fbpx

Nam giới ủng hộ quyền nữ ở Việt Nam

Suốt nhiều thế kỷ tại Việt Nam, vị thế người phụ nữ bị xem nhẹ mặc dù vai trò của họ trong xã hội là không thể chối cãi. Người nữ thậm chí không được quyền quyết định cuộc đời của chính mình mà phải “oằn mình” dưới nguyên tắc tam tòng (Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử).

Mặc dù dưới triều đại vua Lê Thánh Tông, qua Bộ luật Hồng Đức đã có những điều luật bảo vệ quyền của phụ nữ, coi trọng địa vị pháp lý và đề cao bình đẳng nam nữ nhưng tư tưởng phổ quát trong xã hội “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” vẫn duy trì, ăn sâu vào tiềm thức dân chúng.

Chỉ đến đầu thế kỉ XX, hòa vào làn sóng đấu tranh cho chủ nghĩa nữ quyền trên thế giới, những tín hiệu đáng mừng trong xã hội Việt Nam mới thật sự nở rộ. Phụ nữ dần được thoát ly khỏi những định kiến, được đi học, được dạy về quyền làm người, được tôn trọng và tự do làm chủ cuộc sống của mình.

Phong trào vũ trang đánh đuổi thực dân cũng dần lụi tàn, đấu tranh phi bạo lực lên ngôi với sự trợ giúp đắc lực của nữ giới. Quá trình đấu tranh đó không chỉ chứng kiến người nữ đứng lên vì chính mình mà vai trò tích cực của các đồng minh nam cũng vô cùng đậm nét.

Vì vậy, hãy cùng Nhà Nhiều Cột tìm hiểu về chân dung và tư tưởng của những nam giới tại Việt Nam có đóng góp quan trọng và nổi bật trong nỗ lực trao quyền cho phụ nữ, khẳng định vị thế người nữ trong xã hội.

VUA LÊ THÁNH TÔNG VÀ BỘ LUẬT HỒNG ĐỨC

Vua Le Thanh Tong 01

Bộ luật Hồng Đức là một tên gọi khác của bộ Quốc triều hình luật (Lê triều hình luật), đây là một công trình pháp luật tiêu biểu được nhà Hậu Lê xây dựng trong đó đóng góp của Vua Lê Thánh Tông là tiến bộ nhất. Bộ luật đã quy định nhiều quyền lợi cho người phụ nữ trong các lĩnh vực: hôn nhân, gia đình, tư pháp, hành chính, xã hội.

Quan điểm, chính sách, pháp luật trong Lê Triều hình luật vượt lên trên cả những hạn chế lịch sử của Nho giáo cũng như chế độ phong kiến đương thời, có giá trị và vẫn được áp dụng trong pháp luật và đời sống xã hội Việt Nam ngày nay.

Tính đặc thù và tiến bộ của bộ luật thể hiện rõ qua hai chương “Hộ hôn” và “Điền sản”, bày tỏ sự tôn trọng cá nhân và vai trò của người phụ nữ, điều mà các bộ luật trước và sau không mấy quan tâm. Cụ thể luật quy định cho phụ nữ có quyền ly hôn và quyền kết hôn hậu ly hôn mà không bị ai cản trở.

Phụ nữ được phép ly hôn chồng khi: “chồng bỏ lửng vợ 5 tháng không đi lại” (Điều 308) và “khi con rể mắng nhiếc bố mẹ vợ” (Điều 333). Ngoài ra, nếu chồng đã bỏ vợ mà ngăn cản người khác lấy vợ cũ thì bị xử tội biếm (giáng chức). Có thể nói, vua Lê Thánh Tông đồng ý trao cho phụ nữ quyền ly hôn, việc mà chưa một chế độ phong kiến nào dám đề cập là một nét đặc sắc, đậm chất nhân văn và dũng cảm.

Bên cạnh đó, các chế định về giao dịch tài sản mà phụ nữ tham gia có tính tiến bộ, kết hợp nhuần nhuyễn giữa Nho giáo và phong tục, tập quán dân tộc bản địa. Luật Hồng Đức đã ghi nhận sự bình đẳng tương đối về tài sản giữa người vợ và chồng trong khối tài sản chung và hưởng tài sản thừa kế: vợ có quyền tài sản riêng và khi bán tài sản phải có đủ chữ ký của cả vợ và chồng.

Trong quyền thừa kế tài sản của cha mẹ để lại, pháp luật nhà Lê không phân biệt con trai – con gái: “Nếu cha mẹ mất cả thì lấy 1/20 số ruộng đất làm phần hương hoả, giao cho người con trai trưởng giữ, còn lại chia đều cho các con (Điều 388); “người giữ hương hoả có con trai trưởng thì dùng con trai trưởng, không có con trai trưởng thì dùng con gái trưởng” (Điều 391).

Chính sách pháp luật của vua Lê Thánh Tông còn được thể hiện qua các quy định bảo vệ tính mạng, danh dự và nhân phẩm của người phụ nữ. Bộ Luật có nhiều quy định trách nhiệm pháp lý đối với quan lại ở các mức hình phạt rất nặng khi phạm tội cưỡng ép, hiếp dâm, cưỡng bức đàn bà, con gái:

“Người nào phạm các tội này thì bị xử tội lưu hay tội chết cùng với nộp tiền tạ cho cha mẹ người con gái” (Điều 42); “Nếu vì tội này làm người đàn bà bị thương hay bị chết thì kẻ phạm tội bị xử nặng hơn tội đánh bị thương (đánh chết) người thường một bậc, điền sản bị tịch thu trả cho bên bị hại” (Điều 403). Đặc biệt bộ luật quy định việc xử phạt nghiêm khắc những kẻ có hành vi “thông gian người con gái nhỏ từ 12 tuổi trở xuống, dù người con gái nghe theo, cũng vẫn phải tội cưỡng gian” (Điều 404).

Một trong những điều sáng suốt trong chính sách quan chế của vua Lê Thánh Tông là quy định rõ ràng trách nhiệm pháp lý – chính trị của quan lại đối với cuộc sống của người dân nói chung và người phụ nữ nói riêng. Bộ luật đã có những quy định công nhận vị trí và vai trò của người phụ nữ trong sản xuất và cuộc sống, thúc đẩy quyền lợi, bảo vệ họ trước thái độ “trọng nam khinh nữ”.

Tham khảo thêm: Quyền lợi của người phụ nữ trong Bộ Luật HỒNG ĐỨC

Quyền lợi của người phụ nữ trong Bộ Luật HỒNG ĐỨC – Cổng Thông Tin Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (hoilhpn.org.vn)

ÔNG GIÀ BẾN NGỰ – NHÀ CÁCH MẠNG PHAN BỘI CHÂU

phan boi chau1 2

Phan Bội Châu là nhà Nho, nhà Cách mạng, thủ lĩnh của phong trào Đông Du. Trong quá trình hoạt động Cách mạng của mình cụ Phan đã đi đến nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều nền văn hoá tiến bộ. Vì thế, cụ là một trong những người tiếp cận sớm nhất với vấn đề nữ quyền và có cái nhìn tiến bộ về vị trí của phụ nữ trong phong trào giải phóng dân tộc nói riêng và trong xã hội nói chung. Sự ủng hộ nữ quyền của cụ Phan được thể hiện rõ nét qua 2 giai đoạn: trước 1925 và sau 1925.

Trước 1925 là quãng thời gian hoạt động Cách mạng sôi nổi nhất của Phan Bội Châu. Cụ đã chỉ ra được vai trò quan trọng của người phụ nữ – lực lượng hữu ích cho phong trào Cách mạng. Trong tác phẩm “Tân Việt Nam”, cụ cho rằng “giáo dục binh lính và phụ nữ là thiết yếu”. Có thể thấy Phan Bội Châu không nhìn nhận theo góc độ giới tính của xã hội lúc bấy giờ, cụ đặt người “phụ nữ” bên cạnh “binh lính”, gắn với mục tiêu giáo dục.

Nếu trước đó quan điểm về người nữ của Phan Bội Châu chủ yếu được thể hiện trong các tác phẩm thì từ năm 1925 trở đi, các hoạt động ủng hộ nữ quyền của cụ đã quyết liệt hơn rất nhiều. Qua các tác phẩm như “Nữ quốc dân tu tri”, “Vấn đề phụ nữ”, cụ đã đề cập sâu hơn đến vấn đề nữ học, quyền và nghĩa vụ của phụ nữ.

Hay nói cách khác, Phan Bội Châu dần đòi lại nhân quyền cho người nữ lúc bấy giờ, “ta hết lòng gánh vác việc xã hội tức là hết nghĩa vụ làm người mà quyền người mới có thể khôi phục được. Quyền người ta khôi phục thời quyền gái chẳng cần nói nữa”.

