Chắc hẳn rất nhiều độc giả của Nhà đã quen thuộc với các “drag queen” của Mỹ và những màn biểu diễn của họ tại các lễ hội và buổi diễu hành. Tuy nhiên, ở Việt Nam ta cũng có một nét văn hóa và nghệ thuật vô cùng đặc sắc với sự tham gia to lớn của cộng đồng LGBTQ+ Việt Nam – đó là hát lô tô. Nhân tháng Tự hào Việt Nam, hãy cùng Nhà Nhiều Cột tìm hiểu về nét văn hóa này và tầm quan trọng của nó trong bài viết ngày hôm nay nhé!
VÀI NÉT VỀ HÁT LÔ TÔ
Trò quay số lô tô (tương tự trò xổ số ở miền Bắc) là một chương trình quay vé số trúng thưởng. Người ca sĩ hát lô tô sẽ quay một chiếc lồng chứa những quả bóng trên có ghi con số để tìm ra con số may mắn ngẫu nhiên (từ 1 đến 99) và công bố con số đó bằng cách hát. [1]
Hát lô tô xuất hiện từ thế kỷ 16 tới những năm 1980-1990 và phát triển cực thịnh nhất ở khu vực tỉnh Nam Bộ/Tây Nam Bộ. Các gánh hát lô tô thường bao gồm 5-10 người và di chuyển qua nhiều địa phương để hành nghề. Trước kia, hoạt động hát lô tô diễn ra chủ yếu vào các dịp tết hay lễ hội để khuấy động không khí. Ngày nay, hát lô tô diễn ra thường xuyên hơn. [2]
Không dừng lại ở một loại hình giải trí đơn thuần, hát lô tô mang nhiều giá trị văn hóa quý giá. Do đặc trưng của trò chơi lô tô, người nghệ sĩ phải tự ứng biến giai điệu và câu hát sao cho phù hợp với con số mà họ sắp công bố. Bởi vậy, các câu hát lô tô vô cùng đa dạng và mỗi đào hát có cách hát khác nhau, từ vè dân gian, bolero, cải lương,… thậm chí là rap và nhạc nước ngoài (thường được biểu diễn bởi các ca sĩ trẻ). [3] Ngoài ra, các đoàn lô tô còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian có thưởng như đập heo, phóng phí tiêu, câu cá hay đi cà kheo,… Họ còn tái hiện những hoạt cảnh châm biếm thói hư tật xấu và cổ vũ điều tốt đẹp. [4]
HÁT LÔ TÔ VÀ MỐI LIÊN HỆ VỚI CỘNG ĐỒNG LGBTQ+
Ai cũng có thể hát lô tô, bất kể nghề nghiệp, giới tính, xu hướng tính dục, bản dạng giới; tuy nhiên, đa phần những ca sĩ hát lô tô là người chuyển giới hay thuộc cộng đồng LGBTQ+ vì họ rất “có duyên” với nghề. [5] Rất nhiều người trong số họ từng phải chịu sự dè bỉu, kì thị trong xã hội (thậm chí là bởi người thân) vì bản dạng giới của mình, từ đó gặp nhiều khó khăn trong học tập và công việc. [6]
Công việc hát lô tô không hoàn toàn màu hồng. Mặt tối của nó là người nghệ sĩ thường phải lưu diễn nay đây mai đó, đánh đổi xương máu, mồ hôi và nước mắt. Những khó khăn họ gặp phải bao gồm vấn đề thời tiết, xin giấy phép lưu diễn và đặc biệt là sự kỳ thị. Họ thường bị trêu ghẹo và thậm chí “ném đá” bởi trẻ em mỗi khi họ đến một vùng mới. Tuy nhiên, sự kì thị này không bắt nguồn từ công việc hát lô tô, mà căn nguyên sâu xa của nó là định kiến với người chuyển giới nói riêng và LGBTQ+ nói chung ở Việt Nam. Hơn thế nữa, với sự lỏng lẻo về bảo vệ pháp lý và sự thiếu hụt trong tiếp cận cơ hội giáo dục/việc làm, những người chuyển giới này hiếm khi kiếm được những công việc tử tế ngoài các gánh hát hay có những mối quan hệ bền lâu. [7]
Mặt khác, nghề hát lô tô có tầm quan trọng lớn với những người trong cộng đồng chuyển giới nói riêng và LGBTQ+ nói chung.
Theo thời gian, công việc này đã đem lại thu nhập cho các ca sĩ hát lô tô để tự trang trải cuộc sống và giúp đỡ gia đình. Thêm vào đó, họ có một nghề nghiệp chân chính để cống hiến và theo đuổi. [8]
Tuy vẫn còn đó sự kỳ thị với những người chuyển giới, các ca sĩ hát lô tô dần được đón nhận với thái độ vui vẻ. “Bà con nào cũng phấn khởi mỗi khi nghe tin có đoàn lô tô ghé hát.” Họ mang lại tiếng cười và giúp các chương trình lô tô vận hành, từ đó giúp người dân có thể thư giãn và gắn kết sau những buổi làm mệt mỏi. Có thể nói, những gánh hát lô tô đã góp phần truyền tải hình ảnh tích cực của cộng đồng người chuyển giới đến công chúng. [9]
Quan trọng nhất, hát lô tô là cách để những nghệ sĩ chuyển giới sống thật với bản thân. “Bà hoàng lô tô” Kim Quyền cho biết: “Khi mà cầm mic, Quyền hoàn toàn là một con người khác. Cảm thấy rất là hân hoan, rất là vui. Thật sự, Quyền thấy Quyền yêu nghề lắm.” [10] Trong phim tài liệu “Ngôi Nhà Buổi Chiều” – bộ phim về những khó khăn của các đào hát lô tô, ca sĩ Diệp Thanh Thanh chia sẻ: mặc dù ca sĩ lô tô chưa được công nhận ngang bằng với các nghệ sĩ khác, sân khấu là ngôi nhà thứ hai của cô và được biểu diễn khiến cô vô cùng hạnh phúc. [11] Bà Phụng (nhân vật chính trong bộ phim tài liệu “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”), mô tả lại khoảng thời gian làm việc trong gánh hát: “Ở đây, chúng tôi không bị phán xét. Chúng tôi có thể biểu diễn như một người phụ nữ, ăn mặc như phụ nữ, sống như một người phụ nữ mà không bị ai dòm ngó… Chúng tôi có một nơi để là chính mình.” [12]
TẠM KẾT
Cần phải nhấn mạnh, kể cả khi các gánh hát lô tô nói riêng và vai trò giải trí của người chuyển giới được đón nhận, điều đó không có nghĩa là họ sẽ tự động có vị trí cao hơn trong xã hội hay được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Vẫn còn nhiều việc cần phải làm để đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng LGBTQ+ ở Việt Nam như gia tăng cơ hội tiếp cận tới giáo dục, việc làm và các dịch vụ công.
Song, không thể phủ nhận tầm quan trọng về mặt văn hóa, nghệ thuật và đặc biệt là với cộng đồng LGBTQ+ của các gánh hát lô tô. Hát lô tô không chỉ góp phần gìn giữ văn hóa ca dao, tục ngữ, bài vè, các bài hát dân gian, thiếu nhi,… mà còn giúp rất nhiều người chuyển giới ổn định cuộc sống. Cộng đồng hát lô tô là nơi các đào hát tập hợp lại với nhau, cùng trải qua những khó khăn và đùm bọc lẫn nhau trước những ánh mắt phán xét của người đời.
Trong những năm gần đây, hát lô tô đang dần được đón nhận trở lại với sự ra đời của những gánh hát lớn như Sài Gòn Tân Thời và Hương Nam. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của phong trào LGBTQ+ ở Việt Nam và các bộ phim tài liệu về cuộc sống của ca sĩ lô tô, ta có thể hi vọng về một tương lai tốt hơn cho những người nghệ sĩ chân chính đang miệt mài đóng góp cho đời.