fbpx

NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ THÚC ĐẨY BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM

Vị thế người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử thường được gắn chặt trong nguyên tắc “Tam tòng, tứ đức”, “Công, dung, ngôn, hạnh”. Trong đa số trường hợp, họ bị xem nhẹ, bị tước đoạt đi quyền tự quyết cho cơ thể và số phận của mình theo những khuôn mẫu o ép, đè nén suốt nhiều thế kỷ. Họ ít/không được quyền tiếp cận tri thức hay tham gia vào các vấn đề chính trị vì đó “không phải chuyện của đàn bà”. Chuyện “nam nữ bình quyền” tưởng chừng chỉ bắt đầu nhen nhóm rồi nở rộ ở Việt Nam vào đầu thế kỉ XX, hòa cùng với làn sóng đấu tranh cho chủ nghĩa nữ quyền trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, khi ta nhìn lại lịch sử Việt, không đợi đến thế kỉ thứ XX, có rất nhiều người phụ nữ đã lên tiếng mạnh mẽ và quyết liệt cho quyền được đối xử ngang hàng với nam giới, lên án xã hội mục nát khi hạ thấp tài năng và phẩm giá của họ, đồng thời cổ vũ người phụ nữ giành lại những quyền mà mình đáng lẽ được công nhận, được tôn trọng và tự quyết.

Vì vậy, hãy cùng Nhà Nhiều Cột tìm hiểu về chân dung và tư tưởng của những phụ nữ tại Việt Nam có đóng góp quan trọng và nổi bật trong nỗ lực trao quyền cho phụ nữ, khẳng định vị thế người nữ trong xã hội.

Nếu bạn còn biết tới một tên tuổi nổi bật nào khác, đừng quên chia sẻ với Nhà Nhiều Cột nhé! Chúng mình rất ngóng đợi đó!

image

Chúng ta không còn quá xa lạ với cái tên “Bà chúa thơ Nôm” – Hồ Xuân Hương, đại diện cho tiếng nói tâm tình của người phụ nữ trước những bất công đè nén trong xã hội thời bấy giờ. Người phụ nữ dưới áng thơ của Hồ Xuân Hương được khắc họa với vẻ đẹp vượt ngoài khuôn mẫu “công, dung, ngôn, hạnh”. Đặc biệt, bà chú trọng đặc tả vẻ đẹp thân thể của họ, nói đến thân thể người phụ nữ từ góc độ tính dục thay vì đi theo thủ pháp ước lệ đặc trưng thường thấy.

Trước một xã hội đầy những tư tưởng và nề nếp trọng nam khinh nữ, trước một xã hội bị bóp méo trong đó người nữ đã phải bị bắt buộc suy tư, và hành động Hồ Xuân Hương đã khôn khéo dùng văn chương như một thứ vũ khí để chống lại những trật tự áp chế đó. Bà cũng gay gắt chỉ trích và lên án xã hội phong kiến đương thời, của chế độ đa thê mục rỗng – điều mà ít người, chứ đừng nói là một người phụ nữ dám lên tiếng tố cáo.

“Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.
Năm thì mười họa hay chăng chớ,
Một tháng đôi lần có cũng không.”
(Làm lẽ)

Thơ Hồ Xuân Hương đề cao vẻ đẹp tâm hồn, tài năng và thân thể của người người nữ; đĐặc biệt, khi nhấn vào cơ thể và tính dục như một cách phá bỏ khuôn mẫu cho rằng chuyện phòng the là nhạy cảm, cấm kỵ đối với phụ nữ. Bà là tiếng nói mạnh mẽ bảo vệ phụ nữ, đấu tranh cho quyền tự do, bình đẳng và hạnh phúc của phụ nữ. Có thể nói, Hồ Xuân Hương là nhà đấu tranh cho nữ quyền sớm nhất và mạnh mẽ nhất ở Việt Nam.

image 1

Đạm Phương nữ sử là nhà văn, nhà báo, nhà giáo dục, nhà hoạt động xã hội và nhà trí thức lớn trong thế hệ các nhà trí thức của Việt Nam đầu thế kỷ 20. Theo nhà nghiên cứu Bùi Trân Phượng, bà là nhà hoạt động nữ quyền đầu tiên xây dựng quan niệm nữ quyền một cách có hệ thống và có tính tư tưởng.Có thể nói, đóng góp lớn nhất của Đạm Phương nữ sử là thúc đẩy quyền của người phụ nữ, sự phát triển cho phụ nữ, trong đó, nổi trội là vấn đề giáo dục. Bà tin rằng: “Giáo dục không phải là một công trình trói buộc mà là một công trình bồi bổ để nảy nở tất cả những năng lực cao quý trong một người”.

