fbpx

THẾ LƯỠNG NAN CỦA NGƯỜI MẸ: MỘT ĐIỂM NHÌN CỦA NỀN KINH TẾ VÀ PHONG TRÀO BÌNH QUYỀN

Cách chúng ta đo lường nền kinh tế luôn bỏ qua phần lớn công việc ảnh hưởng đến tất cả chúng ta: công việc chăm sóc không lương và công việc nhà. Theo Báo cáo “Trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong thế giới việc làm đang thay đổi” của Liên Hợp quốc (12/2016), giá trị của lao động chăm sóc không lương và công việc nhà có thể chiếm tới 10-39% GDP [1]; đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế so với các lĩnh vực sản xuất, thương mại hoặc giao thông vận tải. Vì không được trả công, nên lao động này không được tính vào giá trị của nền kinh tế và bị đánh giá thấp hơn công việc được trả lương.

Công việc chăm sóc cũng không nhận được sự công nhận giá trị tương xứng từ xã hội và đôi khi từ chính những người đang thực hiện nó. Bởi, dù công việc nhà và công việc công xưởng/công sở đều có tính lặp lại nhưng công việc ở công xưởng/công sở luôn luôn có kỳ vọng của sự thăng tiến và ghi nhận (thăng cấp, có lương, tạo ra một sản phẩm mới hay một sáng kiến mới…); trong khi việc nhà lại không tạo ra một sản phẩm cụ thể, không trực tiếp tạo ra thu nhập, cũng không đem tới cảm giác đạt được thành tựu hữu hình, dễ dàng đong đếm được.

Dựa trên cơ sở dữ liệu, 75% khối lượng công việc chăm sóc không lương trên thế giới (bao gồm chăm sóc con trẻ, nấu ăn, dọn dẹp và đồng áng…) được thực hiện bởi phụ nữ và trẻ em gái [2]. Tỷ lệ không cân đối này có tác động tiêu cực trực tiếp đến khả năng tham gia vào nền kinh tế được trả lương (paid economy) của phụ nữ dẫn đến chênh lệch giới (gender gaps) trong đầu ra công việc, tiền lương và lương hưu. Năm 2018, Tổ chức Lao động Quốc tế ILO ước tính rằng 606 triệu phụ nữ hay 41% trong số những người hiện nay không tham gia thị trường lao động là do phải đảm nhận trách nhiệm chăm sóc không được trả công [3]. Có thể nói, tình trạng công việc chăm sóc không lương chưa được nhìn nhận đúng giá trị và chưa được đầu tư sự can thiệp đang nối dài sự bất bình đẳng trong xã hội.

Vậy làm thế nào để chúng ta có thể giải quyết được tình trạng này?

Một trong số những điểm nhìn, một trong số những lối vào:

Nhân vật người mẹ làm lộ ra rõ nhất sự bất khả của con người trong việc trở thành các chủ thể đạo đức có tính tự trị (autonomy) và độc lập (independence). Tức là, sự lệ thuộc cảm xúc hay phần lao động cảm xúc (emotional work) là điều mà phụ nữ không thể lảng tránh hay giải quyết triệt để bởi việc “làm mẹ” (motherhood) khi đó đã trở thành một phần cuộc sống nơi người phụ nữ có được cảm nhận về giá trị bản thân, bên cạnh sự nghiệp. Người mẹ luôn tồn tại trong một mối quan hệ có tính lưỡng nan và luôn trong tâm thế phải sẵn sàng hoặc buộc phải thỏa hiệp giữa một bên là cam kết tự nguyện chăm sóc người khác và một bên là khao khát độc lập tự chủ.

Mọi quyết định của một người phụ nữ đã làm mẹ sẽ không chỉ đơn giản dựa trên tiêu chí “làm sao để tốt nhất cho bản thân?” mà đã trở thành “làm sao để tốt nhất cho gia đình, cho con cái và cho bản thân?”. Điều này xuất hiện ngay từ khi họ mang thai, họ buộc phải chịu trách nhiệm cho sự sống đang tồn tại bên trong cơ thể mình – một trải nghiệm mà nam giới không trải qua và khó mà hiểu được. Khi có điều không may xảy ra với đứa con trong bụng, phụ nữ dễ dàng có suy nghĩ đổ lỗi cho bản thân dù sự thật có thể hoàn toàn không phải lỗi của họ. Tâm lý này có thể sẽ tiếp tục “đeo bám” người phụ nữ sau khi đứa con được sinh ra, từ trải nghiệm mang thai của họ và từ thực tế họ đóng vai trò là người chăm sóc chính trong gia đình.

Những trở ngại tại nơi làm việc của phụ nữ đã có con cũng nói ta biết nhiều hơn về cấu trúc văn hóa và kinh tế đang đẩy họ vào thế bị động. Phụ nữ có rủi ro cao hơn về thỏa thuận lương sau khi sinh nở vì doanh nghiệp sẽ xem xét đến cam kết thời gian và năng lực của họ với công việc. Nghiên cứu trên 2000 bà mẹ được thực hiện bởi đội ngũ của Jane Scott Paul – Cựu Giám đốc điều hành của Hiệp hội Kỹ thuật viên Kế toán Anh quốc – vào tháng 11/2012 đã thu được hai thống kê đáng lo ngại [4].

Thứ nhất, trung bình các bà mẹ kiếm được ít hơn 9,419 Bảng mỗi năm so với trước khi họ sinh nở. Thứ hai, 70% các bà mẹ tham gia nghiên cứu nói rằng hiện tại họ đang phải nhận những công việc không tương xứng với năng lực của mình. Gần đây, câu chuyện Allyson Felix – nhà vô địch Olympic khiến Nike phải sửa đổi chính sách thai sản đã nhận được sự chú ý rất lớn [5]. Cụ thể, vào năm 2017, khi Allyson mang thai, Nike đã định trả cô ít hơn 70% lợi nhuận so với trước khi cô mang thai. Đương nhiên, nữ VĐV đã không đồng ý với thỏa thuận bảo vệ thai phụ trong thời kỳ sinh đẻ. Cả hai đã có một buổi đàm phán hợp đồng khá dài nhưng kết quả không được như ý. Allyson dứt áo ra đi và trở thành đối tác của Athleta.

Bên cạnh đó, phụ nữ có con cũng dễ rơi vào những cái “bẫy” khi thúc đẩy bình đẳng tại nơi làm việc. Ví dụ, khi đi làm muộn họ có thể đưa ra lý do “vì con ốm” nhưng khi thỏa thuận về cơ hội thăng tiến, họ lại cho rằng mình ngang bằng với đàn ông. Đối với những phụ nữ bên cạnh sự nghiệp phải gồng gánh cả công việc nhà và chăm con, thời gian của họ trở nên eo hẹp hơn và việc có nhiều mối quan tâm khiến họ gặp khó khăn trong việc phân bổ thời gian. Nên về bản chất, nếu không có bất kỳ sự hỗ trợ nào từ gia đình hay xã hội, chuyện phụ nữ ngang bằng cơ hội với đàn ông là không thể bởi sự thật là họ vẫn đang phải cáng đáng phần lớn việc nhà.

Trong đó không chỉ bao gồm thời gian cụ thể họ dành cho công việc nhà mà bao gồm cả thời gian tâm trí họ dành cho việc lo lắng, quán xuyến việc nhà. Ví dụ như nghiên cứu và quyết định mua thực phẩm nào cho ra đình, dạy con ra sao, chọn bác sĩ nào cho gia đình,… hầu hết những quyết định như vậy vẫn thường được mặc nhiên đẩy vào tay người phụ nữ. Cho nên, phụ nữ không chỉ làm mà còn thực sự “bận tâm” về những quyết định này (mental workload). Theo nghiên cứu “Giới và thị trường lao động ở Việt Nam: Phân tích dựa trên số liệu Điều tra Lao động – Việc làm” thực hiện bởi Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, phụ nữ trung bình dành 20,2 giờ mỗi tuần làm việc nhà (tương đương với 2,5 ngày làm việc); trong khi nam giới là 10,7 giờ. Gần ⅕ nam giới thậm chí không hề dành chút thời gian nào cho việc nhà [6].

