Những quyền nữ hiện có là thành quả của cả một quá trình đấu tranh không ngừng, bao gồm sự đấu tranh trên cả phương diện hoạt động xã hội và lý thuyết, hai nhánh hô ứng lẫn nhau. Vì vậy, hiểu về nữ quyền, chúng ta không thể bỏ qua những tác phẩm ra đời đả phá những tư tưởng được xã hội chấp nhận về phụ nữ, trở thành kim chỉ nam cho hành động của quá trình đấu tranh vì nữ quyền. Những tác phẩm này không chỉ cần thiết đối với người ủng hộ nữ quyền mà còn hữu ích với bất cứ ai vì mỗi một tác phẩm đều chứa đựng những tư tưởng có tác động quan trọng đến thế giới mà chúng ta đang sống.
Sau đây, Nhà Nhiều Cột xin điểm qua một số tác phẩm mang tính đột phá trong việc nghiên cứu về phụ nữ, là những bước ngoặt tư tưởng có ảnh hưởng sâu sắc nhất tới phong trào nữ quyền.
Đừng quên chia sẻ với Nhà Nhiều Cột và mọi người những tác phẩm mà theo bạn, muốn hiểu đúng về nữ quyền thì nhất định không được bỏ qua nha 😉
Những quyền nữ hiện có là thành quả của cả một quá trình đấu tranh không ngừng, bao gồm sự đấu tranh trên cả phương diện hoạt động xã hội và lý thuyết, hai nhánh hô ứng lẫn nhau.
Vì vậy, hiểu về nữ quyền, chúng ta không thể bỏ qua những tác phẩm ra đời đả phá những tư tưởng được xã hội chấp nhận về phụ nữ, trở thành kim chỉ nam cho hành động của quá trình đấu tranh vì nữ quyền. Những tác phẩm này không chỉ cần thiết đối với người ủng hộ nữ quyền mà còn hữu ích với bất cứ ai vì mỗi một tác phẩm đều chứa đựng những tư tưởng có tác động quan trọng đến thế giới mà chúng ta đang sống.
Minh chứng cho quyền phụ nữ (A Vindication of the Rights of Women, 1792) – Mary Wollstonecraft
Chưa có bản dịch tiếng Việt
“…sức mạnh của cơ thể và tâm trí bị hy sinh để họ chạy theo cái đẹp phóng đãng , theo tham vọng được chứng minh bản thân – cách duy nhất để phụ nữ có thể vươn lên trong xã hội – bằng hôn nhân.”
Wollstonecraft được xem là người sáng lập của chủ nghĩa nữ quyền với “Minh chứng cho quyền phụ nữ “ là một tác phẩm mang tính khai phá của học thuyết nữ quyền và vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.
Đam mê và thẳng thắn, A Vindication of the Rights of Woman đã công kích quan điểm phổ biến về sự ngoan ngoãn, vai trò “trang trí” của tính nữ, và thay vào đó đặt ra các nguyên tắc giải phóng: trẻ em gái phải được nhận một sự giáo dục hoàn toàn bình đẳng với trẻ em trai, trong các ngôi trường lẫn với nam giới (mixed schools); chấm dứt định kiến và phụ nữ được định danh bởi chính những đóng góp chuyên môn của họ chứ không phải bởi người bạn đời. Khác với một vài tác phẩm trước đó hướng đến việc giáo dục đàn bà với các mục đích tôn giáo hoặc chỉ mang tính hỗ trợ cho đàn ông, Wollstonecraft cho rằng việc nâng cao vị thế của phái nữ thông qua giáo dục có thể cải thiện tình hình xã hội một cách rõ rệt.
Tác phẩm của Mary Wollstonecraft đã được đón nhận với sự ngưỡng mộ xen lẫn phẫn nộ – Walpole gọi bà là “một con linh cẩu trong chiếc váy lót” – nhưng ảnh hưởng sâu rộng của tác phẩm đã xác lập bà là người khởi sinh nữ quyền hiện đại.
📖 Giới tính thứ hai (The Second Sex, 1949) – Simone de Beauvoir
😜 Đã có bản dịch tiếng Việt
✍️ “Một người không sinh ra đã là phụ nữ, mà đúng hơn là trở thành một phụ nữ”
Theo nhận xét của các dịch giả tiếng Anh, “Giới tính thứ hai là một chuyên luận triết học và là một trong những tác phẩm quan trọng của thế kỷ XX làm cơ sở lý luận cho phong trào nữ quyền”. Trong tác phẩm này, Beauvoir đã bàn đến vấn đề nữ quyền với tư cách là một nhà triết học. Bà nói về bản chất của “nữ tính”; trình bày nguyên nhân, thực trạng sự bình đẳng giới và trích dẫn, nhận xét, bình luận quan điểm của nhiều nhà triết học trong lịch sử về vấn đề phụ nữ, từ Plato, Aristotle đến Kant, Hegel, Marx, Engels, Heidegger, Husserl,… Bà cũng trích dẫn tư tưởng của các nhà thơ, nhà văn và nghiên cứu quan điểm của các tôn giáo, các nhà thần học về vấn đề này. Bà liên hệ với thực tiễn phong trào nữ quyền trong lịch sử, chính sách đối với phụ nữ ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở Liên Xô. Có thể nói đây là một tác phẩm được chuẩn bị rất công phu với nguồn tài liệu phong phú. Ngay từ thời điểm phát hành, tác phẩm đã nhận được sự hoan nghênh nồng nhiệt và được coi như một đột phá trong việc nghiên cứu về phụ nữ, là tiền đề cho làn sóng nữ quyền thứ hai. Bên cạnh đó, tầm nhìn tiên phong của de Beauvoir cũng tạo ra những tai tiếng và nhận về chỉ trích từ nhiều phía, trong đó có Giáo hội La Mã.
📖 Bí ẩn nữ tính (The Feminine Mystique, 1963) – Betty Friedan
😜 Đã có bản dịch tiếng Việt
✍️ “Khi cô dọn giường, đi chợ mua đồ […] quản lý các bé trai và bé gái hướng đạo sinh, nằm bên chồng lúc về đêm, cô sợ đến nỗi không dám thầm hỏi bản thân – ‘cuộc đời chỉ có vậy thôi sao?’“.
Ở “Bí ẩn nữ tính”, Betty Friedan đã sử dụng tâm lý học đại chúng đương thời để tìm cách hiểu được phụ nữ và tính dục nữ giới. Friedan đã phanh phui vị thế của phụ nữ trong xã hội Hoa Kỳ sau Đại chiến II để chỉ ra rằng, đằng sau cái đam mê kiêu hãnh được đóng vai trò “nội trợ” phục vụ chồng con của phụ nữ Mỹ đương thời là một thực trạng “Phụ nữ bị bán đi trí tuệ và tham vọng của mình bằng cái giá nhỏ mọn của một chiếc máy giặt mới”. Thân phận thụ động này được xã hội Mỹ lúc bấy giờ coi là có căn nguyên từ “bí ẩn nữ tính”, một cách nói khái quát về một “mật lệnh” sâu thẳm của giới tính dẫn đến tình trạng những công việc và quyền lợi của phụ nữ khác hoàn toàn với nam giới. Theo Friedan, khái niệm “bí ẩn nữ tính” đã được người Mỹ tạo ra và duy trì bằng sách, báo, tivi và các chuẩn mực giá trị thời thượng liên quan đến “tổ ấm gia đình”, để bóp nặn cuộc đời người phụ nữ, tạo ra niềm tin rằng những “trọng trách” mà họ đang mang là gắn liền với ý đồ sáng tạo đầy bí ẩn của Thượng đế chứ không phải do tiến trình lịch sử xã hội tạo ra. “Bí ẩn nữ tính” này được gắn với “Bí ẩn của sàn nhà được đánh bóng và son môi được tô trét hoàn hảo”. Đó cũng là “bí ẩn” của những bà nội trợ có học “sùng bái con cái”, điên cuồng xếp bộ đồ ăn bằng bạc ra và chưng diện để chào đón chồng đi làm về trong tổ ấm lý tưởng ở ngoại ô. Những phụ nữ này là vợ, là đồ chơi tình dục, là mẹ, là nội trợ của đàn ông chứ chưa bao giờ định nghĩa chính mình bằng hành động của bản thân trong xã hội.
Cuốn sách Bí ẩn nữ tính của Betty Friedan được coi là thủ phạm khơi dậy “âm mưu chối bỏ nhà bếp” của phụ nữ Hoa Kỳ và tạo ra một động cơ về văn hóa cho phong trào nữ quyền thứ hai: giờ đây, nữ quyền không còn chỉ là về bình đẳng chính trị, mà còn là bình đẳng xã hội.
📖 Chính trị giới tính (Sexual Politics, 1970) – Kate Millett
😭 Chưa có bản dịch tiếng Việt
✍️ “Bất kể sự khác biệt ‘thực sự’ giữa hai giới có thể là gì, chúng ta chắc hẳn là không biết cho đến khi hai giới được đối xử theo những cách khác nhau.”
Với lập luận rằng “tình dục có một khía cạnh chính trị thường bị bỏ qua”, nhà nữ quyền cấp tiến người Mỹ Kate Millett đã vạch trần sự phân biệt giới tính, xác định chế độ phụ hệ là một hệ thống niềm tin có điều kiện mang tính xã hội nhưng được giả mạo là quy luật tự nhiên. Millett chứng minh những quan điểm và cách vận hành của chế độ phụ hệ đã thâm nhập vào văn học, triết học, tâm lý học và chính trị như thế nào.
Theo lời nhà phê bình sách Christopher Lehmann-Haupt, “Chính trị giới tính” của Millett đã “được viết với một giọng văn hùng hồn đến mức mọi vết tích của tư tưởng sô-vanh đúng ra phải tan chảy như tảng mỡ dưới ngọn lửa đèn khò.”
Millett nói về nam tính “đóng vai trò quan trọng” và nữ tính “thụ động”. Nhấn lại chủ đề chung về sự mất cân bằng quyền lực trong tương tác và quan hệ dị tính, Millett chỉ ra những hạn chế về mặt xã hội của mô hình gia đình hạt nhân, “Nó vừa là tấm gương phản ánh vừa là một mối liên kết với xã hội lớn hơn; một đơn vị phụ quyền trong một tổng thể phụ quyền.” Bà còn làm rung chuyển nền tảng của những kinh điển văn học bằng cách quy kết các tác phẩm kinh điển này đã sử dụng tình dục để làm suy giảm tầm quan trọng của phụ nữ. Điều Millett muốn đạt được qua cuốn sách của bà là giúp xóa bỏ chế độ phụ quyền. Nhưng bà nhận ra chế độ phụ quyền phải bị hạ bệ cùng một lúc với văn hóa phân biệt giới tính, áp bức phụ nữ – những câu chuyện mà chúng ta vẫn đang sản xuất và tiêu thụ.
Ý thức phụ nữ, thế giới đàn ông (Woman’s Consciousness, Man’s World; 1973) – Sheila Rowbotham
Chưa có bản dịch tiếng Việt
“Chỉ khi phụ nữ bắt đầu tổ chức với số lượng lớn thì chúng ta mới trở thành một lực lượng chính trị, và bắt đầu hướng tới khả năng của một xã hội thực sự dân chủ, mà trong đó mỗi người có thể dũng cảm, trách nhiệm, biết suy nghĩ và chuyên tâm trong cuộc đấu tranh để cùng lúc được sống tự do và vị tha quên mình.”
Nhà văn, nhà lý luận nữ quyền xã hội chủ nghĩa người Anh Sheila Rowbotham đã viết “Ý thức phụ nữ, thế giới đàn ông” vào những năm 1970, nhận ra sai sót của các phong trào đó là chỉ tập trung vào tầng lớp thượng lưu và bỏ quên tầng lớp lao động, dân tộc thiểu số và người da đen.
Robotham nhấn mạnh phụ nữ phải kết thành một giai cấp công nhân phụ nữ trong cuộc đấu tranh giành quyền chi phối cơ cấu sản xuất và cơ cấu sinh sản. Bởi sự đàn áp được xây dựng dựa trên kinh nghiệm xã hội và lịch sử cho nên khi các phương thức sản xuất và sự tương quan xã hội giữa nam và nữ, giữa nam và nam, giữa nữ và nữ thay đổi thì hình thức của sự đàn áp cũng thay đổi.
Bên cạnh đó, Robotham xem xét ý thức nữ quyền từ nhiều điểm thuận lợi khác nhau: ngôn ngữ, văn học, tình dục, kinh tế, chính trị và xác định các điều kiện mà nó phát triển, qua đó hình thành những “cách nhìn” mới cho phụ nữ có thể hướng tới đoàn kết tập thể để cùng nhau đấu tranh thoát ly khỏi sự bá quyền và nhãn quan của nam giới.
Phản ứng: Cuộc chiến không chính thức chống lại phụ nữ Mỹ (Backlash: The Undeclared War Against American Women, 1991) – Susan Faludi
Chưa có bản dịch tiếng Việt
“Phản ứng dữ dội chống lại chủ nghĩa nữ quyền được kích phát không phải vì phụ nữ đã đạt được quyền bình đẳng trọn vẹn, mà bởi vì khả năng họ có thể giành được nó đang ngày càng tăng.”
Ở “Backlash”, Faludi khám phá cụ thể làm thế nào mà mỗi thành tựu của chủ nghĩa nữ quyền sẽ sớm bị phá hoại bởi các đối thủ của nó, đặc biệt là thông qua việc sử dụng các phương tiện truyền thông.
Cụ thể, quá trình đấu tranh bình đẳng của những người đòi quyền bầu cử cho phụ nữ bị xuyên tạc thành sự giành giật quyền lực với đàn ông. Làn sóng thứ hai của chủ nghĩa nữ quyền trong thập niên 1960 và 1970 đã đạp đổ quan niệm về những bà nội trợ những năm 1950 ở phương Tây, vì vậy phản ứng tất nhiên phải gồm những lời than rằng các nhà nữ quyền đang hủy hoại tài năng “thiên bẩm” của phụ nữ trong tư cách làm mẹ và bà nội trợ. Các phản ứng mạnh tiếp theo, theo Faludi, tập trung vào những sai lầm phổ biến về “phụ nữ hiếm muộn”, thiếu đàn ông và những người độc thân trầm uất, “kiệt sức” và trụy tim từ sớm vì thành đạt. Sự yêu thích của truyền thông với khái niệm “đại dịch vô sinh”, phụ nữ chưa kết hôn là người bị “cuồng loạn” và suy sụp dưới “một cuộc khủng hoảng sâu sắc về sự tự tin”.
Faludi chỉ rõ, thông điệp của những âm mưu này là: “Bạn có thể tự do và bình đẳng, nhưng bạn chưa bao giờ đau khổ hơn thế.” Và sau những lời than thở sẽ là màn chào dẫn: chủ nghĩa nữ quyền đã gây ra điều này cho phụ nữ và ngành công nghiệp thời trang, ăn kiêng và mỹ phẩm sẽ làm cho bạn trở nên nữ tính và xinh đẹp trở lại.