Đã cướp công còn được trao huy chương, bạn đã gặp chuyện này ở chốn công sở chưa? Nếu có, bạn có thể muốn tìm hiểu về “He-peating”.
He-peating là hiện tượng mà cùng một ý tưởng, nếu phụ nữ nêu ra TRƯỚC thì bị bỏ qua, nhưng nếu đàn ông lặp lại thì được công nhận.
He-peating: Hơn cả một lời nói nhại
Không dừng lại ở thói cướp công của một vài cá nhân, he-peating là sản phẩm của xã hội gia trưởng, nơi tiếng nói của nam giới thường được ưu tiên hơn. Điều này làm lu mờ đóng góp của phụ nữ và tạo ra sự thiên vị một cách có hệ thống dành cho đàn ông.
He-peating kéo dài có thể gây ra bất mãn, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của phụ nữ. Hơn nữa, việc “đứa con tinh thần” của mình liên tục bị cướp công mà thiếu sự bảo vệ từ đồng nghiệp có thể khiến phụ nữ cảm thấy bị cô lập ở nơi làm việc. Lâu dần, người bị cướp công thậm chí bắt đầu nghi ngờ chính năng lực của bản thân và ngừng đưa ra ý kiến.
“Khuôn mẫu giới bảo phụ nữ nói nhiều. Nhưng số liệu chỉ ra rằng, đàn ông nói nhiều hơn, ít nhất là trong môi trường làm việc.” – Jayne Reardon
He-peating làm gia tăng sự bất bình đẳng về quyền lực giữa nam và nữ trong không gian làm việc và xã hội, củng cố định kiến giới rằng đàn ông bẩm sinh thông minh nên anh ta xứng đáng được coi trọng hơn. Điều này gián tiếp dẫn đến những bất bình đẳng giới khác trong môi trường làm việc như khoảng cách tiền lương, tuyển dụng phân biệt giới, tỷ lệ phụ nữ làm lãnh đạo thấp….
Đâu là vaccine hữu hiệu để phòng trừ He-peating?
Theo Juliet Eilperin trên tờ The Washington Post, kỹ thuật “khuếch đại” đã được các nhân viên nữ tại Nhà Trắng sử dụng từ thời của Obama để chống lại He-peating một cách hiệu quả. Khi một người phụ nữ đưa ra một ý kiến hay, những người phụ nữ khác sẽ lặp lại quan điểm đó, ghi nhận công lao của tác giả. Điều này buộc mọi người phải thừa nhận đóng góp của phụ nữ và từ chối cho bất kỳ ai cơ hội để cướp công của họ.
Để ngăn chặn he-peating, tiếng nói đơn độc của người bị cướp công là không đủ, vì về cơ bản, họ thường thuộc nhóm yếu thế nên mới bị cướp công. Họ cần sự giúp đỡ của những người chứng kiến, sự lắng nghe và tôn trọng của các đồng nghiệp, sự coi trọng năng lực phụ nữ của toàn xã hội…
Thực hành việc lắng nghe và tôn trọng để xây dựng một môi trường làm việc công bằng và lành mạnh, nơi không chỉ nhóm người yếu thế mà bất kỳ ai, kể cả chính đàn ông trong một số tình huống trở thành người yếu thế, có thể tự tin đóng góp ý kiến, và khẳng định ý kiến đó là của chính mình.
Ở chỗ làm, trường học hay các mối quan hệ xã hội, bạn đã từng trải qua điều này chưa?