Tuy nhiên, biết được thế lưỡng nan đó không phải nhằm cổ xúy một người phụ nữ phải gác lại sự nghiệp riêng để chăm sóc cho gia đình bằng những diễn ngôn lãng mạn hóa công việc làm mẹ (thiên chức, căn tính, tình mẫu tử thiêng liêng, bản năng của phụ nữ là làm mẹ…). Bởi sự nghiệp cũng là phần cuộc sống mà ở đó con người tìm thấy cảm nhận về giá trị bản thân. Buộc một người phụ nữ phải “lui về” thu vén gia đình, trong khi cô ấy khao khát được cống hiến cho sự nghiệp, chỉ khiến “leo thang” sự bất cân xứng trong mối quan hệ nam-nữ và đứt gãy trong hạnh phúc hôn nhân – mà đến nay tình trạng này vẫn hiển hiện như một lời “cảnh báo” đối với phụ nữ độc thân có xu hướng nữ quyền rằng gia đình chính là nơi kết thúc những tham vọng về sự nghiệp và nhu cầu cá nhân của họ.

Nhận thức được thế lưỡng nan đó của phụ nữ để chúng ta nhìn ra xuất phát điểm hay trung tâm của sự can thiệp: (1) Phi giới tính hóa công việc chăm sóc; (2) Cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống bằng cách thúc đẩy chia sẻ trách nhiệm chăm sóc gia đình; và (3) Công nhận giá trị của các công việc chăm sóc. Ba việc này phải xảy ra đồng thời với nhau. Sự tham gia chủ động của nam giới vào công việc chăm sóc sẽ giúp cho những áp lực “làm mẹ” được giảm tải, làm sâu sắc sự kết nối của người cha/người bố trong gia đình, và trao cơ hội nhiều hơn cho mọi thành viên. Đối với sự công nhận giá trị của công việc chăm sóc, điều này cần phải diễn ra trong cả không gian gia đình và không gian công, đi từ việc tháo gỡ định kiến xã hội “ở nhà ăn bám” và nỗ lực cải thiện chính sách. .

Chứ không phải là tập trung nâng phụ nữ lên cho bằng đàn ông ở không gian công sở nhưng tại gia đình, phụ nữ vẫn phải cáng đáng toàn bộ nhiệm vụ chăm sóc. Không phải lôi kéo bằng được phụ nữ bước ra khỏi căn bếp với mục tiêu “giải phóng” họ, nỗ lực làm cho phụ nữ ngang bằng đàn ông nhưng lại không giải quyết được tại sao họ không ngang bằng. Để cuối cùng lại làm “tăng ca làm việc” cho phụ nữ: ca một cho công việc nhà (domestic work); ca hai cho công việc văn phòng (factory/office work); ca ba cho lao động cảm xúc (emotional work: nuôi dưỡng tình cảm gia đình, điều phối quan hệ tại nơi làm việc,…); ca bốn là việc phải phân bổ thời gian như thế nào để xử lý cùng lúc ba ca làm việc kia mà không bên nào “thất bại” hơn bên nào và không để bản thân kiệt sức.

Làm sao họ có thể gồng gánh sự nghiệp riêng và ở nhà vẫn phải gánh toàn bộ trách nhiệm việc nhà – mà đến nay vẫn bị gán là những trách nhiệm mang tính nữ? Một khi những trách nhiệm việc nhà (nhìn rộng ra là trách nhiệm chăm sóc) chưa được phi giới tính hóa thì người phụ nữ sẽ tiếp tục bị đánh giá dưới góc nhìn thành công toàn vẹn (have it all) cả sự nghiệp lẫn gia đình riêng. Nếu họ không đạt chuẩn một trong hai thì sẽ bị cho là thất bại có tính cá nhân nhưng thực tế đó là thất bại có tính đan chéo giữa văn hóa và kinh tế ở tính cấu trúc.

Cách thức chúng ta tổ chức và duy trì thế giới này phải tập trung vào những công việc chăm sóc, mà hiện nay ở Việt Nam vẫn bị quan niệm là những công việc “gầm chạn” “xó bếp” “góc khuất của nền kinh tế”. Các chính sách cung cấp dịch vụ, bảo trợ xã hội và cơ sở hạ tầng cần phải thúc đẩy chia sẻ công việc gia đình và chăm sóc giữa nam giới và nữ giới, cũng như tạo ra nhiều việc làm được trả lương hơn trong nền kinh tế chăm sóc (care economy). Về mặt luật pháp, quyền lợi của người phụ nữ trong hôn nhân cần phải được đảm bảo. Đây chính là điều cần thiết để đẩy nhanh tiến độ trao quyền kinh tế cho phụ nữ, đi tới tháo gỡ tình trạng “kẻ thù” giữa nam giới và nữ giới, giữa phong trào nữ quyền và công việc làm mẹ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *