fbpx

Fashion in Flight: Lịch sử thiết kế trang phục nữ tiếp viên hàng không

Đồng phục tiếp viên hàng không đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong lịch sử trang phục nữ giới. Hơn 90 năm ngành công nghiệp hàng không, lịch sử của thời trang và lịch sử của sự phân biệt giới tính luôn song hành với nhau. Nó tạo cơ hội cho các nhà thiết kế hợp tác với các hãng hàng không từ quốc gia của họ như chúng ta đã thấy với Christian Lacroix cho Air France, Alberta Ferretti cho Alitalia và Macario Jiménez cho Aeromexico… nhưng cũng nói lên vô vàn những biến động trong công cuộc đấu tranh cho quyền phụ nữ và sự bình đẳng. 

Hãy cùng Nhà Nhiều Cột nhìn lại một chặng đường dài của lịch sử trang phục nữ tiếp viên hàng không từ những năm 1930 – khi những chiếc “thuyền bay” đầu tiên thành hình – cho đến nay – khi máy bay phản lực kiểu dáng đẹp đẽ và đông đúc trở nên rất đỗi quen thuộc, để phần nào trông thấy những thành tựu của phong trào bình quyền mà chúng ta đang nỗ lực.

Tham khảo thêm: 

fe6423fb48595dc74cb29b81440bac8b
Ellen Church – nữ “tiếp viên” hàng không đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ

Năm 1930, Ellen Church đăng ký ứng tuyển vị trí phi công cho hãng hàng không Boeing Air Transport (sau này là Boeing Airlines) nhưng không thành. Ellen đã thuyết phục hãng rằng các y tá có thể giúp trấn an hành khách và đáp ứng các nhu cầu của họ nếu xảy ra các vấn đề về sức khỏe trong chuyến bay. Với nỗ lực ấy, bà trở thành nữ “tiếp viên” hàng không đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ. 

Thiết kế đồng phục tiếp viên hàng không đầu tiên của United Airlines bao gồm một chiếc áo choàng len bên ngoài bộ váy và đội mũ y tá trên chuyến bay với hy vọng rằng các tiếp viên sẽ thể hiện một không khí chuyên nghiệp và cảm giác nhẹ nhàng rằng “sự hỗn loạn này là hoàn toàn bình thường”.

1. 1930-1945

Sau Ellen Church, thêm nhiều nữ tiếp viên hàng không tại Hoa Kỳ xuất hiện với vai trò y tá trong phi hành đoàn để đảm bảo an toàn cho hành khách trong trường hợp khẩn cấp. Thiết kế dành cho những “y tá bầu trời” bao gồm mũ lớn che tai (cap/beret), suit, áo choàng và váy dài quá đầu gối.

Chiến sự tại châu Âu ảnh hưởng tới ngành công nghiệp may mặc khi nhu cầu quân phục gia tăng. Chương trình khắt khe của chính phủ đẩy mạnh thời trang quân đội kéo dài cho tới cuối những năm 1940 khi mũ cap được thay thế bằng nón (hat), áo khoác blazer được độn thêm cầu vai, đi kèm với váy midi và giày cao gót để toát lên khí chất đáng kính và sang trọng.

2. 1945 – Đầu những năm 1950

Cuối thời kỳ chiến tranh, sự cạnh tranh của các hãng hàng không thương mại gia tăng và bắt đầu thời kỳ hoàng kim của du lịch. Dần dần, các hãng hàng không nhận ra phụ nữ là một điểm thu hút khách hàng và bắt đầu yêu cầu một hồ sơ rất cụ thể và nghiêm ngặt cho vị trí này: phụ nữ độc thân, xinh xắn, gầy, không cao (do kích thước còn hạn chế của cabin), dưới 30 tuổi và không đeo kính. Từ “hấp dẫn” là một yêu cầu và các cặp song sinh cũng được “ưa chuộng”. Một chuỗi dài những bất cập xuất hiện sau đó khi các nữ tiếp viên bị sử dụng như công cụ tiếp thị của ngành hàng không, theo ý tưởng rất gia trưởng “Nếu một người phụ nữ có thể bay, thì bạn cũng vậy”. 

Tuy nhiên, các hãng hàng không ngày càng gặp phải nhiều hạn chế của chính phủ và các hiệp định quốc tế. Vì vậy, một trong những công cụ duy nhất các hãng hàng không sử dụng để tạo sự khác biệt là đa dạng hóa đội ngũ nữ tiếp viên. Ví dụ, quảng cáo của United Airlines đã sử dụng thông điệp “Kết hôn cũng được, nhưng bạn có muốn nhìn thấy thế giới sớm hơn không?”. Đó là khoảnh khắc giải thoát cho nhiều cô gái muốn du lịch khắp thế giới với một công việc được trả lương. 

sexy stewardesses pictures history 12 1
Một tiếp viên nói chuyện với đàn ông trên chuyến bay năm 1958

Vào thời điểm này, hình ảnh các tiếp viên hàng không gần giống như những người nổi tiếng: ngoái lại tại sân bay trong bộ đồng phục sang trọng của các nhà thiết kế như Gucci, Balenciaga, Dior,… Các thiết kế jacket bo eo đòi hỏi phải có áo nịt ngực, jacket không cổ, áo blouse cổ ren diềm, áo sơ mi, váy thắt đai, găng tay. 

Ngay sau đó, công việc tiếp viên được rất nhiều người thèm muốn và chỉ có 3% ứng viên được tuyển dụng. Song, mặt khác, lý do sa thải lại cho thấy sự bất công bằng, chẳng hạn nếu phụ nữ có làn da rám nắng, có sẹo hoặc những người không đeo găng tay. Năm 1953, American Airlines đã yêu cầu những người phụ nữ trên 30 tuổi phải từ chức.

3. Cuối những năm 1950-1970

Đây là giai đoạn chứng kiến sự phát triển vượt bậc về du hành không gian, truyền thông đại chúng và những biến đổi to lớn về mặt xã hội. 

Vào ngày 26/10/1958, một chuyến bay thương mại đã làm thay đổi lịch sử ngành hàng không: đó là chiếc Boeing 707 đầu tiên bay từ New York đến Paris của hãng hàng không Pan Am, với sự mê hoặc đến từ các món ăn ngon và nghệ sĩ dương cầm chơi trên không. Sự kiện này mở đầu cho thời điểm mà du lịch bằng máy bay đồng nghĩa với một cuộc sống hào nhoáng, bất tử như trong cảnh phim “Catch Me If You Can”, khi nhân vật của Leonardo DiCaprio bước ra khỏi xe limo với sáu cô gái trong vòng tay. 

FIF04
A History of Airline Uniform Design

Chiến lược được xác định lại để gia tăng lợi nhuận và các hãng hàng không không ngừng thử nghiệm. Những thiết kế gợi liên tưởng tới không gian vũ trụ, váy ngắn, màu sắc điện tử và những hoa văn xoắn lượn. Các đường may và phụ kiện thể hiện sự khác biệt của từng hãng hàng không. 

01 Braniff Advertising

Hình ảnh nữ tiếp viên cũng đạt đến đỉnh cao của sự khiêu dâm, trở thành một thứ mộng tượng văn hóa tập thể mà các hãng hàng không đã quảng bá. Phần lớn điều này là chủ nghĩa sô vanh thuần túy của nam giới, vì các chương trình khuyến mại và tiếp thị vẫn nhắm vào nhóm khách hàng chủ yếu là nam giới. Một số hãng hàng không, nhưng không phải tất cả, đã đưa hình thức khai thác này đến mức phi lý. Một ví dụ về điều này có thể được tìm thấy trong quảng cáo thoát y của Braniff International Airways có tên là Air Strip (1966) với bộ đồng phục lập dị do Emilio Pucci thiết kế nhiều lớp được cởi ra trong suốt chuyến bay. 

Sự gia tăng quảng cáo của các hãng hàng không, trong đó lời hứa hẹn về những cô gái trẻ ăn mặc hở hang phục vụ đàn ông trên tầng bình lưu được sử dụng để thu hút hành khách trên các chuyến bay thương mại, đã tác động trực tiếp đến việc tình dục hóa hình ảnh tiếp viên. Mặt tối của chiến thuật này là những phụ nữ có được vị trí danh giá – là tiếp viên hàng không – thường bị hành khách say xỉn quấy rối tình dục; những người có thể chèn ép, sờ soạng và yêu cầu tiếp viên khi họ đang làm việc (theo Kathleen Barry’s Femininity in Flight: A History of Flight Attendants).

4. 1970-1980

Các chiến lược tiếp thị những năm 1970 vẫn tiếp tục xây dựng hình ảnh nữ tiếp viên với vai trò kép là người hầu gái và đối tượng mộng tình. Người ta thường thấy hình ảnh nữ tiếp viên đặc trưng bởi những bộ đồng phục thể hiện sự hào nhoáng ở thời điểm đó với bốt cao, váy ngắn và quần đùi. Nổi bật có thể kể tới thiết kế đồng phục dành cho các nữ tiếp viên làm việc cho hãng hàng không Southwest Airlines của Texas (1972). Phương châm của hãng hàng không này là “bán ghế cho tình dục” và đồ uống được phục vụ trên chuyến bay có những cái tên gợi dục như “Passion Punch” và “Love Potion”…

sexy stewardesses pictures history 24
Các nữ tiếp viên làm việc cho hãng hàng không Southwest Airlines của Texas mặc quần ngắn và đi ủng da vào năm 1972. Phương châm của hãng hàng không này là “bán ghế cho tình dục” và đồ uống được phục vụ trên chuyến bay có những cái tên gợi cảm như “Passion Punch” và “Love Potion”

5. 1970-2000

FIF10 Qantas 1
Đồng phục của nữ tiếp viên hãng Qantas Airways năm 1986 thiết kế bởi YSL

…Tuy nhiên, những năm 1970 cũng đánh dấu sự suy tàn của “thời hoàng kim” (golden age) khi các khiếu nại về sự bất bình đẳng, phân biệt tuổi tác, quấy rối tình dục; các báo cáo về những yêu cầu sai trái về cân nặng và lệnh cấm kết hôn bắt đầu được gửi tới Ủy ban Cơ hội Việc làm Bình đẳng Hoa Kỳ bởi các nữ tiếp viên. 

Ngành công nghiệp hàng không bùng nổ vào những năm 1980 sau việc bãi bỏ lệnh điều tiết ngành hàng không (1978). Du lịch gia đình gia tăng và ý tưởng về sự hào nhoáng trở nên ít cần thiết hơn. Chủ nghĩa đa nguyên hậu hiện đại (postmodern pluralism) thổi hồn vào thời trang hàng không với sự đa dạng, đan lát các chi tiết. Ngoài ra, sự hiện diện của phụ nữ trong thị trường lao động ngày càng gia tăng được phản ánh qua đồng phục của các nữ tiếp viên hàng không với sự lên ngôi của trang phục thường nhật (daywear) và trang phục công sở sang trọng như quần tây, áo cánh jacquard cổ cao; có thể thêm phụ kiện khăn lụa hoặc mũ vành, giày mũi vuông.

6. 2000-nay

Hai thập niên qua, nhiều hãng hàng không định vị mình trong phân khúc hạng thương gia. Chính vì thế, những thiết kế mang tinh thần của doanh nhân với màu xanh navy chiếm chủ đạo. Ảnh hưởng của nghệ thuật Tân cổ điển càng cho phép các nhà thiết kế thể hiện sự độc đáo trong thiết kế của mình. Các chi tiết toát lên vẻ sang trọng, góc cạnh, nhấn nhá các đường nét khéo léo và nhiều biến tấu ấn tượng, nổi bật có thể kể đến như đồng phục của Air French được thiết kế bởi Christian Lacroix (2000), Aeromexico bởi Macario Jimenez (2008) hay Virgin Atlantic bởi Vivienne Westwood (2014). 

RQJIDED42NLS5BI5WZKDWOBLMQ
Hãng hàng không tư nhân Ukraine SkyUp Airlines đã quyết định loại bỏ các yếu tố “bảo thủ”

Đặc biệt, phải kể đến một sự thay đổi đầy đột phá gần đây khi hãng hàng không tư nhân Ukraine SkyUp Airlines đã quyết định loại bỏ các yếu tố “bảo thủ” sau khi thu thập phản hồi của các tiếp viên về thiết kế của họ. Khi thực hiện khảo sát, hãng bay nhận thấy các nhân viên nữ của họ đã chán ngấy những đôi giày cao gót, áo bó sát và váy bút chì. 

Alexandrina Denysenko – tiếp viên hàng không cấp cao với 7 năm kinh nghiệm chia sẻ trong trường hợp phải hạ cánh khẩn cấp trên nước, tiếp viên sẽ mở cửa thoát hiểm trên cánh máy bay. Cô có thể phải trèo qua ghế trong khi hành khách xếp hàng trên lối đi. Điều này đặc biệt khó khăn nếu cô mặc chân váy bút chì.

Bên cạnh đó, tiếp viên 27 tuổi Daria Solomen Naya cho biết 12 giờ bay trên giày cao gót có thể khiến cô khó đi lại một cách bình thường sau khi kết thúc công việc. Cô cũng phàn nàn nhiều đồng nghiệp thường xuyên phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa chân. Ngón và móng chân của họ thường xuyên bị tổn thương do giày cao gót.

“Nếu cả thế giới và tất cả tín đồ thời trang đi giày thể thao, tại sao ngành hàng không lại đứng ngoài cuộc xu thế này?” là lời tâm sự của tiếp viên có tên Zoryana. Như vậy, đồng phục SkyUp Airlines mới dành cho tiếp viên nữ sẽ bao gồm giày thể thao Nike trắng, bộ vest màu cam rộng rãi với quần tây và khăn lụa. Ngoài ra, áo phông trắng sẽ thay thế áo blouse.

SkyUp Airlines không phải hãng bay đầu tiên ở châu Âu thực hiện bước tiến như thế này. Song đối với người Ukraine, đó là dấu hiệu cho thấy một số truyền thống cũ đang bị xóa bỏ, đặc biệt là những kỳ vọng đè nặng lên vai người phụ nữ.

Cuối cùng, cần nhấn mạnh, cuộc hành trình của các nữ tiếp viên hàng không còn vô vàn điều phức tạp, không phải lúc nào cũng hiện lên lãng mạn trên nền nhạc “Come Fly With Me” của Frank Sinatra. Lịch sử tiếp viên hàng không là lịch sử về những người phụ nữ đầu tiên đi du lịch thế giới một mình, những người đầu tiên lên tiếng tố cáo chênh lệch tiền lương và lạm dụng lao động (labor abuses), cũng là lịch sử cho thấy sự chuyển mình của xã hội – nơi những định kiến nhắm vào người phụ nữ đã, đang, sẽ được chúng ta chất vấn và xóa bỏ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *