fbpx

NHỮNG NỮ CHÍNH TRỊ GIA ĐÁP TRẢ SỰ PHÂN BIỆT GIỚI TÍNH

Dưới sức ảnh hưởng của các làn sóng nữ quyền và nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới, chúng ta chứng kiến ngày càng nhiều những người phụ nữ thành công dấn thân vào con đường chính trị – vốn được cho là dành cho nam giới và thuộc về “khu vực công”. Thế giới đã biết đến Angela Merkel, Ellen Johnson Sirleaf, Sanna Marin, v.v. hay ở Việt Nam có thể kể đến bà Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thị Kim Ngân.

Tuy nhiên, liệu có phải sự thành công và quyền lực nhất định sẽ bảo vệ những nữ chính trị gia khỏi sự kì thị và phân biệt giới? Câu trả lời là KHÔNG. Từ câu nói phân biệt giới của David Cameron – cựu thủ tướng Anh – cho đến những chỉ trích vô lý, ngôn từ thù ghét nhắm đến mọi nữ chính trị gia, ta có thể thấy rõ là con đường họ đi đầy rẫy chông gai và thử thách. Song, những người phụ nữ này vẫn không ngừng khẳng định một sự thật: yếu tố giới không liên quan đến khả năng lãnh đạo nói riêng và tài năng của một người nói chung.

Hôm nay, các bạn hãy cùng Nhà Nhiều Cột điểm qua một vài khoảnh khắc nữ chính trị gia “chặn họng” những kẻ phân biệt giới tính nhé!

image 19

1. Julia Gillard
Julia Elieen Gillard là thủ tướng Úc thứ 27 với nhiệm kì 2010 – 2013. Bà nhậm chức với tư cách lãnh đạo của Đảng Lao động Úc. Bà cũng là nữ thủ tướng duy nhất trong lịch sử nước Úc cho tới thời điểm hiện tại.

Với tư cách là một nữ chính trị gia tiên phong, bà Julia phải nhận khá nhiều chỉ trích và sự tức giận từ phe đối lập, chủ yếu về vấn đề giới tính, việc bà không lập gia đình và đặc biệt là quyết định không sinh con của bà. Julia thường được cho là quá cứng rắn và khắt khe – không phù hợp với “hình mẫu” một người phụ nữ. Ngoài ra, những hình ảnh nhạy cảm của Julia trôi nổi trên mạng xã hội luôn được sử dụng để hạ bệ tôn nghiêm của bà [1].

    Tony Abbott – đối thủ chính trị của Julia – từng nhắc đến đời tư của bà trong lần thảo luận về một kiến nghị liên quan đến việc nuôi con. Tony Abbott cho rằng Julia không có đủ kinh nghiệm và trải nghiệm để đưa ra chính sách. Vào ngày 9/10/2012, khi Tony buộc tội Julia phân biệt giới tính, bà đã ngay lập tức đáp trả bằng một bài phát biểu để đời chỉ trích sự tiêu chuẩn kép và đạo đức giả của Tony Abbott.

    “Tôi sẽ không nghe ông ta rao giảng về phân biệt giới và sự khinh thường phụ nữ. Không phải bây giờ và không bao giờ hết. Ông ta nói rằng những người có tư tưởng kì thị giới thì không nên giữ chức vụ cao trong chính phủ. Tôi mong rằng ông ta đang tự viết đơn từ chức. Nếu ông ta thực sự muốn biết sự thù ghét phụ nữ trông như nào tại nước Úc ngày nay, ông ta không cần kiến nghị ở Hạ viện. Ông ta cần một cái gương.”

    Bài phát biểu nhắm trực diện vào những lần Tony Abbott có những phát biểu kì thị giới tính và coi thường phụ nữ, chẳng hạn như việc ám chỉ rằng đàn ông có những phẩm chất phù hợp để lãnh đạo và đưa ra quyết định hơn phụ nữ. Đây là một trong những khoảnh khắc khó quên nhất trên truyền hình Úc, đồng thời là một sự kiện mang tính quyết định với chủ nghĩa nữ quyền tại Úc [2].

    Mặc dù bài phát biểu của Julia Gilliard cũng vấp phải nhiều phản đối do chính sách ngừng hỗ trợ cha mẹ đơn thân (đa số là mẹ đơn thân) của bà [3], đây vẫn là một sự kiện đáng nhớ và gợi ra nhiều cuộc thảo luận xung quanh vấn nạn kì thị giới trong chính trị.

    Xem đầy đủ bài phát biểu của Julia Gilliard tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=fCNuPcf8L00

    image 20

    2. Iratxe Garcia Perez
    Năm 2017, một video về cuộc tranh luận tại Nghị viện châu u về chênh lệch tiền lương giữa hai giới lên top xu hướng trên mạng xã hội. Cụ thể, trong video, Janusz Korwin-Mikke – một chính trị gia cánh hữu người Ba Lan đã có những phát biểu phân biệt giới về khả năng của phụ nữ. “Tất nhiên là phụ nữ phải kiếm ít tiền hơn đàn ông rồi. Họ yếu đuối hơn, nhỏ bé hơn và không thông minh bằng đàn ông.”

    Ngay lập tức, câu nói bị phản pháo bởi Iratxe Garcia Perez – một nghị sĩ cánh tả người Tây Ban Nha. Bà đáp: “Nếu theo những gì ông nói, thì tôi không có quyền để đứng đây ngày hôm nay như một nghị sĩ. Tôi biết ông thấy tổn thương và lo lắng vì những người phụ nữ giờ đây cũng có thể đại diện cho người dân tương tự đàn ông. Ngay tại đây, tôi sẽ đứng lên thay mặt cho những người phụ nữ châu u để chống lại những người đàn ông như ông.”

    Với lời đáp trả không khoan nhượng, Iratxe ngay lập tức nhận được một tràng vỗ tay từ các nghị sĩ, đồng thời khiến Janusz chỉ biết cười trừ và dừng những nhận xét kì thị giới của mình lại.

    Xem đầy đủ video tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=40hhc0cjYyg

    image 21

    3. Rosy Senanayake
    Rosy Senanayake là một chính trị gia người Sri Lanka với hơn 20 năm kinh nghiệm trong chính trường. Bà từng là đại sứ Liên Hợp Quốc và cao ủy Sri Lanka tại Malaysia. Mặc dù có nhiều năm công tác và hoạt động, trong một lần Rosy đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Kumara Welgama, câu trả lời bà nhận được là: “Tôi rất vui vì nhận được câu hỏi từ một nữ hoàng sắc đẹp,” (bà Senanayake từng là Hoa Hậu Thế Giới) “Bà thật là một người phụ nữ quyến rũ. Tôi không thể diễn tả cảm xúc của mình tại đây được. Nhưng nếu bà gặp tôi ngoài Nghị viện, tôi sẽ cho bà biết cảm xúc của tôi thế nào… Tôi không kiểm soát được suy nghĩ của mình… Tôi không muốn thể hiện chúng một cách công khai.”

    Đây rõ ràng là hành động bày tỏ sự ‘mến mộ’ một cách không thích hợp với bối cảnh và đối tượng. Ngoại hình của bà Rosy Senanayake hoàn toàn không liên quan đến câu hỏi mà bà đang đặt ra cho ông Bộ trưởng.

    Bà Senanayake, với tư cách là một người lên tiếng đấu tranh cho quyền phụ nữ đã ngay lập tức đáp trả: “Tôi vẫn được nhìn nhận như một nữ hoàng sắc đẹp, trong khi tôi đã là một cao ủy và tham gia vào chính trị một khoảng thời gian rất dài. Với tư cách là một người phụ nữ, bạn không được nhìn nhận như một người với nhiều thành tựu, mà thay vào đó là nhan sắc thời còn xanh.”

    image 22

    4. Hillary Clinton
    Vào tháng 5/2008, khi Hillary Clinton đang vận động tranh cử tại Salem, ở phía dưới xuất hiện một người đàn ông liên tục hét toáng “Là áo cho tôi” (Bản gốc: Iron my shirt). Ngay lập tức, bà Hillary đã mạnh mẽ đáp trả: “Ôi, tàn dư của phân biệt giới, vẫn còn tồn tại và sống tốt đấy chứ nhỉ.” Đồng thời, bà cũng nhấn mạnh: “Tôi ở đây để trả lời tất cả câu hỏi và thắc mắc của các bạn trong khán phòng này, và liệu còn ai muốn biết cách để ủi chiếc áo của anh ta nữa không.”

    Được biết, đây không phải lần duy nhất ứng cử viên đương thời phải chịu những phát ngôn phân biệt giới và coi thường năng lực chỉ vì bà là phụ nữ. “Bà ta không đủ mạnh mẽ, bà ta là một ‘con khốn’; bà ấy không phải đang nổi giận mà là chua ngoa đến chói tai”, John McCain – cựu thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà đề cập thêm khi nhắc đến Hillary Clinton là “không đủ nữ tính.” Glenn Beck – một bình luận viên chính trị bảo thủ cũng đã từng ‘cà khịa’ rằng: “Giả dụ như, sau 4 năm đương nhiệm làm tổng thống, liệu Hillary có khiến cho đàn ông của cả nước Mĩ phát điên hay không?”

    Dễ dàng nhận thấy, những lời mỉa mai, coi thường hay công kích nhắm tới Hillary Clinton trong thời gian bà vận động tranh cử không hề dựa trên hành động hay năng lực của bà mà nhắm đến việc bà là một phụ nữ, với những định kiến cản trở không chỉ Hillary mà rất nhiều nữ chính trị gia khác trên thế giới như “cảm tính”, “nóng nảy”, “không thích hợp làm lãnh đạo”.

    image 23

    5. Larissa Waters
    Tại quốc hội Úc, trong phiên thảo luận mở về vấn đề xung quanh y tế và sức khoẻ, nữ thượng nghị sĩ Larissa Water đã cho con bú ngay trong lúc phát biểu kiến nghị của mình. Điều này đã tạo nên một cuộc thảo luận lớn trên toàn cầu. Trả lời BBC về vấn đề này, cô cho rằng nó khá là kì quặc khi việc cho con bú – một điều rất đỗi bình thường và tự nhiên lại trở thành tin tức.

    “Tôi hy vọng rằng đây có thể trở thành thông điệp đến những người phụ nữ trẻ trực thuộc Quốc hội rằng họ có thể vừa làm thượng nghị sĩ và làm mẹ.”

    Đồng thời, cô cũng tâm sự: “Nhiều người phụ nữ cảm ơn tôi vì hành động trên, không chỉ vì đã bình thường hoá việc cho con bú mà còn nói lên sự tồn tại của những kì thị ở một số góc độ xã hội”. 

      Leave a Reply

      Your email address will not be published. Required fields are marked *