Những phê phán từ góc nhìn giới đối với truyện cổ tích

Picture of Nhà Nhiều Cột

Nhà Nhiều Cột

Chiến dịch #NhàNhiềuCột nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của người trẻ đối với các định kiến giới và thay đổi các sản phẩm quảng cáo nhằm hướng tới mục tiêu bình đẳng giới.

Năm 2020, trên diễn đàn dành cho cha mẹ nổi tiếng Trung Quốc Parentschat xuất hiện một bài viết có nội dung gây tranh cãi như sau:

“Những ngày dịch bệnh, tôi đã mua cho bọn trẻ ở nhà rất nhiều truyện cổ tích như: Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Công chúa hạt đậu, Nàng tiên cá… Thế nhưng khi lần đọc trở lại những câu chuyện này, tôi lại nhận thấy nó có nhiều điểm phi logic, thiếu thực tế và không phù hợp với trẻ nhỏ hiện tại.

Sau khi tìm kiếm trên internet, tôi nhận thấy nhiều cha mẹ cũng có cùng suy nghĩ như mình. Thậm chí một bà mẹ đã viết trên Weibo (mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc) rằng sẽ tuyệt đối không cho con mình đọc ‘Nàng tiên cá’ của Andersen.

‘Andersen là một người đàn ông viết truyện cổ tích nên nó rất phi logic và coi thường phụ nữ. Cái kết của truyện để nàng tiên cá kết liễu cuộc đời vì hoàng tử thật đáng sợ. Trẻ đọc chuyện này sẽ hiểu rằng làm điều tốt thường không có kết quả xứng đáng’, người mẹ thể hiện quan điểm và kêu gọi ‘Đừng dạy con bằng những chuyện cổ tích nữa’.”

Trước đó không lâu, một bà mẹ người Anh đã từng nộp đơn đến các trường ở nước này yêu cầu loại bỏ truyện “Người đẹp ngủ trong rừng” ra khỏi chương trình giảng dạy bởi cô cho rằng câu chuyện chứa những thông tin không phù hợp với trẻ nhỏ. “Tại sao công chúa lại đồng ý lấy một người xa lạ, lại hôn mình khi chưa được phép. Hành vi của hoàng tử có phải là đang quấy rối tình dục không?”, người mẹ ghi trong lá đơn.

Disney 1680x1120 1
Nụ hôn trong truyện “Nàng công chúa ngủ trong rừng” từng gây ra nhiều mâu thuẫn

Rất nhiều phụ huynh trên thế giới đã phản đối việc đọc truyện cổ tích cho trẻ nhỏ vì cho rằng thể loại văn học này chứa quá nhiều tình tiết phi lý, man rợ và cổ xúy định kiến giới.

CÁC NGHIÊN CỨU CHỈ RA ĐIỀU GÌ?

Nghiên cứu thực hiện bởi Janice McCabe, giáo sư Xã hội học tại Đại học Bang Florida, dựa trên gần 6000 đầu sách, truyện thiếu nhi xuất bản trong giai đoạn năm 1900-2000 cho thấy nhân vật chính là nam giới chiếm 57%, trong khi đó con số này đối với nữ giới là 31%. Nhân vật chính là loài vật giống đực trong truyện thiếu nhi chiếm 23% trong khi loài vật giống cái là nhân vật chính chỉ chiếm 7.5%.

Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em sẽ đồng nhất bản thân với những nhân vật cùng giới tính với mình trong các câu chuyện. Vì vậy, chênh lệch nam-nữ trong truyện cổ tích sẽ ngầm khiến trẻ hiểu rằng “phụ nữ và trẻ em gái nắm giữ những vai trò kém quan trọng hơn trong xã hội so với đàn ông và trẻ em trai”.

Báo cáo Drawing the Future năm 2017 của tổ chức Education and Employers chỉ ra rằng, nguyện vọng của trẻ em từ 7 tuổi đang được định hình bởi những định kiến giới về cơ hội công việc: bé trai sẽ theo đuổi những ngành nghề chuyên môn vốn được coi là “lãnh địa” của đàn ông như khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), trong khi đó, các bé gái quan tâm nhiều hơn đến những vai trò liên quan đến nuôi dưỡng và chăm sóc người khác.

5a27d88e0f3646519157919c3b1840d7
Các cô gái thường được xây dựng với hình tượng phụ thuộc trong khi con trai thường được mô tả là độc lập và có năng lực

Những câu chuyện cổ tích trong quá khứ đã khắc họa nữ giới theo những khuôn mẫu rất điển hình. Các cô gái thường được xây dựng với hình tượng ngọt ngào, ngây thơ, thụ động và phụ thuộc trong khi con trai thường được mô tả là mạnh mẽ, thích phiêu lưu, độc lập và có năng lực. Nếu nhân vật nữ đạt được thành tựu nào đó thì đó là do người khác đã giúp đỡ họ. Trong khi, các chàng trai thành công là do họ khôn khéo và kiên trì.

Nam giới trong truyện cổ tích hiếm khi được mô tả thông qua sự đa dạng cảm xúc (đặc biệt là buồn bã hay lo sợ), có sở thích/nghề nghiệp không theo khuôn mẫu nam giới hoặc ở những vai trò mà họ không phải cạnh tranh hay đáp ứng những kỳ vọng cao. Trong khi đó, các cô gái bị mắc kẹt trong hình tượng yểu điệu và thụ động.

Sách cho bé gái nhấn mạnh hơn vào việc trở thành những người mẹ và người vợ trong tương lai. Nói cách khác, vai trò giới hiện diện trong những câu chuyện cổ tích đã hạn chế quyền tự do thể hiện bản thân của cả trẻ em trai và trẻ em gái (Fox, 1993; Rudman, 1995), cũng như buộc họ phải cư xử theo những cách “phù hợp với giới tính” hơn là những cách phù hợp nhất với tính cách của họ.

Một vấn đề khác, đó là truyện cổ tích thường lấy vẻ đẹp của hai người phụ nữ làm thước đo giá trị của chính họ và xác định mối quan hệ của họ là sự đối nghịch (dựa trên sự áp đặt một chiều) thiện-ác, tốt-xấu…

Bằng cách dạy các bé gái giá trị duy nhất của nữ giới là ngoại hình, và một người nữ có vẻ ngoài kém hấp dẫn sẽ là kẻ ác luôn tìm cách làm hại người khác, câu chuyện thực thi ý tưởng rằng điều quan trọng nhất ở mỗi cô gái đó là ngoại hình và sự ngây thơ. Chỉ cần bạn là một người phụ nữ hiền lành, luôn chịu đựng, bạn sẽ được đền đáp bằng một cuộc hôn nhân hạnh phúc đến trọn đời. Những người tò mò hoặc không tuân theo các chuẩn mực đó sẽ phải nhận sự trừng phạt ở cuối chuyện.

VIỆC VIẾT LẠI CHUYỆN CỔ TÍCH CÓ HẠN CHẾ GÌ KHÔNG?

Những năm trở lại đây, bên cạnh việc xét lại, xu hướng viết lại truyện cổ tích cũng đang nóng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chỉ trích đã xuất hiện vì cho rằng xu hướng này đang triển khai góc nhìn chủ quan và thiếu hiểu biết về đặc trưng thể loại của truyện cổ tích.

Việc xây dựng hình tượng mang tính chuẩn mực như vậy là do đặc trưng thi pháp nhân vật – ở đây, các tác giả dân gian (TGDG) đã xây dựng các nhân vật theo loại nhân vật chức năng. Những tính cách của các nhân vật này là biểu hiện của các nguyên lý thế giới: ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão, thiện thắng ác…

cropped chuyen co tich viet nam dac sac
Những năm trở lại đây, bên cạnh việc xét lại, xu hướng viết lại truyện cổ tích cũng đang nóng hơn bao giờ hết

Cũng có ý kiến cho rằng, đối với trẻ em, truyện cổ tích là cách để các con hiểu về thế giới. Và đôi khi, có những chi tiết bố mẹ cho là quan trọng nhưng thực ra đối với con, nó chẳng có ý nghĩa gì.

Ý kiến khác cho rằng, chúng ta đang dùng những chuẩn mực đạo đức của hiện tại để soi xét thái độ, hành vi của các nhân vật ra đời trong bối cảnh xã hội đương thời. Nếu dựa trên những yêu cầu chuẩn mực đạo đức hiện tại để phê phán và viết lại, thì không chỉ truyện cổ tích mà còn vô số những tác phẩm kinh điển ở nhiều thể loại văn học khác cũng có khả năng phải đối diện với hiện thực này. Hành động này của chúng ta chính là đang thay đổi lịch sử.

DẠY CON ĐIỀU GÌ TỪ NHỮNG CÂU CHUYỆN CỔ TÍCH?

Trong một phản hồi đến Báo Giáo dục Việt Nam về việc dạy con từ truyện cổ tích, độc giả Lê Quang Khánh chia sẻ: “Hãy cùng tranh luận, phân tích với học trò của mình, lắng nghe nhiều hơn áp đặt, và hãy truyền thụ một cách khoa học, tự tin không cần ngần ngại trước cái xấu của một người tốt, mà hãy phân tích nó cho người học thấy tốt chỗ nào, xấu chỗ nào, phải hành xử như thế nào trong trường hợp đó là phù hợp.”

Kristen Bell, diễn viên lồng tiếng của nhân vật Anna trong bộ phim Nữ hoàng băng giá, đã xem bộ phim Bạch Tuyết cùng với các con của mình. Sau đó, cô hỏi con: “Tại sao Bạch Tuyết lại ăn quả táo do phù thủy già tặng? Con sẽ không bao giờ nhận đồ của người lạ cho, phải không?”.

Mọi người đều biết rằng cốt truyện kinh điển của câu chuyện cổ tích này là hoàng tử hôn công chúa đang ngủ. Kristen Bell nghĩ rằng điều đó không đơn giản, vì đó là hành vi quấy rối tình dục. Vì vậy, bà mẹ này đã nêu quan điểm và thảo luận với các con về chủ đề: “Con cảm thấy thế nào khi một người thân của con bị hôn bởi một người xa lạ mà không có sự đồng ý của người đó?”.

Snow White the Witch and the apple 1
Truyện cổ tích khơi gợi ở trẻ hình dung đầu tiên về những hình mẫu

Truyện cổ tích là môi trường nuôi dưỡng tâm hồn trẻ, giúp trẻ phát triển tư duy và khả năng ngôn ngữ. Nhưng đồng thời, truyện cổ tích cũng khơi gợi ở trẻ hình dung đầu tiên về những hình mẫu, những điều được mong đợi ở nữ giới và nam giới, định hình cách trẻ nghĩ về vị trí và vai trò của mình trong thế giới này.

NẾU LÀ BẠN

  1. Bạn nghĩ rằng việc “xét lại” và “viết lại” truyện cổ tích có hợp lý không?
  2. Bạn sẽ làm gì đối với những truyện cổ tích có nội dung không phù hợp dựa trên chuẩn mực đạo đức hiện tại?
  3. Bạn đang nuôi dạy con bằng những phương pháp mới lạ (và hữu hiệu) nào? Có thể chia sẻ để mọi người cùng tham khảo được không.
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận

Các bài khác cùng chủ đề