fbpx

Bạn có sở hữu “đặc quyền”?

Có một nghịch lý là bạn thường không nhận ra những đặc quyền của mình, bởi vì nó gắn liền với danh tính của bạn. Bạn được sinh ra và hưởng chúng như một lẽ hiển nhiên. Đặc quyền tất nhiên không khiến con người “miễn dịch” với khó khăn cuộc sống, chúng chỉ là những lợi ích xã hội trao cho một nhóm bằng cách hy sinh lợi ích của một nhóm khác. 

Trong bài viết này, hãy cùng Nhà Nhiều Cột khám phá các ĐẶC QUYỀN TRÊN CƠ SỞ GIỚI nhé!

ĐẶC QUYỀN LÀ GÌ?

May be a cartoon of text

Đặc quyền (privilege) là danh từ chỉ quyền lợi đặc biệt dành cho một người hoặc một nhóm người nào đó mà thường được nhắc tới khi miêu tả, đánh giá về địa vị hay bối cảnh về kinh tế – xã hội mà không cần phải cố gắng mới đạt được.

Đặc quyền giới có thể hiểu đơn giản là những đặc quyền được phân phối cho một nhóm người dựa trên cơ sở giới của họ. Khi nhắc về đặc quyền trên cơ sở giới (gender privilege), ta thường nghĩ ngay đến vế thống soát  là đặc quyền của nam giới (male privilege) và đặc quyền của người da trắng (white privilege).

Vậy, đâu là một số đặc quyền trên cơ sở giới điển hình?

NAM GIỚI KHÔNG BỊ MẶC ĐỊNH PHẢI LÀM VIỆC NHÀ

May be an image of ‎one or more people and ‎text that says '‎ه Nam giới không bị mặc đ»‹nh phải làm việc nhà‎'‎‎

Có một câu đùa rất thật là “Mẹ sẽ luôn biết đồ của bạn ở đâu”. Vì sao chỉ có “mẹ” mà không phải bất cứ ai khác?

Theo nhà hoạt động Judy Brady, khi người đàn ông có người yêu rồi cưới vợ, phụ nữ được kỳ vọng sẽ hỗ trợ anh và khiến cuộc đời anh trở nên tốt hơn: “Tôi muốn có một cô vợ chăm sóc thể lý (thể trạng và tâm lý)”; “Tôi muốn có một cô vợ giữ cho nhà cửa luôn sạch sẽ”; “Tôi muốn có một cô vợ sẽ giặt đồ cho tôi, ủi đồ, vá quần áo, được thay thế nếu cần, và một người đảm bảo rằng những vật dụng cá nhân của tôi được đặt đúng chỗ để tôi có thể tìm thấy thứ tôi cần ngay lập tức”. Còn theo Jill Johnston – tác giả cuốn “Quốc gia đồng tính nữ”, quá trình từ người yêu thành vợ (và mẹ) là như này: “Mọi chuyện bắt đầu khi bạn chìm vào vòng tay anh ta và kết thúc bằng việc đôi tay của bạn chìm trong bồn rửa bát của anh ta”. Thế nếu cô ấy có rất nhiều đồ gia dụng trợ giúp thì cô ấy có tự do hơn không? Bạn có thể tham khảo bài viết này.

Phụ nữ không sinh ra để làm các bà nội trợ (hay nói rộng ra là người chăm sóc). Hiện nay, tình cảnh chung của nhiều phụ nữ trên khắp thế giới đó là: ca đầu ở cơ quan, ca hai ở nhà. Dù cùng có công việc được trả lương như chồng, nhưng nhiều phụ nữ vẫn bị xã hội và chính bản thân họ kỳ vọng phải làm tròn vai trò người nội trợ. Hơn 10 năm làm công tác chính trị, Cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn phải nhận câu hỏi: “Bà chu toàn thế nào giữa công việc và vai trò một phụ nữ trong gia đình?” từ phóng viên.

NỮ GIỚI ĐƯỢC CHẤP NHẬN HƠN KHI THỂ HIỆN CẢM XÚC

May be an image of ‎one or more people and ‎text that says '‎ר cột Nữ giới được chấp nhận hơn khi thể hiện cảm xúc‎'‎‎

“Đàn ông lên” “Đàn ông ai lại khóc!” – Hẳn bạn đã quá quen với những lời “khuyên nhủ” phổ biến dành cho nam giới khi họ bộc lộ cảm xúc của mình. Khuôn mẫu này dường như trở thành lẽ đương nhiên khi chính nam giới cũng đang “động viên” bản thân bằng những mẫu câu tương tự.

“Nam tính” được cho là phải bộc lộ cảm xúc hướng ngoại (nguyên văn “externalising emotions”, như giận dữ, khinh thường, thù địch); tính cách mạnh (cạnh tranh, quyết đoán, tự tin); xu hướng bạo lực (không ngại xung đột và thống soát người khác). Người ta cũng đối xử với nam giới như thể họ không cảm thấy đau đớn, không thể trải qua đầy đủ các cung bậc cảm xúc, và do đó luôn được giao cho những công việc đòi hỏi sức mạnh thể chất hoặc tiềm tàng nhiều rủi ro hơn phụ nữ.

Nếu một người nam bị tổn thương hay bộc lộ sự yếu đuối về thể chất hoặc tinh thần, thay vì nhận được sự quan tâm, an ủi hoặc giúp đỡ, xã hội có thể hạ thấp giá trị của anh ta vì “giống đàn bà” hoặc khiêu khích anh ta phải “đàn ông lên”. Về cảm xúc, đàn ông được kỳ vọng có thể rũ bỏ những tổn thương và hành xử như không có gì xảy ra.

Các tiêu chuẩn kép (phân biệt đối xử chỉ dành cho một giới mà không áp dụng với giới còn lại) như trên khiến đàn ông có xu hướng kìm nén, chối bỏ nỗi đau, không muốn chia sẻ hay nhận giúp đỡ. Cô lập mình khỏi cảm xúc, họ không thể tạo kết nối sâu sắc với người khác. Một số dựa dẫm cảm xúc vào đối tác, tìm đến chất kích thích hoặc bạo lực khi cảm thấy yếu đuối. Tiếp tục phủ nhận cảm xúc của mình, họ có thể mất khả năng nhận diện cảm xúc, thậm chí mất nhận thức về bản thân.

Sự dịu dàng, gần gũi, mềm mỏng vốn là các đặc điểm của con người, bao gồm đàn ông. Nếu một khuôn mẫu “chuẩn nam tính” tồn tại dẫn tới những rủi ro về cả thể chất lẫn tinh thần, cho chính bạn và người xung quanh, nó cần được bài trừ thay vì tiếp tục được cổ xúy.

Tham khảo thêm:

  1. Hãy để con trai có quyền được nữ tính – Elan Trans Stuffs
  2. Male Oppression – Michael Flood 
  3. Celia Edell, 2015, “Here’s How the Patriarchy Damages Men’s Emotional Literacy – And Why That Matters”, everyday feminism 

NAM GIỚI CÓ NHIỀU LỰA CHỌN CƠ HỘI VIỆC LÀM HƠN

May be an image of ‎text that says '‎ר cột Nam giới có nhiều ều lựa chọn CƠ hội việc làm hơn‎'‎

“Con gái nên chọn việc gì nhẹ nhàng mà ổn định thôi, sau mà còn thời gian chăm sóc chồng con”, “Phụ nữ thì đừng tham vọng quá!”, “Phụ nữ dù sao vẫn không nên giỏi hơn chồng”, “Chắc cô này lại đi đường tắt mới leo lên được chức cao như thế chứ tài kén gì”…

Không khó để bắt gặp những lời bàn tán như trên về năng lực và cơ hội việc làm của nữ giới. Trong cấu trúc xã hội trọng nam, nữ giới bị mặc định không phù hợp với những công việc mang tính lý trí, quyết đoán. Ngoài ra, vì có khả năng sinh nở và bị gán cho trách nhiệm chăm sóc gia đình, phụ nữ phải đối mặt với sự phân biệt đối xử trong cơ hội việc làm, mức lương, phúc lợi,…

Theo nghiên cứu về mức độ chênh lệch tiền lương trong các công việc trung bình ở Mỹ, phụ nữ chỉ nhận được 54%-79% so với đàn ông. Ở nhóm đối tượng có thu nhập cao nhất, phụ nữ chỉ kiếm được 39 xu trên mỗi đôla mà đàn ông kiếm được.