Không dừng lại ở ngôn từ, cụ Phan là người đứng ra đề xướng và tổ chức Nữ Công học hội (tổ chức nữ quyền đầu tiên ở Việt Nam) do Đạm Phương sử nữ làm hội trưởng. Phan Bội Châu và một số nhà Cách mạng khác thường xuyên tham gia vào các hoạt động của hội, trò chuyện về và vai trò của người phụ nữ. Khác với các nhà trí thức thời bấy giờ, cụ Phan luôn vận động, kêu gọi phụ nữ tham gia vào công cuộc giải phóng dân tộc.

“Trời đã sinh ra các chị em, thì các chị em cũng có trí khôn, có thể tự lập được. Nước Việt Nam đã sản xuất các chị em, thì các chị em chắc cũng có năng lực, có thể tự cường được.

Chị em nếu một mai biết hăng hái để nghĩ làm người, quyền lợi của loài người ra tay tranh lấy, phẩm cách của loài người ra sức giữ lấy; xã hội hư kia có ngày ta chỉnh đốn, gia đình ác kia có ngày ta cải lương, rồi đây sẽ lấy thân đào liễu mà đỡ gánh non sông, xúm sức quần thoa mà vần xây vận hội ; chắc có một ngày bà Trưng nữ vương thứ hai xuất hiện ở thế kỷ nầy!”

Tham khảo thêm: Ông già Bến ngữ và nữ giới

PHAN BỘI CHÂU & NỮ QUYỀN | MINH TRIẾT VIỆT (minhtrietviet.net)

NHÀ BÁO – NHÀ VĂN PHAN KHÔI

Phan Khoi

Không chỉ được biết tới rộng rãi với vai trò người “nổ phát súng” đầu tiên cho phong trào thơ Mới với bài thơ “Tình già”, trong những năm đầu thế kỷ XX, Phan Khôi vô cùng sôi nổi trong hoạt động ủng hộ nữ quyền của mình.

Phan Khôi đã nhận ra thân phận của phụ nữ trong nhãn quan giới tính rất rõ ràng: “Đại để ở dưới cái chế độ xã hội này, hễ là dân và đàn bà thì phải chịu khổ. Dân bị kẻ cầm quyền áp chế, đàn bà thì bị đàn ông áp chế. Kẻ cầm quyền làm cho dân ngu đi đặng dễ đè nén, cũng như đàn ông làm cho đàn bà ngu đi đặng dễ sai khiến. Hiện nay dầu trường nữ đã dựng khắp nơi, song trong óc đàn ông vẫn còn giữ như vậy…”

Phan Khôi động viên tinh thần học hành của phụ nữ và kiên quyết bảo vệ ý hướng này đến cùng. Về điểm này ông đã đồng hành cùng làn sóng nữ quyền đầu tiên của phương Tây: đấu tranh cho quyền được được tiếp cận với giáo dục của phụ nữ, quyền được học nghề, làm việc, độc lập kinh tế, quyền sở hữu tư bản. Thậm chí qua bài viết “Nữ tánh thành ra trung tâm của văn học” (đăng ở Phụ nữ tân văn, năm 1929) còn cho thấy Phan Khôi đã đi trước một bước so với làn sóng nữ quyền thứ hai ở phương Tây.

Nếu làn sóng nữ quyền thứ nhất chỉ dừng lại ở việc đấu tranh cho các quyền cơ bản của công dân thì ở đây Phan Khôi đã chạm bàn đến vấn đề động viên phụ nữ tham gia hoạt động văn chương, khẳng định tính nữ trong văn chương truyền thống và hiện đại. Phụ nữ nếu không học, không có tri thức sẽ ngu muội, dễ bị đàn ông sai khiến.

Thủ đoạn này của xã hội Nho giáo nam quyền đã được Phan Khôi chỉ rõ trong “Văn học của nước Tàu về thời kỳ toàn thạnh”, (đăng trên Phụ nữ tân văn, năm 1929). Để thoát khỏi sự kìm hãm của tư tưởng nam quyền phụ nữ phải đấu tranh để được học và học ở đây là học để làm người chứ không phải đơn thuần học để làm lương thê mẫu mực.

Trong tiểu thuyết “Trở vỏ lửa ra” của Phan Khôi, qua nhân vật luận đề Nghi, ông cho rằng phụ nữ phải được quyền tự do hôn nhân, tự do học tập: “Con quyết đi học nữa, một là vì con yêu cha mẹ con, con muốn làm y theo sở nguyện của người, hai là vì con không bằng lòng làm một người đàn bà thường, mà ưng làm một người có học thức, xin lỗi thầy, như thầy chẳng hạn”.

Coi trọng vai trò của người phụ nữ trong gia đình, Phan Khôi rất quyết liệt đả phá chế độ đa thê, hôn nhân cưỡng bức. Ông đã chỉ ra tác hại của thuyết tam cang và luật cấm cải giá (nổi bật qua tác phẩm tự truyện “Chuyện bà cố tôi”), khẳng định phụ nữ không chỉ có quyền tự do yêu đương, chọn lựa người bạn đời của mình và hơn thế nữa còn phải có quyền được ly hôn khi không hạnh phúc.

Không chỉ phê phán việc cấm đàn bà cải giá mà Phan Khôi còn rất bất bình với luật bắt tuẫn tiết theo chồng cũng do Tống Nho khởi xướng. Ông không cho rằng những cái chết như vậy là biểu hiện cho sự thủy chung hay lòng trinh liệt của người phụ nữ mà chỉ là cái chết vì luân lý bó buộc, một cái chết vô lý và ngu ngốc.

Phan Khôi đã vạch trần bản chất chế độ nam quyền trong việc cấp biển vàng, sinh biểu cho những người nào ở góa trọn đời hay là tự chết theo chồng. Theo ông, “những ân điển ấy thường tình lấy làm vinh hạnh lắm, song nghĩ kĩ ra, chẳng qua là cái biểu hiện tham lam, ích kỷ của đàn ông và cũng là cái xiềng để trói đàn bà lại”.

Bi kịch mẹ chồng nàng dâu cũng là một việc mà Phan Khôi hết sức quan tâm. Tư tưởng cổ hủ cho rằng chẳng có cha mẹ nào là không đúng đã là cái cớ để mẹ chồng được trớn đàn áp, đè nén con dâu. Với Phan Khôi, việc bà gia ngược đãi nàng dâu là sự bạo ngược vô đạo thứ nhất của luân lý gia đình.

Có thể nói, suốt quãng đời hoạt động xã hội của mình, Phan Khôi đã hết mình hỗ trợ giải quyết hàng loạt vấn đề hệ trọng, khẳng định vị trí người phụ nữ trong xã hội bây giờ.

Tham khảo thêm:

PHAN KHÔI VÀ VẤN ĐỀ ĐẤU TRANH NỮ QUYỀN TRÊN BÁO CHÍ, VĂN HỌC NHỮNG NĂM 20 – 30 CỦA THẾ KỶ XX (Tiếp theo) – Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn – Đại học Duy Tân (duytan.edu.vn)

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

4023 fff 14 42 15 169

“Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng con đường giải phóng phụ nữ tại Việt Nam. Người đã thức tỉnh phụ nữ tham gia giải phóng dân tộc, nhân loại và từ đó giải phóng chính mình.” – Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trả lời phỏng vấn Đài phát thanh BBC (Anh) ngày 03/07/2001.

Thật vậy, sớm nhận thấy được vai trò của quan trọng của người phụ nữ trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, Người đã nhận định: “Non sông gấm vóc do phụ nữ ta trẻ cũng như già ra sức dựng xây mà thêm phần tốt đẹp, rực rỡ”. Thấu hiểu được nỗi khổ của người phụ nữ từ những ảnh hưởng tư tưởng của Nho giáo, chế độ phong kiến và thực dân, trong bản di chúc Người đã căn dặn lại 2 điều với phụ nữ Việt Nam mà theo Người, thực hiện 2 điều này sẽ làm được “một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ.”

Một là, “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ phụ nữ, để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả việc lãnh đạo”. Hai là, “bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên”. Trước những tư tưởng đè nặng lên người phụ nữ bao đời nay, Người thẳng thắn phê bình “có cất nhắc cán bộ phụ nữ nhưng chưa mạnh dạn, tức là còn phần nào chưa coi trọng trí tuệ, tài năng của phụ nữ”.

Từ trước đó, ngay khi Đảng được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Nam nữ bình quyền” đồng thời đặt vấn đề giải phóng phụ nữ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Tại điều thứ 9 trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 đã tuyên bố “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”.

Đến bản Hiến pháp năm 1959 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ định soạn thảo và Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 tiếp tục khẳng định quyền của phụ nữ trong hôn nhân và gia đình: “Công việc làm như nhau, phụ nữ được hưởng lương ngang với nam giới.

