Liệu đàn ông có thể trở thành nhà hoạt động nữ quyền hay không?
Việc trở thành nhà nữ quyền có khiến một người đàn ông bớt “nam tính” đi?
Tại sao bạn cần phải trở thành một nhà nữ quyền nam trong khi giới tính của bạn không liên quan gì đến tên gọi của phong trào?
Đó là những thắc mắc rất “thường tình” khi còn tồn tại quá nhiều hiểu lầm về phong trào nữ quyền. Không ít lần, trong cuộc sống và trên mạng xã hội, chúng ta bắt gặp những người đánh đồng nữ quyền với làn sóng thù ghét đàn ông. Và (vì thế cũng dễ hiểu) tồn tại những quy chụp, một người đàn ông “thực thụ” sẽ không bao giờ ủng hộ nữ quyền.
Sự thật chứng minh điều ngược lại. Từ những ngày đầu tiên của phong trào, đã luôn có những người đàn ông trên thế giới tự hào gắn mình với mục tiêu của nữ quyền và nhận ra rằng điều này không mâu thuẫn với bản sắc nam tính của họ. Những người đàn ông này nhận ra rằng, chủ nghĩa nữ quyền không nuôi dưỡng hay gia tăng sự thù ghét đàn ông, mà thay vào đó là đả phá những cấu trúc xã hội đàn áp và giới hạn quyền của phụ nữ, điển hình là chế độ phụ quyền.
Quan điểm của các nhà nữ quyền nam dưới đây sẽ chứng minh cho bạn thấy quyết định gọi mình là một nhà nữ quyền hoàn toàn không liên quan đến giới tính của bạn. Đó chỉ đơn giản là niềm tin của bạn vào sự bình đẳng.
Nhà toán học, triết học người Pháp Marquis de Condorcet (1743-1794)
Một trong những người đàn ông đầu tiên có đóng góp quan trọng cho cuộc đấu tranh vì quyền phụ nữ là Marquis de Condorcet. Condorcet là một nhà toán học và triết học người Pháp nổi tiếng thời kỳ Khai sáng với sự ủng hộ triệt để lúc bấy giờ của ông đối với tự do kinh tế, khoan dung tôn giáo, cải cách luật pháp và giáo dục, bãi bỏ chế độ nô lệ và – rất bất thường ở thời đại của ông – quyền bình đẳng cho phụ nữ, bao gồm quyền bầu cử của phụ nữ.
Ông bác bỏ định kiến phổ biến (ngay cả trong các nhà tư tưởng “Khai sáng”) rằng phụ nữ kém hơn nam giới về mặt trí tuệ. Trong tiểu luận “Về sự chấp nhận quyền công dân của phụ nữ” (On the Admission of Women to the Rights of Citizenship, 1790), Condorcet đã phản biện về những giả định được chấp nhận rộng rãi rằng các quyền tự nhiên của nam giới là dựa trên năng lực lý trí của họ, cũng như đưa ra các luân lý logic rằng phụ nữ cũng cần có các quyền tương đương:
“Các quyền của đàn ông hoàn toàn xuất phát từ thực tế rằng họ là những sinh vật có tri giác, có khả năng tiếp thu các ý tưởng đạo đức và suy nghĩ một cách thông suốt về chúng. Vì phụ nữ cũng có những phẩm chất tương tự nên họ nhất thiết cần có những quyền như đàn ông. Hoặc là không một thành viên nào của loài người có bất cứ quyền thực sự nào, hoặc tất cả chúng ta đều có những quyền giống nhau; và bất kỳ ai bỏ phiếu chống lại quyền của người khác, bất kể tôn giáo, màu da hay giới tính, sẽ tự động từ bỏ quyền của mình.”
Nhà triết học, nhà cải cách xã hội người Anh Jeremy Bentham (1748-1832)
Trong “Bộ luật Hiến pháp” (Constitutional Code, 1827), Bentham đã bày tỏ sự bất mãn của mình: “Tại sao lại loại trừ toàn bộ nữ giới ra khỏi sự tham gia thiết lập quyền lực? Bởi vì định kiến về sự tham gia của phụ nữ hiện nay là quá phổ quát và quá gay gắt nên không thể tạo ra bất kỳ cơ hội nào có lợi cho việc đề xuất sự tham gia của họ”.
Bentham cũng lập luận mặc dù ông tin rằng cuộc sống hôn nhân là trạng thái ‘tự nhiên’ nhất của mọi thứ, nhưng bị mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân không tình yêu hoặc bị lạm dụng là điều đáng sợ và phụ nữ nên có quyền ly hôn (hoặc giải tán một cuộc hôn nhân như cách mà nó từng được gọi) nếu họ muốn:
“Sống dưới quyền thường trực của người đàn ông mà ta ghê tởm đã là một loài nô lệ: bị kìm kẹp để nhận được sự ôm ấp của anh ta là một nỗi thống khổ quá lớn để có thể chịu đựng ngay cả trong tình trạng nô lệ”.
Nhà cải cách xã hội, nhà hùng biện, nhà văn người Mỹ Frederick Douglass (1818-1895)
Frederick Douglass là một người theo chủ nghĩa bãi nô và đồng minh của phong trào nữ quyền thế kỷ 19 – thời đại mà “quyền của phụ nữ” là một cụm từ dễ bị chê cười hơn là được lắng nghe.
Douglass hoạt động tích cực trong Hiệp hội Chống nô lệ miền Tây New York và chính nhờ tổ chức này, ông đã gặp Elizabeth M’Clintock. Vào tháng 7/1848, M’Clintock mời Douglass tham dự Công ước đầu tiên về Quyền của Phụ nữ tại Seneca Falls (New York), Douglass đã nhận lời mà không một chút chần chừ.
Trong một số báo North Star được xuất bản ngay sau hội nghị, Douglass đã viết:
“Đối với các quyền chính trị, chúng tôi cho rằng phụ nữ được hưởng một cách chính đáng tất cả những gì chúng tôi yêu cầu đối với đàn ông. Chúng tôi đi xa hơn và bày tỏ niềm tin rằng tất cả các quyền chính trị mà nam giới cần thực hiện thì phụ nữ cũng bình đẳng như vậy. Tất cả những gì phân biệt đàn ông như một sinh vật thông minh và có trách nhiệm đều đúng với phụ nữ.
Và nếu chính phủ đó là chính phủ được quản lý bởi ý chí tự nguyện của người được quản lý, thì không có lý do gì trên đời lại từ chối quyền bầu cử của phụ nữ cũng như sự tham gia xây dựng và quản lý luật pháp đất nước của họ. Học thuyết của chúng tôi là ‘Quyền không có giới tính’.”
Triết gia, nhà kinh tế chính trị người Anh John Stuart Mill (1806-1873)
Trong khi Douglass đang tích cực thúc đẩy quyền bầu cử của phụ nữ tại Mỹ, John Stuart Mill cũng đồng thời tiến hành những nỗ lực đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ tại Anh.
Cùng với vợ là Harriet Taylor Mill (1807-1858), một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ nổi tiếng thời kỳ đầu, ông đã viết một bài tiểu luận vào năm 1861 có tên “Sự nô dịch của phụ nữ” (The Subjection of Women). Trong đó họ viết:
“Nguyên tắc điều chỉnh những mối quan hệ xã hội đang tồn tại giữa hai giới – sự phục tùng chính thức của giới này trước giới khác – tự thân nó là sai và hiện đang là một trong những trở ngại chính cho tiến bộ của nhân loại; và nó cần được thay thế bằng một nguyên tắc về sự bình đẳng hoàn hảo, không chấp nhận quyền lực hay ưu thế thiên về một bên, hay đẩy sự bất lợi về bên kia.”
Nhà hoạt động nữ quyền cấp tiến, tác giả và biên tập viên tạp chí người Mỹ John Stoltenberg (sinh năm 1944)
Một đại diện khác của phong trào là John Stoltenberg, người có một thời điểm đã kết hôn với nhà tư tưởng nữ quyền nổi tiếng Andrea Dworkin (1946-2005). Stoltenberg thành lập nhóm Men Can Stop Rape vào năm 1987, nhưng ông có lẽ được nhiều người biết đến nhất qua những tác phẩm học thuật của mình, đặc biệt là cuốn sách năm 1989 mang tên “Không chấp nhận làm đàn ông” (Refusing to Be a Man).
“Dương vật, xuất tinh, tuyến tiền liệt xuất hiện trong tự nhiên. Nhưng ý niệm rằng những đặc điểm giải phẫu này bao hàm một giới – một tầng lớp độc lập, riêng biệt, không thể nhầm lẫn và có thể phân chia siêu hình với một số giới ‘khác’ chỉ đơn giản là một ý niệm, một ý tưởng. Dương vật tồn tại (nhờ tự nhiên) nhưng nam giới thì không. Nam giới là một cấu trúc xã hội.
Nó là một thực thể chính trị chỉ phát triển mạnh mẽ thông qua các hành động vũ lực và khủng bố tình dục. […] Hiểu đơn giản là tính cá nhân của chúng ta không nhất thiết phải ẩn náu trong một phạm trù hoàn toàn hư cấu – một phạm trù có vẻ chỉ có thực đối với những người thuộc về nó và những người khác thì bị coi thường.”
Và ông cho rằng, đàn ông nhất thiết phải nhận lấy trách nhiệm tạo ra một hình thái nam tính bớt độc hại đi, dựa trên sự tôn trọng, thay vì sự thù ghét phụ nữ.
Giáo sư ngành Báo chí người Mỹ Robert Jensen (sinh năm 1958)
Trong cuốn sách “Hồi kết của phụ quyền: Chủ nghĩa nữ quyền cấp tiến cho đàn ông” (The End of Patriarchy: Radical Feminism for Men), Jensen trình bày những cách thức mà đàn ông có thể trở thành đồng minh, mô tả nữ quyền như một món quà dành cho đàn ông, và nó là cách thuyết phục nhất để hiểu về tình dục, giới tính và văn hóa.
Ông cũng chỉ ra các quy tắc phụ quyền đang chi phối chúng ta ra sao, đang làm hại loài người và hành tinh chúng ta đang sống thế nào: “Chủ nghĩa nữ quyền vẫn là một phần quan trọng của bất kỳ chương trình nào vì công bằng xã hội ngày nay, đó là lý do tại sao các lực lượng của chế độ phụ hệ cố gắng loại bỏ hoặc trừ khử các ý tưởng nữ quyền.”
Robert từng thực hiện một bài nói trên chương trình TED Talks với thông điệp “Nữ quyền triệt để là món quà dành cho đàn ông”. Các bạn có thể theo dõi tại link dưới đây: Robert Jensen: Radical feminism is a gift to men | TED Talk
Diễn viên, nhà làm phim Bollywood Farhan Akhtar (sinh năm 1974)
Năm 2012, khi Ấn Độ chao đảo bởi hàng loạt vụ hiếp dâm, giết người một cách man rợ nhắm vào phụ nữ, Farhan đã phát động chiến dịch Men Against Rape and Discrimination (MARD) tiếp cận đến các nam thanh niên và các chàng trai, giúp mọi người suy nghĩ tích cực hơn, để trao quyền cho phụ nữ ở Ấn Độ và nhấn mạnh nhu cầu về bình đẳng giới. Với những đóng góp nhiệt thành dành cho nữ quyền, năm 2014, Farhan được bổ nhiệm làm Đại sứ Liên hợp quốc Phụ nữ khu vực Nam Á.
Trong một bài phỏng vấn năm 2019, Farhan chia sẻ: “Lúc đầu, rất nhiều người ngạc nhiên và thắc mắc những câu như ‘Tại sao một người đàn ông cần phải làm những gì mà tôi đang làm?’. Việc bạn gọi mình là một nhà nữ quyền đã luôn là một điều gây kinh ngạc đối với một số nhóm nhất định. Tôi đoán là họ cho rằng việc tôi làm chỉ là phản ứng nhất thời trước một sự việc và tôi đang, hoặc có thể sẽ không nghiêm túc với những việc này nữa, tôi sẽ không duy trì những nỗ lực này khi thời gian qua đi.
Nhưng đến giờ đã là 7 năm và chúng tôi vẫn đang làm việc không ngừng nghỉ năm này qua năm khác, làm tất cả những gì trong khả năng của mình. Và ở thời điểm hiện tại, thái độ của mọi người đã chuyển sang ủng hộ nhiều hơn là chỉ trích.”
Bạn có thể theo dõi thêm các chia sẻ của Farhan Akhtar tại đây: Farhan Akhtar Talks Feminism – YouTube
Nhà làm phim tài liệu người Mỹ Byron Hurt (sinh năm 1969)
Byron Hurt nổi tiếng với tác phẩm Hip-Hop: Beyond Beats and Rhymes – một bộ phim triển khai góc nhìn về sự nam tính và kỳ thị nữ giới trong lĩnh vực âm nhạc.
Đây là tác phẩm đầu tiên của ông tham gia vào hoạt động chống phân biệt giới tính sau khi tốt nghiệp đại học và làm việc tại chương trình Cố vấn Phòng chống Bạo lực (Mentors in Violence Prevention) – một chương trình do nhà hoạt động xã hội Jackson Katz khởi xướng, hướng tới việc giáo dục thanh niên trung học và đại học về phòng chống bạo lực giới – một trải nghiệm giúp Byron được mở mang tầm mắt và đánh dấu việc ông chính thức gắn mình với chủ nghĩa nữ quyền.
Trong bài luận năm 2011 cho The Root, Byron đã đưa ra lý do tại sao nên có thêm nhiều hơn đàn ông da đen ủng hộ chủ nghĩa nữ quyền: “Nữ quyền không chỉ mang lại tiếng nói cho phụ nữ mà còn mở đường cho nam giới giải phóng bản thân khỏi sự kìm kẹp của chuẩn mực nam tính truyền thống.”
Ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, nhà sản xuất phim và nhà từ thiện người Mỹ John Legend (sinh năm 1978)
Tại một cuộc họp báo ở London được tổ chức bởi Chime for Change – một chiến dịch của Gucci tập trung vào việc thúc đẩy giáo dục và công bằng xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới – John Legend đã tuyên bố:
“Tất cả nam giới nên là nhà nữ quyền. Nếu đàn ông quan tâm đến quyền của phụ nữ, thế giới sẽ là một nơi tốt đẹp hơn. Chúng ta đều được hưởng lợi khi phụ nữ được trao quyền, bởi điều đó tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn”. Ở những chia sẻ sau đó, nam nghệ sĩ đề cập đến việc anh ngưỡng mộ thay vì sợ hãi những người phụ nữ quyết đoán: “Tôi không bị đe dọa bởi những người phụ nữ mạnh mẽ”.
Những nỗ lực của John vì quyền phụ nữ xuất phát từ tình yêu thương mà anh dành cho những người phụ nữ quanh mình: người bà đáng kính là nhạc công organ đã dạy John chơi nhạc và biểu diễn tự tin trước đám đông, người mẹ là cảm hứng cho John về tầm quan trọng của giáo dục đã phải chống chọi với tình trạng trầm cảm và nghiện thuốc sau cái chết của bà anh, người bạn đời mạnh mẽ và ấm áp Chrissy Teigen và cô con gái nhỏ Luna.
Năm 2007, anh xây dựng Show Me Campaign – một tổ chức hướng đến phá vỡ vòng luẩn quẩn nghèo đói và chỉ ra những vấn đề có tính hệ thống trong hệ thống tư pháp hình sự của nước Mỹ.
“Chúng tôi tới thăm những nhóm nữ phạm nhân trên khắp đất nước. Rất nhiều người trong số họ đang phải chống chọi với các vấn đề tinh thần và chứng nghiện thuốc. Nhưng đồng thời, họ cũng là những người mẹ, họ có những đứa con ở bên ngoài. Chia cách là một sự trừng phạt đối với họ cũng như cả gia đình.
Tôi biết điều đó là như thế nào vì tôi biết cách giúp mẹ mình vượt qua những trải nghiệm tương tự. Bà ấy đang cảm thấy rất tốt ở thời điểm hiện tại nhưng trong quá khứ, đã có những lúc chúng tôi không biết liệu bà ấy có thể vượt qua được hay không. Điều bà ấy cần là sự giúp đỡ chứ không phải sự trừng phạt.”
Xem thêm chia sẻ của John Legend về Nữ quyền tại đây: https://www.facebook.com/149107728530893/videos/1742437899197860
Nam diễn viên, nhà sản xuất phim, doanh nhân người Mỹ Joseph Gordon-Levitt (sinh năm 1981)
Anh chàng quen mặt với khán giả qua các tác phẩm đình đám như “10 Things I Hate About You” “500 Days of Summer” “Inception” “Looper”…, vào năm 2015, đã quay một video chia sẻ về việc trở thành một nhà nữ quyền và tháo gỡ những hiểu lầm về thuật ngữ này:
“Với tôi, nữ quyền đơn giản là giới tính không thể định nghĩa bạn là ai, điều gì bạn có thể làm hay bất cứ ai bạn muốn trở thành […] Tôi rất biết ơn những người đã nói rằng họ thấy thật tuyệt khi tôi gọi mình là một nhà nữ quyền. Cũng có rất nhiều người có xu hướng chống lại nữ quyền và hiểu nó theo những cách khác hẳn. […] Có những người cho rằng nữ quyền là chống lại đàn ông và phản đối phụ nữ làm những thứ mà từ lâu được cho là ‘vị trí của phụ nữ’ như ở nhà làm nội trợ và chăm sóc trẻ con.
Và còn có nhiều người nói rằng nữ quyền từng có ích trong quá khứ nhưng ở hiện tại thì không vì phụ nữ và đàn ông bây giờ đã bình đẳng rồi. Tôi không phải chuyên gia nhưng tôi nghĩ sự thật là điều ngược lại. Bạn có thể dễ dàng thấy các dẫn chứng về khoảng cách thu nhập giữa đàn ông và phụ nữ, ít nhất là ở Hoa Kỳ, và đó chỉ là một trong rất nhiều những ví dụ. Vì thế, điều này là vô cùng phức tạp và đáng để chúng ta nói về.”
Thông qua công ty HitRecord mà Joseph là người đồng sáng lập, Joseph đã sản xuất một chương trình truyền hình nơi anh muốn cố gắng tạo ra những cuộc thảo luận cởi mở về các chủ đề khác nhau, bao gồm “Thế nào là một nhà nữ quyền” ở số “Your Mom”. Cảm hứng cho số “Your Mom” đến từ mẹ của Joseph – người đầu tiên nói với anh nữ quyền là gì. Bà cũng là người đã đóng góp rất nhiệt thành cho làn sóng nữ quyền thứ hai ở giai đoạn 1960-1970.
Xem thêm những chia sẻ của Joseph Gordon-Levitt tại đây: RE: Feminism (REQUEST) – YouTube