Điểm nổi bật trong các bài viết của Đạm Phương là vấn đề nữ học, được bà đặt ra lần đầu trong bài “Vấn đề nữ học” trên Nam phong (tháng1/1921). Ba năm sau, bà viết tiếp một bài báo, cũng dưới nhan đề này, đăng trên Trung Bắc tân văn (tháng 3/1924), để đáp lại một số ý kiến bấy giờ bác chuyện giáo dục phụ nữ, đồng thời có bổ sung thêm một số quan điểm mới trong việc giáo dục phụ nữ được bà đề xuất trong bài trước. Bà cũng có những bài viết trực diện vào vấn đề trinh tiết và tự do hôn nhân, chủ đề phức tạp nhất khi bàn về vấn đề phụ nữ lúc bấy giờ, như: “Chữ trinh” (Hữu thanh, số 17, 01/04/1922); “Cái lòng trinh tiết của người đàn bà” (Trung Bắc tân văn, ngày 09/10/1925), “Bàn về chữ ái tình” (Trung Bắc tân văn, ngày 16/10/1925), “Tự do kết hôn” (Trung Bắc tân văn, ngày 20/12/1924),… Đây là các bài viết có cách tiếp cận khá điềm tĩnh, nêu bật quan điểm lấy “tân học” u Tây phụ trợ cho “cựu học” Á Đông để phát triển hoàn thiện người phụ nữ, giúp cho nữ giới có thể độc lập, từ đó bình quyền với nam giới. Nhiều bài báo sau này được bà tu bổ, tập hợp in thành sách.

Tư tưởng về sự bình đẳng giữa nam và nữ của Đạm Phương nữ sử là điều mà ít phụ nữ trong thời kỳ đó dám nghĩ đến. Bà luôn “tiên phong” đi đầu làm gương, can đảm vượt thoát khỏi những lề thói lạc hậu, tinh nhạy nắm bắt những tiến bộ của thế giới và tìm mọi cách “phổ cập”, nâng cao văn hóa cho đồng bào mình. Qua các hoạt động của bà, có thể thấy Đạm Phương nữ sử đã thách thức các khuôn mẫu giới thời đó theo hướng vai trò và công việc của nam nữ phải được coi trọng như nhau.

image 2

Đoàn Thị Điểm là người nữ đầu tiên và duy nhất mở trường học tại nhà – một quyết định đi ngược lại những khuôn phép o ép phận nữ nhi học rộng hiểu sâu thời bấy giờ. Bà là một nhà giáo, một người thầy thuốc, một nữ sĩ tài hoa, tài sắc vẹn toàn và có tầm nhìn xa trông rộng. Bà được đánh giá là danh nhân văn hóa thời Lê trong lịch sử Việt Nam.

Trong khoảng thời gian đi dạy học cho cung nữ bà đã dùng tác phẩm “Nữ Trung Tùng Phận” của mình về tất cả những kinh nghiệm khi làm con trong gia đình, làm em giúp đỡ anh chị và các cháu, rồi làm vợ, làm mẹ … Trong tác phẩm, bà cho rằng cần hướng dẫn người phụ nữ trở lại nền nếp tốt đẹp thời xưa với Tam Tòng – Tứ Đức, nhưng chỉ nên giữ lại phần tinh hoa tốt đẹp, bỏ bớt những điều làm giảm nhân cách phụ nữ cũng như học tập nâng cao văn hóa để ngang hàng cùng nam giới. Sau khi nhìn thấy sự mục rữa, thối nát của quan lại triệu đình, bà chán nản xin nghỉ về quê cũ. Một điều “vượt ra ngoài” khuôn phép và phận nữ nhi mà ai ai cũng kính phục và tôn trọng Đoàn Thị Điểm đó là việc bà mượn lời nàng Bích Châu – nhân vật chính trong truyện “Hải khẩu linh từ” (Đền thiêng cửa bể) để dâng lên vua 10 điều gây dựng đất nước trong bối cảnh nội chiến giữa vua lê chúa Trịnh bấy giờ. Khi thời đại vẫn còn đóng khuôn phụ nữ vào “công dung ngôn hạnh”, hành động của bà đã vượt lên mọi ràng buộc của thể chế quân vương bảo thủ, dùng lí lẽ và sự quyết liệt của mình để bàn việc nước, việc dân.

Có thể nói, Đoàn Thị Điểm là một trong số ít phụ nữ trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam thể hiện và khẳng định nữ quyền của mình. Bà, trong cuộc đời mình, làm chủ bản thân, tự quyết hạnh phúc cá nhân và thể hiện quyền được là một trí thức.

image 3

“Đó là một nữ sĩ có gan và có tài”.

Hoài Thanh và Hoài Chân – tác giả của Thi nhân Việt Nam phải thốt lên trước sự can đảm và quyết liệt của nữ sĩ Manh Manh (tên thật là Nguyễn Thị Kiêm), một cá nhân tiêu biểu của phong trào nữ quyền những năm đầu thế kỷ XX. Theo tài liệu thì bà là người phụ nữ đầu tiên đã đăng thơ, viết bài, đăng đàn diễn thuyết hô hào cho phong trào thơ mới tại Việt Nam.

Nguyễn Thị Manh Manh bắt đầu được biết đến rộng rãi hơn qua những cuộc diễn thuyết, những bài viết về bình đẳng giới và thơ mới. Nói về hoạt đồng của bà, TS Phan Văn Hoàng viết: “Chị đả kích các tập tục hủ bại như trọng nam khinh nữ, tảo hôn, đa thê…, bênh vực những quyền lợi chính đáng của nữ giới. Trong năm 1934, chị đã đi tới 4 thành phố (Huế, Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng) để diễn thuyết các đề tài: “Dư luận nam giới đối với phụ nữ tiên tiến”, “Một ngày của một người đàn bà tiên tiến”, “Có nên tự do kết hôn chăng?”, “Nên bỏ chế độ đa thê không”? Ý tưởng của chị trong các buổi diễn thuyết đó đã tạo ra trong xã hội hai luồng dư luận trái chiều (tán thành và phản đối) phản ảnh qua báo chí trong Nam ngoài Bắc…

Trong diễn thuyết tại Hội quan Khai Trí Tiến Đức Hà Nội tối ngày 8/9/1934 bà đã móc máy “Đến thế kỷ thứ 20 đàn bà An Nam lại có nảy sanh một số người quái gở! Họ vượt ra khỏi buồng the, chẳng theo lễ giáo cũ: họ cũng đi học đi làm như đàn ông. Họ tự do đi, đứng, nói cười, ra giữa công chúng vợt banh, đá cầu, lập hội hè, đến chỗ đông mà tranh cãi”. “Đàn bà tân tiến là đàn bà mới, biết đi theo trào lưu xã hội, theo thời đại văn minh hiện chừ” và người đàn bà ấy chỉ “xin ngang hàng với đàn ông, xin được đồng một phẩm giá làm người trong xã hội”.

Nhìn chung, Nguyễn Thị Manh Manh là một nữ sĩ có tư tưởng rất mới, tiến bộ và theo kịp thời đại. Hoạt động sôi nổi và tích cực của bà đã tạo ra một phong trào phụ nữ mới, thúc đẩy các bà, các chị tham gia nhiều hoạt động xã hội ở Sài Gòn và Hà Nội. 

image 4

“Đây là lần đầu tiên trên diễn đàn Quốc tế cộng sản, một phụ nữ phương Đông, một nữ đảng viên ở Việt Nam cất tiếng nói dõng dạc vạch trần chính sách xâm lược của bọn thực dân Pháp đối với Đông Dương” – Lời nhận định về bà Nguyễn Thị Minh Khai trong cuộc tham luận ngày 16/8/1935. Bà là một nữ chiến sỹ cộng sản tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, Uỷ viên Xứ uỷ Nam Kỳ và Bí thư Thành uỷ Sài Gòn – Chợ Lớn cùng với rất nhiều đóng góp trong việc thúc đẩy sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Bà cũng chính là người lãnh đạo các cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son – cuộc bãi công gây tiếng vang trong lịch sử Việt Nam, cùng với nhiều cuộc nổi dậy và đấu tranh của công nhân Công ty Hỏa Xa Sài Gòn, của công nhân và phụ nữ Hóc Môn, Gia Định.

Ngoài ra, bà còn mở nhiều lớp huấn luyện cho cán bộ ở thành phố và các lớp huấn luyện cho cán bộ nữ ở các tỉnh Nam Bộ thu hút nhiều phụ nữ tham gia, không phân biệt tuổi tác, ngành nghề, từ phong trào cách mạng đến các lớp tập huấn lãnh đạo góp phần cho các hoạt động học chữ quốc ngữ, nâng cao trình độ văn hóa; từ đó, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ ở Nam Kỳ.

Trong tham luận ngày 16/8/1935 về vai trò phụ nữ Đông Dương, bà nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong đấu tranh cách mạng: “…phụ nữ đã tham gia đáng kể vào các cuộc đấu tranh cách mạng. Họ tham gia các cuộc biểu tình và đã lãnh đạo một số cuộc ấy, đã diễn thuyết trong các cuộc mít tinh, nhiều lần phụ nữ đã dũng cảm đi hàng đầu trong các cuộc biểu tình và bọn lính phải thoái lui, phải đồng tình…”.

Bà tin rằng tin rằng: “Chúng ta phải đoàn kết mới đòi được quyền tự do bình đẳng. Cuộc đấu tranh giải phóng của giới phụ nữ chúng ta sẽ còn lâu dài, tới khi Cách mạng thành công ta giành được chính quyền rồi, thì cuộc đấu tranh vẫn còn tiếp tục. Tư tưởng trọng nam khinh nữ không chỉ có trong các tầng lớp đi bóc lột, nó ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả mọi người. 

image 5

Bà Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Khuê, con gái thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và được sinh ra vào thời kỳ ông về Bến Tre nương mình “cho tròn phận tóc da” trong những ngày chạy giặc. Bà là một nữ sĩ nổi tiếng của Nam Bộ và cũng là chủ bút nữ đầu tiên của Việt Nam.

Năm 1917, bà được một nhóm chí sĩ ái quốc mời làm chủ bút tờ báo Nữ giới chung (Tiếng chuông của nữ giới) – tờ báo đầu tiên của phụ nữ Việt Nam được xuất bản tại Sài Gòn. Mang chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương và nhất là đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội cụ thể: vận động tư tưởng nam nữ bình quyền, cổ vũ và giải phóng phụ nữ,… Trong tờ báo số 2 xuất bản ngày 22/2/1918, khi bàn về nữ quyền, bà viết: “Ở phương Tây, vì đờn bà cũng có học hành, có tài giỏi, có công án với xã hội, chẳng thua gì đờn ông. Nên mới vượt bổn phận gái, xướng cái chủ nghĩa riêng ấy. (…). Tư tưởng mới mẻ và tiến bộ so với thời điểm bấy giờ, được bà Nguyệt Anh trình bày một cách khéo léo, đúng mực với văn phong rắn rỏi và bởi sức ảnh hưởng mạnh mẽ của nó đã khiến mật thám Pháp e ngại và dẫn đến bị đình bản.

Trong suốt hơn hai chục số báo, bà dành trọn cả tâm huyết và tài năng của mình để nhằm hoàn thiện thêm nền báo chí non trẻ của Việt Nam với góc nhìn đa dạng, đa chiều và bao hàm. Đồng thời đó cũng là tiền đề tốt cho hàng loạt báo chí về phụ nữ sau này như Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm.

Mặc dù lời quan điểm của bà về nam nữ bình quyền vẫn rơi vào khuôn mẫu “tiêu chuẩn kép” dành cho phụ nữ (giỏi việc nước, đảm việc nhà), nhưng soi chiếu với bối cảnh xã hội bấy giờ, đây vẫn là một tư tưởng mới, mang đầy tâm huyết và tài năng của bà trong việc cổ vũ tinh thần nữ giới nước nhà. Có thể nói, bà Sương Nguyệt Anh chính là một người tiên phong trong công cuộc đấu tranh vì quyền lợi, địa vị của người phụ nữ Việt Nam. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *