4 năm sau tội ác chấn động Nth room, phụ nữ Hàn Quốc vẫn phải đối mặt với vấn nạn quay lén và tấn công tình dục. Mới đây, một đường dây nhóm chat cung cấp những hình ảnh nhạy cảm về phụ nữ Hàn Quốc lại bị phanh phui.
Cuối tháng 8/2024, một số phụ nữ Hàn Quốc đã phát hiện một hệ thống phòng chat trên Telegram gồm 220,000 đàn ông sử dụng Deepfake để làm ra các video khiêu dâm về phụ nữ. Chúng trao đổi những video thật do chúng quay lén và cả những video khiêu dâm giả mạo. Thủ phạm còn phân loại nạn nhân theo khu vực mà họ sinh sống, ví dụ: có nhiều phòng chat ở Daegu đến mức chúng đã tạo ra “Room Season 4” chỉ riêng cho khu vực Daegu.
Mô hình hoạt động của vụ việc này có nhiều điểm tương đồng với vụ án hình sự Nth Room của Hàn Quốc năm 2020, liên quan đến phát tán video khiêu dâm v, tống tiền và buôn bán tình dục qua ứng dụng Telegram. Vậy nên, đường dây lần này đang được gọi bằng cái tên “Nth Room mới” trên các phương tiện truyền thông.
Mỗi hình ảnh bị phát tán là một vết thương sâu sắc, phá vỡ cuộc sống của những nạn nhân và để lại hậu quả lâu dài. Điều này phản ánh quyền riêng tư và danh dự của phụ nữ tại quốc gia này có lẽ vẫn chưa được tôn trọng và bảo vệ một cách đúng mực.
Cách thức hoạt động của những phòng chat này như sau:
1. Người tham gia vào một nhóm chat chung, tập trung vào một khu vực hoặc một trường học
2. Gửi thông tin nạn nhân bao gồm: Tên/Tên trường/ Năm sinh để kiểm tra xem có ai quen biết nạn nhân không
3. Nếu có quen, họ bắt đầu gửi ảnh đời thường của nạn nhân và sử dụng deepfake để tạo ra các video khiêu dâm dựa trên tư liệu đó.
4. Khi một nạn nhân có nhiều video khiêu dâm deepfake, thủ phạm sẽ tạo một phòng chat riêng cho nạn nhân với tên như: “Phòng làm nhục [tên nạn nhân]”
Đỉnh điểm, có một phòng chỉ có 1932 thành viên chuyên để làm nhục nạn nhân. Các danh mục con của phòng này là:
– Chị em họ, chị em gái
– Các bà mẹ
– Người quen
Hiện tại, có khoảng 500 trường học (gồm cả THCS và THPT) và Đại học đã là mục tiêu của tội ác này, đặc biệt có một nhóm chat với hơn 2.000 thành viên nhắm đến học sinh vị thành niên tại một trường học. Những phòng chat này chứa đựng gần như toàn bộ thông tin cá nhân của nạn nhân: tên, trường học, năm sinh, địa chỉ nhà chi tiết, lớp và khóa, ID Instagram và số điện thoại.
A – Một nữ sinh tốt nghiệp Đại học Inha cho biết cô nhận được tin nặc danh rằng những bức ảnh nóng của cô đang được chia sẻ trong một nhóm chat Telegram, và khi vào nhóm chat, phát hiện rất nhiều bức ảnh deepfake cùng thông tin cá nhân chi tiết của mình. Mặc dù đã báo cảnh sát ngay lập tức nhưng thủ phạm vẫn chưa được xác định, khiến A phải sống trong lo sợ rằng hung thủ sẽ đến lớp học hoặc nhà riêng của cô để đe dọa.
Một nạn nhân khác cho biết khi báo cáo vụ việc, cô đã được cảnh sát yêu cầu từ bỏ vụ án vì rất khó để bắt được thủ phạm, và vì “những bức ảnh đó là giả” nên nó “không thực sự là một tội”.
Một điểm khác biệt của những phòng chat này so với Nth room (2020) là việc ứng dụng rộng rãi của Deepfake trong việc tạo ra các hình ảnh nhạy cảm của nạn nhân.
Theo cơ quan cảnh sát Hàn Quốc, có 297 vụ tấn công tình dục sử dụng deepfake đã được báo cáo trong bảy tháng đầu năm 2024 – tăng từ 180 vụ vào năm ngoái và gần gấp đôi số vụ vào năm 2021, khi dữ liệu bắt đầu được thu thập. Trong số 178 người bị buộc tội, 113 người là thanh thiếu niên.
Những kẻ phạm tội được cho là đã sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Instagram để lưu hoặc chụp ảnh màn hình ảnh của nạn nhân, sau đó sử dụng những bức ảnh này để tạo ra nội dung khiêu dâm deepfake. Tất nhiên, người nổi tiếng nữ cũng không là ngoại lệ khi hình ảnh của họ được phủ khắp nơi do phải xuất hiện nhiều trước công chúng.
Theo báo cáo Security Hero được Wall Street Journal nêu bật, Hàn Quốc được xác định là quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tội phạm tình dục deepfake. Báo cáo đã phân tích gần 96.000 video từ mười trang web khiêu dâm deepfake và 85 kênh trên các nền tảng chia sẻ video trong hai tháng, phát hiện ra rằng 53% trong số những người xuất hiện trong nội dung deepfake là ca sĩ và diễn viên Hàn Quốc.
Ban đầu, vụ việc chỉ được biết đến với những phụ nữ sử dụng X (Twitter cũ) ở Hàn Quốc, tuy nhiên, sau những nỗ lực lan tỏa, nhiều người đã biết đến vụ việc này và tạo ra sức ép quốc tế lên chính quyền Hàn Quốc để thúc đẩy điều tra. Vào ngày 27/8/24, chính phủ Hàn Quốc đã chính thức lên tiếng:
Các quan chức Hàn Quốc, bao gồm cả Tổng thống Yoon Suk Yeol, đã tuyên bố tình trạng “khẩn cấp” trước tỷ lệ tội phạm tình dục kỹ thuật số tăng vọt ở nước này.
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Seoul đã phát động một cuộc điều tra về Telegram vào tuần trước, Woo Jong-soo, người đứng đầu Văn phòng Điều tra Quốc gia, nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo, theo hãng tin Yonhap và AFP.
Ông Woo cho biết cuộc điều tra diễn ra trong bối cảnh lo ngại ứng dụng nhắn tin được mã hóa đang “tiếp tay” cho việc phân phối trực tuyến nội dung giả mạo khiêu dâm. Ông Woo chia sẻ rằng cảnh sát đã mở cuộc điều tra nội bộ “trước khi chính thức tiến hành điều tra”.
Mặc dù việc chính phủ Hàn Quốc lên tiếng nhanh chóng là một điều đáng mừng, tuy nhiên, những nhà nữ quyền Hàn Quốc vẫn còn nhiều lo ngại về hiệu quả của cuộc điều tra này.
Năm 2020, chỉ có tên cầm đầu của hệ thống Nth room bị bắt và kết án, không có hình phạt nào dành cho những tên tham gia khác, vậy nên, phụ nữ Hàn Quốc lo sợ rằng điều tương tự sẽ xảy ra với vụ việc lần này.
Bên cạnh đó, hình phạt dành cho việc tạo ra các video deepfake khiêu dâm với ý định phân phối là 5 năm tù hoặc 50 triệu won (37.500 USD, khoảng 932 triệu VND) liệu có đủ mạnh mẽ để răn đe? Chưa kể đến việc đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy hình phạt thực tế có thể nhẹ nhàng hơn nhiều, đặc biệt là khi kẻ phạm tội mới chỉ là trẻ vị thành niên. Đến bao giờ ác mộng này mới kết thúc với phụ nữ Hàn Quốc?