Tại Việt Nam, ngoài việc phân chia độ tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, những chính sách về thu nhập và việc làm được khuyến khích xây dựng trên sự bình đẳng. Cụ thể và nổi bật đó là điều 62, Hiến pháp năm 1992: “…Phụ nữ và nam giới làm việc như nhau thì hưởng lương ngang nhau. Lao động nữ có quyền nghỉ đẻ.” Ngoài ra, nhà nước đưa ra chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ. Nhưng trong thực tiễn, hầu hết các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ không được hưởng lợi. Nguyên nhân là do các quy trình, thủ tục để được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp khá phức tạp, số tiền được giảm thuế chưa bù đắp được các chi phí khi áp dụng các ưu đãi dành cho lao động nữ. Vì vậy, các doanh nghiệp thường ngại hoặc không muốn tiếp cận với chính sách ưu đãi này.

Kể cả khi phụ nữ nắm giữ chức vụ cao, họ vẫn có xu hướng bị rập khuôn vào những vai trò, khiến họ không còn là mối đe dọa nữa. Trong cuốn sách đột phá xuất bản năm 1977 “Men and Women of The Corporation”, giáo sư người Mỹ Rosabeth Moss Kanter đề cập, có 4 khuôn mẫu được mặc định với “sếp nữ”: thú cưng, người mẹ, người đàn bà bà lẳng lơ và bà đầm thép. Ở mức độ cao nhất và được cho là “cũng có tài”, họ bị xem “không phù hợp với cách thức cư xử của một người phụ nữ”. Uy quyền, cứng rắn, quyết đoán, mạnh mẽ – những đặc tính tốt với vị trí lãnh đạo, nhưng khi đặt vào một người “không phải đàn ông”, họ lại bị cho là “xấu tính”, “khắc nghiệt”, “hống hách”. Ở vị trí ít được coi trọng về năng lực hơn, người phụ nữ bị chế giễu, khinh thường, bị coi như vật để trưng, thậm chí là “đi đường tắt”, có mối quan hệ bất chính với những nam nhân viên cấp cao khác.

Dễ nhận thấy xu hướng coi thường tính nữ vẫn vô cùng phổ biến trong xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực mà nam giới chiếm đa số. Thay vì nhìn nhận họ như một người lao động bình thường, (vẫn còn tình trạng) nhà tuyển dụng hay đồng nghiệp nam tìm cách gắn mác, quy chụp họ dưới những khuôn mẫu để dễ dàng chấp nhận và khẳng định vị trí quyền lực của mình.

Tham khảo thêm:

  1. “Ơn giời, de Beauvoir trả lời” – Tabi Jackson Gee & Freya Rose 
  2. Một số quy định riêng với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới 

NAM GIỚI KHÔNG PHẢI MANG NỖI SỢ THƯỜNG TRỰC KHI ĐI ĐƯỜNG MỘT MÌNH BUỔI TỐI

May be an image of text that says 'cột Nam giới không phải mang nỗi sợ thường trực khi đi đường một mình buổi tối'

Khi google từ khóa “con gái ra đường ban đêm”, 7 trong 9 kết quả hiển thị trang đầu là nội dung “ngăn cản con gái đi đêm” và “hướng dẫn phòng thân”. Nếu từ khóa tìm kiếm đổi từ “con gái” thành “con trai”, bạn sẽ thấy ở trang đầu (và cả các trang sau) không có kết quả trả về nào hướng dẫn tự vệ hay kể về “hậu quả” đi đêm của một bạn nam, mà là tin về các tỉnh cấm ra đường buổi đêm vì dịch.

Theo khảo sát công bố tháng 8/2021 tại Anh, 50% phụ nữ cho biết họ không cảm thấy an toàn khi đi bộ một mình lúc trời tối, dù ở gần nhà hay nơi công cộng. Con số này ở nam giới là 15-19%. [1] Vì sao lại có nhiều phụ nữ cảm thấy bất an hơn đàn ông khi ra đường ban đêm? Có phải việc ra đường khi trời tối chỉ đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ?

Xuyên suốt tiến trình lịch sử, phụ nữ bị coi như đồ vật, của cải, bị cưỡng hiếp bởi kẻ thắng trận trong chiến tranh. Hành động cưỡng hiếp được dùng để minh họa cho thất bại của một cộng đồng, và đưa dòng dõi của kẻ chiến thắng vào huyết thống của kẻ chiến bại. Trong nền văn hóa Babylon cổ đại và những nền văn hóa khác, việc dùng vũ lực để bắt giữ và cưỡng hiếp phụ nữ đã trở nên phổ biến đến mức “giá cô dâu” được thiết lập. “Giá cô dâu” là số tiền được trả cho cha của người phụ nữ khi giá trị của con gái ông ta bị hạ thấp. [2] Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật bắt giữ khoảng 400.000 phụ nữ từ các quốc gia châu Á Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines… làm nô lệ tình dục cho quân đội. Có khi một “nô lệ tình dục” phải phục vụ 70 binh sĩ. [3]

Hiện tượng vật hóa phụ nữ vượt ra khỏi phạm vi tình dục và đi vào mọi lĩnh vực cuộc sống. Ngày nay trong lĩnh vực quảng cáo, phụ nữ thường được miêu tả như những miếng thịt sống với hình ảnh bộ phận cơ thể bị cắt khỏi đầu, hoặc một thể xác thụ động chờ được chiếm đoạt.

Cảm giác dè chừng khi ra đường ban đêm của phụ nữ còn được tái củng cố dưới sự ảnh hưởng của văn hóa hiếp dâm. Theo nhà nữ quyền cấp tiến Susan Brownmiller, có “bốn điều hoang đường chết người” mà đàn ông dựa vào để biện hộ trước tội hiếp dâm: (1) “tất cả phụ nữ đều muốn được hiếp dâm”, (2) “không phụ nữ nào có thể bị cưỡng hiếp trái với ý muốn của cô ấy”, (3) “cô ấy muốn được cưỡng hiếp”, (4) “nếu bạn bị cưỡng hiếp thì chỉ cần nằm im và tận hưởng thôi”. Thay vì mặc định trách nhiệm hoàn toàn thuộc về kẻ gây án hoặc xã hội đặt nam giới là trung tâm, nó từ từ chuyển hóa sang “có dính dáng đến phụ nữ”, cho rằng bất cứ đặc điểm nào của họ cũng đủ “hối thúc” hành vi hiếp dâm. Chính sự huyễn hoặc và ngụy biện vô nhân đạo này đã tạo nên tâm lý xấu hổ, ngần ngại trước việc lên tiếng và nỗi sợ khi bị đánh giá và trả thù. [4]

Phụ nữ hiểu rằng họ luôn có khả năng bị cưỡng hiếp. Theo Miller, bạn sợ đi bộ một mình trên phố vào buổi tối bởi vì “hệ lụy sau cùng của hiếp dâm đối với sức khỏe tinh thần và cảm xúc của phụ nữ đã hình thành ngay cả khi hành động đó không thành”.

NGƯỜI HỢP GIỚI/ THEO CHUẨN MỰC GIỚI CÓ THỂ THOẢI MÁI TIẾP CẬN CÁC DỊCH VỤ CÔNG VÀ TƯ HƠN

May be an image of ‎text that says '‎ר cỘt Người hợp giới/ theo chuẩn mực giới ဂုံ กู้ có thể thoải mái tiếp cận các dịch vụ công và tư hơn‎'‎

Đã bao giờ bạn đứng trước hai nhà vệ sinh công cộng và không biết nên đi bên nào? Hẳn nhiên, một người hợp giới hoặc theo chuẩn mực giới có thể sử dụng phòng vệ sinh công cộng mà không phải sợ sẽ bị nói ra nói vào hay bị đe dọa đến thân thể; đến phòng tập gym hoặc bể bơi công cộng mà không phải lo lắng về việc sử dụng buồng tắm nào. Ngược lại, người chuyển giới hay người phi nhị nguyên giới luôn mang nỗi lo này khi bước vào những không gian công cộng bởi không có nhà vệ sinh hay buồng tắm dành riêng cho họ hoặc họ sẽ bị chỉ trỏ, nhục mạ khi đi vào nhà vệ sinh khác với giới tính sinh học/ thể hiện giới của mình. 

Ngoài ra, một người hợp giới hoặc/ và theo chuẩn mực giới có thể tự do và thoải mái tham gia các hoạt động thường nhật. Chẳng hạn như, bạn đi thử quần áo và không bao giờ phải sợ mình sẽ bị trêu ghẹo, bàn tán hoặc đuổi ra bởi nhân viên cửa hàng. Hoặc, bạn có thể diện những bộ cánh mình thích mà không sợ bị ai đó “ngứa mắt” tẩn cho một trận. Trong khi đó, người chuyển giới thường có những trải nghiệm không mấy tốt đẹp (đặc biệt ở những nơi bảo thủ và không cởi mở) khi thể hiện bản thân tại nơi công cộng. Họ có khả năng bị nhìn chằm chằm, bị chỉ trỏ, bàn tán, cười cợt hay thậm chí là bị đánh đập và sát hại. Mỉa mai thay, trong những trường hợp như vậy, yếu tố giới lại được lôi ra làm bia đỡ đạn để hợp lý hóa hành vi tội ác. 

Tham khảo thêm:

Balancing-Safety-and-Respect-when-Interacting-with-Transgender-Individuals-Handout.pdf (suny.edu)

NGƯỜI HỢP GIỚI/ THEO CHUẨN MỰC GIỚI THƯỜNG ĐƯỢC NHÌN NHẬN VÀ ĐỐI XỬ ĐÚNG VỚI BẢN DẠNG GIỚI CỦA MÌNH

May be an image of ‎text that says '‎ר cột Người hợp giới/ theo chuẩn mực giới TRANS RIGHTS are HUMAN RIGHTS thường được nhìn nhận và đ‘ối xỬ đúng với bản dạng giới của mình‎'‎

Từ chuyện đơn giản nhất như danh xưng – những người hợp giới hoặc/ và theo chuẩn mực giới cũng có đặc quyền hơn những người chuyển giới hay phi nhị nguyên giới. Với tư cách là một người hợp giới, bạn có thể chẳng cần lo lắng rằng ai đó sẽ từ chối gọi bạn bằng cái tên bạn muốn, rồi gặng hỏi tên thật và tự cho họ quyền réo gọi bạn bằng cái tên đó. Trái lại, trải nghiệm của những người chuyển giới hoặc phi nhị nguyên giới khi yêu cầu người khác gọi đúng danh xưng của mình không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Họ e dè vì đối phương có thể phản ứng tiêu cực, tỏ ra không thoải mái, bực dọc hoặc thậm chí là nổi đóa. Hơn thế, khả năng được nhìn nhận đúng với bản dạng giới của họ còn phụ thuộc vào mức độ can thiệp y tế mà họ đã thực hiện lên cơ thể. Khi những người chuyển giới “come out”, họ phải chuẩn bị tinh thần cho những câu hỏi như: “Thế mày đã làm phẫu thuật chưa?”

Với tư cách là một người hợp giới, việc được tôn trọng và đối xử đúng với bản dạng giới của mình dường như là lẽ thường. Bạn không cần phải lo lắng mỗi khi điền giấy tờ rằng không có lựa chọn riêng cho bản dạng giới của mình, không cần phải cố gắng chứng minh mình là đàn ông/ phụ nữ/ cả hai/ không giới nào, không phải nghi ngờ ai đó đến với mình bởi vì họ thực sự thích mình hay họ chỉ muốn thỏa mãn trí tò mò và muốn có cảm giác mới lạ trong một mối quan hệ với người chuyển giới.

Tham khảo thêm: 

https://everydayfeminism.com/2015/12/they-pronouns-cis-privilege/Straight & Cis Privilege: Sexuality & Gender Identity – Privilege and Intersectionality – Research Guides at Rider University

TÓM LẠI LÀ

May be an image of text that says 'cát Messages 10:28 AM Bởi đặc quyền không phải là những gì bạn có, mà là những gì bạn không phải trải qua. Chỉ cần mỗi người đều nhận thức được những đặc quyền của mình, chúng ta có thể giảm thiểu khoảng cách mà đặc quyền tạo ra để tiến tới một thế giới tốt đẹp hơn.'

Bàn về “Đặc quyền” không phải là một cuộc thi xem ai khổ hơn, ai xứng đáng với cái gì và không xứng với cái gì. Đây không phải phạm trù luôn có thể tách bạch trắng-đen rõ ràng. Người yếu thế đôi khi cũng nhận được đặc quyền, kẻ mạnh cũng có thể chịu những thiệt thòi nhất định và ngược lại. Một xã hội bất công sẽ chèn ép tất cả những ai sống trong nó, chỉ khác nhau ở mức độ.

Mỗi người sinh ra với những định danh khác nhau, đi kèm với những đặc quyền hoặc thiệt thòi mà họ không được chọn lựa. Vì vậy, sở hữu đặc quyền không quan trọng bằng làm gì với đặc quyền mà mình sở hữu. Nếu bạn có đặc quyền so với người khác, hãy sử dụng nó đúng cách để không gây hại cho những người yếu thế và giúp đỡ họ nếu có thể. Bởi đặc quyền không phải là những gì bạn có, mà là những gì bạn không phải trải qua. Chỉ cần mỗi người đều nhận thức được những đặc quyền của mình, chúng ta có thể giảm thiểu khoảng cách mà đặc quyền tạo ra để tiến tới một thế giới tốt đẹp hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *