Không ít lần, Nhà Nhiều Cột đã đề cập và nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc giáo dục giới tính (rộng hơn là giáo dục tính dục). Nhà tin rằng đây chính là nền tảng vững chắc nhất tiến tới bình đẳng giới khi các cá nhân nhận thức rõ ràng về bản thân, đồng thời hình thành thái độ tôn trọng với người khác.
Chuyện tình dục không đơn giản dừng lại ở việc dương vật thâm nhập âm đạo và chấm hết (!?) Chúng ta “quan hệ” nhưng liệu đã hiểu rõ hết những vấn đề hết sức gai góc như có thai ngoài ý muốn, phá thai ở tuổi vị thành viên, đồng thuận trong tình dục, lạm dụng tình dục, các biện pháp tránh thai an toàn, cách vệ sinh sau khi quan hệ, tầm quan trọng của việc thăm khám phụ/nam khoa,… và còn vô vàn những “điều khó nói” phát sinh chỉ khi ta là người trong cuộc.
Không bao giờ là quá sớm để một người được tiếp cận với các kiến thức về giới tính và tình dục. Điều quan trọng là phải xây dựng được một tiến trình tiếp cận phù hợp tương ứng với từng giai đoạn phát triển vì giáo dục giới tính là một hành trình xuyên suốt và gian nan (nhưng giải quyết những hệ quả của việc không được giáo dục còn gian nan hơn thế).
Chính vì vậy, hôm nay, Nhà Nhiều Cột sẽ “mách” bạn 5 kênh/nguồn thông tin sẽ giúp bạn “xóa mù” về vấn đề giới tính-tình dục! Hy vọng đều là những thông tin hữu ích với mọi người 😉
1. @sex_and.smoking
Ra đời vào năm 2018, đến nay hệ sinh thái @sex_and.smoking của anh Đại Tổng đã lớn mạnh bao gồm 15 tài khoản Instagram với tổng cộng hơn 700k người theo dõi.
Từng là một người có thời gian dài làm báo, có cơ hội tiếp xúc và trò chuyện với các bạn trẻ, anh Đại Tổng vẫn luôn mong muốn có một dự án cá nhân để chia sẻ với các bạn nhiều hơn. Nhận thấy phần đông giới trẻ còn thiếu hụt các kiến thức về sức khỏe sinh lý và quan hệ tình dục an toàn, anh Đại Tổng được thôi thúc động lực để nói về sex.
Nội dung của @sex_and.smoking luôn theo sát 3 giá trị cốt lõi. Yếu tố thứ nhất là chia sẻ kiến thức hữu ích, thẳng thắn; thứ hai là chia sẻ sẻ ‘tips’ giải quyết vấn đề về sex và tâm sinh lý; thứ ba là hỗ trợ các bạn tiếp cận các sản phẩm hữu ích nhằm cải thiện chất lượng đời sống tình dục nói riêng và cuộc sống nói chung.
Một số kênh kinh doanh sản phẩm giúp chuyện tình dục thêm an toàn, dễ chịu và thăng hoa nằm trong hệ sinh thái @sex.and.smoking mà bạn có thể tham khảo thêm như @lalendi.vn – @rendi.vn – @toydi.vn – @toydi.mini – @thomdi.vn – @sensei_tion
2. _inner.sinner_
Vốn quan tâm tới vấn đề Sex Education (SE) từ những ngày còn học cấp ba, nhưng chị Nhị Nương khi đó chưa dám lên tiếng về những vấn đề nhạy cảm này trên danh nghĩa của bản thân. Sau này, may mắn có cơ hội được làm việc cùng anh Đại Tổng, anh chỉ ra cho chị sự thiếu vắng bóng dáng của một “người chị”, một nơi phái nữ có thể tin tưởng tìm đến để học hỏi và tìm hiểu về những vấn đề nhạy cảm, đồng thời cổ vũ chị “dấn thân” trở thành một trong những người tiên phong ở lĩnh vực SE hướng đến nữ giới.
Và thế là _inner.sinner_ – Chị Nhị Nương chính thức ra đời vào tháng 9 năm 2019.
Những giá trị cốt lõi mà _inner.sinner_ muốn hướng tới là sự thẳng thắn và “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Chị Nhị Nương chọn cách nói thẳng nói thật, không ngần ngại, không né tránh, và luôn luôn cố gắng tiếp cận tình dục từ góc độ trực tiếp nhất, như một bộ môn khoa học thực thụ, chứ không phải là những chuyện “bẩn thỉu” chỉ được lén truyền tai nhau.
Theo chia sẻ của chị Nhị Nương, “phải đến 80% các câu hỏi gửi đến đều ‘khó đỡ’ như thế này…
- ‘Em quan hệ tình dục không an toàn được một tuần rồi, nhưng tự dưng em sợ có thai quá, giờ em uống thuốc tránh thai khẩn cấp được không ạ?’
- ‘Em chỉ dùng tay thủ dâm nhưng bị chậm kinh 2 tuần rồi, có khi nào em có bầu không chị?’
- ‘Chị ơi em có quan hệ tình dục, xong giờ soi gương thấy lông mày dựng lên, em đọc báo thấy bảo như vậy là có bầu ạ?’
- ‘Em và người yêu đã [các hành vi tình dục miêu tả cực chi tiết], theo chị thì % dính bầu của tụi em là bao nhiêu?’
- ‘Em một tháng uống thuốc tránh thai khẩn cấp 4 lần, nhưng giờ lỡ xuất trong, mà người yêu em bảo bị yếu sinh lý thì không có bầu đâu, giờ em có nên uống nữa không?’
…và đó là hậu quả trực tiếp của việc thiếu kiến thức không chịu tìm hiểu kĩ càng về các biện pháp phòng tránh thai và bảo vệ bản thân, cũng như không hiểu về quy trình thụ thai. Mặc dù chị rất muốn nói rằng sau gần hai năm hoạt động, các follower của _inner.sinner_ đã không còn hỏi những câu như trên nữa, nhưng thực tế chỉ ra rằng, lượng câu hỏi này lại tăng dần theo số lượng các follower.
Vậy mới nói, hành trình giáo dục giới tính và cởi trói những tư duy cũ, giúp các bạn (đặc biệt là bạn nữ) tìm hiểu về tình dục an toàn và lành mạnh vẫn còn là một con đường rất dài và gian nan.”
Bên cạnh tài khoản Instagram _inner.sinner_ chuyên về giáo dục giới tính và tình dục, chị Nhị Nương hiện còn là:
👉 Co-founder của @rendi.vn và @toydi.vn
👉 Administrator tại Facebook group “S6x O’clock” và “Sáu giờ vào lớp”
3. mistress_x__
Có thể nói, quyết định tạo lập tài khoản Instagram chuyên về BDSM @mistress_x__ (tháng 11/2019) là bước đi khá là táo bạo đối với chị X – bạn thân kiêm đồng nghiệp của chị Nhị Nương.
BDSM là chủ đề không được chia sẻ một cách khách quan, mà đa phần là lưu truyền trong các hội nhóm kín. Chính vì thế, phần đa mọi người khi nghe thấy BDSM là lập tức cho rằng chỉ có nhóm nhỏ người mang suy nghĩ lệch lạc hay biến thái dị hợm mới quan tâm tới nó. Nhưng thực chất không phải vậy, và đó là lý do chính khiến chị X rẽ hướng sang mảng khá ‘niche‘ trong vô vàn mảng nhỏ của SexEd.
Theo chia sẻ của chị X, “khía cạnh Phục tùng-Thống trị trong BDSM là chủ đề mà chị rất quan tâm, và chị cho rằng nó có ảnh hưởng nhất định tới việc khám phá về tình dục và bản dạng giới. Ở BDSM không có khuôn mẫu về giới cố định: ví dụ như các bạn nam có thể ‘yếu thế, phục tùng hơn’ và ngược lại… Đương nhiên tìm hiểu về bản dạng giới với mỗi người là là quá trình khám phá, thử nghiệm mang tính cá nhân, nhưng chị hy vọng thông qua việc chia sẻ về những nhu cầu này sẽ giúp những ai đã và đang có những fetish tình dục bớt lạc lõng và bối rối phần nào.”
Hiện tại, bên cạnh tài khoản mistress_x__, chị X đang góp phần lên ý tưởng cho @daihocbonba (tài khoản chuyên vẽ các mẩu truyện ngắn 18+) và tham gia sản xuất chương trình Bàn tròn 69 (được thực hiện bởi hệ sinh thái S6x O’clock và Tổ chức Thúc đẩy Bình đẳng giới Việt Nam VOGE) hiện đang công chiếu.
4. Chăn Chuối Show – Sexedu by Trang
Ra đời năm 2019, đến nay kênh Youtube Chăn Chuối Show – Sexedu by Trang được tin tưởng và đón nhận tích cực với hơn 267k người đăng ký. Đây là nơi chia sẻ tất-tần-tật kiến thức, trải nghiệm và vấn đề liên quan đến giáo dục giới tính.
Trang Chuối, Founder của Chăn Chuối Show – Sexedu by Trang, chia sẻ về động lực tạo kênh là vì bản thân “đã từng trải qua giai đoạn thanh thiếu niên, tò mò về sex nhưng không biết tìm thông tin xác thực ở đâu. Do đó, với kiến thức và trải nghiệm hiện tại, mình muốn được đóng góp một phần sức lực để người Việt cải thiện chất lượng cuộc sống.”
Về cách phát ngôn và hướng làm nội dung ở Chăn Chuối Show – Sexedu by Trang, Trang Chuối lựa chọn trung lập, bởi “việc gì cũng có hai mặt của nó, mình tập trung phân tích mặt lợi và mặt hại của các lựa chọn để khán giả có thể đưa ra quyết định phù hợp nhất”.
Bên cạnh kênh Youtube, bạn có thể đa dạng trải nghiệm của mình thông qua các nền tảng khác như Facebook/Group (Sexedu by Trang) và Instagram (@sexedubytrang).
5. Cởi Mở
Dù mới chỉ đi tới tập thứ 4, nhưng podcast Cởi Mở của Vietcetera đã thu hút được một lượng khán giả không nhỏ khi được dẫn dắt bởi bộ ba host cá tính nổi bật Thùy Minh, Trang Chuối và Tạ Quốc Kỳ Nam.
Đúng như tên gọi, Cởi Mở là nơi bàn chuyện “cởi” một cách rất “mở”, nơi chia sẻ và bàn luận các vấn đề về tình dục một cách thẳng thắn, đa chiều. Ở Cởi Mở, nói về chuyện gối chăn không chỉ là những cái chạm về da thịt mà còn là sự giao tiếp sâu hơn chúng ta tưởng. Bởi khi ta trân trọng đối phương, giao hợp còn là sự “chạm” vào thói quen, sở thích, hay quan điểm sống và cả những mong muốn thầm kín nhất.
Ba vị host, mỗi người đều có những quan điểm, trải nghiệm khác nhau hứa hẹn đem tới vô vàn góc nhìn giúp khán giả có thể tham khảo và cùng tham gia thảo luận.
Nếu quá bận rộn để xem video, bạn có thể nghe podcast dưới dạng audio tại Spotify và Apple Podcast.
Tham khảo thêm:
Influencer mảng giáo dục giới tính nói gì về công việc của họ? (theinfluencer.vn)