai cấp vì những yếu tố này không áp dụng một cách riêng rẽ, độc lập. Họ cho rằng: để đạt được tự do thực sự, ta cần phải dỡ bỏ tất cả thể chế áp bức để giải phóng tất cả mọi người. [5]

Cũng trong những năm 1970-1980, rất nhiều nhà hoạt động nữ quyền da màu đã có những tác phẩm tối quan trọng cho nữ quyền giao thoa, chẳng hạn như Audre Lorde và bell hooks. Audre Lorde tự giới thiệu mình là “một nhà hoạt động nữ quyền, một người đồng tính nữ, một nhà thơ, một người mẹ và một chiến binh da màu”. Cả đời lên tiếng đấu tranh vì lẽ phải và lý tưởng của mình với tư cách là một người phụ nữ và một người da màu, bà hiểu rằng những khó khăn và bi kịch mà một người phải chịu không chỉ đến từ một yếu tố (giới/sắc tộc/tầng lớp, v.v.) mà là sự chằng néo của tất cả những yếu tố đó. Bà cũng có quan điểm đanh thép về tự do: Tự do chỉ có ý nghĩa khi nó dành cho tất cả mọi người chứ thay vì một nhóm nhỏ có đặc quyền. [6] Về bell hooks, bà nổi tiếng với những lý thuyết nữ quyền giao thoa và đặc biệt là tác phẩm “Ain’t I a woman?: Black women and feminism” – giải thích tại sao sự giao thoa giữa phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính đã khiến phụ nữ da màu trở thành nhóm yếu thế nhất trong xã hội Mĩ. Bà chỉ ra rằng mọi sự phân loại xã hội đều dây mơ rễ má với nhau, và nếu ta chối bỏ sự liên quan đó thì phụ nữ sẽ càng chịu nhiều áp bức. [7]

NỮ QUYỀN GIAO THOA TẠI VIỆT NAM

4 4

Nhiều người lầm tưởng rằng làn sóng đấu tranh cho nữ quyền tại Việt Nam mới chỉ bắt đầu gần đây. Thực tế, nữ quyền tại Việt Nam đã có một lịch sử đáng chú ý với những cây bút trên mặt trận báo chí như nhà thơ Sương Nguyệt Anh, bà Đạm Phương v.v. Từ năm 1918, họ đã đưa ra những quan điểm đanh thép về vị trí của người phụ nữ trong xã hội. Đặc biệt, bà Đạm Phương còn thành lập Nữ công học hội ở Huế vào năm 1926 để chữa “Cái thói ỷ lại của bọn nữ lưu” (Báo Trung Bắc tân văn, 25/9/19260) – tức là sự ỷ lại vào nam giới của người nữ hay quan niệm “hồng quần núp bóng tùng quân” (đàn ông là chỗ dựa, luôn che chở, bảo vệ cho phụ nữ). Nữ công học hội ở Huế là tổ chức nữ quyền đầu tiên tại Việt Nam. [8]

Nối tiếp bà Đạm Phương, còn rất nhiều tấm gương hoạt động nữ quyền đời đầu như bà Nguyễn Thị Giang (Cô Giang), Nguyễn Thị Bắc (Cô Bắc), Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Trung Nguyệt, v.v. Họ không chỉ đấu tranh giải phóng dân tộc, mà họ còn đấu tranh giải phóng phụ nữ với một ý thức nữ quyền hết sức rõ ràng. Bà Nguyễn Thị Minh Khai, lúc bấy giờ 25 tuổi, với tư cách là đại biểu Đông Dương, đã phát biểu tại Đại hội Quốc tế Cộng sản: “Tư tưởng trọng nam khinh nữ không chỉ có trong các tầng lớp đi bóc lột, nó ảnh hưởng sâu sắc đến cả mọi người. […]”. [9] Đây là một tuyên bố về sự đoàn kết trong nữ giới để đạt được bình quyền kể cả khi đất nước đã thống nhất.

Tính giao thoa trong nữ quyền tại Việt Nam thế kỷ 20 không thực sự được chỉ mặt đặt tên, nhưng được thể hiện qua “tinh thần tương thân tương ái” – đặc biệt qua những hoạt động của tờ Phụ nữ Tân văn. Theo TS. Bùi Trân Phượng: “Báo đã lập ra Hội Dục Anh để giữ trẻ cho các chị em buôn gánh bán bưng, để các chị em được yên tâm, tự do đi bươn chải kiếm sống”. Tờ Phụ nữ Tân văn đã có những hoạt động vô cùng thiết thực nhằm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em nghèo – thể hiện sự cân nhắc tới yếu tố giai cấp và điều kiện kinh tế xã hội khi đấu tranh cho quyền lợi của nữ giới.

TẠM KẾT

5 1

Như bell hooks đã từng nói: “Công lý đòi hỏi sự hợp nhất” và “Nếu bạn thấy bất bình đẳng là một vấn đề của ‘họ’ chứ không phải ‘tôi’, hoặc của những người ‘không may mắn’, có thể bạn chính là vấn đề,” Kimberlé Crenshaw.

Bàn về nữ quyền giao thoa, ta có thể thấy những ưu điểm của khung lý thuyết này trong công cuộc đấu tranh cho tự do và bình đẳng. Nó hướng tới việc nhìn nhận những vấn đề một cách đa diện thay vì phiến diện, nhìn nhận một con người như trung tâm của những tầng lớp áp bức khác nhau mà người ấy phải chịu đựng thay vì tập trung vào các nhóm đặc quyền.

Cho tới nay, những hoạt động đấu tranh vì quyền của phụ nữ tại Việt Nam vẫn còn những bất cập rất “đơn tuyến”. Vụ việc về tục kéo vợ của người Mông và mối liên hệ tới bất bình đẳng giới là một ví dụ tiêu biểu. Trước khi cá nhân thuộc các nền văn hoá khác vội vã đưa ra kết luận rằng “đây là một hủ tục cần được loại bỏ vì nó gây ra áp bức cho phụ nữ”, tiếng nói của những người phụ nữ Mông nên được đặt lên hàng đầu. Họ không chỉ là phụ nữ, họ còn là nhóm thiểu số thường bị lề hóa trong các diễn ngôn về phát triển.

Bởi, đấu tranh cho bình đẳng không chỉ là lật ngược tình thế bất công về giới mà còn là loại bỏ mọi hình thức áp bức.

THAM KHẢO THÊM:

[1], [9] Nữ quyền đầu thế kỷ XX: Như vệt sao băng (tiasang.com.vn) [2], [4], [5] The history of intersectionality and the Black feminists behind it — Assembly | Malala Fund [3] Intersectional feminism: what it means and why it matters right now | UN Women [6] Dare to be Powerful: Audre Lorde – Books That Matter [7] bell hooks: Intersectional feminist | UMKC Women’s Center [8] Sự hình thành các tổ chức đầu tiên của phụ nữ Việt Nam (vusta.vn)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *