Chúng ta đã đạt được những tiến bộ đáng kể ở những năm gần đây trong việc thúc đẩy vị thế và quyền của phụ nữ trên toàn quốc. Chỉ riêng trong thập kỷ qua, Việt Nam đã công bố các mục tiêu chiến lược và khung pháp lý đầu tiên để thúc đẩy tiến độ hướng tới bình đẳng trong lãnh đạo và kinh tế, cũng như giải quyết tình trạng bạo lực trên cơ sở giới.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận, các chương trình thúc đẩy bình đẳng giới đang chỉ chú trọng đến việc trao quyền cho phụ nữ và bỏ quên những áp lực của đàn ông.
Nam giới vẫn thường bị bỏ mặc trong tình cảnh phải tiếp nhận những thông điệp cổ xúy “chuẩn mực nam tính” là phải luôn mạnh mẽ, phải trở thành một người “đàn ông đích thực” với rất nhiều gánh nặng trên vai; đồng thời luôn trở thành đối tượng bị chê trách, lên án vì gây ra những áp lực cho nữ giới. Song thực tế là, nam giới, hay thậm chí những người đàn ông “alpha” cũng chính là nạn nhân của định kiến giới.
Điều này đặt ra yêu cầu chúng ta phải tìm hiểu rõ những ngọn nguồn xem quá trình “kiến tạo nam tính” có vấn đề gì. Cùng theo dõi những thông tin dưới đây của Nhà Nhiều Cột ngay thôi nào!
#MenSuppression #MenSpeakOut
NAM GIỚI CÓ NHỮNG ÁP LỰC GÌ?
Trong một cấu trúc xã hội trọng nam, chúng ta ngỡ tưởng rằng làm đàn ông hẳn sẽ dễ dàng và bớt áp lực hơn. Nguyên nhân là bởi nam giới được ưu tiên hơn, có quyền lực đối với phụ nữ và xã hội vận hành để củng cố vai trò “rường cột” của họ trên mọi phương diện.
Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu “Nam giới và Nam tính trong một Việt Nam hội nhập” được công bố bởi Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội đã phác họa hình mẫu “người đàn ông đích thực” trong mắt của chính nam giới Việt Nam, qua đó cho thấy nam giới Việt Nam vẫn còn bị đè nặng bởi những chuẩn mực nam tính truyền thống.
Cụ thể, về sự nghiệp, người đàn ông đích thực phải nỗ lực để trở thành Đảng viên và có vị trí cao trong hệ thống nhà nước, ưu tiên cho công việc, trở thành người lãnh đạo hoặc làm các công việc chuyên môn.
Về năng lực và tính cách, người đàn ông đích thực phải mạnh mẽ, chấp nhận mạo hiểm, và có quan hệ xã hội rộng rãi. Về sinh lực, người đàn ông đích thực phải có khả năng tình dục cao và có nhiều kinh nghiệm tình ái, biết uống rượu bia và sẵn sàng sử dụng sức mạnh/bạo lực khi cần thiết để bảo vệ danh dự của mình.
Cuối cùng, về bổn phận đối với gia đình, người đàn ông Việt Nam đích thực phải là trụ cột của gia đình, lấy vợ, sinh con, nuôi sống gia đình và thờ cúng tổ tiên. Trong đó, vai trò “trụ cột gia đình” được nhấn mạnh là giá trị trọng tâm của một người đàn ông đích thực.
Không chỉ ở Việt Nam, tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, những định kiến xã hội đang gây áp lực cho đàn ông, bóp méo mối quan hệ của họ với bản thân và thế giới xung quanh. Một nghiên cứu từ Đại học Mở (Anh) liên kết với Promundo (tổ chức chuyên nghiên cứu về bình đẳng giới) cho thấy đàn ông đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực xuất phát từ kỳ vọng xã hội.
Theo kết quả khảo sát, có đến 72% nam giới ở độ tuổi từ 20-24 cho biết họ luôn được kỳ vọng phải mạnh mẽ, có kinh nghiệm trong chuyện chăn gối, dũng cảm và đặc biệt là phải thành công trong cuộc sống. Họ phải quyết đoán, không được kêu gọi sự giúp đỡ và phải giữ “cái đầu lạnh”, tránh biểu hiện cảm xúc ra ngoài.
Một cuộc khảo sát năm 2017 của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) nghiên cứu xem xét các thông điệp mà các chàng trai và đàn ông nhận được từ xã hội về ý nghĩa của việc “trở thành một người đàn ông thực thụ” đã nhận được sự quan tâm rất lớn. Hầu hết nam giới tham gia khảo sát cho biết đàn ông phải đối mặt với một số áp lực như mạnh mẽ về mặt cảm xúc (86%), hứng thú với thể thao (71%), sẵn sàng tung cú đấm nếu bị khiêu khích (57%).
Những chia sẻ nhỏ hơn nhưng đáng kể cho thấy nam giới phải đối mặt với ít nhất một số áp lực như phải tham gia khi những người đàn ông khác đang nói về phụ nữ một cách tục tĩu (45%) và cách để có nhiều bạn tình (40%).
NGUỒN GỐC NHỮNG ÁP LỰC CỦA NAM GIỚI
Các nghiên cứu về giới tính cho thấy, một số khác biệt giữa nam và nữ là dựa trên các yếu tố sinh học. Song, quá trình xã hội hóa mới thực sự là yếu tố áp đặt với những tác động đến từ ảnh hưởng của gia đình, trường lớp, tôn giáo, truyền thông và xã hội.
Những kỳ vọng nam tính được kiến tạo và củng cố trong các tầng sâu văn hóa coi trọng vai trò “trụ cột gia đình, rường cột quốc gia” của nam giới đã tồn tại như một lẽ phải, một lý tưởng chủ đạo trong xã hội. Từ bài học nam tính đầu tiên “Con trai phải mạnh mẽ, không được khóc”, nam giới lớn lên với việc hiểu rằng cảm xúc và nhu cầu chia sẻ sẽ khiến họ “lệch chuẩn” so với kỳ vọng nam tính và tự đặt mình dưới nguy cơ bị khước từ bởi xã hội.
Việc “ngó lơ” cảm xúc và gồng mình sống cho trọn vẹn hai chữ “nam tính” trở thành thước đo giá trị của một người đàn ông. Nhưng chúng ta đã lầm. “Nam tính” không phải biểu hiện sinh học, hay nói cách khác không phải là thứ sinh ra đã có ở người nam; mà thực chất là một kiến tạo xã hội, là những kỳ vọng về mặt hành xử, lối sống mà xã hội đặt lên một người ngay từ lúc mới lọt lòng.
Nam tính là mô hình cụ thể của các hành vi hoặc thực hành xã hội gắn liền với những lý tưởng về cách đàn ông nên cư xử và vị trí của họ trong quan hệ giới. Nam tính là một khái niệm quan hệ, được định nghĩa đối lập với nữ tính và kỳ vọng về cách phụ nữ nên cư xử. Cũng như nữ tính, có nhiều loại nam tính khác nhau, chúng thay đổi theo thời gian và theo các bối cảnh riêng biệt. (Connell, 2002)
Một người sinh ra với cơ thể nam chưa chắc đã nam tính. Và một người sinh ra với cơ thể nữ cũng chưa chắc sẽ nữ tính. Nam tính hay nữ tính không phải là đặc tính bẩm sinh hay tự nhiên, mà là những khái niệm hình thành từ văn hóa.
Trong cuốn “Understanding Men: Gender Sociology and the New International Research on Masculinities”, nhà xã hội học người Úc R.W.Connell đã trình bày rõ sự xáo trộn văn hóa và vị trí của nam giới trong thập niên 90 đã tạo động lực thúc đẩy các công trình khoa học xã hội về nam tính đã được đẩy mạnh kể từ giữa những năm 1980.
“Nhận thức rằng ‘nam tính’ được xây dựng về mặt xã hội từ thời kỳ đầu của phân tâm học, và trong khoa học xã hội lần đầu tiên hình thành một khái niệm tâm lý xã hội ‘vai trò giới tính nam’. Cách tiếp cận ‘vai trò’ nhấn mạnh việc học các chuẩn mực về hạnh kiểm đã được phổ biến trong các lĩnh vực áp dụng như giáo dục và y tế. Nhưng lý thuyết vai trò giới tính không đủ để hiểu sự đa dạng của các kiểu nam tính cũng như để hiểu quyền lực và các khía cạnh kinh tế trong giới (Connell 1987).
Theo đó, nghiên cứu gần đây về nam giới và nam tính đã vượt ra ngoài những điều trừu tượng của cách tiếp cận ‘vai trò giới tính’ để xem xét cụ thể hơn về cách các mô hình giới được xây dựng và thực hành.
Các nhà sử học và nhân chủng học cho thấy rằng không có một khuôn mẫu nam tính nào được chấp nhận ở mọi nơi. Mỗi nền văn hóa khác nhau ở các giai đoạn lịch sử khác nhau sẽ hình thành kiểu nam tính khác nhau. Ví dụ, một số nền văn hóa coi binh lính là anh hùng, và nhìn nhận bạo lực là thử thách cuối cùng của nam tính; một số nền văn hóa lại coi thường sự phục tùng của người lính và cho rằng bạo lực là điều đáng khinh.
Một số nền văn hóa coi quan hệ tình dục đồng giới không tương thích với nam tính thực sự; ngược lại, có những người cho rằng không ai có thể là một người đàn ông thực sự nếu không có quan hệ đồng giới. Điều này dẫn đến việc trong các xã hội văn hóa quy mô lớn, có thể có nhiều định nghĩa về nam tính. Nghiên cứu xã hội học cho thấy điều này là đúng.
Ví dụ, có sự khác biệt trong biểu hiện nam tính giữa đàn ông Latinh và đàn ông Anglo ở Hoa Kỳ; giữa các chàng trai Hy Lạp, Lebanon và Anglo ở Úc. Ý nghĩa của nam tính trong cuộc sống của tầng lớp lao động khác với ý nghĩa ở tầng lớp trung lưu, chưa kể ở những người rất giàu và rất nghèo.”
Chia sẻ chung vấn đề nghiên cứu với Connell, Michael Kimmel, Giáo sư Xã hội học tại Đại học Stony Brook, lập luận: “Đàn ông được tạo ra chứ không phải được sinh ra. Nam tính không phải được hình thành từ cấu tạo sinh học mà nó được tạo ra trong nền văn hóa của chúng ta.” Giáo sư Kimmel bổ sung, rằng nó được gọi là “các kiểu nam tính” (masculinities, số nhiều) để thừa nhận rằng “có nhiều hơn một cách để trở thành một người đàn ông”.
Tóm lại, nhân dạng nam giới được xã hội định hình thông qua một quá trình tương tác văn hóa phức tạp, trong đó nam giới học hỏi các kịch bản giới phù hợp với nền văn hóa của mình và họ điều chỉnh theo những kịch bản đó để được chấp nhận. Nam giới không chỉ khác biệt với phụ nữ và các giới khác, mà chính họ còn khác nhau bởi vì nhân dạng của họ được kiến tạo từ tương tác của yếu tố giới và các chiều cạnh khác như nhân khẩu học, kinh tế-xã hội, văn hóa và chính trị.
Do vậy, trải nghiệm nam tính là không đồng nhất và không phổ quát cho mọi nam giới trong xã hội. Các nhóm nam giới khác nhau trải nghiệm và thực hành các phiên bản nam tính khác nhau, và sự khác nhau giữa các phiên bản có thể rất lớn, nó phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế-xã hội và chính trị của nơi họ sống, phụ thuộc vào các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời của họ.
Tuy nhiên, cũng như ở nhiều xã hội gia trưởng khác, tại Việt Nam, nam giới nhìn chung vẫn là người nắm giữ quyền lực thì mô hình nam tính gương mẫu là sự tương thích của bản lĩnh đàn ông với sự thống trị, cứng rắn, chấp nhận rủi ro, ưa thích cạnh tranh.
Thậm chí, ở một bộ phận nam giới có xu hướng thực hành các đặc điểm của tính nam độc hại như phải luôn mạnh mẽ, không được khóc hay tỏ ra sợ hãi, phải che giấu cảm xúc. Họ phải biết dùng nắm đấm của mình để thể hiện sức mạnh, phải biết chút bia rượu, thân thể phải vạm vỡ, phải có râu và từ chối tất cả những gì đi ngược lại với sự nam tính.
Ngoài ra tính nam độc hại còn khuyến khích mở rộng quyền lực, ham muốn thống trị, cảm xúc tức giận, hành động luôn phải cương quyết cùng sự tuyệt đối bài trừ những gì liên quan đến tính nữ.
NHỮNG CON SỐ KHIẾN BẠN KINH NGẠC
Mặc dù có những khía cạnh của chuẩn mực nam tính không hoàn toàn tiêu cực và độc hại, nhưng sự cứng nhắc của định nghĩa về nam tính có thể gây ra rắc rối lớn.
Theo thống kê của Văn phòng Liên Hợp Quốc về phòng chống Ma túy và Tội phạm, 78.7% nạn nhân và 96% thủ phạm trong các vụ giết người là nam giới. Một trong số các nguyên nhân là vì những áp đặt về sự nam tính đã vô tình khuyến khích nam giới phát triển các xung lực gây hấn.
Ngoài ra, mặc dù nữ giới thường có suy nghĩ về tự sát hơn nam giới, tỷ lệ tự tử ở nam giới vẫn cao hơn gấp 3 lần. Nam giới thường ít tìm kiếm sự giúp đỡ khi có vấn đề về sức khỏe tâm thần chẳng hạn như rối loạn lo âu và trầm cảm, vì sợ bị đánh giá là yếu đuối. Các dấu hiệu nhận biết cũng không rõ ràng do nam giới không được khuyến khích trong việc bày tỏ cảm xúc.
Việc bị cản trở trong việc giải tỏa cảm xúc khiến nam giới tìm đến những cách giải tỏa không lành mạnh như lạm dụng rượu bia và chất kích thích. Có đến 44,2% nam giới Việt Nam sử dụng rượu ở mức nguy hại (số liệu năm 2015, tăng gần gấp đôi sau 5 năm từ con số 25,1% ở năm 2010). Bên cạnh đó, theo số liệu của Trung tâm Giám sát Châu Âu về Ma túy và Nghiện Ma túy, nam giới nghiện rượu bia gấp 2 lần và nghiện ma túy gấp 3 lần so với nữ giới.
Thomas Haller, nhà trị liệu tâm lý và tác giả của “Phá vỡ tính nam độc hại” (Dissolving Toxic Masculinity), giải thích rằng sự cứng nhắc về tiêu chuẩn nam tính khiến đàn ông chỉ được thể hiện một phần của bản thân ra bên ngoài. Do đó, đàn ông không được đón nhận như một con người trọn vẹn, có khả năng yêu thương, dịu dàng và thấu hiểu.
Haller nói: “Tính nam độc hại khiến đàn ông nghĩ rằng chỉ có một con đường duy nhất để tồn tại. Bạn phải mạnh mẽ, mạnh mẽ không ngừng và không bao giờ được bộc lộ cảm xúc. Nhưng cùng với đó, chúng ta đánh mất sự đa dạng và phong phú khi là nam giới.”
BÌNH ĐẲNG GIỚI THỰC CHẤT LÀ NỖ LỰC “BÓP MỀM ĐÀN ÔNG”?
Đó là một trong những lập luận phản bác phổ biến của những người phản đối bình đẳng giới hiện nay. Họ cho rằng bình đẳng giới thực chất là những nỗ lực đẩy đàn ông vào bếp và biến họ trở thành những kẻ “ái nam” “nữ tính” và “yếu đuối”.
Hãy thử quan sát vượt ra khỏi biên giới Việt Nam một chút xem sao. Iceland vinh dự là quốc gia dẫn đầu trong Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới suốt một thập niên (2009-2017). Trong những cuộc bàn luận phổ biến, mọi người đều nói Iceland hẳn là vùng đất tuyệt vời dành cho phụ nữ.
Tuy nhiên, báo cáo vẫn chưa đầy đủ khi đã không đề cập rằng Iceland còn là một nơi tuyệt vời như thế nào đối với nam giới. Trên thực tế, đàn ông Iceland có tuổi thọ cao nhất ở châu Âu. Nếu tuổi thọ cũng là một tiêu chí để đánh giá mức độ hạnh phúc thì hẳn đàn ông Iceland đang có một cuộc sống rất tốt.
Vậy Iceland đã làm gì để đạt được vị trí ấy? Iceland đã đưa ra một mô hình có thể được áp dụng rộng rãi ở những nơi khác trên thế giới. Đó là bình đẳng giới. Nó cho thấy rằng việc thay đổi quan niệm của nam giới về ý nghĩa thực sự của việc trở thành một người đàn ông và đồng thời nâng cao vị thế của người phụ nữ sẽ đem tới những lợi ích sâu rộng cho chất lượng cuộc sống của họ.
Việc thực hành bình đẳng giới đem lại lợi ích sức khỏe cho nam giới không chỉ thể hiện rõ ở Iceland. Cần lưu ý rằng, các nước Bắc u chiếm 4/5 vị trí hàng đầu của chỉ số trong năm 2017. Và tại các quốc gia này, nam giới cũng có xu hướng khỏe mạnh hơn. Đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Các nước Bắc Âu đều là những quốc gia có phúc lợi và sự ủng hộ cao đối với các chính sách xã hội phổ cập, và những chính sách đó là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng vị trí xã hội cho phụ nữ.
Theo nghiên cứu của nhà xã hội học, chuyên gia nghiên cứu nam giới Oystein Gullvag Holter (Na Uy), có mối tương quan trực tiếp giữa tình trạng bình đẳng giới ở một số quốc gia và chỉ số hạnh phúc của nam giới được đo lường bằng các yếu tố như phúc lợi, sức khỏe tâm thần, khả năng sinh sản và tỉ lệ tự tử. Nam giới (và nữ giới) ở các quốc gia có chỉ số bình đẳng giới cao ở châu u ít có nguy cơ ly hôn, trầm cảm hoặc tử vong do bạo lực.
Nghiên cứu từng chỉ ra phụ nữ thường sống lâu hơn nam giới vì một số lợi thế sinh học khiến họ dẻo dai hơn và mang lại cho họ sức chịu đựng cao hơn. Nhưng đó không phải là yếu tố gây ảnh hưởng tổng thể. Nguyên nhân chính yếu dẫn tới khoảng cách tuổi thọ này là cái mà các nhà khoa học gọi là bệnh do con người gây ra.
Cách hành xử của chúng ta, quan niệm của chúng ta về công việc, về xã hội và các mối quan hệ, về những thực hành trong đời sống hàng ngày luôn đồng thời tác động lên tâm trí, tinh thần, sức khỏe của chính mình. Cụ thể, nam giới thường thực hành các hành vi nguy cơ như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, thực hiện các hành vi có tính mạo hiểm và gặp tai nạn tại nơi làm việc.
Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới chỉ ra ba lý do khiến đàn ông không sống lâu: cách làm việc của đàn ông (họ chịu đựng “việc tiếp xúc với các mối nguy vật lý và hóa học” nhiều hơn), sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro (bởi “các tiêu chuẩn mạo hiểm và dũng cảm của nam giới”) và sự khó chịu của họ với bác sĩ (họ “ít có khả năng đến gặp bác sĩ khi bị ốm và khi gặp bác sĩ, họ ít có khả năng thông báo về các triệu chứng của bệnh tật”).
80% nạn nhân chết đuối là nam giới, mặc dù kỹ năng dưới nước của họ tương đương với phụ nữ, vì họ ít mặc áo phao hơn và nhiều khả năng là do đánh giá quá cao khả năng bơi lội của mình cũng như sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn.
Như vậy, thúc đẩy bình đẳng giới chỉ từ một phía là trao quyền cho phụ nữ sẽ là không đủ nếu chúng ta không nghiêm túc nhìn nhận và hành động trong việc xóa bỏ những ảo tưởng về nam tính tồn tại lâu nay trong xã hội.
Ví dụ, khi các nhà nghiên cứu kiểm soát các hành vi không lành mạnh như hút thuốc hoặc uống rượu, họ phát hiện ra rằng những người đàn ông kiếm được ít tiền hơn vợ trong một thời gian dài vẫn gặp kết quả sức khỏe kém hơn, tuổi thọ ngắn hơn và tăng nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch như tiểu đường, bệnh tim, cholesterol cao, tăng huyết áp và đột quỵ.
Các nhà nghiên cứu tin rằng những người đàn ông này vẫn vô cùng ám ảnh và suy sụp khi mất cảm giác kết nối với danh tính của họ là trụ cột gia đình. Vi phạm quy tắc về nam tính được lý tưởng hóa có thể là một điểm gây căng thẳng cho nam giới đến mức nó làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của họ.
HƯỚNG ĐI NÀO ĐỂ GIẢI QUYẾT NHỮNG ÁP LỰC CỦA NAM GIỚI
Áp lực xã hội, kỳ vọng từ gia đình, bạn bè và đối tác, ảnh hưởng từ tôn giáo và truyền thông có thể là gánh nặng đối với một người nam đang tìm kiếm bản sắc nam tính của riêng mình.
Mặc dù một số nhóm xã hội, chính trị hoặc tôn giáo có thể cung cấp một bộ hướng dẫn cho một hình mẫu nam tính lành mạnh, các chuyên gia cho rằng tốt hơn hết mỗi cá nhân nên tuân theo định nghĩa “nam tính” của riêng họ, miễn là nó không gây hại cho bản thân hoặc người khác.
Song, điều này không có nghĩa là phải từ bỏ tất cả đặc điểm nam tính truyền thống. Những đặc điểm của một mô hình nam tính nếu được đa dạng và linh hoạt hơn sẽ là một “cánh cửa mở” giải thoát nam giới khỏi những gánh nặng. Một định nghĩa mới về sự nam tính có thể bao gồm những trải nghiệm tổng thể, chẳng hạn như: trải nghiệm một cách cởi mở nhiều loại cảm xúc, sự phụ thuộc lẫn nhau, sự hợp tác, tốt bụng và sự mềm mại…
Hãy bắt đầu từ giai đoạn thơ ấu, người lớn hãy khuyến khích các bé trai chia sẻ về những gì các con đang thực sự cảm nhận, học cách thành thật thay vì ngược đãi cảm xúc của chính mình.
Thể hiện sự tôn trọng bằng cách nhìn nhận mỗi người là một cá nhân thay vì là một người đàn ông hay một người phụ nữ. Giới tính không quyết định năng lực hay giá trị của một con người.
Bản thân người đàn ông, hãy mở lòng và nhìn nhận khách quan hơn đối với những vai trò giới đang là gánh nặng cho thể chất và tinh thần của mình. Bằng cách nhận diện những khuôn mẫu giới, định kiến giới, bạn có thể dần dà học cách đối xử bao dung hơn với chính mình và người khác.
Nếu bàn cụ thể về vai trò “trụ cột gia đình, rường cột quốc gia”, đừng võ đoán, bởi nữ giới cũng là đối tác tín nhiệm của bạn đấy. Những dữ liệu cho thấy bình đẳng giới có thể làm giảm tỷ lệ nam giới tự tử, bởi vì việc trao quyền cho phụ nữ có thể bảo vệ nam giới khỏi những cú sốc kinh tế.
Nếu phụ nữ được học hành và có cơ hội làm việc, điều đó sẽ giảm bớt trách nhiệm tài chính đang đè nặng lên vai nam giới. Nghiên cứu của Holter chỉ ra rằng, các xã hội có mức độ bình đẳng giới thấp hơn là những xã hội có tỷ lệ nam giới tự tử cao nhất và ngược lại, tỷ lệ nam giới tự tử ít hơn ở các quốc gia có bình đẳng giới cao hơn.
Một nghiên cứu của các nhà xã hội học Aaron Reeves và David Stuckler cho thấy ở các quốc gia có mức độ bình đẳng giới cao, như Thụy Điển và Áo, “mối quan hệ giữa tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và tình trạng tự tử ở nam giới hoàn toàn biến mất”.