Khi nói đến việc xử lý và biểu hiện cảm xúc, kỳ vọng đối với nam giới và nữ giới có sự khác biệt rõ rệt. Phụ nữ luôn được coi là phái yếu, nhạy cảm nên việc bày tỏ cảm xúc của họ dễ dàng được xã hội chấp nhận.
Nhưng ngược lại, nam giới luôn được dạy rằng cảm xúc và nhu cầu chia sẻ sẽ trở thành điểm yếu của họ “Đàn ông phải mạnh mẽ, không được khóc” “Đàn ông đừng nên nói nhiều không lại thành lèm bèm”… Đó là những chuẩn mực nam tính đầu tiên được tiêm nhiễm vào đầu các bé trai và được điều kiện hóa* trong suốt quá trình trưởng thành khiến nam giới lầm tưởng rằng hình ảnh lạnh lùng, không được để lộ cảm xúc là bản chất tự nhiên của họ.
(*) Một quá trình của hành vi trong đó phản ứng của đối tượng xảy ra thường xuyên hơn trong một môi trường nhất định, dưới ảnh hưởng của tác động củng cố – thưởng phạt hành vi. Ở đây có thể hiểu, nam giới nhận lại sự trừng phạt dưới nhiều hình thức nếu “lỡ” thể hiện cảm xúc và dần dà hiểu rằng việc lặp lại hành vi này không hề có lợi cho mình
Như vậy, nam giới đang bị kìm kẹp bởi chuẩn mực nam tính mà chính họ cũng không ý thức được, dẫn tới sự tuân phục không chút chất vấn. Họ đè nén cảm xúc, tăng cường xung lực gây hấn, ưa thích quyền lực và sự kiểm soát, ám ảnh với hình tượng “người đàn ông chuẩn mực”.
Nếu có một người đàn ông không đáp ứng kỳ vọng nam tính, họ sẽ bị nhìn nhận như một kẻ “ngoại đạo” dị biệt và phải nhận về những phán xét, chỉ trích từ những người cho rằng sự thượng đẳng của nam giới là chuẩn mực. Hay nói cách khác, xã hội sẽ có các cơ chế trừng phạt để người nam phải tuân phục và o ép bản thân vừa vặn với kỳ vọng nam tính.
Thế nhưng điều đáng buồn là, chúng ta đang có quá ít những cuộc thảo luận bàn sâu về áp lực của nam giới. Cần hiểu rằng, bất kỳ xã hội nào vận hành theo sự phân tầng dựa trên giới tính đều khước từ sự đa dạng và tước đoạt quyền tự quyết của mọi cá nhân, không loại trừ đối tượng là nam giới. Chính vì vậy, mục tiêu của bình đẳng giới sẽ không thể đi tới thực chất nếu chúng ta đòi quyền cho phụ nữ bằng cách hạ thấp và truy tố đàn ông bất-cứ-khi-nào-có-thể.
Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới sẽ chỉ là cuộc đối đầu nếu không có sự tự nguyện tham gia của nam giới. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải giải nén những chuẩn mực nam tính truyền thống để có thể đạt được những tiến bộ toàn diện và bền vững hơn trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, để không chỉ phụ nữ mới được trao quyền mà đàn ông cũng sẽ được giải phóng khỏi những khuôn mẫu cứng nhắc đang gây hại cho chính họ.
Hãy cùng Nhà Nhiều Cột theo dõi video dưới đây để hiểu rõ hơn về khái niệm “kìm nén nam tính” và hướng tới xây dựng thêm nhiều cuộc thảo luận thiện chí với nam giới trong tương lai nhé!
#MenSuppression #MenSpeakOut
Bạn có thể tham khảo thêm các video khác xoay quanh chủ đề này tại channel Remaking Manhood: https://www.youtube.com/channel/UCLT-fnUT4IlcSJUovrERKEQ