Nhà nước đảm bảo cho phụ nữ công nhân và phụ nữ viên chức được nghỉ trước và sau khi đẻ mà vẫn được hưởng nguyên lương” và “Nhà nước bảo hộ quyền của người mẹ và của trẻ em, bảo đảm phát triển các nhà đỡ đẻ, nhà giữ trẻ và vườn trẻ. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình” hay “Trong gia đình, vợ chồng đều bình đẳng về mọi mặt.”

Tuy nhiên, Người cũng nhận thấy đấu tranh cho quyền của phụ nữ là việc không đơn giản mặc dù đây là “quyền bình đẳng” mà mọi người đều có. Không chỉ là đấu tranh trên phương diện nhận thức, Đảng và dân còn phải tự đấu tranh chống lại các thói quen lâu đời ở mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội. Nhận định đây là “cuộc cách mạng to và khó” nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lạc quan khẳng định “dù to và khó nhưng nhất định thành công”.

Tham khảo thêm: Bàn về lời căn dặn “Đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ” trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bàn về lời căn dặn “Đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ” trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (bvhttdl.gov.vn)

LÁ CỜ ĐẦU – NHÀ GIÁO ĐẶNG VĂN BẢY

Đặng Văn Bảy, thầy giáo tại Vĩnh Long được biết đến như người tiên phong về phong trào nữ quyền ở Việt Nam. Năm 1927, ông hoàn thành công trình nghiên cứu chuyên khảo đầu tiên về vấn đề quyền nam nữ và bình đẳng nam nữ ở Việt Nam mang tên “Nam nữ bình quyền”. “Tôi đề xướng nam nữ bình quyền là do thấy phần nhiều đàn bà con gái bị chê bỏ, hiếp đáp, còn đàn ông con trai lại quá tự do. Phép công bình là đôi bên phải đồng, không khinh không trọng, không thấp không cao” (trích “Nam nữ bình quyền”).

Đáng nói hơn, việc một chàng trai trẻ thẳng thắn đề cập đến vấn đề này đầu những năm 1920 là vô tiền khoáng hậu. Ông đã trực tiếp đề cập đến những chủ đề được coi là nhạy cảm thời bấy giờ như quan hệ trai gái, vợ chồng, giáo dục, nam nữ bình đẳng, bàn về chữ trinh, tự do hôn nhân, tự lực tự cường.

Tiêu biểu như để phản bác quan niệm cũ về chữ trinh, ông cho rằng: “Cái trinh như thế không ai giữ trọn, mà làm vậy lại chánh đạo lý, vì trai gái là âm dương tương hiệp đặng tương sanh, là cái nguồn biến hóa của trời đất” hay “Trai cũng là người, gái cũng là người, vì sao một phần gái giữ được trinh, mà cả thảy trai đều chẳng giữ được? Ấy chẳng qua bọn gái, từ bé chí lớn, đều lấy chữ trinh làm trọng, còn trai thì không thế, không ai dạy bảo phải thế”.

Hay nói về tự do hôn nhân, Đặng Văn Bảy khuyên: “Cha mẹ hãy để con chọn lựa vợ lấy nó, mà muốn để nó tự quyền chọn lựa, trước phải làm sao dạy nó cho nó biết chọn lựa xứng đáng”. Đề cập đến quan hệ vợ chồng, với ông Bảy không chỉ là nguyên tắc bình đẳng mà còn phải dựa trên nguyên tắc hạnh phúc, vợ chồng phải khoan dung, yêu thương nhau: “Đạo vợ chồng chẳng những phải dùng cái lễ nghĩa đãi nhau mà thôi, lại còn phải biết bình tâm xét đoán cho nhau lúc giận hờn, chước lượng châm chế cho nhau khi lầm lỗi”.

Nhìn chung, khi nói về nam nữ bình quyền, Đặng Văn Bảy không chỉ nhằm bảo vệ người con gái, con dâu, người vợ, người đàn bà, mà ông thực sự đấu tranh cho quyền làm dân, quyền làm người, quyền được sống tự do, bình đẳng, hạnh phúc của cả nam lẫn nữ. Với “Nam nữ bình quyền”, ông Bảy mang đến một cái nhìn mới về xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20, nơi có những tư tưởng tiến bộ, vượt xa bối cảnh lịch sử và tinh thần thời đại như ông, giúp dân chúng có cái nhìn cởi mở hơn về nữ quyền.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận